Sơ lược về chữ Nhân - Đại Cơ Minh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2188 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đức háo sanh thường gọi là lòng nhân ái hay bác ái, là sự thương yêu rộng khắp cả người và vật. Nho Giáo thường gọi là Nhân. Thầy Mạnh Tử viết: Nhân: nhân tâm dã [1].

Bài Tặng Tạo Hóa trong Kinh Giác Thế của đạo Minh Lý có câu:

Đội ơn đức cả tạo thành,

Noi gương trời đất háo sanh mới là...

Lòng nhân này là do ta bắt chước Thượng Đế vì Thiên Chúa là tình thương.

Lòng nhân ái được thể hiện qua nhiều cách: kính người già cả, thương người nghèo khó, tàn tật, cô thế, kẻ mồ côi, người góa bụa không nơi nương tựa, nâng đỡ bậc hiền tài chưa gặp thời. Kinh Sám Hối của Đạo Minh Lý cũng dạy:

…Hãy có dạ kỉnh già, thương khó,

Chớ đem lòng lấp ngõ tài hiền.

Xót thương đến kẻ tật nguyền,

Đỡ nưng yếu thế binh quyền mồ côi…

Nhân còn gọi là nhân nghĩa vì nhân là nhân tâm, là đức ở trong lòng, nghĩa là đường phải đi, việc phải làm.Nhân là thương rộng người vật, nhưng thương phải không thiên vị, biết  phân biệt trái phải, phải hợp với lẽ là biết nghĩa. Do đó hai chữ nhân nghĩa khó mà tách rời. Thầy Mạnh nói: Nhân: nhân tâm dã, nghĩa: nhân lộ dã.[2]

Theo Nho Giáo nhân là đầu mối của ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người quân tử phải áp dụng tam cang ngũ thường trong cuộc sống để từ phàm nhân trở thành bậc quân tử. Như vậy, việc làm của người có lòng nhân phải hợp với lẽ phải hay hợp với lễ (phục lễ). Để có tình thương rộng khắp thì trước tiên phải chế ngự lòng tư riêng, chỉ biết lo cho mình (khắc kỷ).

Như vậy, người có lòng nhân coi thân người như thân mình, việc người như việc mình, hay thương xót kẻ hoạn nạn, chẳng nỡ hại một người nào, cho đến con vật nhỏ mọn, vô cớ cũng không nỡ giết hại. Mình no mà người đói, mình sướng mà người khổ, người có lòng nhân gặp những cảnh đó xót xa trong lòng.

Kinh Giác Thế của đạo Minh Lý, bài Giới Sát Sanh dạy rằng:

Nay vào đạo, trau lòng nhân-ái,

Xét con người đến loại côn-trùng.

Chúng sanh đều có một tánh chung,

Hình thể khác, nhưng đồng sợ chết.

Vì lẽ đó, ta đừng cố giết [3],

Hay xúi người thế giết cho mình [4].

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: “…Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, các ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót các ngươi không được mót; vườn nho, các ngươi không được hái lại, những trái rớt, không được nhặt, các ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi [5].

Kinh Thánh Tân Ước, Đức Giêsu cũng đã dạy rằng: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” [6]hay Ai xin, thì hãy cho [7].

Người có lòng nhân ái thì tánh tình rộng rãi, khiêm tốn, hay chiều chuộng người nên mới vui vẻ cộng tác, thì mới có thể làm nên việc lớn lao, thi ân đức khắp nơi; tâm hồn ung dung, thơ thới. mới không hay bức bách, áp chế, làm cho người ở xung quanh mình phải uất ức, khổ tâm, hòa nhã, hiền hậu nên trong lòng chẳng sanh ghen ghét, không nghịch lẫn với ai cả, mới hay giúp đỡ người vật, chung vui cùng nhau khi hữu sự; người có lòng nhân ái phải biết thương yêu, chia sẻ mọi người ngay cả người đối nghịch với mình.

Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên Trời. [8] vì “nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. [9]

Kinh Giác Thế, phẩm Ngạo Khí Giải khuyên:

Có câu dạy: Chớ rằng ngạo khí, Phải tôn hiền, khuất kỷ là hơn.

Tự ti, tự tiểu bổn thân,

Bất dinh, bất mãn, tinh - thần vượt cao.

Lòng cần mẫn chăm vào việc học,

Thường hạ mình, chí dốc hiểu thêm.

