Fratelli Tutti - Một sứ điệp liên tôn (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 540 | Cật nhập lần cuối: 12/18/2021 7:17:03 PM | RSS

3. Những cuộc thánh chiến trong lịch sử và hiện tại

Fratelli Tutti - Một sứ điệp liên tôn (2)Khi bài này đang được viết thì chính phủ Mỹ bắt đầu chính thức rút quân ra khỏi Afghanistan, chấm dứt cho cuộc chiến tranh chống quân khủng bố khởi đi từ biến cố 9/11 tàn phá trung tâm kinh tế của Mỹ và thế giới tự do tại New York. Đài báo thế giới so sánh cuộc rút quân của Mỹ lần này với cuộc tháo chạy của Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam vào những ngày tháng 4 năm 1975. Cuộc chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) là một cuộc đối đầu giữa hai ý thức hệ Tự Do Tư Bản và Cộng Sản. Quân đội Mỹ và đồng minh của thế giới tự do chống lại quân đội từ miền Bắc Việt Nam và những nhóm kháng chiến quân tại miền Nam. Chống lại Mỹ và quân đội đồng minh lần này trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm tại Afghanistan là nhóm Taliban, tên tự gọi của Nhóm Kháng Chiến Quân Hồi giáo Afghanistan. (22) Về phía Mỹ và quân đội đồng minh thì cuộc chiến Afghanistan là một cuộc chiến chống quân khủng bố, nhưng đối với quân Taliban thì đây là một Jihad (23) - một cuộc thánh chiến được điều khiển bởi luật Hồi giáo.

Taliban không phải là nhóm duy nhất hay lớn nhất đang chiến đấu nhân danh lý tưởng Jihad của Kinh Koran Hồi giáo. (24) Phong trào thánh chiến Hồi giáo đã nở rộ từ đầu thế kỷ 21 và hiện nay các nhóm thánh chiến gần như có thành viên ở khắp thế giới. Theo danh sách từ trang mạng chính thức của Chính phủ Canada, (25) các nhóm bị lên án là quá khích và khủng bố trên toàn thế giới hiện nay, đại đa số có nguồn gốc hay nhân danh lý tưởng Jihad thánh chiến Hồi giáo. Dĩ nhiên trong bối cảnh văn minh hiện đại, không ai với môt trí óc và lương tâm quân bình có thể chấp nhận những hành động khủng bố dã man và giết người vô tội của những nhóm khủng bố cuồng tín. Tuy nhiên không thể bỏ qua hay chối cải chiều kích “thánh chiến” của các cuộc khủng bố nhân danh niềm tin Hồi giáo này.

Từ ngữ Jihad – thánh chiến - xuất hiện khoảng 40 lần trong kinh Koran. Chỉ cần trích Surah 9, 5, “…khi những tháng cấm đã chấm dứt, hãy đánh và giết những kẻ thờ đa thần ở nơi nào các ngươi tìm thấy chúng…”, (26) cũng đủ thấy căn nguyên của bạo lực và chiến tranh thế giới đang chứng kiến, một cách nào đó, phát xuất từ cách thế đọc và chú giải kinh Koran. Nói đến điều này không có ý kết luận hay lên án các tín đồ Hồi giáo hay Kinh Koran. Như đã đề cập, Fratelli Tutti xác nhận, bạo lực mang tính bảo thủ cực đoan được dung dưỡng trong ít nhiều nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự bất cẩn của những người lãnh đạo(FT 284).

Thực ra xử dụng bạo lực và khủng bố nhân danh tôn giáo không phải chỉ có nơi thế giới Hồi giáo với Kinh Koran. Khi Kinh Thánh Cựu Ước được đọc riêng rẽ (không quy chiếu với Tân Ước và không có sự hướng dẫn) sẽ rất dễ trở thành một cuốn sách cổ võ cho tâm thức thánh chiến. Gần như trong suốt dòng lịch sử của Israel, kể từ cuối hành trình sa mạc, giai đoạn bắt đầu vào đất Canaan lập quốc dưới quyền thủ lãnh của Joshua và các Quan Án, cho đến cuộc chiến đấu chống lại văn hoá và tín ngưỡng Hy Lạp của anh em nhà Maccabê, lịch sử của Israel là một cuộc chiến đấu liên lỉ để bảo vệ căn tính độc thần nơi dân tộc được chọn giữa các thế lực chính trị và tôn giáo của các cường quốc, chủ trương và quảng bá đa thần giáo. Trong thực tế, nơi thế giới Tây Phương vẫn còn những người hoặc một số nhóm vẫn tự xem là Kitô hữu nhưng đã đọc và chú giải Kinh Thánh (Cựu Ước) để gây thù hận giữa các tôn giáo, chống lại người ngoại kiều và các sắc dân. (27)

