Kiên nhẫn Kitô giáo hay một lòng kiên nhẫn chất chứa đầy yêu thương

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1678 | Cật nhập lần cuối: 5/4/2020 10:20:24 AM | RSS

Kiên nhẫn Kitô giáo hay một lòng kiên nhẫn chất chứa đầy yêu thươngVì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có Kiên Nhẫn, anh em mới giữ được mạng sống mình. Luca (21,17-19)

Tháng 11 hàng năm người Kitô hữu không những mừng lễ các thánh và chân phước (mùng 1) và tưởng nhớ ông bà cha mẹ và các người thân đã qua đời (mùng 2), mà vào tuần cuối (ngày 24), họ còn mừng lễ các thánh tổ tiên của họ trong đức tin. Đúng 117 vị chứng nhân như thế, đã tin vào Đức Kitô và đã bỏ mình vì Ngài và được Đức Gioan-Phaolô II tôn vinh là “thánh” năm 1988, và một thanh niên thầy giảng được tôn vinh “chân phước” vào năm 2000.

Năm nay, biến cố lớn này đã tròn 25 năm. Một phần tư thế kỷ! Các ngài đã để lại cho Giáo hội Việt Nam một tấm gương của những người con trung nghĩa với Thiên Chúa và với quê hương thân yêu của họ. Không một giây phút nào các đấng mất đi lòng kiên nhẫn chất chứa đầy tình yêu thương với những người làm khổ họ trong lao tù cũng như tại pháp trường. Đức Gioan-PhaoLô II đã nói lên như thế trong bài giảng ngày lễ tôn vinh các thánh (ngày 19.06.1988):

Đoàn thể đông đảo các Tử Đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt..., tất cả đã tạo nên "mùa lúa vàng" của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy, Cha xin mượn dịp hôm nay, để nêu lên trước toàn thể Giáo hội sức sinh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta. (1)

Theo Đức Giáo hoàng, cần phải có một mãnh lực và khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng Mầu Nhiệm Tình Yêu của Ngài như thế, một tình yêu được diễn tả bởi chính Người Con Một của Ngài, đã vững bền vâng phục Thiên Chúa Cha trong cuộc tử nạn trên Thập Giá để cứu chuộc trần gian. Đó đúng là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận của con người, vì “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Gioan 15, 13) và là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan của người đời, và cái yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh hơn cả sức lực phàm nhân. (1 Cr 1, 25) (2)

1. Một lòng kiên nhẫn bước theo gương Thầy Giêsu

Trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, (3) Đức Gioan-Phaolô II đã cho thấy trong chính Đức Giêsu, chân lý về con người mới được mạc khải đầy đủ và sâu xa, và đồng thời, qua Ngài, dung nhan một vị Thiên Chúa “giàu lòng thương xót và của mọi niềm an ủi” (2 Cr 1, 3) được nổi bật. (4)

Ngài đã nhắc lại hiến chế ”Vui Mừng và Hy Vọng”: “Là Adam mới, Đức Kitô… biểu lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mạng cao cả của mình.” (5)

1) Vì vậy, đối với người Kitô hữu, đời sống Đức Giêsu là gương mẫu của mọi linh đạo Kitô giáo, và hành trình tâm linh của họ luôn luôn là hành trình mà Đức Giêsu đã bước đi, và đó chính là mục tiêu của đời sống Kitô hữu:

Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người. (Pl 3, 10). (6)

Mối quan tâm noi gương sống Đức Giêsu, kiên nhẫn hiền hòa trong mối tương quan với con người và luôn vâng phục thánh ý của Chúa Cha, (7) vốn được ghi nhận rõ ràng trong các trang sách Tân Ước. Các người Kitô hữu của Giáo hội tiên khởi rất ý thức về vấn đề này.

Ngay khi viết lại gương của thánh Stêphanô, Kitô hữu tuẫn đạo tiên khởi, Luca tác giả của Tin Mừng thứ Ba và cũng là tác giả Sách Công Vụ các Tông Đồ, rất hữu ý để trình bày cái chết của ông giống như cái chết của Đức Giêsu (x. Cv 6,8-7, 60). Các kỳ mục, các kinh sư và các thành viên trong Thượng Hội Đồng Do Thái, mà người đứng đầu là Thượng Tế đương kim, đã tố cáo Stêphanô đã ”sử dụng ngôn ngữ phạm thượng chống lại Môsê và chống lại Thiên Chúa” (6, 11). Lời tố cáo này giống như trong trường hợp của Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng này khi Ngài bị kết án tử. (8) Stêphanô trước khi bị ném đá chết, ông “đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.” Ông đã nói như Thầy Giêsu của ông: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” (Cv 7,55-56). (9) Điều rất cảm động, bắt chước Đức Giêsu, trước khi họ ném đá ông, Stêphanô còn quỳ gối xuống xin Thiên Chúa tha tội cho kẻ hành hình mình: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” và rồi phó thác linh hồn cho Đức Giêsu:"Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con"(Cv 7,59-60). (10)

