Tìm hiểu và thực hành giáo lý

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3177 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo Phật nói chung và đạo Phật giáo Hòa Hảo nói riêng đều là nền đạo thực hành. Muốn thực hành đúng thì trước hết phải hiểu biết giáo lý, những giáo huấn của Đức Phật, Đức Thầy một cách đúng đắn, rành mạch.


Điều này đối với phần đông chúng ta là không phải dễ. Vì hầu hết tín đồ PGHH là hạng tu tại gia, còn bận rộn việc nhà. Do đó cần có phương pháp học tập, nghiên cứu và phải xác định nhiệm vụ học tập, là nhiệm vụ suốt đời, Khổng Tử dạy “Vũ học vũ ngu” (càng học càng thấy mình dốt). Khái niệm học cũng phải mở rộng, đó là học thầy, học bạn, tự học, tự phát huy trí năng để tìm hiểu nghiên cứu.


Mặc dù đã hiểu đúng, nhưng khi áp dụng không còn khoảng cách thì việc thực hành giáo lý mới đem lại đạo hạnh cho người tu.


Sau đây chúng ta hãy bàn cách tìm hiểu giáo lý và thực hành giáo lý.


I. Tìm hiểu giáo lý:


1) Tìm hiểu từ ngữ, ý tứ của câu:


Giáo lý được chuyển tải bằng từ ngữ, muốn hiểu được giáo lý trước hết phải hiểu ý nghĩa của các từ, các thuật ngữ Phật học thật chính xác. Do lười tra cứu chúng ta thường hài lòng với sự hiểu biết chung chung của các từ, các thuật ngữ mà ít chịu tra cứu cẩn thận, từ đó mà hiểu không cặn kẽ các lời dạy trong kinh, sách. Mặt khác, một từ có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo từng thời gian sử dụng (nghĩa xưa, nghĩa nay), tùy địa phương. Nghĩa của từ còn có nghĩa đen, nghĩa bóng; nghĩa phái sinh; và phải chú ý nghĩa của từ trong văn mạch. Hiểu được từ ngữ chính xác là điều kiện để hiểu ý nghĩa của câu văn. Câu văn cũng có ý nghĩa tùy theo cú pháp, như câu dùng để hỏi, câu cầu khiến, câu khẳng định, câu phủ định, câu tán thán. Do đó muốn hiểu được ý nghĩa câu văn cặn kẽ ta cần phải học ngữ pháp tiếng Việt.


Ngoài ra trong nhiều trường hợp chúng ta còn phải “đọc giữa hai hàng chữ” nghĩa là “bỏ lời để đạt ý”; cũng phải chú ý cách diễn đạt bằng hình tượng (thí dụ: cây đuốc tượng trưng cho trí tuệ, giáo lý …)


2/ Hiểu đúng ý nghĩa của một đoạn kinh, bài kinh:


- Muốn hiểu chính xác một đoạn kinh (đoạn văn, đoạn Giảng) ta phải tìm hiểu xuất xứ của nó. Cụ thể là tìm hiểu đoạn kinh, giảng đó trích từ đâu, ai nói, viết vào thời điểm nào, trạng thái tự nhiên xã hội của thời điểm đó ra sao.


Trong kinh sách nhà Phật cũng như trong kệ giảng của Đức Thầy hàm chứa hai loại chân lý: chân lý đời thường (thế giới tất đàn) và chân lý siêu xuất thế gian (đệ nhất nghĩa tất đàn) nên khi tìm hiểu ta cũng chú ý phân biệt hai loại chân lý đó (nếu có). Muốn hiểu được chân lý siêu xuất thế gian thì cũng phải đi từ chân lý thế gian (chân lý đời thường) cho nên học đạo phải hiểu chân lý đời thường, thực hành chân lý đời thường trước, tuy nhiên điều này không có nghĩa là phải hiểu, hành tất cả chân lý đời thường rồi mới hiểu hành chân lý siêu xuất mà người học đạo cần áp dụng nguyên lý tùy duyên, tùy theo trường hợp, năng lực mà vận dụng trước, sau hoặc cả hai. Thí dụ: còn cần phải hành thế gian hiếu nhưng đồng thời phải tu cầu nhằm thực hành xuất thế gian hiếu.


II. Áp dụng mấy điều cơ bản trên. Thử tìm hiểu chi phần chánh kiến trong Bát chánh đạo (Theo Đức Thầy dạy):


“Chánh kiến: Chánh: đúng sự thật - kiến: thấy, xem xét. Chánh kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật …” (xin xem nguyên văn trong quyển Những điều cần biết của kẻ tu hiền)


1) Tìm hiểu từ ngữ:


Đọc chính văn của Đức Thầy chúng ta thấy cần hiểu rõ các từ ngữ sau:


Bản ngã: Cái làm nên tính cách riêng của mỗi người. Một trong ba động lực chi phối hành vi, tình cảm, ý tưởng con người do giáo dục và hoàn cảnh tạo ra (Le moi) – Việt nam từ điển.