Hiện nay cũng đang xuất hiện một số nhóm dùng và giải nghĩa sai lệch quan niệm giáo lý về “Giáo hội Chiến Đấu” (Ecclesia Militans) để âm mưu tạo “tâm thức chiến đấu”, đề cao và bảo vệ “đức tin chính thống”. (28) Những nhóm này cũng có mặt ngay trong lòng giáo hội Công giáo, nhân danh những giá trị “bảo thủ” hay “truyền thống”, gieo sự thù hận đối với các tôn giáo khác, hay tạo sự chia rẽ nghi kỵ giữa các khuynh hướng tu đức khác nhau trong lòng Giáo hội, vì những lợi ích phe nhóm hay chính trị, không loại trừ ủng hộ hay nuôi dưỡng ý đồ kỳ thị phân biệt chủng tộc. Đối diện với nguy hiểm của các khuynh hướng và hiện tượng này, Fratelli Tutti cảnh báo và mời gọi các Kitô hữu "trở về nguồn, ngõ hầu tập trung vào những gì là thiết yếu, đó là kính thờ Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, không để cho có điều nào đó trong giáo huấn của chúng ta, vì tách rời khỏi bối cảnh cội nguồn, dẫn đến các hình thức khinh miệt, hận thù, bài ngoại hay chối từ tha nhân. Sự thật là bạo lực chẳng có nền tảng nào trong các xác tín tôn giáo căn bản của chúng ta, mà chỉ có trong việc giải thích cách lệch lạc các niềm xác tín ấy" (FT 282).

Dầu sao chúng ta cũng có thể nói được mãi cho đến những năm cuối thế kỷ 20, nhất là trước khi bức tường Bá Linh sụp đỗ, thế giới chỉ lo sợ cuộc chiến tranh lạnh có thể đưa đến sự đối đầu nguyên tử giữa các cường quốc mang ý thức hệ khác nhau. Không ai nghĩ đến thế giới văn minh và đầy đủ thông tin ngày hôm nay có thể trở lại vết xe cũ của những cuộc thánh chiến dai dẳng của thời Trung Cổ. Khi nói đến các cuộc thánh chiến thời Trung Cổ là chúng ta nói đến một giai đoạn lịch sử rất dài từ năm 1095 đến năm 1291với những cuộc viễn chinh của thế giới Tây Phương dưới bóng cờ Thập Tự Chinh để lấy lại Đất Thánh và bảo vệ những vùng đất trước đó đã thấm nhuần văn hoá Kitô giáo đang bị quân Hồi giáo chiếm đóng hay đe doạ. (29)

Tuy nhiên, các cuộc thánh chiến trong lịch sử đã không được đề cập đến trong Fratelli Tutti. Trong chiều kích của bài viết, chúng ta không có ý phân tích lịch sử, cũng không phê phán những gì đã xảy ra trong bối cảnh của thế giới và của Giáo hội trong giai đoạn mà thần quyền và thế quyền là một. Chiến tranh có thể đã mang tên tôn giáo nhưng trong thực chất là sự đối đầu giữa các nền văn hoá và chính trị khác nhau. Fratelli Tutti một cách nào có thể được xem là một nỗ lực để lấy quá khứ làm bài học cho hiện tại và tương lai, trong đó lịch sử tôn giáo được xem xét để tìm hướng đi chung sống hoà bình cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, các cuộc thánh chiến trong lịch sử đã không được chính thức đề cập đến. Thay vào đó, thông điệp chỉ nhắc đến câu chuyện về thánh Phanxicô Assisi, ngay giữa thời đại Thập Tự Chinh, đã đi viếng thăm một thủ lãnh tôn giáo tại Ai Cập. Bằng một giọng văn kể chuyện thật êm nhẹ, Đức Giáo hoàng gợi lại cuộc thăm viếng và giao lưu lịch sử được thực hiện bởi vị thánh của hoà bình và nhân ái:

