Sự Bình an - ĐH. Đạt Thật

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2182 | Cật nhập lần cuối: 1/5/2018 10:12:12 AM | RSS

LỜI DẪN

Sự Bình an - ĐH. Đạt ThậtNhân buổi họp mặt trong tinh thần đồng tâm kiến tạo nhân hòa, chính nhân hòa là tố chất chủ đạo, là keo hồ kết chặt anh chị em chúng ta tiến lại gần nhau thành một khối đại đoàn kết. Những hình thức tôn giáo không còn ranh giới hay đóng khung dị biệt chủng tộc, đạo phục nghi thức lễ bái…

Tất cả là anh chị em với nhau và đều nhìn nhận Đức Thượng Đế là Đấng Cha chung của vạn loại.

Sự hiện diện đầy đủ mọi thành phần lương - giáo trong buổi Lễ Giáng Sinh năm nay, trùng dụng kỷ niệm 50 năm (1967-2017) Thánh thất Bàu Sen hình thành và phát triển. Hãy chia sẻ hạt giống bình an cho tất cả anh chị em đúng theo ước muốn của THIÊN CHÚA.

Trong đêm Giáng Sinh, muôn vàn thiên thần trên trời đã hát câu:

Vinh danh THIÊN CHÚA trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
(1)

Hội Thánh đã nhắc lại câu ca đó trong phụng vụ Thánh lễ, qua bao thế kỷ và trên khắp hoàn cầu.

Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần- nguyên là Giám mục chánh tòa Long Xuyên- đã phát biểu trong lễ Giáng sinh năm 2016 như sau:

“Với tâm tình hân hoan và khiêm tốn, tôi đón nhận câu ca đó như một món quà thiêng liêng Chúa ban tặng cho tôi.”

Nhật báo Le Figaro (Người Thợ Cạo) ngày Vọng Lễ Giáng Sinh 24.12.1995 có đăng chứng từ của chị Emmanuelle Cinquin (2) như sau:

“Giáng Sinh chính là lễ của Hy Vọng...

Hồi năm 1975, tại khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập, người ta không cử hành Lễ Giáng Sinh nữa. Tôi liền đến gặp Đức Thượng Phụ Shenouda III (1923-2012) và xin ngài chỉ định một Linh mục đến dâng Thánh Lễ Nửa Đêm. Tin vui được lan ra. Mọi người hăng hái quét dọn rác rưởi. Một vài miếng giẻ rách màu mè được dâng lên. Ngọn đèn bằng dầu được thắp sáng, soi chiếu đủ một khu vực nhỏ. Mỗi người cầm trong tay một cây nến và mọi khuôn mặt trông như đẹp hơn ngày thường. Khi tiếng hát Giáng Sinh được cất lên: “Đấng Cứu Thế đã sinh ra” tức khắc mọi con vật giật mình thức giấc: lừa kêu be- be, heo kêu ủn-ỉn, gà cồ gáy ò ó o o, gà mái kêu cục- tác, cục- tác... Thật là một bản nhạc vô cùng độc đáo!!!

Vị Linh mục cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh không cần phải dài lời. Ngài chỉ cần vắn tắt giải thích câu: “Vinh danh THIÊN CHÚA trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nếu Đức Chúa GIÊSU giáng trần lần nữa, hẳn Ngài sẽ đến đây mang theo sứ điệp tình yêu của Ngài. Vậy chúng ta hãy cất tiếng hát vang chúc tụng THIÊN CHÚA.

Thánh Lễ Giáng Sinh kết thúc, tôi phân phát cho mỗi người một trái quít và một chiếc bánh ngọt nhỏ. Mọi người ôm hôn và chúc bình an cho nhau. Xong, mỗi người về túp lều nhỏ của mình, lòng đầy ắp niềm vui Giáng Sinh!

Niềm vui Giáng Sinh không đến từ bữa tiệc Giáng Sinh có đầy thức ăn cao lương mỹ vị, nhưng đến từ sự kiện mọi người cùng nắm tay nhau hát vang lời ca Giáng Sinh, chung quanh máng cỏ có Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng.”

