Kiên nhẫn - Hạnh tu cần có

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1212 | Cật nhập lần cuối: 4/29/2020 4:22:47 PM | RSS

Kiên nhẫn - Hạnh tu cần cóCó một từ ngữ mà trong cuộc sống chúng ta ai nấy cũng đều nằm lòng, từ lúc còn cắp sách đến trường cho đến khi mái tóc điểm sương vẫn chưa quên được, đó là hai chữ kiên nhẫn.

Thật vậy, nhờ vào đức kiên nhẫn mà con người mới đi tới đích của sự nghiệp, đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội; nhờ kiên nhẫn mà tinh thần, tư tưởng được thăng hoa.

Nếu không có kiên nhẫn, thì dù ở bất cứ lãnh vực nào trong xã hội, con người không thể gặt hái được thành công nào cả, và xã hội chỉ mãi mãi trong tình trạng bán khai mà thôi. Cho nên kiên nhẫn luôn là yếu tố chính trong các loại sách học làm người.

Học làm người vốn đã phải khó nhọc. Thánh hiền ngày xưa từng nói: Vi nhơn nan! Vi nhơn nan! 為人難! 為人難! (Làm ngươi khó! Làm người khó!) Thế mà ngày nay chúng ta vừa học làm người hiền, vừa học làm Thần, làm Thánh, làm Tiên, thì yếu tố kiên nhẫn quan trọng biết dường nào.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy chúng ta nhiều về hai chữ kiên nhẫn:

“Các con đại tịnh, nghe THẦY giải sơ chữ KIÊN NHẪN.
KIÊN NHẪN gầy nên thánh đức tâm
Nhẫn kiên đạo đức nghĩ suy ngầm
Lũy thành chống vững đường tên đạn
Nhẫn được lâu ngày hỏa dục lâm. (1)

Thầy nói giải sơ là ý để cho ta suy nghiệm mà bàn thêm cho rõ.

Kiên 堅 là chắc chắn, vững vàng, như kiên trì tín tâm 堅持信心 (giữ vừng lòng tin). Chữ Kiên 堅 và chữ Trường 場 đều có bộ Thổ 土, cho nên ta có thể hiểu Kiên là kiên định lập trường 堅定立場 (giữ vững chỗ đứng của mình).

Chỗ đứng của mình hiện giờ ở đâu? Là ở đây, chỗ trường thi Long Hoa Hội theo Cao Đài; chỗ chờ Ngày Phán Xét cuối cùng theo Thiên Chúa Giáo.

Theo giáo lý Cao Đài mỗi người giác ngộ là một thí sinh trên đường tu học. Chấp nhận vào trường thi thì phải học hiểu bài vở để giải đề thi cho đúng. Dù khó đến đâu cũng phải hoàn tất cuộc thi, quyết không phụ lòng Cha Mẹ thiêng liêng và cha mẹ hữu hình hiện tiền hay quá vãng. Danh đề bảng Thánh cũng giúp cho cha mẹ bao đời và cửu huyền thất tổ siêu thăng.

Người tu không vì bài thi khó mà nản lòng thối chí. Nếu nản lòng thối chí có nghĩa là đứng giữa trường thi mà không vững, ngã quỵ vì đôi chân không chắc khỏe, không kiên định lập trường. Thật là uổng cho cái công khó nhọc tầm sư học đạo.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

Từng khó nhọc kiếm tầm lựa chọn
Dày công phu đưa đón tập tành
Kiên tâm trì thủ hy sanh
Nắng mưa mấy lúc nhọc nhành bao phen.
Chẳng câu nệ sang hèn quyền quý
Không quản gì ngôi vị lợi danh
Một lòng chí kỉnh chí thành
Vui câu đạo đức học hành nghĩa nhân.
(2)

Còn một nguyên nhân khác để tự mình bỏ dở cuộc thi là vì không muốn ngồi ở một trường thi mà mình cảm thấy không thích (bởi lý do này hay lý do khác), nên bỏ cuộc, nhảy qua trường thi khác.

Thật ra, trường thi đạo đức khác với trường thi khoa cử ngoài đời.

Ngoài đời, một người có thể cùng một lúc thi hai ba trường, một người có thể có hai ba bằng cấp, và những cái bằng cấp nầy sẽ được bỏ lại sau khi người đó tạ thế.