"Trong cuộc đời thánh Phanxicô, có một tình tiết cho chúng ta thấy tấm lòng rộng mở không biên giới của ngài, một tấm lòng có khả năng vượt khỏi những cách biệt về xuất xứ, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là câu chuyện ngài viếng thăm vị Sultan Malik-el-Kamil tại Ai Cập. Cuộc viếng thăm vô cùng gian nan, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều vì ngài thì nghèo khó, phương tiện thì ít ỏi, mà đường xá lại cách trở xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và tôn giáo khác biệt... Cuộc hành trình này, vào thời điểm của cuộc Thập tự chinh lúc đó, càng cho thấy thánh Phanxicô muốn biểu lộ hơn nữa tình yêu vĩ đại, ước ao ôm trọn tất cả mọi người. Lòng trung thành của ngài với Chúa cũng ngang bằng với tình yêu mà ngài dành cho anh chị em mình. Bất chấp những khó khăn hiểm nguy chực chờ, thánh Phanxicô đã đến gặp vị Sultan với cùng một tâm thế ngài đã truyền đạt cho các môn đệ của mình là: đừng chối bỏ căn tính của mình khi “đang sống giữa những người Xaraxen và những người không tin khác. đừng tranh luận cũng đừng cãi cọ, nhưng vì Chúa hãy chịu đựng mọi người”… Trong bối cảnh lúc đó, đây quả là lời khuyên bảo phi thường. Chúng ta có ấn tượng rằng tám trăm năm trước đây, thánh Phanxicô đã biết kêu mời hãy tránh mọi hình thức thù địch hoặc xung đột, cũng như hãy sống “nhẫn nhịn” cách khiêm tốn và huynh đệ với những người không cùng chia sẻ niềm tin với mình" (FT 3).

Nhìn một góc cạnh nào đó, chúng ta có thể nói được Đức Giáo hoàng ngay từ những dòng đầu của sứ điệp Fratelli Tutti với câu chuyện có sức thuyết phục mang tính tiên tri vượt thời gian của thánh Phanxicô, đã vô hiệu hoá các lý lẽ bênh vực cho các xung đột và tranh chấp tôn giáo xưa và nay. Hậu cảnh cho những cuộc viễn chinh của Thập Tự Quân theo Fratelli Tutti là một xã hội Trung Cổ “với những tháp canh và thành lũy…, các đô thị bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc chiến đẫm máu giữa các dòng tộc quyền thế, và cảnh nghèo đói lan tràn khắp các vùng nông thôn” (FT 4). Những cuộc khủng bố đẫm máu mang màu sắc thánh chiến hôm nay một cách nào đó cũng nhắc nhở và đòi hỏi con người thời đại để tâm đến những tình trạng và hệ thống bất công của xã hội và thế giới hiện tại. (30) Thánh Phanxicô đã trở nên mẫu mực kiến tạo hoà bình khi ngài không gây ra những cuộc chiến lý lẽ nhằm áp đặt các luận thuyết nhưng ngài thông truyền tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã trở thành sứ giả của hoà bình khi để cho sự bình an nội tâm đích thực giải thoát ngài khỏi mọi ước muốn thống trị người khác, trở thành một trong những người rốt hết và tìm cách sống hòa hợp với tất cả (x. FT 4).

Thực vậy, xác tín về ý nghĩa thánh thiêng của sự sống con người đưa người Kitô hữu đến với anh chị đồng loại sống trong các tín ngưỡng khác để thừa nhận những giá trị nền tảng của nhân tính chung, những giá trị mà nhân danh chúng, con người có thể và phải cộng tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển. Trên nền tảng của niềm xác tín này, Đức Giáo hoàng đã cùng với Đại giáo Trưởng đồng thanh bênh vực “những sinh mạng vô tội mà Thiên Chúa đã cấm sát hại, khi khẳng định rằng ai giết hại một người thì giống như giết hại cả nhân loại, còn ai cứu sống một người thì giống như cứu sống cả nhân loại” (FT 285). Với lời tuyên bố này hai ngài đã phá đỗ mọi lý do và nền tảng của những nguỵ biện cho các cuộc thánh chiến, nơi đó danh Thiên Chúa bị lạm dụng để tiêu diệt và hãm hại con người được dựng nên trong hình ảnh Ngài. Thực vậy, những con người của lòng tín ngưỡng cùng "thừa nhận những giá trị nền tảng của nhân tính chung, những giá trị mà nhân danh chúng, người ta có thể và phải cộng tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển; và như thế cũng cho phép quy tụ các giọng ca khác nhau để cùng hát lên một bài ca tuyệt mỹ và hòa hợp, thay vì những tiếng kêu cuồng tín của hận thù…" (FT 283).

