Đức Nhân Ái trong Khổng giáo, Phật giáo, Kitô giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1608 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. Đức Nhân Ái trong Khổng giáo

Quan niệm về con người

"Trong muôn vật, con người là linh thiêng nhất".

"Con người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, điểm hội tụ của Thần linh" (Kinh Thư )

Do đó, đạo làm người, đạo  NHÂN là tư tưởng chủ đạo của học thuyết Khổng Tử, đức Nhân đứng hàng đầu trong hệ thống đạo lý làm người, là tiêu chuẩn cao nhất của phẩm giá con người.

Để hiểu và nắm đầy đủ ý nghĩa của chữ NHÂN, trước hết chúng ta cần phân biệt  2 cách viết chữ NHÂN theo quan điểm của Đức Khổng:

- Nhân: con người về mặt thể lý, có 2 chân, là một sinh vật ().

- Nhân (): gồm có Nhân và Nhị là 2, chữ nhân nép sang trái để dành chỗ cho chữ Nhị (): con người chỉ thật sự là NGƯỜI khi có tương quan với người khác, khi hiện diện và liên kết với tha nhân. Chính Khổng Tử đã sáng tạo chữ Nhân () này để diễn đạt đạo lý nhân sinh đặt nặng mối tương quan giữa người và người.

Trong tất cả tác phẩm của ngài, thầy Khổng đều nói đến đạo Nhân nhưng tác phẩm đề cao và triển khai các góc độ của đức Nhân phong phú và uyển chuyển nhất là sách Luận ngữ thuật lại những câu chuyện giữa thầy trò. Từ chữ NHÂN ngài giảng giải theo những góc độ khác nhau tùy theo mỗi môn sinh.


Trước hết, Nhân là thương yêu người, yêu tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, cá tính, quan điểm.


Từ một chữ NHÂN, ngài đề cao những khía cạnh khác nhau tuỳ theo mỗi môn sinh:


- Nói chuyện với Nhan Tử, Đức Khổng nhấn mạnh: Sửa mình theo Lễ là nhân. Với Nhan Uyên: theo Lễ là theo thiên lý, bỏ hết tư dục. 

- Đối với các môn sinh khác: Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì không nên làm cho ai. Đức Nhân không phân biệt giai cấp, vị trí xã hội. Một lần đó, Khổng Tử xong việc triều đình về nhà, nghe nói chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông hỏi là Có người nào bị thương không? Ngài không thắc mắc gì về các con ngựa vì chúng chỉ là của cải mà ngài quan tâm trước hết là số phận con người dù họ là những người hầu hạ chăm lo nuôi ngựa.

Nhân có nhiều tình cảm rất hậu nên Nhân bao hàm Ái. Đó là đức Nhân Ái. Vì có lòng nhân nên người ta mới hợp quần với nhau, mới có lòng bác ái, coi nhau như anh em, cả đoàn thể như một người, cả vũ trụ nhất thể. Đã là một thân thì chỗ nào đau là cả người đều đau. Người bất nhân trong xã hội cũng như người mắc bệnh tê, ai đau khổ thế nào, gặp tai nạn hiểm nguy, người bất nhân vẫn dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.

Người có lòng nhân cảm thông với mọi người, không phân biệt giống nòi, chủng tộc, quốc gia. Nếu vua nước Sở đi bắn mà làm mất cung thì không nên buồn phiền vì người nước Sở được cung. Đức Khổng cho rằng nghĩ như vậy là hẹp hòi. Vua nước Sở mất cung thì bất cứ ai, ở đâu lượm được cung thì cung đâu có mất. Đạo nhân phải vượt qua biên giới quốc gia và chủng tộc: Tứ hải giai huynh đệ.

Vậy nhân ái là thương mọi người, không loại trừ một ai.