Trong tình thần đó,Thánh giáo Cao Đài có dạy:

“Dầu một cây nhang, một chung nước mà thể hiện được lòng thành, vẫn được chứng như đại lễ.” (3)

Đức Gia Tô Giáo Chủ dạy:

“Vì trong 2000 năm, Ta sẽ tái lâm hạ thế (…)

Đời mạt hạ, Ta hạ thế bằng linh điển để đem con người về đường hướng thiện, để giải tỏa xích xiềng cho bản thân thanh thỏa thân tâm, tu tầm vị cũ. Vì ngày Ta đến thế gian là ngày những tôi trai tớ gái đã nói những lời tiên tri như Ta hiện nay để những sứ đồ, con chiên nhận thức mà tri tầm đạo pháp.” (4)

Ta đến với một mùa đông đầy gió rét,
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài.
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.
Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời.
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.

Một lần nữa, đông thiên lại đến với nhân loài, tuyết lại rơi, băng giá lạnh lùng, cái rét mướt se da cắt thịt bao trùm cho nhân loại.

Thêm lần nữa, chư hiền kỷ niệm ngày Ta giáng lâm. Khi thái dương bừng sáng, Ta lại đến, đến để hành tròn sứ mạng thiêng liêng. (5)

Khi cất tiếng chào đời là chấp nhận tất cả mọi sự mọi vật dưới mọi hình thức dị đồng. Thế giới chúng ta đang sống là cõi nhị nguyên đối đãi: Bốn mùa tám tiết, nhật nguyệt vần xây, thủy triều đông tây, ngày đêm tối sáng, sinh trưởng thâu tàng, thành trụ hoại diệt, sanh lão bệnh tử, được mất hơn thua…

Tất cả đều làm cho con người quay cuồng đảo điên, đứng ngồi không yên, rơi vào trạng thái mất cân bằng trong cuộc sống, hay nói một cách khác, con người tự đánh mất sự bình an trong tâm hồn mình. Làm thế nào con người tìm lại được nguồn bình an thật sự cho chính mình?

SỰ BÌNH AN

Chuyện kể rằng:

Một nhà vua cho biết mình sẽ ban thưởng cho người họa sĩ nào có thể vẽ một bức tranh đẹp và có ý nghĩa nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã đua nhau thi tài. Nhà vua xem qua các bức tranh. Có hai bức ông thật sự thích và lấy làm hài lòng. Nhà vua phải lựa chọn một trong hai bức để phát thưởng.

Bức đầu tiên vẽ về một cái hồ tĩnh lặng, soi bóng những dãy núi cao ngất yên bình xung quanh. Trên cao, bầu trời xanh với những đám mây trắng bồng bềnh. Tất cả những người xem tranh đều nhận xét, đó là một trong những hình ảnh hoàn hảo nhất tượng trưng cho sự bình an.

Bức thứ hai cũng có những dãy núi nhưng lởm chởm, trơ trụi. Bên trên là một bầu trời đang giận dữ đổ mưa với những tia chớp sáng. Vách núi là một dòng thác ngầu bọt đang đổ ầm ầm. Nhà vua nhìn kỹ hơn, thấy phía sau thác nước là một bụi cây nhỏ xíu trong kẽ đá. Ở đó, giữa cơn thịnh nộ, ầm ào xung quanh, có hai mẹ con nhà chim đang nép vào nhau, thật ấm áp và bình an.

Nhà vua chọn phát thưởng cho bức tranh thứ hai và giải thích:

“Bình an không có nghĩa là ở một nơi không có tiếng ồn, không có rắc rối. Sự bình an có nghĩa thật sự là khi ở giữa những nơi như thế, ta vẫn tìm được sự bình an.” Sau khi nghe câu chuyện, quý vị có suy nghĩ gì?

Đây là một câu chuyện có nội dung giáo dục sâu sắc và thực tế. Chúng ta đang sống trong giai đoạn chạy đua với tốc độ phát triển của thời đại, mọi sinh hoạt hầu như đều tất bật, con người không đủ ngày giờ kiểm soát lại chính mình, chuyện này giải quyết chưa xong, chuyện khác lại dồn tới, cứ như thế, bộ máy nhân thân không có ngày giờ tu bổ, cứ chạy theo công việc, theo tiến độ… chạy đến hụt hơi, đến rã rời để trả cái nợ đời, đeo đẳng kiếp phù sinh nhiều hệ lụy.