"Dưới ánh sáng của giáo huấn Công Đồng Vatican II, người Kitô hữu trong thế giới hôm nay có đủ lý do để cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Giáo Trưởng Ahmad Al-Tayyeb nói với toàn thế giới: “Nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi tuyên bố lấy văn hóa đối thoại làm đường lối, sự hợp tác hỗ tương làm quy tắc ứng xử, sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và chuẩn mực” (FT 285).

4. Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh… (1Cor 1, 23)

Đi sâu vào dòng suy tư và giáo huấn của Fratelli Tutti, chúng ta có thể nói rằng, môn đệ của Đấng đã chấp nhận để cho con người nhân danh lề luật tôn giáo (qua áp lực của các thủ lãnh Do Thái giáo) và quyền lực chính trị (qua quyết định nhu nhược vụ lợi của Tổng Trấn Philatô) lên án tử hình, luôn phải xác tín rằng tất cả những ai nhân danh tôn giáo hay biến tôn giáo thành khí cụ cho tham vọng chính trị quân sự, dùng gươm giáo để giết hại anh em đồng loại, bất kể vì lý do “thánh thiện” nào, đều là kẻ sát nhân, và “không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 3, 15). Nói cách khác, kể từ khi Con Thiên Chúa Nhập Thể chấp nhận chịu treo lên Thập Giá không còn một cuộc chiến nào là thánh! Kitô hữu là nguời tin và bước theo Đức Kitô, Đấng "đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình… để làm trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa…" (Dt 9,12.15).

Xác tín vào cái chết mang ơn cứu độ của Con Thiên Chúa, ngay từ ban đầu lời rao giảng của Kitô giáo rất minh bạch:

"Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1Cr 1,22-23).

Nơi đây thánh Phaolô có ý nhấn mạnh đến việc ngài rao giảng cái chết cứu độ của Đức Kitô cả cho những người đang thực hành tín ngưỡng trong Do Thái giáo cũng như cho những người đang sống trong tín ngưỡng của các tôn giáo Hy Lạp, mà người Do Thái (được cắt bì) gọi là lương dân (không cắt bì). Trong thư gởi giáo đoàn Ephesô, Phaolô tiếp tục dòng suy tư về ơn cứu độ của Thập Giá Đức Kitô để quảng diễn và đưa ra một lập luận xem ra rất quan trọng cho đức tin Kitô và đặc biệt mang tính hiện thực cho Kitô hữu đang sống trong một thời đại mà con người đang dùng tín ngưỡng của các tôn giáo để chia rẽ và tàn sát lẫn nhau: Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người (Ep 2,14-16 – Nhấn mạnh của người viết).

Để hiểu được giáo huấn và lập luận của Phaolô chúng ta cần phải trở lại với giờ phút Đức Kitô hoàn tất công trình cứu chuộc trên Thập Giá. Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật một sự kiện đã xảy ra ở khoảnh khắc lịch sử này, là ngay khi Con Thiên Chúa tắt thở trên Thập Giá, “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mt 27, 51; Mc 15, 38; Lc 23, 45). Ý nghĩa sâu thẳm và chung cuộc của khoảnh khắc này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được chính Đức Kitô báo trước trong Phúc Âm thánh Gioan, khi Ngài mạc khải cho người phụ nữ xứ Samaritan, đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến-và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế… (Ga 4,20-21.23 – Nhấn mạnh của người viết).

