Phát biểu của Ban MV ĐTLT TGP Tp.HCM dịp Đại lễ Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2170 | Cật nhập lần cuối: 4/12/2018 9:14:36 AM | RSS

Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn
Nhân dịp Đại lễ Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ năm 2018

Phát biểu của Ban MV ĐTLT TGP Tp.HCM dịp Đại lễ Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo TổKính thưa Ban Điều Hành Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (CQPTGLĐĐ),
Kính thưa quý chức sắc đến từ các Thánh sở, Thánh tịnh
Xin kính chào Đại diện chính quyền, các Cơ quan đoàn thể từ Trung ương, Thành phố đến quận và phường.

Sau khi nghe bài thuyết minh giáo lý của Đạo huynh cố vấn Thiện Chí và tổng kết đạo sự của Giáo sĩ Huệ Ý, Tổng thư ký CQPTGLĐĐ, tôi xin chia sẻ vài cảm tưởng.

1. Trong bài “con người trong kỷ nguyên mới và nêu ra các giải pháp của tôn giáo”, tôi nhớ lại thỉnh thoảng đi lên tỉnh Đồng Nai hay về miền Tây thấy một số cổng có ghi “Nông thôn mới” và xã hội cũng nhiều lần đề cập đến con người mới. Kitô giáo cũng nhấn mạnh đến con người mới. Tuy nhiên dường như tiêu chuẩn để xác định con người mới ở trong kỷ nguyên mới đó là gì, thì có khác nhau. Trong bài thuyết minh giáo lý, Đạo huynh Thiện Chí có nêu giải pháp cá nhân và tập thể hay giải pháp cộng đồng cho các vấn đề xã hội. Chúng tôi thích nói đến hai góc độ tiếp cận xã hội của những người phục vụ cộng đồng trong tư cách là người phục vụ cho nhân dân, có thể gọi là giải pháp nhân sinh và giải pháp của giới tín đồ tôn giáo là giải pháp tâm linh. Cùng đối diện với những thách đố trong xã hội, thì giới tôn giáo đề nghị những giải pháp tâm linh tuy không loại trừ những giải pháp xã hội, nhưng vấn đề của chúng ta là làm sao kết hợp những giải pháp nhân sinh, trong đó có việc xây dựng con người mới, con người đạo đức, có văn hóa; với giải pháp tâm linh do các tôn giáo đề nghị là con người có tâm đạo.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường hy vọng” nổi tiếng đã được dịch ra khá nhiều ngôn ngữ và ngài cũng đã chia sẻ cho Giáo triều Công giáo ở tại Rôma. Trong cuốn sách này, ngài có viết một câu mà tôi thiết nghĩ cho dù theo tôn giáo nào chúng ta cũng dễ đồng thuận với nhau đó là “muốn đổi mới thế giới trước hết con phải bắt đầu đổi mới từ chính bản thân của mình”.

Kính thưa quý Đạo hữu, Đạo tâm,

2. Đôi khi chúng ta phóng chiếu yêu cầu đổi mới ra bên ngoài, từ cơ chế đến con người, nhưng là người ngoài, người khác tôn giáo của mình, hay cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền, nhưng có thể chúng ta quên rằng thế giới, xã hội này sẽ không thể đổi mới được nếu bản thân tôi chưa khởi sự đổi mới, từ đổi mới cái nhìn: cái nhìn của mình về người khác, góc nhìn về các vấn đề xã hội, cái nhìn về mối liên kết giữa tín đồ các tôn giáo và sự liên đới với những người trách nhiệm trong xã hội để cùng nhau giải quyết những vấn đề của nhân sinh và xã hội.

Các giải pháp tâm linh của các chức sắc hay tín đồ của các tôn giáo có kinh nghiệm nhiều trăm năm hay nhiều ngàn năm, nên có thể đóng góp cho xã hội rất nhiều trong việc giải quyết những vấn đề nhân sinh. Cụ thể là hai vấn đề mà chúng tôi rất tha thiết được tham gia và cộng tác sâu rộng hơn, mặc dầu vẫn đang tiến hành, đó là lãnh vực giáo dục và y tế. Đạo hữu chúng tôi vẫn ước mong được chủ động, tích cực và tham gia một cách hữu hiệu hơn trong hai lãnh vực này để góp phần xây dựng con người và xã hội.

3. Nhân ngày lễ Khánh đản của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, khi đọc lại những lời giáo huấn của ngài, trong đó có một lời tại chính CQPTGL này vào năm 1973, tức cách đây 45 năm. Đó là:

“ĐẠO thị hư vô nhi vạn hữu
TỔ truyền tâm pháp giải trần lao.”

Như vậy tâm pháp có thể “giải trần lao” được. Khi chúng ta luyện tâm, như CQPTGL ở đây trong năm vừa qua có 600 tịnh viên. Tôi nghĩ với 600 đạo huynh, đạo tỷ từ 15 trường tịnh này được luyện tâm hay củng cố tâm linh, thì 600 gia đình của quý Huynh Tỷ này cũng được tác động tốt bởi các khóa tịnh tu đó. Rồi chắc chắn họ cũng ảnh hưởng đến đại gia đình của mình. Trong gia đình có người lớn người nhỏ thì qua họ, ảnh hưởng tích cực đến với cộng đồng. Đối với các em học sinh thì có bạn học, đối với người lớn thì có các bạn hữu, đồng nghiệp trong cơ quan, thuộc nhiều tôn giáo, với những trách nhiệm khác nhau.

4. Và tôi xin được kết với lời của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, đáng cho chúng ta suy nghĩ và hành động, trong năm mới cũng như năm tới, trong ý hướng xây dựng con người mới, con người có đầy tâm đạo, đó là:

“Giáo đạo huyền thâm pháp diệu mầu,
Chủ tâm chế ngự, ý lần thâu;
Vô thinh vô sắc vô âm tướng,
Vi thiện vi nhân thoát cảnh sầu.”

(TNHT, Q.1, tr. 213)

Khi chúng ta tu tâm, tu thân, có nhiều hình, tướng và nhiều pháp khác nhau. Các giáo pháp đó rất diệu mầu. Thiết tưởng sự khác nhau không quan trọng, nếu chúng ta đều nhắm đến “Vi thiện vi nhân thoát cảnh sầu”, thì sẽ giúp nâng cao xã hội và cái tâm con người.

Ước gì lời dạy của tiền nhân và các hoạt động góp phần xây dựng nhân sinh và tâm linh được nhân lên bởi các thành viên của CQPTGLĐĐ, bởi quý Huynh Tỷ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cũng như bởi mỗi người có mặt ở đây, theo vị trí và chức trách mà cộng đồng tôn giáo hay xã hội đã giao phó cho mình.

Xin cảm ơn và cầu chúc tất cả quý vị đạo hữu, đạo tâm.

Trân trọng kính chào quý vị.

Ngày 31.3.2018
Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn
TGP Tp.HCM