Các Nữ tu Dòng Thánh giá Thương xót tham gia vào các hoạt động chống nạn buôn người ở Ấn Độ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 93 | Cật nhập lần cuối: 5/18/2023 8:01:52 PM | RSS

Các Nữ tu Dòng Thánh giá Thương xót tham gia vào các hoạt động chống nạn buôn người ở Ấn ĐộVào năm 2012, các Nữ tu Dòng Thánh giá Thương xót ở Ấn Độ đã đón nhận ơn gọi của họ để trực tiếp tham gia trợ giúp những nạn nhân của nạn buôn người và hiện các chị đang tích cực tham gia vào các dự án chống nạn buôn người trên khắp Ấn Độ.

“Nước Thiên Chúa là vương quốc của nhân quyền, công lý, bình đẳng, nhân phẩm, lòng trắc ẩn và hòa bình cho tất cả mọi người. Ngày nay, chúng ta được mời gọi để xây dựng vương quốc của Người, đặc biệt là 'giải phóng những người bị áp bức và đem tin mừng cho người nghèo khó' (xem Lc 4, 18). Trong thế giới đầy những vụ lạm dụng bi kịch và phức tạp đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp dễ bị tổn thương, việc buôn bán phụ nữ và trẻ em là một sự xúc phạm đến nhân phẩm và quyền của họ.”

Do đó, vào năm 2008, Tổng tu nghị của Dòng Nữ tu Thánh Giá Thương xót đã hoạt động để giải quyết vấn nạn buôn người, đặc biệt là nạn buôn bán trẻ nữ và phụ nữ. Các đại biểu của tổng tu nghị đã cùng nhau phân tích vấn đề và tìm cách chống lại chế độ nô lệ thời hiện đại và vi phạm nhân quyền trắng trợn này. Để điều phối các hoạt động trong Dòng, họ đã thành lập một ủy ban tại Tổng hội ở Ingenbohl, Thụy Sĩ, nơi Dòng hội được thành lập.

Bước đầu tiên ở Ấn Độ

Sau đó, Đại hội các Bề trên Giám tỉnh và Phụ tỉnh được tổ chức vào năm 2012 tại Ấn Độ đã mạo hiểm hướng tới việc làm một điều gì đó chung.

Sơ Regina nói: “Lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hiệp nhất những nỗ lực để ngăn chặn tội ác này đã củng cố thêm những nỗ lực của chúng tôi với tư cách là một hội dòng. Nhìn vào vấn nạn to lớn của nạn buôn người, câu hỏi xuất phát một cách tự nhiên là chúng ta có thể có vai trò gì trong việc ngăn chặn một mạng lưới tội phạm có tổ chức khổng lồ như vậy. Là một nhóm nhỏ, chúng tôi biết rằng chúng tôi cần hợp lực với các nhóm khác đang làm việc trong lĩnh vực này.”

Thành lập một ngôi nhà chung ở Delhi, với các thành viên từ nhiều Tỉnh Dòng ở Ấn Độ, dường như là điều nên làm. Ở đó, một số tổ chức phi chính phủ hoạt động ở nhiều cấp độ khác nhau: phòng ngừa, cứu hộ, phục hồi, tái hòa nhập. Vào năm 2017, các Sơ bắt đầu làm việc với các tổ chức phi chính phủ khác nhau dưới sự hướng dẫn của một điều phối viên Quốc gia.

Tìm kiếm từng trẻ em

Các Nữ tu cộng tác với các tổ chức phi chính phủ này trong việc tìm kiếm trẻ em tại các nhà ga xe lửa New Delhi và Anand Vihar. Sơ Regina giải thích: “Từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, chúng tôi, từng hai người một, đi tìm các trẻ em. Một số em vì lý do nào đó đã bỏ nhà ra đi, những em khác bị những kẻ buôn người đưa đi làm lao động trẻ em, ăn xin hoặc thậm chí buôn bán nội tạng. Các cô gái bị dụ đến thành phố với những lời hứa hão huyền về công việc và hôn nhân tốt. Một số thanh thiếu niên bỏ trốn và đến thành phố, với rất ít hoặc không có tiền, mang theo ước mơ về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc."