Thực vậy, khi công trình cứu chuộc cho toàn thể nhân loại được hoàn tất với Thập Giá của Đức Kitô thì bức màn che phủ cung thánh của Đền Thờ Giêrusalem, tượng trưng cho sự đặc tuyển của Israel trong lịch sử cứu độ phải bị hạ xuống, vì không còn giá trị nữa. Điều này không đồng nghĩa rằng một tôn giáo mới xuất hiện thay thế cho Do Thái giáo. Lý thuyết hay “thần học thay thế” (31) này nhiều lúc đã điều khiển cách suy nghĩ của một số Kitô hữu và có thể đã là nguyên nhân cho những bách hại mà dân tộc cũng như tín hữu Do Thái giáo phải chịu xưa và nay. (32) Điều đã xảy ra là, như Phaolô diễn tả, “Người đã hy sinh thân mình để phá đỗ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (33) để liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại thành một”; có nghĩa rằng, trong Đức Kitô, những người tìm đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa từ Do Thái giáo cũng như từ các tôn giáo khác tạo thành một “cộng đoàn... những người được cứu độ” (Cv 2, 47 – Nhấn mạnh của người viết). Cộng đoàn mới này bao gồm tất các những ai tin vào Đức Kitô. Họ có chung một căn tính và một tên gọi là “Χριστιανούς” (Cv 11, 26), được hiểu đơn giản là những bạn của Đức Kitô, những người thuộc về Đức Kitô.

Trong cộng đoàn mới này những người có nguồn gốc và tập tục tín ngưỡng phát xuất từ Do Thái Giáo vẫn tiếp tục sống theo lề luật Moisen, trong khi những người đến từ các tín ngưỡng tôn giáo khác (lương dân) không bị bó buộc phải thực hành tập tục Do Thái giáo. Đó là giáo huấn Công Đồng đầu tiên của Giáo hội nhóm họp tại Giêrusalem (x. Tđcv 15,24-29). Trong chiều kích của bài viết chúng ta không bàn sâu đến diễn tiến cũng như những thay đổi công đồng đã tạo nên cho cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Nhưng những quyết định của các tông đồ tại Công Đồng Giêrusalem cho thấy rằng những người tin vào Đức Kitô đã không tự nhìn mình như một “tôn giáo” bên cạnh hay đối lại với Do Thái giáo. (34)

Đề cập đến điều này để thấy rằng trong ngôn ngữ thường ngày hay cả trong thần học giáo lý chúng ta phải dùng chữ Kitô giáo để nói đến niềm tin của chúng ta. Từ ngữ Kitô giáo đương nhiên hàm ý một tôn giáo giữa các tôn giáo hay nhiều khi được hiểu là tôn giáo của Đức Kitô. (35) Điều này trước hết một cách nào đó không diễn tả chính xác niềm tin của chúng ta. Chúng ta không theo tôn giáo của Đức Kitô, vì tôn giáo mà suốt cuộc sống trần gian Con Thiên Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa Cha (x. Dt 10,5-7), đã sống và thực hành là Do Thái giáo, là “đạo cũ” theo quan niệm người Kitô hữu thường có. (36)

Niềm tin của chúng ta là “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1; x. Cv 5, 42), là một lời rao giảng rằng “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình” (Ga 3, 16) và rằng “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời” (Ga 6, 40). Diễn tả cách khác, Kitô giáo chính là lời loan báo cho tất cả mọi người rằng họ có thể trở nên công chính, được cứu độ “do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3, 23). Tin mừng về Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14, 6) , về Đấng Cứu Độ Nhân Loại này không thể bị giới hạn hay đóng khung trong bất cứ một nền văn hoá, ngôn ngữ hay tâm thức riêng biệt nào. Tấm màn che cung cực thánh của Đền Thờ Giêrusalem đã rớt xuống là hình ảnh của tất cả rào cản của các tấm bình phong tôn giáo tín ngưỡng cũng phải được hạ xuống, để nhân loại trong các tôn giáo, các miền tín ngưỡng khác nhau có thể chiêm ngắm gương mặt cứu độ của Con Một Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Trần Gian.