2) Trong hơn hai thế kỷ đầu của Kitô giáo, việc trở nên “đồng hình đồng dạng” (Rm 8, 29) với Đức Giêsu trong cái chết của Ngài được xem như là chứng tá tuyệt đỉnh, sự biểu lộ sức mạnh rõ nét nhất của Thánh Thần. Chính vì thế thánh Ignatiô thành Antiôkia, sống vào cuối tk I, bị sát hại tại đấu trường Côlisêum trong hàm sư tử, đã xem sự ngược đãi mà người ta dành cho ngài như một cơ hội để “phát huy hơn nữa tinh thần môn đệ,” vì có thể “bước vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.” (11) Chứng từ của ngài, là một chứng từ cảm động dạt dào yêu thương với Đức Kitô, đến nỗi trong thơ gởi cho tín hữu Rôma, ngài xin họ đừng tìm cách cứu ngài khỏi tử đạo:

Đừng tạo vật nào, dù hữu hình hay vô hình, tìm cách ngăn cản, không cho tôi chiếm hữu Đức Giêsu Kitô! Lửa thiêu, thập tự, thú dữ, xé thịt, phanh thây, đập xương, nghiền tán thân thể, tất cả các hình khổ do ma quỷ dữ tợn bày ra, tôi xin chịu, miễn là tôi có được Đức Giêsu Kitô! Tôi tìm kiếm Ngài, là Đấng đã chịu chết vì chúng ta. Tôi mơ ước Ngài, là Đấng đã sống lại vì chúng ta! Tôi bắt đầu cảm nghiệm những đau đớn của thời thai nghén. Hãy buông tha cho tôi, hỡi anh em, đừng ngăn cản tôi sống, đừng muốn cho tôi chết. Đừng nộp cho thế gian và sự quyến rũ của vật chất kẻ muốn thuộc về Thiên Chúa. Hãy để cho tôi thấy ánh sáng tinh tuyền, vì nơi đó, tôi sẽ là người đích thực. Hãy để cho tôi bắt chước cuộc khổ nạn của Chúa tôi. Nếu ai có trong mình cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, người ấy sẽ hiểu những ước muốn của tôi, người ấy sẽ thông cảm với sự khắc khoải đang thúc bách tôi. (12)

3) Thật vậy, giống như Ignatiô thành Antiôkia, những Kitô hữu, là những môn đệ của Đức Giêsu; họ yêu mến Ngài và tôn vinh Ngài, nhưng đặc biệt hơn cả là các đấng tử đạo, đã đón nhận những cực hình với lòng kiên cườnglấy sự sống để làm chứng cho tình yêu đối với Ngài:

Giữa vị tử đạo và Chúa Kitô, có một liên hệ đặc biệt và mật thiết, vì Đức Kitô là Đấng Tử Đạo đầu tiên, là chứng nhân đầu tiên và đích thực nhất cho Thiên Chúa. Khi một Kitô hữu phải chết vì Thiên Chúa và vì Chúa Kitô, họ cảm nghiệm sự gần gũi thân mật và mới mẻ giữa họ với Chúa Kitô. (13)

Tâm tình của Ignatiô lại được phản ảnh và sống lại trong hầu hết các Tử Đạo, ước ao được bắt chước Thầy của mình, muốn được Ngài chiếm hữu, đón nhận kiên cường mọi khổ hình vì tình yêu đối với Ngài.

Đức Kitô chịu khổ nạn không chỉ là gương mẫu xa vời, mà các Tử Đạo cố gắng họa lại, nhưng là nguyên lý sự sống bên trong có sức lôi cuốn tới vinh quang Thiên Chúa, vượt qua khổ hình sự chết. (14)

4) Thật vậy, khi nhìn lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hiểu được đâu là nguồn sức mạnh của các ngài, đâu là bí quyết thần diệu giúp các ngài làm cuộc vượt qua từ cõi chết đến sự sống để làm chứng cho người mình yêu thương: Tình yêu của Đức Kitô mạnh hơn sự chết, và lòng tin bền vững vào lời hứa của Ngài:

Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy… Anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét…Có kiên nhẫn, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21,12-15. 17-19)

Niềm cậy trông nơi Chúa Quan Phòng công minh và nhân hậu: "Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã biểu lộ tình thương đến mức độ hy sinh mạng sống vì ta, do đó không ai có thể yêu thương hơn người đã thí mạng sống mình vì Chúa và vì anh em" (Ga 15, 13).

2. Vì là Người Con của Vị Thiên Chúa Nhẫn Nại và Giàu Lòng Xót Thương

Các môn đệ của Đức Giêsu thường thấy thầy Giêsu của họ gọi Thiên Chúa là Abba của Ngài. Trong ngôn ngữ Aram, tiếng “Abba” không chỉ truyền tải mối tương quan căn bản cha mẹ-con cái, nhưng còn truyền tải những tình cảm ấm cúng, âu yếm, và thân ái. (15)

1) Thật vậy, trải dài suốt dòng chảy của lịch sử cứu độ, toàn bộ Kinh Thánh minh chứng cho chúng ta thấy phảng phất một Thiên Chúa đầy nhẫn nại, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và đầy tình nhân ái. Các thánh vịnh thường xuyên nói lên tâm tình này, như Thánh Vịnh 103 (8-12) (16) nói lên tâm tình mà Vua David đã cảm nhận được tình thương của Chúa trong, ông tung hô:

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận
và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Thánh vịnh này là một bằng chứng hết sức sống động về sự chờ đợi, sự chậm bất bình và giàu tình thương “hesed” của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

Khi tự mạc khải cho Môisê, Thiên Chúa lại tuyên bố Ngài thật sự là ai:

Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi.... (Xh 34,6-7)

2) Khái niệm về một Thiên Chúa trung nghĩa-xót thương (17) và hằng nhẫn nại đối với dân “có một lịch sử lâu dài và phong phú” mà Đức Kitô đã mạc khải trong Tân Ước. Đó là “một kinh nghiệm đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này vừa có tính xã hội và cộng đồng, vừa có tính cá nhân và nội tâm.” (18)

3) Đức Gioan Phaolô, trong thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” cho thấy chính từ cội nguồn niềm xác tín đa dạng, vừa cộng đồng và cá nhân này mà toàn bộ Cựu Ước hé mở cho chúng ta nhận thực về ý nghĩa sâu xa của trải nghiệm nền tảng của dân được tuyển chọn, là con của Chúa, và Thiên Chúa là Cha của họ (Is 63, 16). Israel chính là con đầu lòng của Ngài (Cf. Xh 4, 22), “được yêu thương” (rukhama), (19) vì hưởng được tình thương “hesed” của Thiên Chúa.

Tại Sinai, sau khi đưa dân thoát khỏi nô lệ ra khỏi Ai cập, qua Môsê Thiên Chúa đã ký kết giao ước mới với Israel. Họ trở thành dân Giao Ước của Ngài. Nhưng trong suốt dòng lịch sử, họ thường tỏ vẻ bất trung vi phạm nặng nề Giao Ước, và đã làm cho Thiên Chúa nổi giận muốn hủy bỏ Giao Ước và hủy diệt họ. Nhưng khi nghe lời Môsê, hay những ngôn sứ sau ngài lay động dân và làm họ ý thức được sự bất trung của chính mình và khi họ lại khẩn nài đến lòng thương xót Ngài, thì lòng trìu mến và tình thương bao la đượm đầy nhẫn nại của Ngài đối với dân vẫn thắng được cơn thịnh nộ của Ngài (Hs 1,7-9; Is 31, 20; 54,7-8). Do đó người ta hiểu tại sao khi các tác giả thánh vịnh tìm cách hát lên những lời ngợi khen Chúa sâu sắc nhất thì họ cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa của tình thương, niềm trìu mến, lòng thương xót và dạ trung thành (Ví dụ Tv 103, 145). (20)

4) Tại ngưỡng cửa Tân Ước, Tin Mừng thứ ba theo thánh Luca, được mệnh danh là “Tin Mừng của Lòng Thương Xót,” đã làm nổi bật kỳ lạ về một vị Thiên Chúa của Cựu Ước, giàu lòng thương xót, chậm bất bìnhđầy nhẫn nại, luôn đợi chờ con người trở lại. (21)

Thật vậy, Tin Mừng này đã đạt đến tuyệt đỉnh của lòng thương xót đầy sự nhẫn nại đợi chờ người con Ngài “trở về từ xa” trong chương XV, với ba dụ ngôn “con chiên lạc,” “đồng bạc được tìm thấy” và nhất là “người con trai hoang đàng” qua ngay chính lời giảng dạy của Đức Kitô.

Trong dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,11-32), yếu tính của lòng Thiên Chúa thương xót đầy nhẫn nại, được diễn đạt một cách đặc biệt rõ ràng, cho dầu từ “lòng thương xót” không thấy ở đây (22)

Việc mô tả chính xác tâm trạng người con hoang đàng cho phép chúng ta hiểu một cách đúng đắn lòng thương xót của Thiên Chúa hệ tại là những gì: Tin Mừng kể lại “người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” (c. 13).

Người Cha ========= Người Con----> đi xa => tha hóa

Khi anh ta rời khỏi cha và đi xa (Hy Lạp “makral”), “anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình,” anh hoàn toàn bị tha hóa: lâm vào cảnh túng thiếu, anh phải đi ở đợ làm người chăn heo. Đối với người Do Thái đó là sự tha hóa, vì heo theo lề luật là con vật ô uế chỉ được nuôi ở xứ ngoại. Cơn đói kém đến, anh ta còn thua con vật, vì “ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.” Sự tha hóa là cùng cực. Anh mất tư cách là con của một vị gia chủ chắc chắn là giàu có. Luca đã dùng hạn từ Hy Lạp là động tính từ ở thể hoàn thành “bị mất đi” (23) để diễn tả tình trạng anh vô phương cứu chữa, mãi mãi bị mất đi.

Người Cha ->-----<-----Người Con

Người cha đã nhẫn nại chờ sự trở về của anh ta. Ở trạng thái cùng cực anh đã nghĩ đến cha, và quay trở về. Từ xa, cũng là giới từ “xa” (makral) cha đã nhìn thấy anh, ông chạnh lòng thương, (24) chạy nhanh đến, ôm lấy cổ anh (25) rồi hôn lấy hôn để, cho anh mặc áo mới, xỏ nhẫn, mang dép. Tất cả động tác như là phục hồi quyền làm con của anh ta (đeo nhẫn), sang trọng (áo mới, mang dép), có uy quyền trên người làm công. Và người cha đã cho mổ bê béo ăn mừng, vì con ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại được tìm thấy.