Kỉnh thầy, chìu bạn, cầu truyền,

Dẫu ai trẻ tuổi, chẳng hiềm thấp cao.

Đặng như thế người nào chẳng mến,

Bực chơn sư tìm đến hóa duyên.

Lâu ngày, xét thiệt người hiền,

Mới là truyền quyết Thiên-Tiên Đạo mầu”.

Sách Luận Ngữ chương Lý Nhân, Đức Khổng dạy rằng: Cầu chí ư nhân hĩ, vô ác dã.” nghĩa là thành thật để cả lòng vào điều nhân nghĩa thì sẽ không phạm vào điều ác.

Người có lòng nhân, trầm tĩnh không hiếu động như tượng của quẻ Địa Sơn Khiêm: núi ở trong đất: núi cao đất thấp lấy cái thấp mà giấu cái cao, bên ngoài trống mà bên trong đặc. Người hiểu Đạo biết rằng con người thường cao ngạo mà ít khiêm tốn; vậy cần giảm đi sự kiêu ngạo mà tăng sự khiêm cung, không nên ỷ vào tài, vào đức, không có ta cũng không có người, tâm bình nên ứng tiếp sự vật cũng bình.

Một người mà lo gánh vác nhơn sanh với tình thương cao cả, với tất cả lòng thành tín, sáng suốt khôn ngoan tức là đầy đủ Nhân, Tín và Trí thì người đó không phải là anh hùng cũng phải là Bồ Tát, như đức Thánh Trần, lúc quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta, quyền quân quốc tất cả trong tay Ngài, có người nghi Ngài chuyên quyền đoạt nước, nhưng Ngài cứ một lòng trung thành mến Chúa [10] thương dân.

Nhân là còn lý do mà con người được nên người, cái đức tánh hoàn toàn mà người muốn làm người phải giữ lấy. Thầy Mạnh Tử viết: “Nhân giả nhân dã. Hiệp nhi ngôn chi, Đạo dã [11]. [Nhân tức là nhân cách (tối cao) của con người. Nói chung hết (mọi sự vật trong vũ trụ thì gọi là Đạo].

Đức Lữ Tổ cũng nói: “Thiên địa chi đại đức viết sanh, sở dĩ  sanh sanh giả viết huyền. Tại thiên vị chi huyền, tại nhân vị chi nhân”. Nghĩa là: Cái đức lớn của trời đất gọi là sanh, cái lý bởi đó mà sanh hóa gọi là huyền. Ở trên trời thì gọi là huyền, ở trong mình người thì gọi là nhân.

Như vậy, Nhân là lẽ chánh đáng, ai ai cũng phải noi theo đó mà ăn ở đời, cho xứng phận làm người. Nhân nói đây tức là lý tánh, là Đạo vậy.

Ca dao Việt Nam có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.

Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể khác về tiếng nói, về sắc tộc… nhưng chúng ta cùng chung một nguồn cội là chung cùng Tổ Quốc nên chúng ta gọi nhau là đồng bào để nhắc chúng ta huyền thoại bà Âu Cơ sanh trăm trứng; rộng xa hơn nữa tất cả chúng ta khác nhau về tổ quốc, màu da, nhưng chúng ta cùng sống trên quả địa cầu này, được Mẹ Đất nuôi dưỡng nên phải thương yêu nhau, sống sao cho xứng với tình thương của Người.

Đại Cơ Minh 

02/2011

Tài liệu tham khảo

1.       Chu Hy, Tứ Thư Tập Chú, Nguyễn Đức Lân dịch chú giải, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998

2.       Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước

3.       Minh Lý Đạo, Kinh Giác Thế, Kinh Sám Hối bản in 1972

4.       Nguyễn Minh Thiện, Nhị Thập Tứ Điều Giảng Nghĩa, 1932

Nhịp cầu Tâm Giao 4 - NXB Phương Đông (3/2011), trang 5-9.



[1]  Mạnh Tử, chương Cáo Tử.

[2]  Mạnh Tử,  chương Cáo Tử.

[3]  Thân sát

[4]  Khẩu sát

[5]  Kinh Thánh Cựu Ước: Lv 19, 9.

[6]  Mt 5, 7

[7]  Mt 5, 42

[8]  Mt 5,44-45

[9]  Mt 5,47-48

[10]  Nhà vua.

[11]  Mạnh Tử, chương Tận Tâm