Nói lên điều này không có nghĩa rằng chúng ta muốn rao giảng Kitô giáo như một “siêu tôn giáo”, vượt lên trên hay hơn hết mọi tôn giáo, nhưng ngược lại cũng không ai có quyền giới hạn Đức Kitô là Đấng Cứu Thế chỉ cho và trong một khung cảnh tín ngưỡng cá biệt hay đồng hoá Đấng Cứu Độ Nhân Loại như một biểu tượng tôn giáo dành riêng một nhóm ưu tuyển nào. Khuynh hướng “tách riêng ưu tuyển” (37) này phát xuất từ quan điểm cực đoan của một số nhóm từ thời Cải Cách và hiện còn rất rõ và mạnh nơi các giáo phái không hiệp thông hay chống lại Giáo hội Công giáo. (38) Những giáo phái bảo thủ cực đoan Kitô giáo này lên án hết mọi người Kitô hữu khác, ngay cả Đức Giáo Hoàng và người Công Giáo, cho rằng chỉ có những ai thuộc nhóm tách riêng ưu tuyển của họ mới được cứu độ. (39) Điều đáng lo ngại là khuynh hướng tôn giáo bảo thủ cực đoan này đang len lỏi vào lòng Giáo hội Công giáo ở một số nước phương Tây qua các nhóm nhân danh truyền thống (traditionalist) chống lại nổ lực đổi mới và cởi mở (công giáo hoá) của Công Đồng Vatican II, đặc biệt việc canh tân phụng vụ. Trong nhóm này, phải kể đến những người đang bảo vệ và tìm cách mở rộng việc làm lễ theo nghi thức cũ bằng tiếng La Tinh trước Công Đồng. Khi dùng một ngôn ngữ (cổ ngữ) để tạo nét đặc thù và ưu tú cho một nhóm, sự hợp nhất và tính công giáo trong đời sống Giáo Hội có thể bị đe doạ. (40) Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cố gắng giới hạn khuynh hướng và thực hành có thể gây chia rẻ và hiểu lầm này qua Motu Proprio mới nhất, “Traditionis Custodes” về việc sử dụng Nghi Thức Phụng Vụ Roma trước canh tân năm 1970, ban hành ngày 16.07.2021. (41)

Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng, bước theo chân Thầy Chí Thánh “Đấng đã làm chứng (42) trước toà tổng trấn Phongxiô Philatô” (1Tm 6, 13) bằng cái chết của mình, những ai rao giảng Đức Kitô Chịu Đóng Đinh cũng phải dám chấp nhận trả giá cho chân lý bằng chính thập giá và sự sống của mình (x. Mt 10, 38; 16, 24; Ga 12, 24). Không một thái độ cuồng tín nào phù hợp với Phúc Âm Đức Kitô, không một thánh chiến nào có thể được lý giải khi máu Con Thiên Chúa đã đỗ ra để “thiết lập hoà bình,…tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2, 16). Để sự cuồng tín không còn bị lợi dụng cho các cuộc “thánh chiến” và để viễn cảnh về một tình huynh đệ đại đồng có thể trở nên hiện thực, hướng đến một nền hoà bình cánh chung viên mãn (x. Is 11,6-9), căn tính tôn giáo và chọn lựa căn bản của người tín hữu vô danh (43) xứ Samaria phải được đề cao và sống. Thật vậy tín ngưỡng của lòng nhân hậu đã dừng bước chân của người lữ hành không mang phẩm hàng tôn giáo này, đòi buộc những ai đang thực hành tín ngưỡng nơi các tôn giáo, đặc biệt những người có vai trò lãnh đạo, nhìn lại niềm tin và hành động của mình, như Đức Giáo hoàng gợi ý:

"… Trong những người quay mặt bỏ đi, có một chi tiết đáng chú ý: họ là những tín đồ tôn giáo, và hơn thế, là những chức sắc tôn giáo, chuyên lo việc tế tự thờ phượng Thiên Chúa: một thầy tư tế, một thầy Lêvi. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ: việc tin vào Thiên Chúa và tôn thờ Ngài không bảo đảm cho việc sống theo ý muốn của Ngài. Một người có niềm tin có thể không trung thành với tất cả những gì niềm tin này đòi hỏi, thế nhưng, lại có thể cảm thấy gần gũi Thiên Chúa và nghĩ rằng mình xứng đáng hơn những người khác. Nhưng vẫn có những cách sống niềm tin tạo thuận lợi cho việc mở lòng ra với anh em; và sống như thế mới bảo đảm cho việc thực sự mở lòng ra với Thiên Chúa. Thánh Gioan Kim khẩu còn đi đến chỗ diễn tả hết sức sáng sủa thách đố này của các Kitô hữu: “Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Kitô ư? Chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể ấy trần trụi. Đừng tôn kính thân thể Người, theo kiểu: trong nhà thờ thì cho Người mang những y phục lụa là gấm vóc, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải lạnh giá và trần trụi”… Điều ngược đời là đôi khi những người quả quyết mình không tin lại có thể chu toàn ý muốn của Thiên Chúa hơn những người tin (FT 74).