Rõ ràng, qua bài dụ ngôn, Đức Giêsu cho chúng ta thấy một sự tương tự đơn giản và sâu xa này về Thiên Chúa Cha. Ngài cho chúng ta gặp lại “những khía cạnh khác nhau của cái nhìn Cựu Ước về lòng thương xót” nhưng với một viễn tượng “hoàn toàn mới mẻ, thật đơn giản và sâu sắc.” Người cha của đứa con hoang đàng trung thành với tư cách làm cha, ông không một giây phút nào mất đi “tình thương dồi dào ông đã dành cho người con từ trước đến nay.” Ông mau mắn đón tiếp người con trở về nhà sau khi hắn đã phung phí phần gia sản của mình. Ông diễn tả tình thương khoan dung “hesed” này trong niềm vui, bằng việc ăn khao thật hào phóng để mừng kẻ hoang đàng trở về.

Mãi sau Phaolô sẽ viết về tình thương kiểu này cho Kitô hữu thành Côrintô:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,… không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận,… nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, kiên nhẫn chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-7).

5) Với thái độ đầy khoan dung đối với những người tội lỗi, người thu thuế, Đức Giêsu đã nhập thể lòng nhẫn nại của Thiên Chúa. Các dụ ngôn về cây vả không sinh trái (Lc 13,6-9), đứa con hoang đàng (Lc 15), người tôi tớ bất nhân (Mt 18,23-35) đều là những mạc khải về lòng nhẫn nại của Thiên Chúa và là những bài học về nhẫn nại và yêu thương cho các môn đệ, vì Chúa muốn cứu những người tội lỗi. Đối với nhân loại đã được tuyển chọn, mãi mãi Thiên Chúa “yêu thương họ bằng mối tình muôn thuở,” và được Ngài dành cho họ lòng xót thương”(Gr 31, 3), vì cho dù núi có dời sao có đổi, đồi có chuyển có lay, thì tình nghĩa của Thiên Chúa đối với họ vẫn không thay đổi”(Is 51, 10).

6) Tin Mừng Luca còn cho thấy qua dụ ngôn “người đàn bà góa và vị thẩm phán bất công” (18,1-8), Đức Giêsu còn mời gọi các môn đệ cầu nguyện không ngừng để cho công lý được ngự trị, nhưng vẫn luôn ý thức Thiên Chúa Cha đầy nhẫn nại yêu thương đối vối người Ngài yêu mến:

Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

Ngoài ra các tông đồ nhìn thấy lòng nhẫn nại của Thiên Chúa biểu lộ trong sự chậm trễ bên ngoài của việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang:

Thiên Chúa không trì hoãn thực hiện điều Ngài đã hứa, nhưng Ngài nhẫn nại với anh em đó, vì muốn cho đừng ai phải hư đi, song mọi người đều được ăn năn trở lại (2Pr 3, 9).

3. Có Kiên Nhẫn, Anh Em Mới Giữ Được Mạng Sống Mình (Luca 21,17-19)

1) “Kiên nhẫn” (26) đó là hạn từ dịch từ gốc tiếng Hi Lạp; nó có nội dung phong phú bao gồm cả nhẫn nại, kiên cường, kiên nhẫn, kiên định, kiên tâm, bền vững, bền đỗ. Cách chung, nó nói lên có một sức mạnh tiềm ẩn giúp chịu đựng, vượt khó và không bỏ cuộc. (27)

Vậy kiên nhẫn (hay nhẫn nại) đó là khi ta ở trong trạng thái kiên trì chịu đựng trước những hoàn cảnh khó khăn, bền vững để đối mặt với sự chậm trễ hoặc hành động khiêu khích mà không biểu lộ sự khó chịu hoặc giận dữ một cách tiêu cực; hoặc tỏ ra nhẫn nại khi gặp căng thẳng, đặc biệt khi đối mặt với sự khó khăn kéo dài. Kiên nhẫn còn là mức độ một người có thể chịu đựng được mà không biến ra tiêu cực. Hạn từ cũng được dùng để chỉ những người có đặc điểm kiên định.

2) Lòng kiên nhẫn là dấu chỉ trưởng thành trong tình yêu. Sức mạnh tiềm ẩn của con người kiên nhẫn, Phaolô cho thấy đó là tình yêu trong bài ca đức ái: “tình yêu thì kiên nhẫn,… tha thứ tất cả,… nhẫn nhục tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Thật vậy, lòng kiên nhẫn có cội nguồn là tình yêu, làm cho người môn đệ bắt chước gương thầy Giêsu của mình, phận là Thiên Chúa mà đã biến mình ra không, trở nên giống phàm nhân, hạ mình vâng lời cho đến chết… (Pl 2,7-8). Nó làm cho chúng ta thoát ra khỏi việc dừng lại trên bản thân, và đồng thời cũng không dừng lại trước giới hạn của tha nhân làm chúng ta khắc khoải, nhưng kiên nhẫn phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, tựa như Đức Giêsu trên thánh giá, còn bị bao nhiêu người từ các vị thủ lãnh của dân Do Thái, đến các quân lính, một tên gian phi cười nhạo (Lc 23,35-36.39), nhưng chỉ nguyện cầu với Abba của Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." Và cuối cùng “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23, 34. 46).