Sơ Regina nói tiếp: “Khi biết các dấu hiệu cần tìm để nhận ra những đứa trẻ này, chúng tôi nhẹ nhàng tiếp cận các em và bắt đầu trò chuyện với chúng. Chúng tôi tin tưởng các em và thu thập thông tin chi tiết về chuyến đi cũng như thông tin về cha mẹ các em. Phải cần rất nhiều kiên nhẫn và thời gian để có được câu chuyện thật từ các em. Chúng tôi tư vấn cho các em và giúp cho các em biết về nạn buôn bán trẻ em. Sau đó, chúng tôi nói chuyện với cha mẹ của các em và xác nhận xem họ có biết về chuyến đi của con mình hay không. Nếu các em đến từ thành phố hoặc xung quanh thành phố, chúng tôi sẽ giao trả các em trực tiếp cho cha mẹ. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa các em đến đồn cảnh sát để ghi nhận, rồi kiểm tra y tế và sau đó, các em được đưa vào nhà tạm trú để tìm thông tin gia đình. Chúng tôi rất hài lòng và vui mừng khi thấy các em được đoàn tụ với gia đình. Phần lớn các bậc cha mẹ đều khóc khi biết tin con họ được an toàn khi ở với chúng tôi.”

Trung tâm Asha Niwas

Sơ Rajni quản lý Trung tâm Thánh Giá Asha Niwas, ở Majhatoli, Jharkhand, được mở cửa vào năm 2016. Các sơ cung cấp các chương trình nâng cao nhận thức cho học sinh và các nhóm khác nhau về hậu quả của việc di cư và buôn người. Trong khoảng thời gian 6 năm, các nữ tu đã hoàn thành 150 chương trình như vậy. Thông qua việc thăm viếng các gia đình, các sơ biết được số người đã di cư khỏi khu vực. Sơ Rajni kể: “Trong quá trình di cư, nhiều người bị mua bán và không trở về nhà trong vài năm. Một số phụ huynh đến gặp chúng tôi để nhờ giúp tìm kiếm con gái của họ và có thể đưa chúng trở về.”

Các nữ tu cũng cung cấp nơi trú ẩn cho các thiếu nữ và sau đó các em có thể học cắt may và các hoạt động tạo thu nhập khác, ví dụ như trồng nấm và làm nến. Sơ Rajni nói thêm: “Ở với chúng tôi, các em lấy lại được sự tự tin, và khi người nhà của các em chấp nhận, các em sẽ được trở về nhà”.

Các hoạt động chống buôn người ở Hansqua

Sơ Teresa Dorjee và các sơ khác làm việc với các thiếu nữ mù chữ và bỏ học, và với cả một số em đã được đi học, “từ các vườn trà và trên đồi.” Sơ Teresa giải thích: “Chúng tôi làm việc chủ yếu để ngăn ngừa bằng cách xác định những cô gái nghèo, sau khi học xong trung học hoặc thậm chí học đại học, đang ở nhà và dễ trở thành nạn nhân nạn buôn người nhất. Họ là mục tiêu của những kẻ buôn người bằng cách hứa hẹn cho họ một công việc tốt ở các thành phố đô thị. Những cô gái này không thể tham gia bất kỳ khóa đào tạo chuyên nghiệp nào và không thể kiếm được một công việc phù hợp, vì vậy, họ dễ dàng đồng ý và ra đi.”

Các nữ tu hỗ trợ tài chính để những cô gái này được đào tạo và từ đó có việc làm tốt cho gia đình họ. Đối với các trường hợp phức tạp hơn thì cần có sự can thiệp cụ thể hơn, bao gồm liên hệ với cảnh sát địa phương, thăm hỏi và tư vấn cho gia đình nạn nhân cũng như hòa giải. Người ta biết rằng nếu bất kỳ phụ nữ hay thiếu nữ nào gặp khó khăn, các sơ sẽ cố gắng giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể.

Sơ Margaret Sunita Minj
Nguồn: vaticannews.va