Trong cửa đạo chỉ có một trường thi và chỉ có một “bằng cấp” là đơn thơ chiếu triệu phản bổn hoàn nguyên.

Trong cửa đạo, nhảy từ trường thi này qua trường thi khác cũng là không kiên định lập trường. Không kiên định lập trường thì làm sao gầy nên thánh đức tâm? Không gầy nên thánh đức tâm thì làm sao tạo nên bộ thiết giáp như lũy thành chống vững đường tên đạn, mà những ham muốn về danh lợi và lục dục, thất tình sẽ là những lằn tên mũi đạn xuyên thủng linh hồn của chúng ta vậy.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:

Quỷ tự ái lắm lần xúi giục
Ma háo kỳ nhiều lúc rủ ren
Nga thiêu thân bởi ánh đèn
Người tu vững chí nhờ rèn tâm linh.
(3)

Vì tự ái, thấy cái tôi của mình lớn quá, cái gì thuộc về mình là cao cả, là hoàn thiện, ai chạm tới cái tôi của mình là ngoảnh mặt bỏ đi, không cùng bước chung một con đường được nữa. Đây là cơ hội tốt cho mấy con quỷ tự áima háo kỳ nó len lỏi đến rủ ren mình bươn theo ánh sáng phù du của nó, biến ta thành những con nga 蛾 tức bướm đêm, loài côn trùng hay lao mình vào ánh đèn.

Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy ta điều gì qua vé thánh thi trên?

Qua lời Ngài ta hiểu rằng những ai không kiên định lập trường, tâm trí luôn xáo trộn bởi những mớ bất mãn nên không vững vàng đứng yên nơi chỗ đang đứng, trái lại cứ theo dấu của ma háo kỳ mà bay nhảy lung tung, thì khi xác thân nầy tàn hơi dứt thở ắt hồn linh té ngã, giống như con bướm thiêu thân trước sức nóng của ánh đèn.

Cho nên, theo lời dạy của Đức Giáo Tông, việc trau rèn tâm linh rất cần thiết để lập chí vững vàng, mới mong đi trót được đường tu.

Nhẫn 忍 cấu tạo gồm chữ Nhận 刃 (mũi nhọn của dao) và chữ Tâm 心 (cõi lòng), nghĩa là dùng mũi nhọn trí huệ hay gươm trí huệ để kềm chế vọng tâm (lục dục, thất tình), bắt nó ngoan ngoãn nằm yên một chỗ, không để nó ngoi lên biến thành buồn vui giận ghét. Cũng như câu thi của Thầy ở trên: Nhẫn được lâu ngày hỏa dục lâm. Chữ lâm 淋 này nghĩa là rưới nước, dầm nước. Vậy, hỏa dục lâm là lửa lục dục, thất tình được dập tắt vì cái Tâm mình hay siêng tắm bằng nước mát của từ bi hỷ xả.

Từ lối chiết tự đó, chữ Nhẫn có nghĩa là Nhịn, có khi dùng kèm thêm chữ Nại 耐 (chịu đựng, chịu nhịn), chữ Nhục 辱 (chịu khuất phục). Thí dụ: Nhẫn nại, nhẫn nhục. Và cũng từ đó trong dân gian mới có thành ngữ Một câu nhịn, chín câu lành.

Vì chữ Nhẫn quan trọng như vậy nên ngoài đời hiện nay người ta hay mua những bức tranh chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp về treo trong nhà để nhìn thấy mà răn mình. Người thì học theo chữ Nhẫn để tu tâm dưỡng tánh. Người thì học theo chữ Nhẫn để rèn luyện bản lĩnh kinh doanh, chịu lùi một bước để phóng lên mười bước. Người thì treo chữ Nhẫn cho có “phong trào” chơi chữ với người ta… chớ đụng chuyện cần phải nhẫn thì không sao nhẫn nỗi!

Vậy người đạo chúng ta ứng dụng chữ Nhẫn vào đời sống tu hành như thế nào? Thầy dạy:

Lập một nước dễ hơn truyền giáo
Truyền dạy người đắc đạo khó thay
Biết bao kềm sửa đêm ngày
Làm nên Tiên Phật rất dày công phu.
(4)

Tại sao Thầy bảo lập một nước dễ hơn truyền giáo? Như chúng ta đã thấy trong lịch sử nhơn loại từ xưa nay, mỗi khi nước nhà bị xâm lăng, hễ có người tài đức yêu nước thương dân, hô hào toàn dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm để giành lấy độc lập, tự do thì được toàn dân hưởng ứng. Không chóng thì chầy, phần thắng vẫn về tay chánh nghĩa. Sở dĩ người ta nghe theo tiếng gọi của non sông Tổ Quốc là vì muốn bảo vệ cuộc sống thiết thân của mình, của gia đình và đồng bào chủng tộc. Thế nên người ta không ngại đổ máu xương để giành lại hạnh phúc, áo ấm cơm no, đất đai, nhà cửa… Cho nên nhứt hô bá ứng là như vậy.