Chính vì trong mọi hoàn cảnh dù bất cứ việc gì xảy đến, người kiên nhẫn đều hướng về Chúa với “lòng tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, và tha thứ tất cả,” mà Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha, làm phát sinh trong chúng ta những hoa trái tốt đẹp của lòng nhẫn nại, góp phần cho sự thanh thản và bình an.

3) Bà Chiara Lubic, người sáng lập phong trào Focolare, cho rằng ơn gọi làm Kitô hữu, đó là ơn gọi sống kiên trì trong mọi gian nan thử thách:

Lòng kiên trì thì cần thiết và không thể thiếu được khi người ta bị đau khổ, bị cám dỗ, khi thất vọng, khi bị những quyến dũ của thế gian lôi kéo, khi bị bách hại. (28)

Thánh Phaolô tông đồ cho các giáo đoàn của Ngài thấy sự kiên trì của ngài, như dấu chỉ một cuộc sống Kitô đích thực. Thật vậy, như Đức Giêsu dạy, ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình, nhận thấy thập giá mình hàng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì danh Ngài thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Lc 9,23-24). (29)

4) Dĩ nhiên nếu ta muốn kiên trì, thì chỉ dựa trên sức mình không thôi chưa đủ. Ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi Thiên Chúa là: “nguồn kiên trì” (Rôma 15, 5). Và vì thế, ta phải xin Ngài lòng kiên trì và Ngài sẽ ban cho ta.

Cũng theo Chiara Lubic:

… nếu Bạn là người Kitô thì chỉ nhận phép Rửa và làm một vài việc đạo và việc bác ái thôi chưa đủ. Bạn còn cần phải lớn lên như người Kitô hữu. Và trong lãnh vực tinh thần, việc lớn lên không thể thực hiện được, nếu không phải là giữa những thử thách, đau khổ, những cản trở, những cuộc chiến đấu. (30)

Và bà giải thích: “người biết kiên trì thực sự: đó là người có tình yêu, và lòng yêu thương không nhìn đến những cản trở, những khó khăn, những hi sinh. Bà cho rằng, lòng kiên trì chính là tình thương được thử luyện. (31) Nó làm cho những người chung quanh lớn lên trong tình yêu, và giúp họ tiến bước trên con đường này.

Lòng nhẫn nại, là hoa trái của tình yêu, xây dựng tình yêu ở trong gia đình, trong các mối quan hệ, trong công việc, trong chính hữu thể của chúng ta. Nhờ “lòng nhẫn nại, chúng ta nắm bắt được sự sống.”

5) Một Lòng Kiên Nhẫn Chảy Dài Xuống Anh Chị Em Đồng Loại. Thật vậy, sự kiên nhẫn nầy, Thần Khí truyền vào con tim chúng ta, và thúc đẩy chúng ta phải làm chứng tá về điều đó bằng chính cuộc sống của mình. Phaolô khuyên nhủ: "Với tất cả lòng khiêm tốn, dịu dàng và kiên nhẫn, anh em hãy chịu đựng lẫn nhau với lòng yêu mến" (Ep 4, 2; Cf. Col 3, 12).

(i) Lòng kiên nhẫn nầy đòi hỏi cần được diễn tả đối với hết mọi người không trừ một ai, kể cả những người yếu đuối (1Th 5, 14), và cách chung biết hướng đến tha nhân, và những người chung quanh tôi.

(ii) Lòng nhẫn nại còn phải hành xử đối với chính bản thân khi chúng ta ước vọng trở thành hoàn thiện mau chóng mà không được. Phải biết nhẫn nại chờ giờ của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa có con đường của Ngài và con đường của Ngài không nhất thiết theo con đường của loài người. (32)

Con người thì hữu hạn và yếu đuối, (33) nhưng sự nhẫn nại đối với chính mình thì không phải là một sự mềm lòng bao dung, (34) để đưa đến sự dễ dãi và phóng túng, nhưng là một biểu lộ của tình yêu đích thật đến từ Thiên Chúa, với một tầm nhìn về bản thân tiếp tục hy vọng, bởi vì “tình yêu là kiên nhẫn tất cả, hy vọng tất cả.”(1 Cr 13,4-7).

(iii) Chính vì thế các nhà linh đạo cho rằng việc thiếu kiên nhẫn trong cuộc sống nói lên cách sâu xa, sự sống đang thoát khỏi tầm tay con người. Họ không nắm bắt được nó. Vì một đàng, họ đang lấy mình làm trung tâm, đang quy chiếu đến bản thân, chỉ gắn bó với ý riêng, dự tính riêng của mình, đàng khác, khi không thấy chúng như mong đợi, họ thường bộc lộ những thái độ giận dữ, hành động bạo lực, những lời nói xét đoán khắc khe, thiếu khoan dung và thương cảm, gây tổn thương, tranh chấp, dối trá... Đó là ngọn đèn hiệu báo động là con người không ở trong tình yêu.

