Tòa án nhân quyền Strasbourg xét xử vụ kiện bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1012 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
WHĐ (16.01.2013) – Tòa án châu Âu về Nhân quyền (CEDH) hôm 15.01.2013, đã ra phán quyết vụ bốn Kitô hữu người Anh khiếu nại việc họ bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo tại nơi làm việc*.
 
Nội dung kháng cáo như sau:
 
1) Bà Nadia Eweida, sinh năm 1951, nhân viên hãng Hàng không British Airways, khiếu nại về việc British Airways không cho bà đeo Thánh giá bên ngoài đồng phục tiếp viên, viện cớ Thánh giá không thuộc đồng phục tiếp viên của hãng.
 
2) Bà Shirley Chaplin, sinh năm 1955, y tá tại bệnh viện Royal Devon and Exeter, khiếu nại về việc bệnh viện không cho bà đeo Thánh giá bên ngoài đồng phục y tá, viện cớ Thánh giá có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
 
3) Bà Lilian Ladele, sinh năm 1960, là công chức tại Tòa Thị chính Islington, khiếu nại về việc bị Tòa Thị chính thi hành kỷ luật lao động, do bà từ chối chứng hôn cho một cặp hôn nhân đồng tính. Bà cho rằng, là một người sống niềm tin Kitô giáo, bà không thể chấp nhận hình thức hôn nhân này.
 
4) Ông Gary Mc Farlane, sinh năm 1961, là tư vấn viên sức khỏe tính dục, khiếu nại về việc bị điều tra để thi hành kỷ luật lao động, do ông từ chối tư vấn cho một cặp hôn nhân đồng tính. Với tư cách một Kitô hữu, ông không thể hướng dẫn cho những người sống kiểu hôn nhân trái luật Chúa.
 
Tòa án Châu Âu về Nhân quyền xem xét các vụ khiếu nại trên đây dựa trên 2 điều trong Công ước Châu Âu về Nhân quyền: 1) Điều 9: về tự do tôn giáo, và 2) Điều 14: về phân biệt đối xử.
 
Tòa án đã ra phán quyết:
 
1) Công nhận khiếu nại của bà Nadia Eweida, khẳng định bà đã bị British Airways vi phạm quyền tự do tôn giáo.
 
2) Không công nhận khiếu nại của bà Shirley Chaplin. Tòa cho rằng bệnh viện đã đúng khi đưa ra lý do bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.
 
3) Không công nhận khiếu nại của bà Lilian Ladele. Tòa cho rằng cần phải tôn trọng tự do của người hôn nhân đồng tính.
 
4) Không công nhận khiếu nại của ông Gary Mc Farlane. Tòa cho rằng cần phải tôn trọng tự do của người hôn nhân đồng tính.
 
Hội đồng xét xử vụ khiếu nại về nhân quyền gồm 7 thẩm phán, thuộc các quốc gia: Island, Ba Lan, Anh, Bulgaria, Phần Lan, Montenegro, Malta. Ông David Thor Björgvinsson (Island) là chủ tịch Hội đồng. 
 
Phán quyết của Tòa án nhân quyền Strasbourg chắc chắn sẽ còn dẫn đến nhiều tranh luận tiếp theo, bởi vấn đề hôn nhân đồng tính đang là một đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người và của nhiều tôn giáo.
 
––––––––––––––––
 
Thành Thi
Nguồn: hdgmvietnam.org