Nhân là gốc dẫn đầu các đức: Nhân gắn liền với Nghĩa, là hào hiệp, diễn tả tâm tình đáp trả các ân huệ đã nhận được dù nhỏ dù lớn. Thuyết Nhân-Nghĩa là khuôn vàng thước ngọc của châm ngôn đạo lý Khổng giáo và gắn liền với Lễ.

Lễ, là nghi lễ, là quy tắc ứng xử với mỗi người theo tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội, quốc gia, đó là một nhu cầu văn hoá tôn trọng và nâng cao nhân phẩm tha nhân, mỗi người theo vị trí, chức năng, tuổi tác… Đó là một điểm ưu tiên trong cách học làm người.

"Tiên học Lễ, hậu học văn!"

     Muốn Thành Nhân, con người còn phải rèn luyện trí tuệ, học hỏi không ngừng: Đức Trí là con đường tiến triển mở rộng tầm nhìn và kiến thức mọi mặt. Học bất cứ ở đâu. Đi trên đường, với 2 người khác, thấy người có cái tốt thì bắt chước, thấy cái xấu thì hiền hoà sửa sai. Cùng với người bên cạnh, chúng ta lần lượt vừa là thầy vừa là  học trò của nhau. Học là quyền lợi của mọi người, không loại trừ một ai: Hữu giáo vô loại.

Đã thực hiện được 4 đức Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí thì hậu quả là phát huy uy tín, đưọc mọi người tín nhiệm.

Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín được gọi là Ngũ Thường, 5 đức độ gắn kết với nhau để hoàn thiện con người trong mọi mối tương quan giữa những con người ở trần thế là những linh vật liên kết Trời với đất: Thiên-Địa-Nhân nhất thể (Thiên thời, địa lợi, nhân hoà).

Ngũ thường là nền tảng của đạo lý không những của Trung Hoa thời Khổng Tử mà của cả nền văn hoá Phương Đông trong đó có Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Mặc dù phạm trù Nhân của Khổng Tử có sức mạnh giáo dục, cải hoá trong thời kỳ phong kiến, cách chúng ta 25 thế kỷ nhưng hôm nay không phải đã hoàn toàn lỗi thời. Trong bất cứ một xã hội nào nặng về hận thù, cá nhân chủ nghĩa, phân chia giai cấp, niềm tin, quốc gia, chủng tộc, thì đạo lý Nhân Nghĩa, Tứ hải giai huynh đệ vẫn giữ giá trị cải thiện nhân sinh và thăng tiến phẩm giá con người.

 

II. Đức Nhân Ái trong Phật giáo

Dẫu xây chín đợt phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người.


Đức Nhân của đạo lý KHỔNG TỬ có nhiều nét  đồng quy tương xứng với Từ Bi của Phật giáo ngành Đại Thừa.

Từ: lòng nhân ái biểu hiện bằng hy sinh để cứu vớt tha nhân.

Lòng Từ Bi không hướng về một số người giới hạn mà bao bọc hết mọi người, đến cả mọi sinh linh trên cõi thế. Từ bi còn là tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi tạo vật không phân biệt thân sơ, giống nòi, vị trí, tính tình… Đó là tôn chỉ của Phật giáo Đại Thừa, cởi mở và thích nghi, uyển chuyển với nhân sinh, với xã hội, văn hoá địa phương. Từ Ấn độ, bánh xe Đại Thừa đã hội nhập nhuần nhuyễn thích nghi với các nền văn hoá Viễn đông: Trung Hoa, Triều Tiên, Hàn quốc, Đài loan, Nhật bản, Việt nam và các nước lân cận.

 Từ bi là bất chấp ngã, không bám víu vào cái "ngã" mà hướng về cái "Tha", biến vị ngã thành vị tha, không phân chia bạn và thù, trên và dưới, xa hay gần  mà phải sẵn sàng hy sinh cứu giúp bất cứ ai khốn khổ. Đó là tư bi vô lượng.

