Các cơ quan cứu trợ kêu gọi phải hành động khẩn cấp chống lại nạn đói ở khu vực Sừng Châu Phi

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 263 | Cật nhập lần cuối: 4/23/2022 8:40:08 PM | RSS

Các cơ quan cứu trợ kêu gọi phải hành động khẩn cấp chống lại nạn đói ở khu vực Sừng Châu PhiCác cơ quan cứu trợ của Tổ chức Cứu Trẻ em và Giáo hội đang kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Ethiopia, Somalia, Kenya, nơi đây hiện có ít nhất 16 triệu người đang đối diện với nguy cơ chết đói do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Các Giáo hội và các tổ chức quốc tế đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của nạn đói đang diễn ra tại Đông Phi, đây là hậu quả của đợt hạn hán tồi tệ nhất tại khu vực này trong 40 năm qua.

Hơn 16 triệu người đang khẩn cấp cần được hỗ trợ lương thực

Theo Tổ chức Cứu Trẻ em và Cơ quan Chính phủ của Liên chính phủ về Phát triển (IGAD), gồm 8 quốc gia ở vùng Sừng Châu Phi, ước tính có khoảng 16 triệu người, trongđó gồm nhiều trẻ em, đang cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp ở Ethiopia, Somalia, và Kenya, những khu vực này đã không đủ lượng mưa trong ba mùa liên tiếp. Trong số 16 triệu người cần được hỗ trợ, có khoảng 6 đến 6,5 triệu người ở Ethiopia, 3,5 triệu người ở Kenya và 6 triệu người ở Somalia. Ngoài ra theo dự đoán, tình trạng lũ lụt và bất ổn ở Nam Sudan sẽ đẩy thêm 8 triệu người rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Theo ước tính, trong 8 quốc gia ở vùng Sừng Châu Phi, hiện nay có đến 29 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng rất bấp bênh về lương thực.

Các nhà khoa học và các cơ quan cứu trợ cho rằng chính biến đổi khí hậu đã dẫn đến hạn hán tại các quốc gia vốn đã bị tàn phá bởi các cuộc xung đột và gần đây nhất là đại dịch COVID-19.

Kenya

Ở Kenya, một số nguồn nước chính như sông, giếng khoan và giếng cạn không đủ nước cho người và gia súc. Nhiều giếng khoan đã khô và buộc người dân phải đi hàng cây số để lấy nước.

“Ở Kenya, tại những vùng khô hạn và bán khô hạn, trẻ em thường chỉ được ăn một bữa mỗi ngày. Gia đình và trẻ em đang cận kề với cái đói tính theo từng giờ. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế có thêm những hỗ trợ trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát” – Bà Yvonne Arunga, giám đốc Tổ chức Cứu Trẻ em Kenya cho biết.

Somalia

Tại Somalia, trong 8 tháng qua, hơn 720.000 người, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề trong nhiều thập kỷ bởi xung đột vũ trang, tấn công khủng bố, bất ổn chính trị và COVID-19, đã phải rời bỏ nhà cửa để kiếm thức ăn và nước uống.

Báo cáo của Tổ chức Cứu Trẻ em cho biết, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời, 1,4 triệu trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vào giữa năm nay.

Các trường hợp suy dinh dưỡng cũng đang gia tăng ở Kenya, nơi có 755.000 trẻ em và 103.000 phụ nữ mang thai và cho con bú đang cần được chăm sóc khẩn cấp để tránh khỏi tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính.

Ethiopia

Tổ chức Cứu Trẻ em cũng nhấn mạnh rằng hạn hán kéo dài và tàn khốc ở Ethiopia đang phá đổ sự bền bỉ của trẻ em và gia đình, những người đã bị bào mòn bởi hơn 17 tháng nộichiến và hai năm đại dịch COVID-19.

Ít nhất 8,1 triệu người đang cần viện trợ lương thực ngay lập tức và hơn 286.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn và nước uống. Các gia đình chăn nuôi bị thiệt hại hơn 1,46 triệu gia súc. Hậu quả là trẻ em cạn kiệt nguồn sữa, đây là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ em và gần 890.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Giám đốc toàn quốc của Tổ chức Cứu Trẻ em, ông Xavier Joubert ở Ethiopia cho biết: “Tình trạng khẩn cấp về nạn đói ở Ethiopia sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới do mùa mưa thứ tư ghi nhận lượng mưa dưới mức trung bình, cũng như mùa hè sắp tới kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9.”

Tác động của cuộc chiến ở Ucraina

Tổ chức Cứu Trẻ em, cùng với các tổ chức Giáo hội tham gia viện trợ nhân đạo trong khu vực, tiếp tục kêu gọi quan tâm đến thực tế rằng, cuộc khủng hoảng tại đây đã trở nên trầm trọng hơn do chiến tranh ở Ucraina và giá lương thực cũng bị đẩy lên cao (đặc biệt là lúa mì, 90% trong số đó được nhập khẩu từ Nga và Ucraina). Ngoài ra, cuộc chiến ở Ucraina cũng chuyển sự chú ý của quốc tế vào đó thay vì thảm họa nhân đạo sắp xảy ra ở vùng Sừng Châu Phi.

Theo một thành viên của Liên minh trợ giúp toàn cầu của Giáo hội Phần Lan (FCA) đã than thở rằng các chính phủ trên khắp Châu Âu đang cắt giảm tài trợ từ ngân sách phát triển và phân bổ lại cho Ucraina.

Tổ chức này cho rằng việc hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng ở một nơi trong khi để sự bất ổn gia tăng ở một nơi khác thì đó không phải là một giải pháp bền vững. Theo Giám đốc Điều hành FCA, ông Jouni Hemberg nhận xét, “các nước phát triển là những nước chịu trách nhiệm chính về biến đổi khí hậu và cần phải chịu trách nhiệm về sự bất ổn này. Chúng ta phải giúp đỡ những nạn nhân của biến đổi khí hậu”, ông nói.

Vatican News
Nguồn: vaticannews.va