Đầu năm bàn về chữ Lộc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2196 | Cật nhập lần cuối: 2/9/2019 11:36:12 PM | RSS

Đầu năm bàn về chữ Lộc1. Tầm nguyên chữ LỘC 禄

Chữ LỘC 禄 có hai nghĩa khác nhau:

1. phúc, tốt lành. Do vậy, chữ phúc và lộc thường đi chung với nghĩa nhấn mạnh: phúc lộc.

2. lương hằng tháng. Truyện Kiều có câu: “Sao bằng lộc trọng quyền cao, Công danh ai dứt lối nào cho qua (2497‐2498)”.

2. Chiết tự chữ LỘC 禄

theo cách hiểu phổ thông Chữ LỘC 禄 thuộc bộ kỳ 礻(thần đất) để biểu ý, ghép với chữ lục 彔 (lục lục: rõ ràng trước mắt, có thể đếm biết) để biểu âm. Chữ Phúc 福 và chữ Lộc 禄 đều thuộc bộ kỳ 礻, nghĩa là phúc lộc đều do ơn trên ban cho, ở con người chỉ có thể cầu xin mà thôi. Trong văn hóa tín ngưỡng, chữ Lộc ít khi đứng riêng một mình, nó thường đi kèm với chữ phúc để thành phúc lộc hay đi chung với phúc và thọ để thành tam đa 三多(phúc – lộc – thọ).

Có nhiều hình ảnh biểu trưng cho Lộc, như ông Thần Tài, đồng tiền hay hình con cóc (thiềm thừ 蟾蜍) ngậm đồng tiền. Người xưa cho rằng trên mặt trăng có những vệt đen là do con cóc đang ngồi ăn trăng. biểu trưng cho Lộc. Vì thế hình tượng con cóc ngậm vật tròn (hình tượng mặt trăng) hay đồng tiền nói lên lợi lộc mà thế gian luôn mong ước.

Lục 六 là số 6, đồng âm với chữ Lộc 禄. Số 6 là con số kỳ diệu. Số 6 được tạo ra bởi tổng hoặc tích của ba số tự nhiên liên tiếp nhau: 1 + 2 + 3 = 1 x 2 x 3 = 6. Trong Kinh Dịch, số 6 ứng với quẻ Càn, nghĩa là Trời. Do vậy, chữ Lộc có bộ kỳ với ý điều tốt lành hoặc lợi nhuận do Trời ban cho.

Đầu năm bàn về chữ Lộc

3. Chữ LỘC 禄 theo cách hiểu trong Thánh Kinh

– Lộc được hiểu là ơn lành của Thiên Chúa:

+ Ông Môsê đã nói lời chúc phúc: “Về Giu‐se, ông nói: Đất của nó được phúc lành của ĐỨC CHÚA: ơn lộc từ trời, là sương móc nhỏ sa, và từ vực sâu nằm ở phía dưới; ơn lộc là những gì trổ sinh dưới ánh mặt trời, là những gì mọc lên mỗi tuần trăng… (St 33,13‐14)”.

+ Vua Đavít nói lời tạ ơn Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ được Ngài tuyển chọn và cho ở tại khuôn viên đền Ngài. Ân huệ nhà Chúa, chúng con tận hưởng, lộc thánh đền Ngài, lại được đầy no (Tv 65, 5).

Lộc được hiểu chung là phúc lộc từ Thiên Chúa:

+ Trên trời, Đức Kitô thi hành chức tư tế của Người một cách thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách “Thượng Tế đem lại phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của Phụng Vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời (trích GLHTCH 662).

+ Nhờ đó, chúng ta hiểu được chiều kích có hai hướng đi của Phụng vụ Kitô giáo như lời đáp trả của đức tin và tình yêu cho những lời “ban phúc thiêng liêng” Chúa Cha ban cho chúng ta. Một mặt, được kết hợp với Chúa của mình và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha “vì phúc lộc khôn tả Ngài ban” (2 Cr 9,15), qua việc thờ phượng, ngợi khen và tạ ơn (trích GLHTCH 1083).

+ Các phụng vụ khác nhau có nhiều lời nguyện chúc lành và lời khẩn cầu Thánh Thần, xin Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn, đặc biệt cho người vợ. Trong lời nguyện khẩn cầu Thánh Thần của bí tích này, đôi tân hôn lãnh nhận Chúa Thánh Thần như sự hiệp thông tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Chính Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, nguồn mạch tình yêu và sức mạnh giúp họ chung thủy với nhau (GLHTCH 1624).

– Lộc được hiểu chung là của cải có được từ chức quyền:

+ Vậy, vì được hưởng lộc của triều đình, chúng tôi thấy không được phép ngồi nhìn đức vua bị nhục mạ; cho nên chúng tôi đệ lên đức vua bản tường trình này (Et 4, 14).

+ Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Giuđa và những người còn ở lại Giêrusalem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc (Mcb 2, 18).

Lời kết

Mơ ước trong dân gian, Lộc không chỉ đến đơn chiếc mà Lộc đi với Phúc để có phúc lộc, hay đến với Thọ để có lộc thọ, hay đến với phúc thọ song toàn để có Phúc – Lộc – Thọ hay gọi là tam đa. Nhưng cho dù là phúc hay lộc hay thọ, tất cả đều là hồng ân đến từ Thiên Chúa. Trong Thánh lễ ngày mùng 3 Tết, Giáo hội Việt Nam đã thể hiện nét hội nhập văn hóa qua việc dành ý lễ thánh hóa công ăn việc làm cho mọi người tràn đầy phúc lộc từ tình yêu của Thiên Chúa.

Michel Nguyễn Hạnh
Nguồn: ttmucvusaigon.org