Từ Bi đi đôi với Hỷ Xả. Hỷ là tâm an vui khi "tự giác" để "giác tha", vui với hạnh phúc của tha nhân. Xả: xoá bỏ, không quyến luyến vấn vương, như vị Bồ Tát, (vị thánh) tuy đã giác ngộ, thoát thế nhưng không bám vào cõi lạc Niết Bàn mà ở lại trong xác phàm để độ thế, mang lấy số phận hẩm hiu của nhiều nguời như Đức Phật nói: “Tôi phải mang lấy gánh nặng của mọi chúng sinh”.

Một gương mặt điển hình của lòng từ bi vô lượng mà phần đông ai trong chúng ta cũng  được nghe kể lại là Quan Âm Thị Kính.

Tại Việt Nam, sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền trong dân gian qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, truyện, kịch, thơ… nghĩa là rất được phổ biến. Là vợ của Thiện Sĩ, Thị Kính một đêm, chồng đang ngủ, thấy trên cằm có sợi râu mọc ngược liền lấy dao xén, chồng tỉnh thức, giận dữ, la hét, đuổi vợ về nhà cha mẹ. Xót thương thân phận làm người, nàng liền xin vào chùa tu dưới dạng nam nhi vì thời đó chưa có chùa cho giới nữ. Sư cụ nhận lời, đặt tên đệ tử này là Kính Tâm. Gần chùa, có cô Thị Mầu đến dụ dỗ tình cảm Kính Tâm nhưng bị cự tuyệt. Thị Mầu liền dan díu với một lực điền, mang thai, bị tra hỏi thì đổ lỗi cho Kính Tâm. Thị Mầu trả con cho chùa. Mặc dầu bị vu oan, vì lòng xót thương, Kính Tâm bế trẻ đi xin sữa nuôi bé. Ba năm sau, kiệt sức, Kính Tâm qua đời, mọi người mới hay Kính Tâm thuộc nữ giới. Nhà chùa lập đàn giải oan, được một hào quang ngũ sắc chiếu sáng trên hình ảnh Kính Tâm từ đó được cung kính như một Bồ tát.

Câu chuyện trên đây dù là một huyền thoại hay một sự tích có thật thì ý nghĩa của vô ngã vị tha vẫn là một nét son của Phật tính.

Từ bi là lẽ sống của người tu hành, từ người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, người không thân đến kẻ thù, toàn thể chúng sinh, đến muôn vật mang sự sống. Thương yêu một sinh vật cũng là thương yêu chính mình. Do đó, Phật tử đặc biệt là tu sĩ, tăng ni tránh sát sinh và có phong tục “phóng sinh”, tôn trọng sự sống, yêu hoà bình, chủ trương bất bạo động, chấp nhận hy sinh, xả thân cứu khổ.


III. Đức Nhân Ái trong Kitô giáo

Nếu trong Phật giáo, Bồ Tát là người vì từ bi vô lượng, dù đã đạt đến Niết Bàn cực lạc vẫn sẵn sàng từ giã vinh dự và hạnh phúc cá nhân để hạ thế vác gánh nặng của chúng sinh, thì chúng ta có thể đặt Đức Giêsu Kitô vào vị trí của một Siêu Bồ Tát?

"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi  bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự…"(Pl 2,6-8).

Đức Giêsu nhập thế và nhập thể vì Tình, chết vì Tình và sống lại vì Tình, thánh Gioan tông đồ, người sống gần gũi thân yêu nhất với Đức Giêsu đã phát hiện được bản chất của Ngài là Tình Yêu (1Ga 4, 8). Ngài là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban con một của Ngài hầu ai tin vào con của Ngài sẽ không bị hư mất mà được sự sống dồi dào" (Ga 3, 16).