Lòng tốt mang dấu ấn nhẫn nại nầy cũng trải dài ra đến những hoàn cảnh cuộc sống hằng ngày của tôi, chính xác là với những hoàn cảnh mà tôi đã không hề chọn lựa... (35) Chính nhờ đó mà tôi có thể kiểm chứng sự tự do nội tâm của mình.

(iv) Lòng kiên nhẫn còn đâm rễ sâu đến tận niềm hy vọng, vì tình yêu là kiên nhẫn thì hy vọng tất cả (1Cr 13, 7) và gieo rắc sự bình an tâm hồn, vì nó dập tắt bạo lực nơi tha nhân và nơi tôi, nó giải thoát tôi khỏi mọi sợ hãi vì thiếu tin tưởng, khỏi những thất vọng vì ước mơ quá cao, khỏi lý tưởng duy cầu toàn ngô nghê, (36) vì ta biết đó chỉ là lý tưởng vượt tầm tay.

Tôi sống kiên vững nhưng biết sống phó thác và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa, vì xác tín rằng tôi không thể làm hết được mọi sự tốt đẹp, và vì Thiên Chúa yêu chúng ta “không phải vì ta ngoan hay ta hay,” (37) nhưng chỉ vì Ngài là Thiên Chúa giàu lòng từ bi. Thánh Phaolô đã có những tâm tình tương tự khi nói về bản thân ngài rất ý thức về sự nhẫn nại của Đức Giêsu đối với ngài:

Nếu tôi được xót thương thì chính là để Chúa Giêsu bày tỏ tất cả lòng nhẫn nại của Ngài đối với tôi trước hết, khiến tôi nên gương mẫu cho tất cả những ai tin vào Ngài để được sống muôn đời" (1 Tm 1, 16).

Kết:

Người Kitô hữu sống linh đạo hiệp thông, chan hòa với anh chị em mình trong Giáo hội và trong xã hội, chỉ có thể hiện thực được nó bằng tâm nguyện và thực hành lời khuyên của Phaolô:

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”(Ep 4, 2).

Thật vậy, hiền lành và khiêm nhường sinh kiên nhẫn.

Và “Có Kiên Nhẫn, anh em mới giữ được mạng sống mình.” Luca (21,17-19)

Các đấng tử đạo đã giữ mạng sống mình cho Nước Trời vì tình yêu của Thầy Giêsu, vì không ai có thể tách họ ra khỏi tình mến của Ngài. Cho dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo...Vì trong thử thách ấy, họ đã toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến họ. Cf. Rm (8,35.37).

Ngoài ra, nói như ĐGH Phanxicô, chúng ta cần học nơi bà góa trong Tin Mừng (Lc 18,1-8) cách cầu nguyện luôn mãi, không mệt mỏi. Không phải để thuyết phục Chúa bằng lời nói! Vì Ngài biết rõ hơn những gì chúng ta đang cần! Đúng hơn đó là kinh nguyện kiên trì, một sự biểu lộ niềm tin nơi một Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta cùng Ngài chiến đấu mọi ngày, mọi lúc, để chiến thắng sự ác bằng sự thiện. (38)

Khi hội nhập vào nền văn hóa Á Đông chịu ảnh hưởng lớn của đạo Khổng, nổi bật với “chữ Hiếu,” Giáo hội Việt Nam đã có những “styles” thật đặc biệt. Ngay từ thời kỳ đầu của cuộc Loan Báo Tin Mừng tại Việt Nam, chữ Hiếu đã dạy con dân xem các vua quan như là cha mẹ của mình, và mọi người dân như là con trong đại gia đình dân tộc. Thánh tử đạo Nguyễn Văn Tự đối đáp với quan tòa, với một niềm tôn kính và đầy kiên nhẫn yêu thương như thế:

Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được. (39)

Cho dù đã trải qua hơn hai mưoi thế kỷ, người Kitô hữu trên thế giới cách chung và tại VN cách riêng, không lúc nào mà không kiên vững cầu nguyện để làm thánh ý Thiên Chúa:

Lạy Chúa, xin ban cho con
sự thanh thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi,
sự can đảm để thay đổi những gì có thể,
và sự khôn ngoan để biết được những khác biệt.
Xin giúp con sống từng ngày một;
vui hưởng từng giây phút;
chấp nhận sự khó nhọc như đường đến bình an.
Xin giúp con, như Đức Giêsu,
chấp nhận thế giới tội lỗi này với hiện trạng
chứ không như con mơ ước.
Xin giúp con tin tưởng rằng
Người sẽ thay đổi mọi sự nên đúng đắn
nếu con quy phục thánh ý Người.
Để con có thể hạnh phúc ở đời này cách hợp lý,
và hạnh phúc tột cùng với Người mãi mãi ở đời sau.
Amen (40)

Fr. Vital Luca Nguyễn Hữu Quang
Trích "Chữ Nhẫn trong truyền thống các tôn giáo", NXB Phương Đông, tr.51-70

_____________________

Chú thích:

(1) ἡ ~hupomonè từ động từ ~endure, undergo, tiềm ẩn sức mạnh).

(2) An inflinching endurance.

(3) Chiara Lubic. Lời Chúa, tháng 10, 2009.

(4) Ta có thể phân biệt hai hạng người: những người nghe lời mời gọi trở nên những Kitô hữu đích thực, nhưng lời mời gọi này rơi vào tâm hồn họ như hạt giống rơi trên đá sỏi. Rất hứng khởi, giống như lửa rơm, và rồi không còn lại gì.