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cao hình ảnh và gương mẫu của người Samaritanô Nhân hậu trong giáo huấn của ngài, nhưng Fratelli Tutti có thể được đọc như bài suy niệm dài về dụ ngôn độc sáng này của Phúc Âm Luca. (44) Nói cách khác Fratelli Tutti chính là cẩm nang giúp mỗi người chúng ta nghe và hiểu lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi và làm như vậy!” (Lc 10, 37).

Tác giả: Lm. Paulus Ý
Nguồn: gpquinhon.org (17.12.2021)

______________________

Chú thích:

(22) Islamic Eminate of Afghanistan (IEA) - Để có một cái nhìn tương đối rõ về Taliban, có thể xem https://www.bbc.com/news/world-south-asia-11451718 hoặc https://en.wikipedia.org/wiki/Taliban

(23) Về đề tài Jihad (thánh chiến trong luật Coran) xem https://en.wikipedia.org/wiki/Jihad hoặc https://vi.wikipedia.org/wiki/Jihad

(24) Theo nghiên cứu của BBC https://www.bbc.com/news/world-middle-east-27930414 thì Taliban được xếp hạng thứ 6 trong sô 11 nhóm thánh chiến Hồi giáo chính hiện nay, mà đứng đầu là nhóm Al-Qaeda tiếp theo là nhóm ISIS.

(25) Xem https://www.publicsafety.gc.ca/cnt/ntnl-scrt/cntr-trrrsm/lstd-ntts/crrnt-lstd-ntts-en.aspx

(26) Đối với kinh Koran, Kitô hữu cũng được xếp loại là những kẻ “thờ đa thần”, vì tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

(27) Nhiều nhóm khủng bố của thế giới Tây Phương đều có nguồn gốc tôn giáo, như nhóm KKK (Ku Klux Klan) chuyên đốt phá và giết người cũng có nguồn gốc từ giáo phái nhóm Tin Lành Mỹ và cũng dùng thập giá như biểu hiệu của nhóm, xem https://en.wikipedia.org/wiki/Ku_Klux_Klan. Anders Breivik, người khủng bố gốc Nauy, trong bản “Tuyên Ngôn” của mình cũng đã nhân danh Kitô giáo. Có thể xem

https://en.wikipedia.org/wiki/Anders_Behring_Breivik

(28) Chỉ cần dịch chữ Ecclesia Militans sang một trong các ngôn ngữ Tây Phương hiện đại, chúng ta sẽ gặp và biết chủ trương của các nhóm bảo thủ cực đoan nhân danh Kitô giáo này trên các trang mạng được dùng cho mục đích propaganda cho các phong trào nguy hiểm này. Đáng lưu ý là một số trong các nhóm này cũng mang danh “công giáo” (Catholic Militant Church) do sự có mặt của một số người trở lại Công giáo từ các giáo phái quá khích Tin Lành.

(29) Về luân lý điều khiển giai đoạn Thập Tự Chinh (Crusades), Thomas Bokenkotter, trong A Concise History of the Catholic Church, Image Books, Doubleday, New York 1990, nhận xét: “The Church still taught as late as the eleventh century that it was a grave sin to kill a man in a battle waged for only secular purposes… Somewhat later the theologians revived Augustine’s theory of the ‘just war’, which allowed secular rulers the benefit of the doubt unless they were acting against papal interests. And so actually it became very difficult for Churchmen to declare that any properly authorized war was unjust…” (p.138).

(30) Như đã trích dẫn, Fratelli Tutti đã phân tích và chỉ rõ hai nguyên nhân chính của những cuộc khủng bố (thánh chiến) hiện tại, là “do việc tích tụ dần những diễn giải sai lạc về các bản văn tôn giáo, và do hậu quả của những chính sách gây ra đói nghèo, bất công, áp bức và ngạo mạn” (FT 283).

