Đản Sinh và Phục Sinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3089 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Đản Sinh và Phục SinhHằng năm, có một trùng hợp khá đặc biệt thuộc về 2 tôn giáo lớn là lễ Đản sinh của Phật giáo vào giữa tháng tư Âm lịch và lễ Phục sinh của Kitô giáo vào giữa tháng tư (hoặc cuối tháng 3) Dương lịch. Đản sinh là ngày sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni; Phục sinh là ngày sống lại của Đức Jésus Ki-Tô.

Ngày kỷ niệm Đản sinh đánh dấu sự ra đời của một bậc chứng đắc Khổ đế của chúng sanh, quyết tâm tìm ra nguyên nhân để diệt khổ và thực hành con đường giải thoát (Khổ-Tập-Diệt-Đạo). Đó là con người của lòng tự tin tuyệt đối, dũng cảm dấn thân tìm Đạo để tự giác, giác tha. Ngày Phục sinh đánh dấu sự sống lại của con người có đức tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, đã hy sinh hiến thân, làm tròn sứ mạng cứu chuộc tội lỗi chúng sanh, chấm dứt cuộc sống đạo nhập thế, trở về “lẽ sống” xuất thế vĩnh hằng.


Cả hai nhân vật, bằng 2 con đường tự tin và đức tin đã mặc nhiên chứng minh chân lý “Thầy là các con, các con là Thầy.” Và cuối cùng, cứu cánh đều cùng thể nhập vào Bản thể tâm linh bất diệt.

Ý nghĩa quan trọng còn lại là công dụng của các lễ kỷ niệm sẽ đánh thức lòng tự tin và đức tin của mọi người trước tấm gương tự giác và hy sinh cứu độ nhân sanh của hai Đấng Giáo chủ.

Ngày kỷ niệm Phật đản, các chùa đều làm lễ Tắm Phật, đặc biệt có ý nghĩa gội rửa hết mọi phiền não, nghiệp chướng đã che khuất “Phật tử” trong chính bản tâm của mọi người. Tắm phật để phật tánh được sáng tỏ minh linh, xóa tan vô minh, giác ngộ chân lý hằng thường, sống theo lời Phật dạy.

Với lễ Phục sinh, truyền thống thắp nến thiêng liêng của mỗi con chiên tại các thánh đường, tập trung thành một bầu ánh sáng xóa tan bóng đêm, chúc mừng kỷ niệm ngày sống lại của Đức Jésus Ki-Tô. Ý nghĩa sâu xa là con người phải “sống lại” lòng nhân đích thực [1] ra khỏi bóng tối tội lỗi, bước vào ánh sáng thánh thiện, lập cõi thiên đàng tại thế gian.

Đản Sinh và Phục SinhNẾN PHỤC SINH

Đức Thích Ca Mâu Ni, sau khi đại giác, đã thấu suốt phật tánh và nguyên nhân tứ khổ của chúng sanh, động lòng từ bi đi truyền đạo suốt 45 năm. Sự hy sinh chịu hành hình của Đức Ki-Tô trên thập giá để cứu chuộc loài người, rồi mới sống lại về Trời, chứng tỏ chỉ có tình thương là Thiên tính mới có thể tự độ và độ tha.

Cả hai sự kiện lịch sử mầu nhiệm ấy, đến thời Tam Kỳ Phổ Độ đã trở nên mạc khải về Thiên đạo Đại thừa. Nên TKPĐ cũng là những vòng Pháp luân miên tục của Phật đạo. Những biểu tượng máng cỏ Giáng sinh hay ánh nến Phục sinh Thiên Chúa giáo vẫn còn nhắc lại sứ mạng hy sinh cứu độ nhân loại của Đức Jésus Ki-Tô. Nên Đức Thượng Đế khai đạo vào thời Hạ Nguơn bằng cách khải thị Thượng Đế tính trong mỗi cá thể, nhìn nhận tất cả đều là con cái của Ngài hầu mỗi con người “thế Thiên hành đạo”, thực hiện Sứ mạng Đại thừa tự độ và tận độ chúng sanh.

Nên, thánh giáo Cao Đài có dạy: “Con ôi! Con hãy dành tất cả tình thương cho đồng loại. Hãy quên mình vì cứu độ. Quay bánh xe Đại Thừa vào khắp chốn, đừng buồn khi gặp những chướng ngại, có vào lửa đỏ mới vớt được người chết đuối, có hòa mình cùng nhân thế mới độ được thế nhân.”

Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 13 tháng 8 Mậu Ngọ (14.9.1978)

Thiện Chí
Nguồn: nhipcaugiaoly.com

____________________
Chú thích:
1. "Sống lại lòng mình hởi thế nhân, Quay về Thượng Đế tính đơn thuần; Không gây tham vọng, không oan trái, Nước mạnh dân an bởi hợp quần" (Lê Đại Tiên, CQPTGL, 21-3-1970)