Ngược lại, việc truyền giáo thì khó đến vạn lần! Thầy bảo rằng truyền dạy cho một người tu tới lúc đắc đạo thì đã khó quá chừng rồi, huống hồ phổ độ cả nhơn sanh, có mấy ai chịu nghe Đạo đâu. Vì phần đông người đời nghĩ rằng Đạo hết sức mông lung, trừu tượng! Đã chắc gì có luân hồi chuyển kiếp? Chắc gì có Phật Tiên, có Thánh Thần? Hơn nữa vào đạo thì phải tuân hành giới luật, không còn được tranh danh đoạt lợi, vui hưởng vật chất phù hoa, quả là rất khó, làm sao nhiều người hưởng ứng cho được!

Biết bao kềm sửa đêm ngày: Kềm là chế ngự và chuyển hóa thất tình. Sửa là lóng lòng trong sạch. Chỉ những ai thực sự giác ngộ lập chí tu hành mới có sức kiên nhẫn liên tục hằng ngày, hằng đêm không rời Đạo để mong kềm sửa thân tâm cho đến khi đạt Đạo.

Nói kềm sửa đêm ngày không phải là cứ suốt ngày ta ngồi canh chừng, hễ có hỷ nộ ái ố phát sinh thì lập tức ra tay kềm chế chúng.

Ta còn nhiều việc phải làm trong ngày, nhưng dù làm việc gì trong các tư thế đi đứng nằm ngồi đều giữ chánh niệm với câu chú Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Khi thành thói quen, ta không cần ráng sức niệm thì câu chú đó vẫn hiện nơi tâm, và nếu câu chú đó luôn ở nơi tâm thì chắc chắn rằng những dục tình tà vạy không dám nảy sanh.

Thí dụ: Ta đang thong thả đi trên lề đường, có một người nào đó đi ngược chiều với ta, hớt hơ hớt hãi đâm sầm vào ta, rồi còn mắng ta là “đui” nữa! Thói thường thì máu giận sẽ nổi lên, nhưng ta không giận, mà chịu nhịn, làm thinh bỏ đi. Tại sao ta nhẫn được dễ dàng như vậy? Vì lúc nào cũng có ông Thầy, có Đức Cao Đài ở trong lòng ta, bọn tam bành lục tặc làm sao dám hó hé.

Không phải chỉ ở ngoài đường mới gặp những người đại loại như vậy, mà ở trong nhà, trong chùa, trong thánh đường, trong công sở… cũng đều có những người như vậy. Những người như vậy không phải họ muốn như vậy mà do tâm lý bất thường mới khiến họ như vậy, gây sự trả treo với họ chỉ gây thêm oan gia phiền não thôi chớ có ích lợi gì đâu. Cho nên mới có câu Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận (5) là vậy.

Người không có hạnh Nhẫn thường hay dòm ngó, xét nét nhược điểm của người nầy người nọ rồi đem vào lòng những thứ thị phi tạp nhạp. Chất chứa hoài thì sanh ra bực bội, nên khi gặp cơ hội thì đi đầu nầy đến chỗ kia, ai chịu nghe thì không ngớt lời phê phán, cằn nhằn, chê khen đủ thứ. Hóa ra mình chỉ nói toàn chuyện xằng, đã chẳng bổ ích mà còn làm mất hòa khí.

Thầy dạy phải giữ hiệp hòa, kiên nhẫn, vì chỉ có kiên nhẫn mới giữ được sự hòa thuận hảo hiệp cùng mọi người.

Chúng ta là người học đạo tu thân, cần phải kiên định ngay chỗ đứng của mình kèm theo lòng nhẫn nại. Khi đôi chân đứng vững thì sức chịu đựng càng lâu bền. Chịu đựng được gian khổ thì sẽ thích nghi được gian khổ, không còn thấy gian khổ mà chỉ thấy an lạc. Chịu đựng được sự nhục mạ của người khác thì sẽ thích nghi được cảnh bị nhục mạ, tức thì không còn thấy ai nhục mạ.