Trái lại những người thứ hai đón nhận lời mời gọi, như đất tốt đón nhận hạt giống. Và sự sống Kitô nẩy mầm, lớn lên, vượt qua khó khăn, chống lại bão táp.

(5) Chiara Lubic. Lời Sống, tháng 10, 2009.

(6) Ibid. Theo thánh nữ Cathêrine Siena, lòng kiên nhẫn chỉ được minh chứng trong lúc gặp phải nghịch cảnh, vì không có thử thách thì nhân đức không hiện hữu; người không phải đau khổ chẳng cần đến lòng nhẫn nại, bởi vì không ai làm điều bất công với nó. Bà cho rằng, lòng nhẫn nại minh chứng các nhân đức có hay không có ở trong tâm hồn. Nhưng làm sao chúng ta biết được một con người có nhân đức hay không trong tâm hồn? Đó là do sự thiếu kiên nhẫn của họ.

(7) X. Isaia: “Đường của Ta không phải là đường của các ngươi.”

(8) Con người thường có khuynh hướng ngã lòng khi nhận thấy mình luôn tái phạm những lầm lỗi cũ, không thấy tiến bộ nào trên đường thiêng liêng, hay trong nhân cách mình.

(9) Chúng ta xác tín rằng có được sự nhẫn nại không có nghĩa là yếu đuối, nhưng là đã khám phá ra được một nội lực mới để biết đặt mình trong một cung cách bình thản và hồn nhiên khi đối diện với những tình huống khác nhau, nhất là khi gặp phải đột xuất và trắc trở; hoặc khi ta thấy các ước mơ của mình bị tan đi như mây khói, hay lo sợ khi không biết giải quyết bổn phận cách nào cho thỏa đáng.

(10) Tôi tiếp nhận các biến cố gây xáo trộn cho tôi với tâm hồn thanh thản và bình an, dù chúng đảo lộn những kế hoạch tốt nhất của tôi

(11) Perfectionism. Người duy cầu toàn là người bằng mọi giá, có khi ngoài tầm tay, có xu hướng muốn mọi cái đều phải hoàn hảo, từ công việc, gia đình đến bạn bè và nói chung là tất cả những gì liên quan đến họ. Ta cần phân biệt giữa người cầu toàn với người phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn, những người phấn đấu thì luôn mong muốn mọi thứ tốt lên nhưng trong khả năng của họ và cái quan trọng nhất là biết chấp nhận tình trạng hiện tại, ngược lại người cầu toàn lại có những mong muốn vượt khả năng và thực tế hoàn cảnh cho phép, cái họ cần là hoàn hảo. Người cầu toàn phải đối diện với hàng loạt các vấn đề trong đó có tan vỡ các mối quan hệ và rối loạn tâm lý, họ cũng thường cảm thấy mình không hạnh phúc. Người cầu toàn luôn có sự thôi thúc phải hoàn hảo, không sống thực với mình mà tuân theo một lý tưởng phi thực tế do vậy họ hay rơi vào tâm trạng bất mãn và lo lắng. Họ dễ mắc các bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu (trong đó có rối loạn ám ảnh cưỡng chế), rối loạn ăn uống. Các nhiễu loạn này một phần cũng xuất phát từ sự bất ổn trong các mối quan hệ cá nhân. Ngoài ra các bệnh thể chất cũng dễ mắc hơn do thường xuyên đẩy cơ thể vào tình trạng vượt sức chịu đựng. Online: X. http://vi.wikipedia.org/

(12) lời một bài thánh ca về tình yêu: “Chúa yêu chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa.”

(13) Bài giảng chủ nhật XXIX năm C.

(14) X. FX Đào Trung Hiệu. Chân Dung các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

http://3vua.com/blog/read/news/309-hay-kien-nhan.

(15) Nhà thần học Reinhold Niebuhr: Hãy lắng nghe lời ấy như một lời cầu nguyện thích hợp cho sự kiên nhẫn.

(16) X. Gerard H. Luttenberger, Dẫn vào Kitô học. Bản dịch của Nguyễn Đức Thông, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 238-239.

(17) Còn thánh vịnh 86 nữa của kinh tối thư hai.

(18) Hesed = loyal mercy, trung nghĩa-xót thương. Xin xem lại bài “Tín như Trung Nghĩa (hesed, loyalty)” của Nhịp Cầu Tâm Giao, số 6 (9/2011), tr. 32-53.

(19) X. Gioan-Phaolô (1980, số 4). Thông Điệp Dives in Misericordia (DiM, Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương). Kinh nghiệm này xảy ra trong biến cố xuất hành của dân được chọn: Chúa đã thấy cảnh khốn khổ của dân Ngài dưới ách nô lệ, Ngài đã nghe những tiếng họ kêu than, đã thấu suốt những lo âu của họ và đã quyết tâm giải thoát họ (Xh 3,7-8). Trong hành động cứu độ này mà Chúa thực hiện, người ngôn sứ nhận ra được tình thương và lòng trắc ẩn của Ngài (Is 63, 9). Chính đó là cội rễ của niềm tín thác mà toàn dân và từng người trong dân đặt vào nơi lòng thương xót Chúa, và có thể kêu cầu lòng thương xót này trong mọi hoàn cảnh bi thảm của họ.

