Kinh nghiệm tương giao với anh em Phật tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 644 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Kinh nghiệm tương giao với anh em Phật tửCứ mỗi tam cá nguyệt, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn Giáo phận (MVĐTLT) lại họp mặt một lần. Vào 9 giờ sáng ngày 13/3/2010, buổi họp mặt định kỳ lần 3 đã diễn ra tại Trung Tâm Mục vụ, 6 bis Tôn đức Thắng. Cuộc gặp gỡ được hướng dẫn bởi linh mục trưởng ban, với sự tham dự của các thành viên, ngoài ra, còn có một số anh chị em thuộc hội người cao niên và đệ tử của Dòng Đức Bà. Tổng số trên 30 người. Chủ đề trao đổi: Kinh nghiệm tương giao với các Phật tử.


Đặc biệt, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn và Cha Tổng đại diện, đã đến họp mặt, không chỉ để thể hiện sự quan tâm, mà còn chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm cá nhân về đối thoại và tiếp xúc với tôn giáo khác, trong sinh hoạt Mục vụ cũng như nơi chính gia đình mình.


Một kẻ “giang hồ” nhà đạo


Trong phần chia sẻ kinh nghiệm sống tinh thần Thiền, cha Đặng Chí San đã gây ấn tượng mạnh nơi cử tọa, khi tự xem mình như kẻ lãng tử, một gã giang hồ trên đường đi tìm Chân Lý.

 

Dù là một tu sĩ Đa Minh, nhưng có thời, cha đã xin phép nhà dòng được “độc cư”, nghĩa là ở một mình. Sau đó, cha đã lên núi cất chòi ở một mình, khởi từ sự cuốn hút bởi tinh thần Thiền học cũng như qua cơ duyên gặp gỡ hai “thiền nhân” Phật giáo.


Đã có lúc cha cảm nếm sự mệt mỏi và bất an, vì chưa khám phá được giá trị của cuộc sống Kitô hữu trong Hội Thánh. Khi gặp được những tư tưởng siêu thoát của Thiền tông, cha như được tắm mát, càng đọc càng thấy sướng và đã có những rung động lạ lùng, thấy “đã” vô cùng (nguyên văn).

 

Trong quãng thời gian ấy, cha được sống chung và mục kích nhiều tấm gương đạo đức đáng kinh ngạc của những người thực hành Phật pháp, cách tự nhiên va đơn thành.

 

Nhìn lại thời trai trẻ, cha cho rằng mình đã quá hời hợt chủ quan, không chịu đựng được những gò bó của luật và lệ, càng không thể chấp nhận được tính chiếu lệ, đóng khung cũng như các hình thức, tuy trang trọng nhưng vô cảm, vô hồn. Đã có sự dằn co liên tục cùng những thao thức:


Bỏ Chúa? Bỏ Giáo hội? Không dám! Nhưng…


Cho đến năm 1980, dù đã khấn trọn đời, nhưng cha đã nhiều lần rời Nhà dòng để tu theo kiểu “giang hồ” với khí phách của một kẻ độc cư nơi hoang dã và rất “hoang dại”. Trong thời gian ấy, cha đã gặp được bao kỳ duyên, xin tạm gọi như thế, từ những đạo sư ẩn danh, đến thi sĩ điên Bùi Giáng... Chuyện lạ đời có lẽ là khi một lão sư kia quyết định truyền pháp cho cha qua một lễ Quán đảnh. Và theo thông lệ, cha phải nhận vị ấy là thầy.

 

Laị phân vân, dằn co… vì khi đã tin nhận Giêsu là sư phụ, dù nhiều khi còn nghi nan hay chỉ là niềm tin “sơ sơ”, thì tận đáy lòng vẫn không dám bỏ. Do đó, cái khốn khổ kia mỗi lúc càng tăng và đầu óc như muốn nổ tung!

 

Sau cùng, qua 3 ngày thinh lặng, cha tuyên bố không thể nhận lời vì đã nhận Giêsu làm sư phụ. Bấy giờ, lão sư kia mới quyết vượt qua luật lệ của tông phái mà trao pháp cho người Công giáo này.

 

Biết bao cơ duyên, tiếp xúc và cả lời khuyên, chẳng hạn: Hãy sống tinh thần phục sinh của đạo Công giáo, bạn sẽ được giải thoát ngay lúc này.

 

Sau 17 năm linh mục, cha cảm thấy mình vẫn là một “Phật tử” đích thực, dù chưa thụ pháp hoặc quy y, và đã “ngộ” ra thế nào là thiền. Thiền là sống bí tích Thánh thể đích thực, Thánh lễ là cả cuộc đời với đủ mọi cung bậc sống được kéo dài qua mỗi phút giây. Biết đặt tất cả cuộc đời của những người ta gặp, dù quen hay không, lên đĩa và chén Thánh như của lễ. Sau khi truyền phép, họ đã trở nên Thân Mình Chúa Kitô, gần gũi, thân thiết và đáng tôn trọng biết bao!

 

Chia sẻ này khiến thính giả liên tưởng đến tinh thần của linh mục Teilhard de Chardin: nhân loại là của lễ, và trái đất chính là bàn thờ.

