Về đối thoại liên tôn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2012 | Cật nhập lần cuối: 2/20/2017 4:43:40 PM | RSS

Về đối thoại liên tônSkorka: Có một ngày, một linh mục nói với tôi là ở Argentina, chỉ có Công giáo mới được chính thức tham dự vào các ngày lễ quốc gia nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ không thay đổi. Ý tưởng này vẫn còn khắc trong đầu tôi.

Bergoglio: Chắc chắn anh còn nhớ: khi mới nhận chức Tổng Giám mục Buenos Aires và theo truyền thống khi tôi dâng thánh lễ Tạ Ơn (1), tôi sẽ đi cùng Tổng thống ra tận cửa. Còn tất cả các anh, những đại diện các tôn giáo khác, vẫn đứng yên như các bức tượng trong viện bảo tàng. Tôi đã thay đổi truyền thống này: bây giờ, tổng thống sẽ chào tất cả các đại diện tôn giáo. Đó là bước đầu tiên theo chiều hướng anh nói. Từ năm 2009, buổi lễ gồm hai phần: phần đầu là bài hát truyền thống, tạ ơn, bài giảng và lời cầu nguyện Công giáo, phần thứ hai dành cho đại diện mỗi tôn giáo lên đọc lời cầu nguyện của mình. Bây giờ,mọi người đều đã góp phần tham dự.

Skorka: Đó là những hành động có ý nghĩa rất lớn, một cách thể hiện tầm quan trọng của đối thoại liên tôn.

Bergoglio: Anh cũng có một vai trò rất quan trọng trong việc này. Tôi không quên, anh đã mời tôi hai lần đến cầu nguyện và nói chuyện ở hội đường. Còn tôi, tôi mời anh đến chủng viện nói chuyện về các giá trị với các chủng sinh của chúng tôi.

Skorka: Anh thật dũng cảm, vì thế nào trong chính nội bộ của anh cũng có người không nghĩ giống anh.

Bergoglio: Lần đầu tiên những người phái Phúc âm mời tôi đến dự các buổi họp của họ là ở sân vận động Luna Park, sân vận động chật kín người. Ngày hôm đó một linh mục Công giáo và một mục sư phái Phúc âm lên diễn thuyết. Mỗi người thay phiên nhau nói hai lần, có một khoảng nghỉ ăn bánh buổi trưa. Rồi vị mục sư phái Phúc âm xin mọi người cầu nguyện cho tôi và cho việc mục vụ của tôi. Ông hỏi tôi trước liệu tôi có đồng ý không, dĩ nhiên là tôi đồng ý. Trong lúc cầu nguyện, việc đầu tiên là tôi quỳ gối, một thói quen của người Công giáo vì tôi phải nhận lời cầu nguyện và chúc lành của bảy ngàn người đang ở đó. Một tuần sau, một tạp chí đăng tiêu đề viết rằng: “Buenos Aires: Trống tòa! Tổng Giám mục mắc tội bội giáo”. Theo tạp chí này, cầu nguyện với người khác là bội giáo. Dù với người theo thuyết bất khả tri, tôi có thể đưa mắt nhìn trời, họ với hoài nghi của họ, tôi với đức tin của tôi, và tìm hiểu về sự siêu việt, mỗi người cầu nguyện theo truyền thống của mình, đâu là vấn đề?

Skorka: Một trong những người bạn rất thân của tôi, một giáo sĩ rất đặc biệt, ông Shmuel Avidor HaCohen, có viết một quyển sách “Người bơi ngược dòng”. Ông lớn tuổi hơn tôi và là một trong những thành viên sáng lập phong trào “Hòa bình Ngay lập tức” ở Do Thái. Đó là một nhà cách mạng theo đúng nghĩa cách mạng trên nhiều lãnh vực. Ông viết quyển tiểu sử Abraham Isaac HaCohen Rook, một giáo sĩ nổi tiếng khác ở nữa đầu thế kỷ XX. Ông này nói, những ai xây dựng các khu định cư Do Thái (kibbutzim), dù họ không giữ đạo thì cũng coi như họ giữ đạo vì họ hướng về Đất Hứa, khi đất này chỉ là bãi lầy vô giá trị bởi người Thổ chiếm đóng. Theo ông, nối kết với lao động đất đai, một hành động bị cấm với người Do Thái ở Âu châu là một cách giữ đạo. Nó cũng giống như anh quỳ gối với người thuộc phái Phúc âm, anh là người bơi ngược dòng. Đó là lý do vì sao Shmuel đặt tên cho tác phẩm của mình là “Người bơi ngược dòng”. Từ quan điểm trên, tôi trân trọng những thay đổi anh đã làm, đó là một bước tiến lớn, Tổng thống chào đại diện các tôn giáo trong thánh lễ Tạ Ơn và nhiều người còn lên nói trên bục giảng. Thay đổi những điều này bên trong truyền thống cổ xưa không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi khen anh vì anh đã cố gắng bứt phá cái vòng lẩn quẩn cũ kỹ đó. Đó là việc làm của chúng ta, và cũng là thách thức của chúng ta.

Jorge Mario Bergoglio & Abraham Skorka
Trích “Dưới đất cũng như trên Trời”, tr. 210-212