Đối diện với nghịch cảnh và khổ đau: Chia sẻ của Đại Đức Thích Quang Thạnh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 723 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chia sẻ của Đại Đức Thích Quang Thạnh (*)


Chiều thứ Bảy, ngày 30.10.2010, trong tinh thần đối thoại liên tôn, nhằm tìm hiểu cách giải quyết vấn đề đau khổ theo quan niệm của đạo Phật, Ban Mục vụ Gia đình đã mời Đại Đức Thích Quang Thạnh đến chia sẻ đề tài “Đối diện với nghịch cảnh & khổ đau”, tại Trung tâm Mục vụ TGP. Tham dự buổi thuyết trình, ngoài các thính giả thường xuyên của Chương trình chuyên đề thứ Bảy, còn có 5 đại diện của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn Giáo phận. Sau đây là các điểm chính trong phần trình bày của vị Tỳ kheo Phó Thư Ký Ban Hoằng Pháp Thành Hội Phật giáo Tp. HCM.

Đối diện với nghịch cảnh và khổ đau: Chia sẻ của Đại Đức Thích Quang ThạnhCầu nguyện trước buổi thuyết trình


Trong cuộc sống xã hội ngày nay, con người phải đối diện với rất nhiều vấn đề thời đại. Khoa học càng phát triển bao nhiêu thì nhu cầu cuộc sống và điều kiện sống càng phải nâng cao bấy nhiêu theo nhu cầu của xã hội. Thế nhưng, khoa học càng phát triển thì trớ trêu thay, đạo đức con người càng xuống cấp, tỷ lệ nghịch với những phát triển của khoa học. Có thể nói rằng đi vào trong cuộc đời là đi vào biển cả, tất cả những ai đi vào biển cả buộc phải đối diện với sóng to gió lớn, không thể nào mong cầu không có sóng khi bước vào đại dương. Cuộc đời cũng vậy, khi đi vào đời, người ta phải chuẩn bị và biết chắc rằng sẽ phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, khổ đau. Có như vậy thì con người mới ngày càng tiến bộ và mới hiểu được chân giá trị của cuộc sống trước những bão táp, phong ba của cuộc đời.


Không phải cuộc đời đầy dẫy những khổ đau, cũng không phải có quá nhiều nghịch cảnh, nhưng đó là do bản chất của cuộc đời giống như đại dương buộc phải có sóng gió. Vấn đề là chúng ta đi vào đó bằng phương tiện nào để có thể làm chủ được những làn sóng đó. Những ai không chịu đựng nổi những làn sóng đó, thì họ xem là nghịch cảnh, ngược lại ai chinh phục được sóng to, gió lớn như vậy, thì họ cảm thấy đại dương vẫn bình thường. Cuộc đời cũng vậy, khổ đau hay vui sướng hạnh phúc đều do cảm nhận của con người, nhưng hầu hết người ta gặp phải nghịch cảnh, khổ đau hơn là gặp được những giây phút an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời này.


1. Quan niệm về nghịch cảnh và khổ đau


Nghịch cảnh là những gì nghịch lại, cản trở cuộc sống của con người chúng ta, những ước muốn mà con người không thể thực hiện được. Còn khổ đau là sự đau đớn về thân xác và tâm hồn trước một sự việc, hiện tượng nào đó.


Trong cuộc đời mỗi người, không phân biệt già trẻ, ai cũng có thể gặp phải những nghịch cảnh, tùy vào sự phát triển của xã hội cũng như môi trường sống và làm việc, học tập mà mỗi người có thể gặp phải những nghịch cảnh ở những cung bậc khác nhau.


Đối với trẻ em chưa đến độ tuổi trưởng thành, mặc dù chẳng phải lo cái ăn, cái mặc, nhưng chuyện học lại là một nghịch cảnh trớ trêu mà chúng phải đối phó. Câu chuyện giáo dục vẫn là câu chuyện dài chưa đến hồi kết trong bao nhiêu năm qua, việc học quá nặng nề khiến cho tâm hồn trẻ thơ trở nên rối loạn. Phải chăng nền giáo dục muốn tập cho các em tính kiên nhẫn chịu đựng khi mà chúng phải học quá nhiều, chúng bị gò vào những khuôn khổ phi lý trong khi còn đang ở độ tuổi chỉ thích hợp cho việc vừa học vừa chơi để thanh thoát tâm hồn và phát triển trí tuệ.


Ở người trẻ trên tiến trình trưởng thành, khi học trung học, đại học, bắt đầu hình thành ước mơ, hoài bão khi sắp bước vào đời; ngoài khó khăn trong việc học khi bước vào ngưỡng cửa của tình yêu đôi lứa, thì sự thay đổi và phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi này cũng là một trở ngại. Sự tò mò và muốn khám phá về những biến chuyển cơ thể cũng như những chân trời rộng mở của cuộc sống mà không có được sự hướng dẫn, giáo dục thích đáng của nhà trường, của gia đình, của những người đi trước đôi lúc cũng làm chùng bước những người trẻ.


