Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gặp gỡ người Islam tại Phi Châu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 586 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gặp gỡ người Islam tại Phi ChâuTrong chuyến tông du mục vụ tại Phi châu từ ngày 17 đến 23 tháng 3 năm 2009, ngoài những cuộc gặp gỡ các thành phần dân Chúa tại Cameroun, các Giám mục đến từ các quốc gia Phi châu (đến nhận Instrumentum laboris chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới về Phi châu lần thứ II), Đức Bênêđictô còn tiếp xúc với các đại diện của đạo Islam.


Sáng ngày 19.3.2009, tại Tòa Khâm sứ Tòa thánh ở Yaoundé, thủ đô Cameroun, Đức Giáo hoàng đã gặp gỡ đại diện của 22 cộng đồng Islam tại nước này. Trong 18.500.000 dân cư của Cameroun, có 20% là tín đồ Islam, 40% theo Công giáo và 40% còn lại theo các tôn giáo truyền thống của Phi châu.


Trong bầu khí cởi mở chân thành của buổi tiếp kiến, Đức Giáo hoàng đã ca ngợi sự hòa hợp liên kết các cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Cameroun, nơi người Kitô hữu và Islam thường làm việc và thực hành tôn giáo trong cùng một khu vực.


Đức Giáo hoàng Bênêđictô ghi nhận sự tương đồng của hai tôn giáo. Cả Kitô giáo và Islam đều tin vào một Thiên Chúa duy nhất và thương xót, Đấng sẽ xét xử nhân loại trong ngày sau hết. Họ cùng làm chứng về những giá trị căn bản của gia đình, trách nhiệm xã hội, vâng phục luật của Thiên Chúa và yêu thương, quan tâm đến bệnh nhân và người đau khổ. Khi sống theo các nhân đức ấy và dạy cho người trẻ sống, các Kitô hữu và người Islam không những chứng tỏ cách thức họ thăng tiến sự phát triển toàn diện của con người, mà còn cho thấy họ biết kiến tạo những mối quan hệ thân hữu với những người láng giềng và thăng tiến công ích.


Đề cập đến một chủ đề lớn mà Đức Giáo hoàng thao thức và đã nói tại Ratisbonne, Đức quốc: “lý trí con người”, ngài nhắc lại một trong những vai trò quan trọng nhất của các tôn giáo là “làm nổi bật tiềm năng lớn lao của lý trí con người. Lý trí vốn là một hồng ân của Thiên Chúa và lý trí đã được nâng cao nhờ mạc khải và đức tin. Tin vào Thiên Chúa không giới hạn khả năng hiểu biết về bản thân và thế giới, trái lại còn mở rộng khả năng ấy. Chúng ta được mời gọi giúp nhau nhìn ra những dấu vết tinh tế và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới mà Chúa đã tạo dựng một cách tuyệt vời và tiếp tục nâng đỡ bằng tình yêu thương khôn tả và bao la của Ngài (…) ”.


Về tương quan giữa tôn giáo và lý trí, Đức Thánh Cha nói: “một tôn giáo chân chính mở rộng chân trời hiểu biết của con người và là nền tảng của tất cả mọi nền văn hóa nhân loại. Tôn giáo loại bỏ mọi hình thức bạo lực và độc đoán, không chỉ dựa trên các nguyên tắc của đức tin mà còn dựa trên lý trí ngay thẳng nữa. Thực vậy, tôn giáo và lý trí nâng đỡ lẫn nhau khi tôn giáo được lý trí thanh tẩy và cơ cấu hóa và tiềm lực của lý trí được mạc khải của đức tin giải thoát”.


“Dù cho trí tuệ hạn hẹp của ta không thể đạt đến vinh quang khôn cùng của Thiên Chúa trong cõi đời này, nhưng ta cũng có thể thoáng nhận ra vẻ đẹp của thế giới bao quanh mình. Khi những người nam và nữ để cho trật tự tuyệt vời của thế giới và vẻ rạng ngời của phẩm giá con người soi sáng tâm trí mình, họ khám phá ra rằng những việc hợp lý trí (hữu lý) vượt trên những bài tính toán học, những suy diễn luận lý và các chứng minh của thực nghiệm khoa học. Sự hữu lý này cũng bao hàm điều thiện hảo và sự thu hút bẩm sinh của một lối sống lương thiện, phù hợp với những nguyên tắc đạo đức được biểu lộ cho chúng ta qua ngôn ngữ của tạo thành. Quan điểm này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những gì ngay thẳng và đúng đắn, ra khỏi quyền lợi ích kỷ của môi trường hạn hẹp của mình và hành động vì lợi ích của tha nhân”.


Mục đích của cuộc tiếp xúc liên tôn này đã được chính Đức Thánh Cha xác định: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dấu chỉ cụ thể bày tỏ ước mong chia sẻ với mọi người thiện chí - tại Cameroun, Phi châu và toàn thế giới - việc tìm kiếm những cơ hội trao đổi ý nghĩ về đóng góp chủ yếu của tôn giáo vào sự hiểu biết của chúng ta về văn hóa và thế giới, cũng như vào cuộc chung sống hòa bình của mọi thành phần trong gia đình nhân loại”.


Lm. Tâm Giao

(Tổng hợp từ Vatican, Zenit và CEF)