Chữ và nghĩa: Nhẫn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1200 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 4:48:24 PM | RSS

Chữ và nghĩa: NhẫnXã hội ngày nay tuy đạt được sự phát triển tích cực trên nhiều phương diện. Nhưng thật không may là, bên cạnh sự phát triển tích cực, thì nạn bạo lực, bạo hành cũng đang có chiều hướng tăng cao và phức tạp hơn. Từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xung đột trên đường phố, đến khủng bố quốc tế. Nguyên nhân của những tình trạng này rất nhiều, mà một trong những nguyên nhân đó là thiếu lòng bao dung, không biết nhường nhịn nhau, hay nói cách khác là thiếu một chữ nhẫn.

Vậy nhẫn là gì?

1. Nghĩa của nhẫn

Nhẫn có ba chữ Hán: 忍, 刃, 訒 (讱), chữ cần bàn là 忍. Chữ 忍 (nhẫn) có hai cách phân tích khác nhau là hình thanh và hội ý. 忍 (nhẫn) theo nghĩa hình thanh: có bộ 心 (tâm) và chữ 刃 (nhận). Tâm là tim, nhận là dao, 刃 (nhận) có âm gần với âm “nhẫn” của chữ 忍. Nếu theo nghĩa hội ý: Khi chịu đựng được dao đâm vào tim, thì chịu đựng được mọi gian nan, thử thách, nghĩa là có khả năng.

Chữ này có thay đổi về hình thức qua các thời kỳ, nhưng cách tạo chữ căn bản không thay đổi:

忍 (nhẫn): Ý nguyên thủy là lấy dao đâm vào tim, nghĩa là giết người (1). Dám lấy dao đâm vào tim người ta, thì không có gì mà không dám làm, hay chịu được dao đâm thì chịu đựng được mọi thứ, nên nghĩa ban đầu là dám làm hay chịu đựng được đau khổ.

Nhẫn có các nghĩa là (dt.) (1) Họ Nhẫn. (đt.) (2) Vững lòng: kiên nhẫn. (3) Chịu đựng: Nhẫn nhục phụ trọng (忍辱負重 chịu đựng để làm việc quan trọng hơn) (4) Khoan dung: Dung nhẫn. (5) Ức chế, nhịn: Nhẫn tuấn bất trụ (không nhịn được cười). (6) Bất nhân bất nghĩa: Tàn nhẫn. (tt.) (6) Nỡ: Nhẫn tâm hại lý (nỡ lòng làm hại lẽ trời).

Nghĩa Nôm: Chờ: Ngồi nhẫn tàn canh.

2. Nhận định về nhẫn

Nhẫn là một hiện tượng cảm xúc phổ quát của con người, là khả năng kiềm chế xúc động tâm lý của con người. Sự xúc động này có thể chỉ là những dục vọng hay ý muốn nội tâm, có thể là một hành động đã được bắt đầu và chưa hoàn thành, nên nhẫn có ý nghĩa tiêu cực.

nhẫn liên quan đến dục vọng hay ý chí, mà phạm trù của dục vọng và ý chí rất rộng. Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu nó trên bốn phương diện: Tu đức, thủ đoạn, bất lực, nhẫn nhục bất lương.

2.1. Tu đức

Dục vọng của con người rất nhiều, có tinh thần và vật chất. Bình dân thường chú ý đến vật chất, mà cơ bản nhất là nhu cầu về mặt sinh lý. Khổng Tử nói: “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên (2) (飲食男女,人之大欲存焉 - ăn uống và việc nam nữ là dục vọng lớn của con người). Ở bậc cao hơn là theo đuổi quyền lực và danh vọng. Vật chất có hạn nhưng dục vọng của con người thì vô hạn. Để được cùng nhau sinh sống và phát triển cân bằng, xã hội văn minh phát triển một số quy tắc nhằm hạn chế dục vọng của một số người. Để tuân thủ những quy tắc này thì cần đến nhẫn trong một mức độ nào đó. Có khi vì sợ bị phạt mà chọn lựa nhẫn, cũng có thể là nhìn nhận những quy tắc này từ đáy lòng mà chịu đựng, trong trường hợp này thì là nhẫn của một việc đạo đức. Theo Khổng Tử, một người chịu khó "Khắc kỷ phục lễ" (3) (克己復禮 - đánh đổ lòng muốn xằng bậy của mình để lấy lại lễ) mà đến mức "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động" (4) (非禮勿視, 非禮勿聽, 非禮勿言, 非禮勿動 - những gì không hợp lễ thì không nhìn, không hợp lễ thì không nghe, không hợp lễ thì không nói, không hợp lễ thì không động đến) thì có thể đạt tới nhân đức. Việc đạo đức này không thể đạt tới được trong một sớm một chiều, mà phải có tu thân qua nhiều năm tháng. Đến khi đó, việc căng thẳng giữa dục vọng và nhẫn xem ra không còn nữa.

2.2. Thủ đoạn

Nhẫn có khi, không phải phủ định dục vọng căn bản của mình, nhưng chỉ vì thiếu thực lực hay kế hoạch chưa được hoàn thiện, mà thỏa hiệp tạm thời để hành động có hiệu quả hơn hay vì lợi ích lâu dài hơn. Vậy, có khi phải giả vờ ngu dại. Như Câu Tiễn (5) phải tạm thời chịu cảnh "Ngọa tân thường đảm" (臥薪嚐膽 - nằm gai nếm mật). Kiểu nhẫn này là thủ đoạn, không phải mục đích, nên ý nghĩa của nó tùy thuộc vào giá trị mục đích. Nếu nhẫn vì lý tưởng cao thượng, đó là biểu hiện của trí tuệ. Nếu vì dục vọng hèn hạ, đó là âm mưu.