Tình yêu đôi lứa có thể là một khung trời hoa mộng đối với nhiều người, nhưng bước vào đời sống hôn nhân, nếu không được học hỏi, không chuẩn bị tâm lý để có sự hòa hợp cần thiết, thì nhiều người cảm thấy trớ trêu thay cuộc sống gia đình. Trong đời sống gia đình, cái tôi ung dung tự tại, cái tự do của thời độc thân muốn làm gì thì làm cho thỏa thích không còn nữa. Nơi gia đình, mỗi người cần phải sống với trách nhiệm, sống theo nề nếp mà xưa nay người độc thân chưa quen sống. Bên cạnh đó, tình cảm vợ chồng lâu dần cũng nhạc phai theo năm tháng, rồi tâm lý con người biến đổi khi người vợ sinh con, khi vợ chồng chỉ biết làm mọi thứ vì con, không còn quan tâm đến nhau như thuở ban đầu. Những điều này làm cho người chồng, người vợ cảm thấy không thỏa mãn được ước muốn của mình.


Người già thì luôn gặp những khó khăn về nhiều phương diện khác nhau trong sinh hoạt và nếp sống hằng ngày như: việc ăn uống, đi đứng, làm việc, sức khỏe, bệnh tật, giảm trí nhớ…, tất cả mọi sinh hoạt đều bị trở ngại và trở nên khó khăn hơn vì sự già nua về thân thể và lão hóa về tinh thần.

Để sống, tồn tại được trong cuộc đời này, con người ta phải làm lụng để có được cái ăn, cái mặc. Đi làm để kiếm được đồng tiền đôi lúc cần phải dẹp qua sĩ diện vì nhập gia tùy tục, đi theo khuôn khổ của công ty thuê mướn. Có lúc, vì công ăn việc làm, người ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời dẫn đến mất nhân cách: ăn nhậu, chè chén say sưa, nịnh bợ, tranh giành quyền lực, ganh tị, hãm hại lẫn nhau…Nếu là nhà kinh doanh, nhiều khi người ta dùng mọi chiêu thức cạnh tranh, bất chấp thủ đoạn, không cần đạo đức, chẳng cần lương tâm miễn sao chiếm lĩnh thị trường, và sẵn sàng triệt hạ đối thủ.


2. Tính phổ quát của thực tại đau khổ


Đó là những nghịch cảnh, khó khăn và trở ngại mà bất cứ người nào, dù già hay trẻ, dù sang giàu hay nghèo khó đều buộc phải đối diện, khi sống trong biển đời mênh mông vô tận với những cơn sóng đầy bạo lực và phức tạp.


Đau khổ lại là một thực tại khác của đời sống mà không ai trên thế gian này có thể tránh được trong thân phận làm người của mình. Theo quan niệm Phật giáo, thì sinh, lão, bệnh, tử là những cái khổ mà con người ai cũng phải trải qua. Khi bắt đầu lọt lòng mẹ, đứa bé đã cảm nhận được cái khổ của môi trường sinh sống không còn gống như trong dạ con người mẹ, nghĩa là sinh ra là khổ.


Vướng vào bệnh tật là đau khổ biết dường nào, nhất là với môi trường y tế như Việt Nam hiện nay. Bước vào bệnh viện là thấy rõ nhất nỗi khổ cực, nhọc nhằn của bệnh nhân và thân nhân. Nơi đó, họ không chỉ đau đớn vì căn bệnh trong người, mà còn đau vì thái độ phục vụ không tốt của đội ngũ bác sĩ, y tá lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Còn nỗi khổ của người già là ăn không ngon, ngủ không yên, đi đứng không được thuận tiện, đi đâu cũng lo lắng, sợ hãi những bất trắc có thể xảy ra. Chết cũng là một cái khổ vì hầu hết người ta, thường chết với một tâm hồn không tỉnh thức, thế nên thường đau đớn về thể xác và hốt hoảng về tinh thần. Ngoài sinh-lão-bệnh-tử, triết lý nhà Phật còn phân biệt bốn hinh thái khổ sau đây:


- Oán tắng hội khổ, nghĩa là sự khó chịu và khổ sở vì phải sống chung và đối diện với người mình không ưa thích, cái khổ do sự nóng giận bộc phát. Người ta thường nói “Ghét của nào trời trao của đó” là vậy, ghét nhau mà gặp nhau thì khổ lắm.


- Cầu bất đắc khổ là nỗi khổ vì những mong cầu của bản thân không được như ý muốn. Với người trẻ có thể khổ vì tình duyên lận đận, con đường học hành, công danh trắc trở. Người đi làm thì thất vọng vì không được thăng chức, đồng lương không được như kỳ vọng để trang trải cuộc sống. Người già thì muốn con cháu quay quần, nhưng mỗi đứa lại đi một nơi vì cuộc mưu sinh. Cha mẹ thì khổ vì con cái làm trái ý mình, không nghe những lời dạy bảo mà cha mẹ cho rằng sẽ mang lại điều tốt đẹp cho con cái…


- Ai biệt ly khổ là sự khổ đau trước cảnh sinh ly tử biệt. Đó là sự đau khổ khi phải chia ly tình cảm giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, đồng nghiệp vì một lý do nào đó chẳng hạn như một người qua đời. Trong giới trẻ có thể là sự chia tay trong tình yêu đôi lứa, nhất là mối tình đầu tan vỡ dễ làm người ta đau khổi.