Nhẫn được lâu ngày thì tánh thuần mềm như nước, tâm tịnh thanh như ánh trăng rằm, đâu còn để ý bươi móc lỗi lầm của thiên hạ nữa. Không thấy ai xấu, không bất mãn ai, thì ta không còn “sầu đời” nữa, mà nét mặt của ta sẽ hiện lên vẻ yêu đời hơn.

Biết đạo đức chịu lỳ với Đạo
Để quỷ ma nó khảo mới cao
Phơi gan trải mật anh hào
Đại hùng, đại lực mới vào cảnh Tiên.
(6)

Có câu Đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng; Đạo cao nhất trượng, ma cao đầu thượng. (7) (Đạo cao một thước, ma cao mười thước; Đạo cao mười thước, ma cao vượt khỏi đầu.) Nhưng đã quyết vào đường Đạo thì kiên định lập trường không sợ ma khảo.

Đức Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, hết ma nầy tới ma kia đến khảo, Ngài vận dụng uy vũ của tinh thần đại hùng đại lực để chiến thắng, sau bốn mươi chín ngày thì thành Phật.

Nhưng lại có câu Vô ma khảo bất thành Đại Đạo. (8) Đủ hiểu muốn cầu đắc Đạo cũng phải nhờ có ma khảo, ma khảo càng dữ thì đạo quả càng lớn.

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa ma khảota khảo. Chịu đựng cho ma khảo là tiến bộ đường tu, còn ta khảo ta là tự mình làm chậm bước đường tu của mình.

Làm thế nào phân biệt được đâu là ma khảo hay là ta khảo? Trong nhựt dụng thường hành, ta luôn đề cao phương châm các tư kỳ phận. (9) nghĩa là vai trò nào ra vai trò đó. Chẳng hạn:

 Trong gia đình thì cha con ra cha con, chồng vợ ra chồng vợ, anh em ra anh em, bổn phận nào cũng đều giữ đúng đạo lý của bổn phận đó. Nếu mình cảm thấy đã làm hết bổn phận của một người cha mà đứa con quay lại ngược đãi mình, đó là ma khảo; nếu mình làm hết bổn phận người chồng mà người vợ quay lại ngược đãi mình, đó là ma khảo; nếu mình làm hết bổn phận người anh mà người em quay lại ngược đãi mình, đó cũng là ma khảo… Ta kiên trì nhẫn nhịn thì sẽ tiến bộ về tâm linh.

Trái lại, ta không làm tròn bổn phận nào trong gia đình, khiến mọi người trong nhà đối kháng, cha mẹ thì trách móc, vợ con thì hỗn hào, quậy phá, đó là ta khảo lấy ta… Khi ấy ta nên tự xét lại bổn phận mình để kịp thời chấn chỉnh, chớ để tình trạng nầy kéo dài làm ngưng trệ đường tiến bộ tâm linh.

Ngoài xã hội, ta lấy tâm từ bi hỷ xả đối xử với mọi người, không phân biệt thân sơ, cứ đinh ninh rằng trước mắt ta không bao giờ có kẻ thù, mà chỉ có tình yêu thương và đạo đức. Nhưng cũng có người không ngại lấy oán báo ơn, tìm đủ cách hãm hại ta, đó là ma khảo… Ta kiên trì nhẫn nhịn để tâm linh tiến bộ.

Trái lại, ta vô tình hay hữu ý gây tổn thương người khác, sự trả đũa của họ nếu xảy ra cũng là ta khảo ta mà thôi.

Trong cửa đạo, ta được lãnh bất cứ nhiệm vụ nào cũng đều hết lòng vì nhiệm vụ ấy mà không hề so đo cao thấp, bởi mỗi vai trò trong một tổ chức hành chánh đạo như mỗi bộ phận trong cơ thể, bộ phận nào cũng cần thiết cả. Trái tim không thể tự tôn rằng mình ở trên cao; quả thận không thể tự ti rằng mình ở dưới thấp. Mỗi bộ phận cơ thể đều hoạt động theo quy luật chung của hệ tuần hoàn; mỗi chức sắc, chức việc và đạo hữu cũng hoạt động theo quy luật chung, các tư kỳ phận thì không có chuyện khảo đảo lẫn nhau.