2.3. Bất lực

Có những trường hợp kẻ yếu bị bắt nạt, đối diện với hoàn cảnh khó khăn cảm thấy bất lực mà phải nhẫn. Như ở miền quê, dân nghèo gặp phải cường hào ác bá nhưng phải làm thinh, không dám nói. Loại nhẫn này không phải tự mình muốn lựa chọn, mà là bị ép buộc phải chịu đựng.

2.4. Nhẫn nhục bất lương

Nhẫn nhục bất lương là xa rời sức chịu của con người. Nghĩa là hoàn toàn không quan tâm khi thấy đồng bào, đồng loại bị sỉ nhục, bị giết hại. Như tin ngày 14-3-2013: "Nhìn anh họ bị đánh hội đồng đến mất mạng: Hiệp đứng cách 4m, chứng kiến nhóm côn đồ đánh hội đồng rồi đạp Tuấn Anh xuống kênh, ném gạch khiến nạn nhân tử vong. Thanh niên này còn nhận rượu xin lỗi của hung thủ và không báo cho gia đình nạn nhân biết." (6) Sự dửng dưng trước đau khổ của người khác, Mạnh Tử gọi là “nhẫn nhân” (忍人), vô cảm đối với đau khổ của đồng loại là biểu hiện của việc thờ ơ, lương tri không kiện toàn, là mất trí. Trong xã hội văn minh, người ta không chấp nhận cả việc ngược đãi thú vật, huống hồ là con người.

3. Hai loại nhẫn

Nhẫn có hai loại: một là nhẫn của quan lại và sĩ phu, tức là nhẫn của những người có học, những người có văn hoá, bao gồm cả vua quan. Hai là nhẫn của thường dân, bá tánh.

3.1. Nhẫn của quan lại và sĩ phu

Loại nhẫn này là một thứ thủ đoạn, thứ thủ đoạn để thực hiện không nhẫn. Nhẫn tạm thời là để che đậy việc làm không nhẫn của tương lai. Bởi nhẫn loại này nhằm khoả lấp một sự uất ức, nhưng khi đạt được mục đích rồi và không cần nhẫn nữa, những uất ức trong giai đoạn nhẫn tạm thời sẽ bùng nổ đến không thể kiềm chế được và sẽ trở thành tàn nhẫn. Trong lịch sử Trung Hoa, Vua nước Việt là Câu Tiễn nhờ việc nằm gai nếm mật mà trở thành vị vua thành công nhất về nhẫn.

Nhẫn của quan lại và sĩ phu cũng có hai cách để thể hiện: Một là trước sức ép của quyền thế phải nhẫn cách bất đắc dĩ, đến nổi có khi không cần phân biệt phải trái. Hai là thủ đoạn, tích trữ lực lượng mà nhẫn, để đạt đến mục đích, loại nhẫn này như Khổng Tử nói "Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu " (小不忍則亂大謀 (7) - việc nhỏ mà không nhẫn thì sẽ làm đảo lộn kế hoạch lớn). Nhẫn như vậy là một kế hoạch, từ nhẫn đến không nhẫn là một quá trình biến đổi, là một "luân hồi" lập lại không ngừng, thể hiện rõ nhất trên việc thay đổi triều đại trong lịch sử.

3.2. Nhẫn của thường dân

Nhẫn của thường dân là một nỗi buồn, một số phận, là tiền đề để sinh tồn. Nhẫn của thường dân bị những kẻ chuyên chế đặt cho cái mỹ từ là “đức hạnh”, trở thành một thứ luân lý khóa chặt trên cổ người dân. Nhẫn trong dân là dây xích liên tục: con cái nhẫn cha, vợ nhẫn chồng, chồng nhẫn quan, quan nhỏ nhẫn quan lớn, quan lớn nhẫn vua chúa. Những người dân đen thấp cổ bé họng còn phải nhẫn những người tu hành và trộm cướp. Riêng đối với người tu hành có lẽ Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng thấy được điều đó, nên sáng ngày 25.05.2013 tại Casa Santa Marta, ngài nói:“Những ai đến gần Hội Thánh phải tìm thấy cánh cửa rộng mở, chứ không phải thấy những người muốn kiểm soát đức tin.”. Rồi ngài nói tiếp: Chúa Giêsu đã thiết lập bảy bí tích, nhưng với thái độ này, chúng ta đang thiết lập thêm bí tích thứ tám: “bí tích mục vụ thủ tục”.

4. Kết luận

Những quan điểm trên phần nào là cái nhìn bi quan. Lão Tử nói: “Thiệt nhu thường tồn, xỉ cương tắc chiết” (8) (舌柔常存,齒剛則折 - Lưỡi mềm còn hoài, răng cứng thì gãy). Nên bất cứ làm việc gì, thái độ cơ bản là nhường nhau (nhẫn).

Như vậy, nhẫn nghĩa là quả quyết kiên cường của nội tâm, khi chịu đựng được những gì người khác chịu không nổi, đó là một đức hạnh. Cho nên, nếu ai cũng biết nhường nhịn nhau, thấu hiểu và biết cách nhẫn, thì thế giới ắt sẽ được thái bình, lòng người sẽ luôn giữ được an vui.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.45-50

__________________________

Chú thích:

(1) Theo sách “Thuyết Văn Giải Tự” của Hứa Thận, Đông Hán Trung Quốc (năm 25-220)

(2) Lễ Ký.

(3) Luận Ngữ-Nhan Uyên

(4) nt.

(5) Vua Việt Quốc (TCN 496-464)

(6) http://vn.news.yahoo.com/

(7) Luận Ngữ-Vệ Linh Công

(8) Đạo Đức Kính, chương 23.