- Ngũ ấm xí thạnh khổ: sự đau đớn và khổ sở khi bị dày vò vì sự xung đột, mâu thuẫn của thân ngũ ấm. Ngũ ấm là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm: sắc là thân thể và các giác quan, thụ là cảm giác, tưởng là tri giác, hành là hoạt động tâm lý và thức là các dạng ý thức liên hệ đến các giác quan. Mang thân con người đã là khổ, bản chất cơ thể con người là không sạch sẽ, vì thế phải làm sạch cơ thể hằng ngày. Về mặt tư tưởng, con người luôn sống bằng cái tâm tham, sân, si. Chính tư tưởng tham lam, sân hận, si mê này làm cho con người tự dằn vặt mình mà sinh ra đau khổ.



Đối diện với nghịch cảnh và khổ đau: Chia sẻ của Đại Đức Thích Quang Thạnh



3. Phương thức hóa giải nguyên nhân khổ đau theo Phật giáo


Nguyên nhân dẫn đến nghịch cảnh và khổ đau là do bị lệ thuộc vào lòng tham, sân, si; vào cảm xúc và những tình cảm mừng, giận, thương, yêu, ghét, muốn, được. Đời sống tinh thần con người bị chi phối trong 7 cảm giác này, nên nếu làm chủ được chúng thì ta sẽ hóa giải được nghịch cảnh và khổ đau.


Theo quan điểm của Phật giáo, cuộc đời vốn dĩ là khách quan vô tư (không khổ, không vui), thế nên muốn chinh phục những nghịch cảnh và đau khổ cuộc đời, cần  biết tu tập Tam Học “Giới-Định-Tuệ”.


a. Giới là những chuẩn mực, quy tắc mà người ta nên giữ gìn để làm chủ được cuộc sống, là phương tiện làm tăng thêm nhân cách đạo đức, làm nền tảng cho con người đi vào đời sống phức tạp. Tuy nhiên, giới không giống như những quy tắc hay những điều luật buột con người phải tuân theo như ở trường học, cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội…, đó chỉ là những lời khuyên con người nên thực hành để được an lạc, nghĩa là được bình an và niềm vui từ trong tâm hồn. Giới chỉ là những phương tiện tạm thời để giải thoát con người ra khỏi đau khổ và phiền não ở đời, và nó sẽ không còn hữu dụng nếu như con người đã thoát khỏi phiền não và khổ đau trong thân tâm.


Sự tu trì về giới đòi hỏi trải nghiệm qua từng giai đoạn. Cần luôn trở về với chính mình, để ý từng hành động, cử chỉ, suy nghĩ, việc làm xem có đúng nhân cách đạo đức hay không và có nô lệ cho tham lam, sân hận, si mê hay không. Điều này giúp tạo nên nội lực, và chính nội lực sẽ chinh phục ngoại cảnh, tiền bạc, địa vị, vật chất, sắc đẹp bên ngoài. Giới là nền tảng đầu tiên làm cho tâm hồn thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh, ta sẽ thấy hết tất cả cảnh vật, tiếp nhận cảnh vật, nhưng không bị vật lôi cuốn mà làm chủ được nó. Khi nhận thức được như thế thì tâm sẽ định.


b. Định nghĩa là đối diện với cảnh mà không bị lay động bởi trần cảnh và chinh phục được ngoại cảnh. Bất cứ người nào đối diện với cuộc đời mà không bị ô nhiễm, không bị lay động, thì lúc đó tâm thanh tịnh; khi tâm thanh tịnh thì tuệ phát sinh.


c. Tuệ khác với kiến thức và trí thức, sống bằng ý thức và hiểu biết thì vẫn còn đau khổ do tiếp nhận từ bên ngoài nhưng tuệ có được là do tâm con người có sự quân tập bên trong, tâm lắng đọng, tuệ phát sinh. Sống bằng tuệ thì không bị khổ đau và nghịch cảnh chi phối.


Nói chung, giới, định, tuệ là hành trang để hóa giải nghịch cảnh và khổ đau, là kim chỉ nam để làm chủ cuộc đời, để có được an lạc. Để làm được điều đó cần phải tu hành theo cách văn, tư, tu: văn là tâm phải tập trung, tư là gạn lọc những gì thích hợp cho mình và tu là sửa đổi con người mình.

*  *  *

Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời cám ơn của một nữ tu đại diện các thính giả, và phần trao quà lưu niệm cho Đại Đức.


------------------------

(*) Ảnh và các tiểu tựa: BMVĐTLT.


John Bosco Nguyen Hoang Thuong

 

Nguồn: ubmvgiadinh.org