Để thỏa mãn các yêu cầu công việc của xã hội, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cho bản thân và gia đình, con người phải toan tính đủ điều, lao tâm nhọc trí, mất ăn mất ngủ. Khi đã rơi vào tình trạng như thế, cơ thể mất thăng bằng, tâm bất an, thần bất định, đó là mầm mống, là nguyên nhân phát sinh phiền não dẫn đến bệnh tật và nhiều trở ngại khác...

Thời Tam Kỳ Phổ Độ là thời điểm lịch sử, tất yếu phải có giải pháp lịch sử, và đương nhiên phải có con người lịch sử, mới làm nên sứ mạng lịch sử. Người Thiên ân sứ mạng chấp trì quyền pháp, bậc lãnh giáo tinh thần nhận lấy trách nhiệm hướng đạo, phải bình tĩnh trước mọi bão táp phong ba, mọi phũ phàng nghiệt ngã, thể hiện trách nhiệm trước tổ chức, bởi vì đức độ trung chánh của người lãnh đạo sẽ hóa giải mọi xung đột trong nội bộ. Từ đó, giúp chúng ta vượt qua tất cả vô vàn khó khăn và tránh được nguy cơ sa vào phong đô hỏa ngục.

Đức Chúa dạy:

“Càng bão tố phũ phàng, càng biểu dương tinh thần của kẻ vững lèo vững lái. Sự nhứt tâm trong sứ mạng, sự đoàn kết trong thực hành sẽ giúp chư hiền vượt qua muôn ngàn thử thách. Đừng dại dột phân tranh trên phi cơ khi gió loạn. Ngoại cảnh phũ phàng, nội bộ điên nguy sẽ đua nhau nhận chư hiền đắm chìm trong phong đô hỏa ngục.” (6)

Sự hy sinh cao cả cho lý tưởng đạo đức, cho mục đích cao thượng sẽ nhận được phần thưởng tương xứng:

“Sứ đồ kỳ cuối cùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, vất vả hơn, nhưng cũng vinh quang hơn trong ánh sáng của Đấng Cha lành.” (7)

Đức Chúa dạy:

“Chư hiền nam nữ hãy tọa đàn để Ta nói vài dòng về sự bình an thật. Hãy mở ngõ tâm hồn để mọi thành kiến nông nổi chui ra hầu tiếp nhận những âm vang trong Tam Kỳ Phổ Độ như một mật khải Thánh ân.

Hỡi những dân tộc đang sống trên cùng một quả đất!
Hỡi những đàn chiên đang ăn trên cùng một thảm cỏ!
Hỡi những người sứ mạng đang phụng sự trong cùng một Tam Kỳ Phổ Độ!
Hỡi chư hiền nam nữ!

Sự bình an thật mà Cha Ta đã ban cho, phần đông con người đã đánh mất, thật sự đã đánh mất. Vả chăng còn chỉ là những sự bình an gượng ép giả tạo bên ngoài, không đáng để làm sáng danh cái Đạo sống của Cha Ta vốn luân lưu trong vũ trụ không thời, vốn tiềm mặc trong thâm cung vạn loại. Nếu chưa thấy, hãy nhìn thì sẽ thấy. Nếu chưa nghe, hãy lắng sẽ được nghe.

Những con người sứ mạng không để bước chân tắc nghẽn trong những chặng đường đó. Hãy nỗ lực tiến lên trên đường bình an thật. Hãy sống trọn vẹn bằng đức tin trung chính, đem sự an lạc về cho những người anh em, chị em dưới tầm tay Thượng Đế, vì cớ đã nhận nhìn Thượng Đế là Đấng Cha chung duy nhất, thì tất nhiên những giống dân đen trắng đỏ vàng, cao thấp lớn bé, lành dữ cũng đều là anh em với nhau. Hãy làm đẹp lòng Cha của các ngươi ở trên trời.

Hỡi những anh em nhân loại! Trách vụ cao quý này đến nỗi có lần Ta bảo: Hãy thương kẻ nghịch và cầu nguyện bình an cho chúng nó.” (8)

ĐÁNH MẤT SỰ BÌNH AN

Cái hoang vắng đức tin của tâm đạo là mầm mống bão tố trong hồn kẻ tu hành. Sự bình an đã mất.

