Mười điều hướng dẫn người Anh Em hèn mọn trong cuộc Đối thoại liên tôn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 614 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Hướng đến cuộc Gặp gỡ liên tôn vì Hòa bình tại Assisi, 27.10.2011, Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn TGP xin giới thiệu những nguyên tắc chung để cổ võ và hướng dẫn cuộc đối thoại giữa người Anh Em hèn mọn và các người ngoài Kitô giáo, theo tinh thần Phan Sinh.


1. Hãy có sáng kiến và đi bước trước

Thánh Phanxicô đã không đợi quốc vương Ai Cập đến với mình. Ngài đã có sáng kiến và đi bước trước. ĐGH Phaolô VI đã nói: "Thiên Chúa đã có sáng kiến bắt đầu một cuộc đối thoại có sức cứu độ. Chính Người đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4, 19). Vì thế, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải có sáng kiến để cuộc đối thoại này lan rộng đến với mọi người, mà không chờ đợi phải được mời gọi" (Diễn văn đọc ngày 6-9-1964).


2. Hãy là chính mình

Đối thoại là gặp gỡ giữa hai hay nhiều người. Khi gặp gỡ, điều quan trọng không phải là nơi chốn gặp gỡ, vai trò của mọi người hay các lời trao đổi, Mười điều hướng dẫn người Anh Em hèn mọn trong cuộc Đối thoại liên tônnhưng chính là những con người gặp gỡ nhau. Thánh Phanxicô đã muốn các anh em làm công tác đối thoại phải là những con người trung thực và ngay thẳng, "tuyên xưng mình là người công giáo" (Lksd 16,6).


3. Hãy tin tưởng người khác

Chúng ta phải tin tưởng người khác, nhìn nhận rằng họ là những con người trung thực, ngay thẳng và có những lý do chính đáng để tin vào tôn gíáo của họ. Không tin tưởng người khác, không tôn trọng người khác, thì không thể đối thoại được. Jacques de Vitry kể lại rằng các người Hồi giáo rất thích nghe các Anh em Hèn mọn nói về niềm tin của mình vào Đức Kitô, nhưng khi anh em bắt đầu công kích và lên án Môhamét một cách công khai như là một tên nói láo và một kẻ gian ác, thì các người Hồi giáo bắt đầu đánh đập và đuổi các Anh em ra khỏi thành của họ" (Lịch sử Phương Đông, 32).


4. Hãy đồng hành với các anh chị em khác

Noi gương Đức Giêsu, thánh Phanxicô sai các Anh em, mỗi nhóm 2 người, đến các miền khác nhau để rao giảng sự bình an cho mọi người (x. 1Cel 29). Ngài đã cùng đi với Anh Illuminê sang Ai Cập để gặp quốc vương Hồi giáo (LM 9,8). Tinh thần cộng tác, liên đới với nhau, cùng thuộc về một gia đình nâng đỡ công việc truyền giáo phan sinh, cho dầu công việc này được thực hiện bất cứ ở nơi nào.


5. Hãy là người xây dựng Hòa bình

Sau khi không thành công trong việc rao giảng hòa bình cho các Thập tự quân, thánh Phanxicô đi gặp quốc vương Hồi giáo không phải để "giảng và thuyết phục" vua, nhưng để gặp gỡ, trao đổi trong tư cách là một chứng nhân Tin Mừng, một người xây dựng hòa bình. Phản ứng của quốc vương thật đáng thán phục và cho thấy rằng vua là một con người hiếu khách, lịch sự, nhã nhặn đối với thánh Phanxicô.


6. Hãy chia sẻ Tin Mừng bằng lời nói và việc làm

Thánh Phanxicô đã phân biệt 2 hình thức đối thoại: đối thoại bằng chứng tá đời sống và đối thoại bằng lời nói (x. Lksd 16,5-7) và ngài tỏ ra ưa thích hình thức thứ nhất hơn hình thức thứ hai. Điều gây ấn tượng cho quốc vương Ai Cập không phải là tài hùng biện cho bằng lối sống của Thánh Phanxicô. "Quốc vương lại càng quí mến thánh nhân hơn khi nhận thấy thánh nhân là con người hòan toàn khinh chê của cải đời này" (x. LM 9,8; Fior 24;1Cel 57).


7. Hãy đến sống với họ

"Ai trong anh em được Chúa soi sáng, muốn đến với người Hồi giáo và các dân ngoại khác..." (Lsd 12,1). Thánh Phanxicô dùng cụm từ "inter Saracenos" (đến ở giữa, đến sống giữa người Hồi giáo) thay vì "ad Saracenos" (đi tới). Các Anh chị em Phan sinh muốn đối thoại với người ngoài Kitô giáo phải đến sống giữa họ, chia sẻ các điều kiện sống của họ. Chia sẻ các điều kiện sống và làm việc là điều kiện tiên quyết để cuộc đối thoại phan sinh đem lại kết quả.


8. Hãy là người Anh em Hèn mọn

Các Anh chị em Phan sinh không chỉ đặt mình ngang hàng với người khác, nhưng trong tư cách là người Anh hay chị em Hèn mọn, họ còn phải tìm kiếm một vị trí thấp hèn hơn người khác. Gặp gỡ các người thuộc các tôn giáo khác, Anh chị em phan sinh phải tránh "tranh cãi hay chống báng" nhưng phải "tuân phục mọi người vì Thiên Chúa" (Lksd 16,5).


9. Hãy tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Khiêm tốn và biết lắng nghe, Thánh Phanxicô đã học được nhièu điều từ quốc vương Ai Cập. Sự đón tiếp nồng hậu của quốc vương cũng như lòng nhiệt thành của người Hồi giáo trong việc cầu nguyện đã để lại một ấn tượng sâu sắc nơi thánh nhân. Về phần mình, vị quốc vương ân cần lắng nghe thánh nhân, ngưỡng mộ và quí mến ngài (LM 3,9). Đối thoại phan sinh không bao giờ trở thành độc thoại phan sinh.Đối thoại phan sinh luôn là cởi mở và lắng nghe người khác.


10. Hãy nuôi dưỡng đối thoại bằng cầu nguyện

"Ai trong anh em được Chúa soi sáng, muốn đến với người Hồi giáo và các dân ngoại khác..." (Lksd 12,1). Đối thoại phan sinh không đơn thuần là gặp gỡ giữa người với người, nhưng là một ân huệ của Thiên Chúa. Vì thế, đối thoại phải được bén rễ sâu trong cầu nguyện. Trước khi đi đến doanh trại người Hồi giáo để gặp vị quốc vương, thánh Phanxicô đã cầu nguyện xin Chúa ban cho ngài sức mạnh và lòng tin tưởng (LM 9,8). Kết thúc cuộc gặp gỡ, vị quốc vương đã nói với thánh Phanxicô: "Xin ngài cầu nguyện cho tôi để Thiên Chúa khấng tỏ cho tôi biết lề luật và lòng tin nào đẹp lòng Người hơn hết" (Jacques de Vitry). Nghe những lời này, hẳn thánh Phanxicô đã rất đỗi vui mừng. Làm sao ngài đã không nhớ lại thời gian mà ngài đã phải mò mẫm tìm kiếm con đường phải theo: "Ngài đã cầu nguyện sốt sắng xin Thiên Chúa hằng hữu và chân thật chỉ cho ngài biết phải thực thi thánh ý Chúa như thế nào" (1Cel 6,c; BNB 10; Lời cầu nguyện trước Thánh giá).


Fr. André Phương-ofm

Nguồn: Gia Đình Phan Sinh VN