(20) (Hibri: רֻחָמָה). Ý nghĩa của tên “Rukhamah” đó là người được yêu thương và thương xót. Chính Thiên Chúa đã yêu cầu ngôn sứ Hôsê đặt tên con gái là “Lo-rukhama” có nghĩa là đứa con không được thương xót hay không được tha thứ: “Bà (vợ của Hôsê) lại có thai và sinh một người con gái. Đức Chúa phán với ông: ‘Hãy đặt tên nó là Lô-Rukhama ("không-được-thương-đoái") vì Ta không còn chạnh thương nhà Israel, không xử khoan hồng với chúng nữa. Nhưng nhà Giuđa thì Ta sẽ chạnh lòng thương và sẽ cứu chúng nhờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng.” (Hs 1,6-7). “Nhưng ngày đó, Ta sẽ lại
chạnh thương con bé Lo-Rukhama” (Hs 2, 23).

(21) DIM, số 4.

(22) Như trường hợp của Đức Maria, khi viếng chị họ Elisabeth, Mẹ tán dương Chúa hết tâm hồn mình “vì lòng thương xót” Ngài ban “trải qua đời nọ tới đời kia” cho những ai kính sợ Ngài. Ít lâu sau, nhắc lại việc tuyển chọn Israel, Đức Maria công bố lòng thương xót vẫn “nhớ tới” mà mãi mãi từ trước đã chọn Mẹ. Khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, ông Giacaria, thân phụ của Gioan là, đã ca ngợi lòng thương xót của Chúa “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước.” X. DIM, số 5.

(23) DiM, số 5.

(24) ”” (câu 24 và 32).

(25) Nghĩa đen của động từ Hy Lạp là “lòng ruột bị quặn đau.”

(26) Động từ Hy Lạp sử dụng một hạn từ có nghĩa là ông nhẩy lên ôm cổ anh.

(27) Bài giảng của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ngày lễ tôn vinh “Thánh” cho 117 vị tử đạo Việt Nam, ngày 19.6.1988. Bản dịch của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.

(28) Ibid.

(29) Redemptor Hominis (RH), 4.3.1979.

(30) RH, số 1.

(31) Gaudium et Spes (GS), số 22.

(32) X. Mary Milligan (2008, tr. 317). Linh Đạo Kitô giáo. [Trích từ Thomas Rausch (ed.) (1996). Introduction to Theology. The Liturgical Press/St.Pauls. Bản dịch của Lê Công Đức. Dẫn Vào Thần Học. NXB Tôn Giáo, 2008].

(33) đến nỗi Ngài nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài. ” (Gioan 4, 34); và “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Do Thái 4, 8).

(34) X. Mt 26,65-66: “Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: ‘Hắn nói phạm thượng!... Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?’ Họ liền đáp: "Hắn đáng chết! "

(35) X. Luca (22, 69). Trước Thượng Hội Đồng Đức Giêsu đáp: “từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng."

(36) X. Luca (23, 34. 46). Tựa như Đức Giêsu khi cầu nguyện với Cha: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm," và “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”

(37) X. Thư của Ignatiô gửi các Kitô hữu Rôma, trong Early Christian Writings: The Apostolic Fathers (1968, tr. 105). Great Britain: Penguin Books. Trong đấu trường Rôma, ngài đã thốt lên khi thấy những con sư tử hăng tiết xông tới: “Tôi là miếng mồi ngon cho Đức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tôi trở thành bánh được tuyển chọn!” Ngài đã về với Chúa năm 107.

(38) Ad Romanos, 5-6. X. Bùi Văn Đọc (2012, tr. 52). Lịch Sử Tín Điều. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. Trong kinh nguyện của các Tử Đạo, chúng ta còn gặp rất nhiều tâm tình khác nhau, tâm tình của những con người như chúng ta trước vấn đề tình yêu và sự chết. Các tâm tình ấy được biểu lộ một cách thấm thía, nhưng bao giờ cũng chan hòa sự an bình và tin tưởng.

(39) Bùi Văn Đọc (2012, tr. 51). Op. cit.

(40) Bùi Văn Đọc (2012, tr. 53). Op. cit.

Tài Liệu Tham Khảo:

(1) Bùi Văn Đọc, Lịch Sử Tín Điều, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012.

(2) Gioan-Phaolô II, Diễn Từ ngày lễ tôn vinh “Thánh” cho 117 vị tử đạo Việt Nam, ngày 19.6.1988. (Bản dịch của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ).

(3) Gioan-Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, 1979.

(4) Gioan-Phaolô, Thông Điệp Dives in Misericordia, 1980. (Bản dịch, Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương).

(5) Luttenberger, Gerard H., Dẫn vào Kitô học, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003. Bản dịch của Nguyễn Đức Thông, 2008.

(6) Milligan, Mary, Linh Đạo Kitô Giáo. (Trích từ Thomas Rausch (ed.) Introduction to Theology, The Liturgical Press/St.Pauls,1996). (Bản dịch của Lê Công Đức, Dẫn Vào Thần Học, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008).