Vì cội nguồn tuyệt đối của đức yêu thương là chính bản chất của Thiên Chúa tối cao, mỗi con người là đối tượng của tình yêu phát sinh từ Thiên Chúa: "Ta đã gọi con bằng chính tên con, con là của riêng ta" (Is 43, 1). Đời sống Kitô hữu ăn rễ sâu nơi Ngài. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và muôn loài để liên kết tất cả mọi người và từng người vào đời sống của ngài như cảm nghiệm sâu sắc của thánh Âu Tinh, đã phát hiện tình yêu của Thiên Chúa sau những đoạn đường tội lỗi gian nan: "Ngài đã tạo con cho Ngài và tâm hồn con  không được an nghỉ bao lâu chưa được an nghỉ trong Ngài".

Nhưng tình yêu là một cuộc trao đổi tận căn giữa người cho và người nhận. Thiên Chúa Cha vì tình yêu nhân loại đã hiến con mình cho trần thế bằng cuộc “Đối thoại Nhập thể”, một cuộc trao tình kỳ diệu giữa Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô và loài người tội lỗi xuyên qua cái chết và sự sống lại để nhân loại biết đó "Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy…" (Ga 15, 9).

"Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình"(Ga 15,12-13).

Trước khi từ giã thế trần qua con đường khổ nạn Thập Giá, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu cứu độ bằng thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ bằng cách trao cho các môn đệ bánh và rượu là Thịt và Máu của Ngài: "Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em" (Lc 22, 19), "Đây là máu Thầy, đổ ra vì anh em" (Lc 20, 22).

Tình yêu của Con Thiên Chúa tự hiến tế mình cho nhân loại là như thế, vậy con người phải đáp trả như thế nào đây?

"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như Thầy Giêsu, trong hành trình biểu hiện đức yêu thương đối với tha nhân, các thánh nhân sống và chết vì tha nhân luôn là những ngọn đuốc đỏ rực lửa nhân ái. Chỉ trong thế kỷ 20, vài khuôn mặt mặt sống và chết vì tình yêu nổi bật nhất phải chăng là Maximilianô Kolbê dâng mình chết thay cho một tù nhân trong trại tù nhân Đức Quốc Xã; thánh Gioan Thiên Chúa hiến cả cuộc đời cho bệnh nhân, thánh Đamiêng mang bệnh cùi để sống với anh em phong cùi; Mẹ Têrêsa Calcutta chuyên hiến thân cho người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người bị bỏ rơi; nữ tu Emanuelle, gốc Bỉ, cử nhân Văn chương, qua đời năm 2008 với biệt danh là “Nữ tu thân yêu của người lượm rác”. Ngoài những công trình giáo dục cho kẻ nghèo hèn, bà đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm lượm rác với người lượm rác ở Lecaire nhiều thập niên.

Ngày tang lễ bà tại Vương cung Thánh đường Notre Dame de Paris, với sự hiện diện của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Hội đồng giám mục nước Pháp, 2 bản Tin Mừng sau đây được long trọng vang lên cả bằng tiếng Pháp và tiếng Ả Rập, tiếng của những người lượm rác thân yêu nhất của bà:

 "Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở  tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói ngươi đã cho ta ăn; ta khát ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp ruớc; Ta trần truồng các nguơi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. Bấy giờ những người công chính thưa: Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống: có bao giờ chúng con thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước hoặc trần truồng mà cho mặc?... Để đáp lại Vua bảo họ rằng: mỗi lần các ngươi làm như thế cho những anh em bé nhỏ nhất của ta là các ngươi đã làm cho chính ta vậy" (Mt 25,34-40)

- Bài ca Đức Mến, một trang tuyệt tác của Tin Mừng được thánh Phaolô Tông đồ long trọng diễn giải "Đây là ân sủng cao trọng nhất".

"Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi  hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được (1Cr 13, 1-8).

“Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức mến” (1Cr 13, 13).


Nữ tu Mai Thành

Nhịp cầu Tâm giao 4, NXB Phương Đông (3/2011), tr. 10-20.