 

Cái TÔI sắc, huyền, nặng


Kinh nghiệm tiếp đến là của nữ tu Mai Thành, nói về Thiền Sư N. Hạnh, Ni sư Trí Hải, Bác Siêu và Nhóm Hướng Thiện.


Thiền sư N. Hạnh được hâm mộ nhiều nơi trên thế giới, chỉ sau Đạt Lai Lạt ma XIV. Sinh tại Huế, ông xuất gia lúc 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu, nhất tâm sống Phật pháp, trở thành nhà sư lúc 23 tuổi. Trở thành Thiền sư, Giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu… ngài đã dấn thân vận động cho hòa bình Việt nam và thế giới, đồng thời, từng là ứng viên của giải Nobel.


Từ năm 1965, trong thời gian tham gia giảng huấn tại trường “Thanh niên phụng sự xã hội”, do Thiền sư Nhất Hạnh sáng lập, Xơ Mai Thành được hiểu biết về tâm đạo sắc bén của Thiền sư.


Sau đó, Xơ giới thiệu mấy bài thơ của TS N.Hạnh, “giúp Tỉnh Thức trong mọi hành động, bằng cách sống tràn đầy giây phút hiện tại”.


Ni sư Trí Hải, tên húy là Công Tằng Tôn nữ Phùng Khánh, sinh 1938 tại Huế, gia đình thuộc Hoàng tộc vua Minh Mạng, bản chất tài hoa, thông minh, xuất gia năm 1964 sau khi du học tại Mỹ về, chuyên giảng dạy, dịch thuật, viết sách, in ấn kinh điển rất được hâm mộ. Ni sư này, một thời là học trò khi Xơ Mai Thành dạy Văn tại trường Nữ học sinh Đồng Khánh năm 1948.


Vị nữ tu cao niên này cũng bàn đến vô ngã và cái TÔI của mỗi người. Cái TÔI nếu quá đáng thì như thêm dấu sắc để thành TỐI, nếu thường chạy theo nhu cầu thấp hèn thì như thêm một dấu huyền để biến thành TỒI, và một khi quá nô lệ cho cái Tôi, xem nhẹ các giá trị khác, thì như mang thêm gánh nặng để thành TỘI.


Hiền và dữ


Hơn 10 giờ, Đức Hồng Y và Cha Tổng đại diện lần lượt đến.


Linh mục Huỳnh Công Minh đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại với các tôn giáo bạn. Đây không chỉ là một nhu cầu tinh thần, mà còn xuất phát từ thực tế của hoàn cảnh Giáo hội và xã hội.


Ngài cũng chia sẻ về những ngộ nhận đối với đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa hảo, trong quá khứ đang khi thực tế trong số họ, không hiếm những nhà trí thức lớn. Trong gia đình và giòng tộc mình, mà đa số theo đạo Phật, ngài nhận thấy họ hiền hòa hơn người Công giáo. Đây không phải là cái nhìn chủ quan, nhưng là nhận định chung của nhiều người.


Phần Đức Hồng Y, thì nhắc đến sự ghen tỵ giận dữ vốn có từ xưa, nơi các tông đồ, chẳng hạn như khi họ xin lửa từ trời xuống thiêu dân thành tiếp nhận mình. Trong thân tộc của Ngài, cũng có không ít Phật tử.


Vị chủ chăn giáo phận cũng đề cập đến việc hội nhập văn hóa của đạo Cao đài, qua nghi thức hành lễ và phục sức: áo dài trắng đầy tình tự quê hương.


Lạ mắt, lạ miệng và lạ tai


Có lẽ còn một ít người nghĩ rằng ăn chay sẽ bị mất sức hoặc thiếu năng lượng, nhưng nhiều người hơn đã nhìn nhận ích lợi của việc ăn chay, đối với sức khỏe thể lý cũng như tinh thần hoặc tâm linh.


Quá giờ Ngọ, Đức Hồng Y cùng thành viên Ban MVĐTLT đã đến dùng bữa cơm chay tại An Nhiên quán, để khích lệ nữ chủ, là một Kitô hữu.


Gia đình của gia chủ vốn mang sắc thái liên tôn, vì người chồng thuộc Cao đài và là con của một chức sắc miền Trung. Điều khiến các thực khách kinh ngạc, đó là trước đây, nữ chủ hoàn toàn mù tịt về văn hóa ẩm thực.


Câu Thánh kinh trên khung ảnh như minh họa cho việc thực hành chay lạt đối với người Công giáo:“Thiên Chúa phán: Đây Ta ban cho các ngươi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống để làm LƯƠNG THỰC cho các ngươi. (St 1, 29)”.


Kết quả của việc ăn ngũ cốc và rau quả không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, nhưng còn giúp thay đổi tính cách và cả tính tình. Không phải tình cờ mà các người thường nóng giận được khuyên ăn chay. Những ai biết Yoga và Thiền đều có thể chứng thực điều ấy.


Thức ăn tại đây, chỉ là ngũ cốc và rau quả củ, nhưng được trình bày với những hình thức mang đậm bản sắc dân tộc, lại được thưởng thức trong tiếng đàn tranh của hai thanh niên, khiến cho bữa Agape nên quốc hồn quốc túy.


Hương và Tâm liên tôn trở nên thiết thân và thiết thực trong ngày hội kỳ duyên này!


Xuân Thái