Cái thái quá của sự cuồng tín- đồng với ta là phải, là thanh, trái với ta là quấy, là sơ- cũng là yếu tố gây nên sóng gió cho chiếc thuyền bê vào xoáy nước. Sự bình an đã mất.

Cái tham vọng làm thần tượng kiểu mẫu thiên hạ về giáo điều là một bức chắn sáng của tia chân lý bởi những toan tính cá nhân. Sự bình an đã mất.

Cái thiếu thốn phương tiện ăn làm là một mối băn khoăn lo lắng cho người nghèo khó, khiến không phát triển khả năng tiến hóa đồng đều trên đường đạo. Sự bình an đã mất.

Cái bảo thủ ham mê trong sự thừa thãi vật chất khiến con người trở thành máy móc vì trạng thái nơm nớp với lòng tham không cùng. Sự bình an cũng đã mất.” (9)

SỰ BÌNH AN THẬT

“Chư hiền là những người đi tìm sự bình an thật về cho chính mình và cho anh em mình. Hãy sáng suốt trên mọi chiều hướng thượng. Hãy hòa thuận với anh em. Cứ để luật tự nhiên trôi qua, dù không đón chờ, cũng chẳng nên cản lối. Thái độ né tránh luật tự nhiên sẽ không ích lợi gì đâu, mà còn khiến tâm linh thêm thiên lệch khủng hoảng nữa là khác.

Chìa khóa bình an chư hiền đang nắm, cửa bình an không phải tự dưng mà mở. Hãy gõ lấy rồi sẽ được mở. Quả thật, Ta đã từng bảo với đàn chiên như vậy.

Cơ tận thế bày ra kìa trước mắt,
Hỡi nhân loài có gieo rắc được tình thương.
Ngày tái lâm Cha Ta đã dọn sẵn Thiên đường,
Đưa tất cả đàn chiên ngoan về đất Thánh.
(...)
Ngày tận thế cũng là ngày tận khổ,
Ta chiết thân đến độ khắp nơi nơi.
Cha Ta dựng đài cao, cao ngất tuyệt vời,
Và rúc tiếng còi gọi tất cả con người trở về đất Thánh.
Bỏ mùa đông giá lạnh,
Đón ánh sáng yêu sinh.
Việt Nam thanh bình!
Thế giới thanh bình!
Ta sẽ gặp lại chư sứ mạng, chư hiền nam nữ trong muôn thuở của Đại Đạo. (…) Mong cho tất cả nhận được sự bình an thật nơi Đức Chúa Trời.
(10)
GIA giáo ngàn xưa đã cứu đời,
bồi quả vị trở về ngôi.
GIÁO điều còn tạc ghi trang sử,
CHỦ Thánh đạo tông sắc Chúa Trời.
thế kỳ ba xây thượng đức,
DANH lưu vạn đợi khắp trần vơi.
CAO môn Bắc Khuyết Huyền Khung ngự,
ĐÀI tại Nam bang chỉnh lập đời.
(11)

LỜI KẾT

Là một nhân sinh tại thế, sống trong cõi hậu thiên, với quy luật đối đãi đương nhiên, con người bị chi phối bởi nhiều lãnh vực trong đời sống thường nhật, những chi phối đa chiều, đa diện là nguyên nhân chính làm cho chúng ta bị quay cuồng, bị cuốn hút, bị tác động, bị ảnh hưởng, làm trở ngại đến việc tu học hành đạo, khiến cho thể xác bất ổn, tinh thần bất an.

“Người có thể làm được những việc Phật Tiên Thánh Thần đã làm, cũng chính bàn tay người có thể tạo lập một cảnh thái bình an cư lạc nghiệp, có thể nói là thiết lập một cảnh thiên đàng tại thế gian cho muôn dân đều cộng hưởng.” (12)

“Người chơn tu học đạo hãy vững vàng trước mọi biến chuyển, mọi thử thách, mọi gian lao, để cho ngọn tâm đăng soi sáng mới thấy được đường ngay lẽ chánh hầu tiến đến mục đích tối thượng thượng đỉnh, là trở về cùng khối Đại Linh Quang.” (13)

Chỉ có thắp sáng ánh nhiên đăng trong mỗi tâm hồn, lúc đó sự bình an thật sẽ đến và chan hòa trong huyết quản, trong cộng đồng xã hội nhân loại, trong đại gia đình tín hữu Đại Đạo, trong tinh thần vạn giáo nhất lý.