Trái lại, lãnh đạo làm theo tư ý, không đúng tinh thần dân chủ tập trung, bị mọi người phản đối, phê bình mà cho rằng họ khảo mình là một điều nhầm lẫn vì cứ tưởng mình làm đúng. Đó là tự mình khảo mình, mà tự mình khảo mình kiểu nầy thì chỉ thêm thoái bộ trên đường lập công bồi đức.

Người hiền để người ta biết đó
Thì cũng chưa thiệt rõ người hiền
Người hiền an tịnh nhẫn kiên
Lo làm âm đức mới thiền tâm linh.
(10)

Người hiền mà Thầy nói ở đây là người hiền tài, vừa đạo hạnh vừa có tài năng. Nhưng người hiền mà để thiên hạ biết mình là người hiền thì chưa thật là người hiền. Bởi người hiền chẳng khác chi của quý, mà của quý cứ đem phô bày ra sẽ khiến khêu gợi lòng tham của người, lòng tham nổi lên thì sanh ra tranh đoạt hay cướp giật. Người hiền mà lộ mặt dương dương tự đắc thì sẽ khiến người ta tranh nhau cái tiếng người hiền, khi tranh nhau thì có bôi xấu nhau, hãm hại nhau để kẻ hiền kia thành kẻ dữ, còn lại một mình ta là “người hiền” được đời quý trọng thôi. Cho nên trong Đạo Đức Kinh, chương 3, có câu: Không tôn bậc hiền tài, khiến cho dân không tranh giành; không quý của khó được, khiến cho dân không trộm cướp; không phô điều ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn. (11)

Yếu tố nào giúp ta dễ dàng tu được hạnh Kiên Nhẫn? Chúng ta may mắn có được điều kiện học tập đạo lý để tồn dưỡng tinh thần kiên định và trau rèn hạnh nhẫn nhục. Nhờ học tập và tu thiền, chúng ta đã hội được hai yếu tố giúp hạnh Kiên Nhẫn phát sinh:

 Thân vô thường: Do lóng lòng quán xét mà ta nhận rõ xác thân nầy cấu tạo bởi tứ đại giả hiệp, gồm bốn tố chất lớn là đất, nước, lửa, gió hợp lại mà thành. Đất (thủy đại) là thịt, xương của tứ chi và lục phủ, ngũ tạng… Nước (thủy đại) là máu, mồ hôi, nước mắt, nước miếng… Lửa (hỏa đại) là sự ấm nóng trong thân thể. Gió (phong đại) là hơi thở và sự cử động. Bốn tố chất nầy vốn không thật, không tồn tại lâu bền nên mới gọi là giả tạm. Trung bình hơi thở của con người kéo dài chưa tới trăm năm thì ngưng nghỉ, hơi thở ngưng là gió trong cơ thể ngừng, gió trong cơ thể ngừng thì kéo theo hơi ấm không còn, xác thân trở thành lạnh ngắt; chôn đi rồi thì sau một thời gian máu thịt trở lại thành đất, thành nước, chỉ còn linh hồn mãi luân lưu trong cõi hư vô.

Ta nghĩ xác thân đã là giả như vậy nên mượn cái giả ở cõi tạm để tu bồi cái thật là tình yêu thương, là tâm vô ngã; tạo thành công đức tốt cho tương lai để ngày nào thân tứ đại giả hiệp ly tan thì linh hồn thăng hoa nơi cõi vĩnh hằng, hưởng phước ngàn năm nơi Tiên cảnh, chớ có gì quan trọng đâu mà sân si, mà tham đắm để uổng phí một cuộc đời giả tạm trong cõi giả tạm?

Tâm vô ngã: Do thấy được thân nầy là vô thường, thoạt có thoạt không theo vòng luân hồi chuyển kiếp, thì ta còn cần chi câu chấp cái ta mà không buông xả cái ta vị kỷ nhỏ nhoi để mở lòng bao dung tha thứ, thương xót kẻ xấu, trân trọng người tốt; tâm không còn hệ lụy vào hai mặt thiện ác mà phân biệt thân sơ, bạn thù, thương ghét nữa. Nhờ vô ngã mà đạt được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm có nghĩ, miệng có nói, tai có nghe, thân có làm theo hướng của chánh tư duy, chánh niệm, chánh ngữ và chánh nghiệp… Tùy duyên hành đạo độ đời mà tâm trong sáng không chút mảy may vướng bận lục trần.