Phán đoán: Có ý kiến với người hay việc sau khi suy nghĩ và so sánh. (Triết) vận dụng trí tuệ để xét giá trị hay sự diễn biến của sự vật.

Trí năng: Năng lực hiểu biết, suy nghĩ.


Truy cứu: Theo dõi để tìm hiểu tận gốc.

Phê đoán: Gồm (Phê bình và phán đoán) Phê bình: 1/ xem xét phân tích đánh giá ưu và khuyết điểm. 2/ nêu lên khuyết điểm, để góp ý kiến, để chê trách. 3/ nhận xét và đánh giá. Vậy phê đoán là ý kiến nhận xét, đánh giá đối với người hay việc.


Xét đoán: Xem xét , nhận định, đánh giá.

Tận tường: Rõ ràng, thấu đáo với từng chi tiết.


Trí tuệ: Phần suy nghĩ, tư duy của con người bao gồm khả năng tổng hợp, ghi nhớ, phê phán, lý luận, thu nhận trí thức. có thể tiến lên tới phát minh khoa học, sáng tạo nghệ thuật.


Tục lụy: Những sự rắc rối phải trải qua trong đời người.

Đọa: Bắt phải sống trong khổ cực.


2) Xuất xứ:


Chánh kiến là một chi phần trong Bát chánh đạo, được Đức Thầy viết trong quyển “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền”.


Thực hành Bát chánh đạo là đi trên con đường giải thoát “vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường giải thoát” (lời ĐHGC). Trong khi “Chánh kiến” là chi phần gốc để phát sinh những chi phần khác: có chánh kiến mới có chánh tư duy.


3) Bố cục:


Nghiên cứu về phần luận giải về chánh kiến của Đức Thầy chúng ta thấy đoạn văn trên gồm hai ý chính:


1/- Thực hành chánh kiến trong cuộc sống đời thường gồm 2 ý nhỏ:

Nguyên nhân sinh ra tà kiến.

Phương pháp để có chánh kiến.


2/- Chánh kiến giúp ta nắm bắt chân lý “siêu xuất thế gian”.


3) Đại ý: Sau khi chỉ rõ nguyên nhân phát sinh tà kiến, Đức Thầy hướng dẫn phương pháp để đạt được chánh kiến ở 2 lãnh vực chân lý đời thường và chân lý tuyệt đối của Đạo.


4) Bình giảng:

Ngay phần đầu luận về chánh kiến, Đức Thầy chỉ ra nguyên nhân gây nên tà kiến và sự tác hại của tà kiến.


Tà kiến đã: “làm cho sai chạy ít nhiều sự thật … khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng, nên sự phán đoán không công bình, chánh đáng, làm cho kẻ khác chịu oan tình”.


Trong cuộc sống đời thường mà mắc phải những sai lầm trên thật là một điều tệ hại cho bản thân và cho tha nhân. Người tu hiền ai dám để cho mình mắc phải. Thế nhưng vì con người còn có “bản ngã” chính “bị cái bản ngã lôi cuốn, trí mờ ám”, cái bản ngã ấy còn được giúp sức bởi bản năng biểu hiện dưới hình thức: “thiếu sáng suốt” (si) “tư thù” (sân) “lợi kỷ” (tham).


Qua phân tích trên chúng ta thấy rằng trong bản ngã có sự góp phần của bản năng: tham, sân, si (ba thành tố của vô minh) đã gây nên tà kiến.


Vậy bản ngã là gì ? là cái làm nên tính cách riêng của mỗi người do (bản năng), giáo dục và môi trường sống tạo nên (môi trường gia đình và môi trường xã hội).


Thí dụ: Tham sống, sợ chết (Thuộc về bản năng nhưng khi được giáo dục và sống trong một đất nước có nhiều người hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Thì bản năng ấy không còn chi phối mạnh mẽ nữa mà tính cách vì nước quên thân được hình thành. Ngược lại được giáo dục và sống ở mội trường khác tính cách sẽ khác, từ đó ta thấy rằng bản năng sinh vật, những định kiến, thành kiến… (do giáo dục và môi trường sống) là những trở ngại của chánh kiến, nguyên nhân sinh ra tà kiến: muốn dẹp bản ngã tức dẹp những tính chất gây trở ngại cho chánh kiến thì mỗi người cần phải tu dưỡng, rèn luyện và đây là việc làm suốt đời bởi bản năng là thành tố của thân xác, khi gặp môi trường thuận bản năng có thể ngăn lấp lương năng, song song đó ta luôn phản tỉnh, nghiệm xét lại những định kiến, thành kiến xem còn đúng đắn, phù hợp không.