Thích, Nho, GIA, Lão một đường về,
Chánh tín bồi thoát muội mê,
Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ,
Một Trời CHỦ tể khắp tư bề.
(14)

Kinh Dịch có câu: “Thiên địa chi tâm”, nghĩa là: Trời không che riêng, đất không chở riêng, nhật nguyệt không chiếu riêng, Trời làm mưa trên người lương thiện và mưa trên người chưa lương thiện...

Như vậy, những ai có tâm thiện, tâm lành, tâm không phân biệt như tâm của Trời đất sẽ có được một đời sống hạnh phúc và bình an.

Nhưng sự bình an từ đâu đem đến, có phải do các Đấng Thiêng Liêng vì lòng từ bi thương xót chúng sanh mà ban bố hay không?

Đức Chúa dạy:

“Cái an lạc và thanh bình không tự do nơi nào đem đến, chỉ có bản thân cùng tâm linh mỗi cá nhân gầy dựng khi khai triển đúng mức.” (15)

Qua lời giáo hóa của Đức Chúa, sự bình an do chính con người tự kiến tạo, tự khai mở và phát triển đúng mức.

Sự bình an được phát xuất từ nội tâm của con người, và muốn toại hưởng trọn vẹn chúng ta phải chuyên cần huân tập, nỗ lực rèn luyện đạt đến mức thanh tịnh tam nghiệp, thắng được tam độc như lời Đức Chúa giáng dạy:

Thân khẩu ý thanh tiêu ngũ trược, (16)
Trong êm ngoài ấm mới bình yên.
Bình yên nhờ thắng giặc sân tham,
Tham lấn chi cho mệt xác phàm.
(17)

Có thơ rằng:

Bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn,
Để tâm thanh tịnh cho mình bình an.

Trân trọng kính chúc hạnh phúc và bình an trong hồng ân THIÊN CHÚA.

Thánh thất Bàu Sen, 24.12.2017
ĐẠT THẬT

___________________________
Chú thích:

(1) Luca 2, 14
(2) Chị Emmanuelle Cinquin, thế danh là Madeleine Cinquin, là một nữ tu dòng Đức Bà Sion, một hội dòng chuyên về ngành giáo dục. Chị chào đời ngày 16-11-1908 tại thủ đô Bruxelles bên vương quốc Bỉ và qua đời ngày 20.10.2008 tại thành phố Callian ở miền Nam nước Pháp. Thân mẫu chị là người Bỉ, thân phụ chị là người Pháp.
(3) Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 21/6 kỷ dậu (03.8.1969).
(4) Huờn Cung Đàn, 02/12 Quý Sửu (25.12.1973).
(5) Thánh Thất Bàu Sen, 23/11 Đinh Mùi (24.12.1967).
(6) Thánh Thất Bàu Sen, 23/11 Đinh Mùi (24.12.1967).
(7) Đức Chúa, Thánh Thất Bàu Sen, 17/11 Kỷ Dậu (25.12.1969).
(8) Thánh thất Bàu Sen, 07/11 Tân Hợi (24.12.1971).
(9) Đức Chúa, Thánh thất Bàu Sen, 07/11 Tân Hợi (24.12.1971).
(10) Đức Chúa, Thánh thất Bàu Sen, 07/11 Tân Hợi (24.12.1971).
(11) Huờn Cung Đàn, 12/11 Quý Sửu (25.12.1974).
(12) Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 03/12 Ất Tỵ (25.12.1965).
(13) Đức Ngọc Lịch Nguyệt, Vĩnh Nguyên Tự, 15/11 Giáp Dần (01.01.1972).
(14) Huờn Cung Đàn, 02/12 Ất Tỵ (24.12.1965).
(15) Thánh Thất Bàu Sen, 17/11 Kỷ Dậu (25.12.1969).
(16) Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược.
(17) Đức Chúa, Thánh tịnh Minh Đức, 21/11 Giáp Thìn (24.12.1964).