Chúng ta có được hai yếu tố đó thì hạnh Kiên Nhẫn sẽ thể hiện một cách tự nhiên, khỏi cần miễn cưỡng trau chuốt cho có hình thức bề ngoài. Vì nếu Kiên Nhẫn bằng gượng ép bề ngoài thì không coi là có hạnh Kiên Nhẫn. Thế nào là gượng ép bề ngoài? Xin nêu ra một thí dụ: Có người nào đó góp ý xây dựng hay chỉ trích lỗi lầm của ta, dù lời chỉ trích ấy có quá đáng nhưng vẫn ta làm thinh không phân bua, biện minh điều gì, cố kềm chế không cho phát tác ra thái độ hay lời nói phản đối nên bề ngoài tỏ như chịu đựng (nhẫn) được lời chỉ trích ấy, còn nội tâm thì chẳng khác nào dung nham trong quả đất đang sục sôi từng đợt, âm thầm buồn giận hoặc tìm cách trả đũa sau nầy, đó là ép phải nhẫn thì càng không nhẫn được.

*

Tóm lại, Kiên Nhẫn là cái hạnh đứng đầu trong các hạnh, là yếu tố dẫn đến mọi thành công cho nhơn loại. Người tu mà thiếu kiên nhẫn cũng không phải là người chơn tu.

Người tu có lập được chí kiên định, nhẫn nhục thì cuộc đời tu ví như bầu trời trong xanh quang đãng, ngày có ánh mặt trời, đêm có trăng sao, bản thân mình thấy tiêu dao nhàn hạ mà mọi người chung quanh cũng phấn phát vui tươi.

Người không kiên định lập trường, không kiên trì nhẫn nhục thì cuộc đời ví như bầu trời phủ kín mây mù, sấm chớp tứ giăng, bản thân mình sẽ cảm thấy bơ vơ lạc lõng trong nỗi phập phồng sợ hãi và mọi người chung quanh cũng lâm vào cảnh mờ mịt của tranh đua thù hận.

Phương pháp thực hành Kiên Nhẫn:

- Giữ vững vị trí của mình đang đứng.

- Thường xuyên tự kiểm, tự trách mình vẫn còn nóng giận. Lỡ có nóng giận thì uống vài ngụm nước mát và làm thinh, không nói. Nếu cần nói thì phải uốn lưỡi bảy lần (nghĩa là đắn đo, cân nhắc cho kỹ).

- Nếu có bị lời chỉ trích oan sai cũng làm thinh, buông xả. Chịu nhục làm thinh vẫn tốt hơn, vì thời gian là công lý minh oan hay nhứt.

Chúng ta tâm niệm như sau: Công quả tuy nhiều mà bài thi về hạnh Nhẫn bị rớt, thì vẫn không qua nỗi trường thi Đại Đạo. Công quả dù ít nhưng bài thi về hạnh Nhẫn được đậu điểm cao, vẫn đắc vẫn thành công trong Ngày Phán Xét cuối cùng.

Trên đường tu ta cũng nên ghi nhớ lời của Thánh tông đồ Phaolô trong thư gởi các tín hữu Êphêxô (4, 2):

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.”

Đức Chí Tôn dạy chúng ta bài học Thương Yêu; ai ghét thương yêu thì khó mong gần Thầy; thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh để vào chầu Thầy... Muốn thực sự thương yêu ta cũng phải biết khép mình vào chữ Nhẫn, đúng như lời khuyên dạy của Thánh tông đồ Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô (13,4-7):

“Thương yêu thì nhẫn nại, tử tế; không ghen tỵ, không khoe khoang; không kiêu hãnh; không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Thương yêu thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.”

Thanh Căn
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.12-23

_________________________

Chú thích:

(1) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 65. Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.

(2) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 01/3 Đinh Mùi (10.4.1967).

(3) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Bính Ngọ - Đinh Mùi (1966-1967). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 202.

(4) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 66.

(5) 忍忍忍, 債主冤家從此盡.

(6) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 68.

(7) 道高一尺魔高一丈, 道高 一丈魔高頭上.

(8) 無魔拷不成大道.

(9) 各司其分.

(10) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 69.

(11) Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn. 不上賢使民不爭, 貴難得之貨使民不為盜, 不見可欲使民心不亂.