(31) “Replacement Theology”, hay còn gọi là “Supersessionism”. Có thể xem https://www.gotquestions.org/replacement-theology.html

(32) Chúng ta không loại trừ cách suy nghĩ này đã góp phần tàn sát người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến và còn đang điều khiển các nhóm bài Do Thái (Antisemitism) đang vẫn còn đang hoạt động trong xã hội hiện đại.

(33) Thánh Phaolô dùng chữ ἔχθρα – để diễn tả sự ngăn cách, không chung đụng giữa dân Israel và dân ngoại theo lề luật Moisen, xin xem Lv 22,10-16.

(34) Sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy các tín hữu Kitô gốc Do Thái giáo, ngay cả các tông đồ, đều tiếp tục thực hành các tập tục tôn giáo Do Thái của mình: Các tín hữu Kitô vẫn “ngày ngày chuyên cần đến đền thờ” (Cv 2, 46), các tông đồ vẫn cầu nguyện theo giờ kinh nguyện của Đền Thờ (x. Cv 3, 1), “mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô” (Cv 5, 42).

(35) Thánh Phaolô ở cuối các cuộc hành trình truyền giáo, trước lúc bị điệu về Roma, khi tự bào chữa trước mặt vua Agrippa, đã nói về “tôn giáo” của ngài: “… Từ lâu họ đã biết, và nếu muốn, họ có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pharisêu” (Cv 26, 5 – Nhấn mạnh của người viết).

(36) Các tác giả Phúc Âm đều đồng nhất cho chúng ta thấy hình ảnh của một tín đồ Do Thái Giáo thuần thành nơi Con Thiên Chúa Nhập Thể: Cắt bì khi vừa đúng tám ngày theo luật Môisen (Lc 2, 21; x. Lv 12, 3), được dâng vào Đền Thờ theo luật thanh tẩy (Luc 2,22-39; x. Lv 12,2-5.8), hành hương lên Đền Thánh mỗi năm (Lc 2, 41; Ga 212t; 6, 4t; Ga 11, 55t; x. Xh 23, 17).

(37) Từ ngữ Biệt Phái trong Phúc Âm cũng mang ý nghĩa này.

(38) Đây có ý nói đến khuynh hướng giáo hội học loại trừ (Exclusive Ecclesiolgy). Về vấn đề này có thể xem thêm “Development of Exculusive Eccleiology” trong Paulus Y Pham, The Way, Christendom from Reformation to Vatican II, Rome, Miscellanea Francescana, 2017, 65-91.

(39) Đại diện cho khuynh hướng cực đoan này là nhóm Anabaptists và Mennonites. Về vấn đề này có thể xem Alister E. McGrath, Reformation Thought, Oxfort 1999, 204-206.

(40) Có lẽ Giáo hội Công giáo tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng bảo thủ đáng lo ngại này. Khuynh hướng bảo thủ này mỗi lúc một tiến gần đến các nhóm ly khai từ chối Công Đồng Vatican II khi họ thậm chí cho rằng nghi thức Thánh Lễ mới bằng tiếng bản xứ là không có hiệu lực!

(41) https://www.vatican.va/content/francesco/en/motu_proprio/documents/20210716-motu-proprio-traditionis-custodes.html. Có một quan sát đáng lưu ý là nơi các nhóm truyền thống (traditionalist) chúng ta thấy sự có mặt của nhiều người trở lại với Giáo hội Công giáo từ các nhóm Kitô hữu quá khích Tin Lành Cải Cách. Họ rất dễ mang theo và sống não trạng bảo thủ cực đoan của giáo phái ở trong Giáo hội Công giáo, nếu không được hướng dẫn đúng mức để sống chiều kích công giáo của công đoàn tín hữu Chúa Kitô.

(42) Nguyên ngữ của từ “làm chứng” (mang bằng chứng) là “μαρτυρήσαντος” cũng có nghĩa là tử đạo (martyrium) trong các ngôn ngữ khác.

(43) Cả hai ý niệm “chọn lựa căn bản” (Fundamental Option) và “Kitô hữu vô danh” (Anonymous Christian) đều được khai triển bởi thần học gia Karl Rahner S.J.

(44) Đức Giáo hoàng đã dùng nguyên chương hai của Thông Điệp với tựa đề “A stranger on the road” (Môt người lạ trên đường) để suy niệm và quảng diễn về người Samaritan Nhân Hậu.