Mặt khác, giáo dục và môi trường sống là những tác nhân hình thành bản ngã, môi trường sống tốt đẹp, sẽ hình thành tính cách tốt ở mỗi con người (câu chuyện Mạnh Mẫu dời chỗ ở là một thí dụ). Do đó ta cần phải chọn môi trường sống và góp phần tạo dựng môi trường sống tốt đẹp: vật chất đủ và phân phối công bằng để hạn chế tham, sân, si; dân chủ để phát huy ý kiến của mỗi người giúp ta tránh thành kiến, định kiến, văn minh để đối trị si mê …


Việc dẹp bớt những tính chất tiêu cực của bản ngã, chưa đủ để chúng ta tiếp cận chân lý; Đức Thầy dạy chúng ta phải dùng những pháp quan sát, suy luận khoa học nữa: “sự quan sát cực điểm, cách xét doán tận tường…” đây là phương pháp khoa học để khám phá sự thật dù vật lý hay xã hội.


Tuy nói chánh kiến là “dòm thấy, xem đúng sự thật” nhưng muốn đạt được chánh kiến đâu phải chỉ dùng bằng mắt mà đủ. Một sự vật, hiện tượng có thể có hình dáng, màu sắc, mùi vị, âm thanh, nhiệt độ; nguyên nhân phát sinh, phát triển, tồn tại hoặc lụi tàn; chịu tác động bởi thời gian, không gian và tương tác với sự vật hiện tượng khác … nên muốn “quan sát cực điểm” cần phải vận dụng ngũ quan và trí năng.


Các nhà nghiên cứu khuyên chúng ta tự đặt những câu hỏi để tìm ra sự thật, đó là:

- Ở đâu? hỏi về không gian, nơi chốn.

- Hồi nào? hỏi về thời gian.

- Tại sao? hỏi về nguyên nhân.

- Ai? hỏi về người có liên quan.

- Ra sao? hỏi về thể chất hình dáng.

- Bao nhiêu? hỏi về số lượng.


Thường một việc đúng ở chỗ này chưa chắc đúng ở chỗ khác, đúng lúc trước chưa chắc đúng trong hiện tại, đúng với người này chưa chắc đúng với người kia, những câu hỏi trên là những mấu chốt giúp ta tìm ra sự thật, lẽ phải.


Ngoài ra trong nhiều trường hợp có những sự vật, hiện tượng nếu chỉ vận dựng ngũ quan để quan sát chưa đủ để ta “thấy đúng theo sự thật”, Đức Thầy dạy tiếp: “Phải đem hết trí năng truy cứu các sự rắc rối”. (Truy cứu: theo dõi để tìm hiểu tận gốc)


Chính năng lực hiểu biết, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán, suy luận ... nầy giúp ta thấy đúng theo sự thật trong những trường hợp giác quan bị đánh lừa hoặc không thể dùng đến, tìm ra nguyên nhân sự vật hiện tượng.


Thí dụ: chiếc đũa đặt trong ly nước trong, nhìn ngang ta thấy chiếc đũa bị gãy nhưng trí năng không chấp nhận cái thấy ấy của mắt vì chỉ do khúc xạ ánh sáng mà mắt thấy như vậy.


- Từ đài quan sát người kiểm lâm thấy khói bốc lên, nhờ suy luận người kiểm lâm có thể biết đám cháy ấy lớn hay nhỏ….


Tóm lại muốn có chánh kiến không chỉ xem xét bằng mắt mà bằng cả ngũ quan và cần phải vận dụng đến cả trí năng, đồng thời phải dẹp bản ngã (tức dẹp những tính chất gây trở ngại cho chánh kiến như định kiến, thành kiến, tham, sân, si …) dùng phương pháp quan sát và tư duy khoa học để “giúp ta hiểu biết được rõ ràng minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng công bằng”.


Điều đó tức là đạt được chân lý thế gian, làm cơ sở cho sự giác ngộ chân lý siêu xuất thế gian.


Đức Thầy dạy: “Chẳng thế. nó còn giúp ta hiểu biết các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm mầu tôn giáo, khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành đạo”.


Chúng ta dẫn lời dạy trên của Đức Thầy để thay đoạn kết bài này với sự tâm đắc “chân lý thế gian” là cơ sở tiến tới nắm bắt được chân lý “siêu xuất thế gian”, chân lý của đạo.


Nguyễn Tấn Đạt

Hương Sen 26

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn



 

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...