Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3000 | Cật nhập lần cuối: 10/31/2018 3:09:35 PM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 09
ĐẠO HIẾU TRONG LỜI NGUYỆN PHỤNG VỤ

Trong lịch sử, việc thờ cúng tổ tiên theo truyền thống Việt Nam không chỉ gây hao tốn giấy mực tranh cãi giữa các nhà truyền giáo, nhưng còn kéo theo một thực tế bi hùng. Nhiều người ngoài Công Giáo thà mất Nước Trời hơn là bỏ ông bỏ bà, như câu thơ tha thiết của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu:

Thà đui giữ lấy đạo nhà,

Còn hơn có mắt ông cha không thờ.

Đang khi đó người Công Giáo thì chọn lựa ngược lại. Có đến trên 130.000 Kitô hữu đã chấp nhận chết vì dành cho đạo hiếu đối với Cha Cả trên trời sự ưu tiên vượt trên đạo hiếu đối với tổ tiên dưới đất.

Phía trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình Công Giáo có trưng bày ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thật rất ý nghĩa khi gắn liền Đạo Hiếu với các vị tổ phụ trong đức tin. Ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24.11, nằm trong tháng các đẳng linh hồn nhưng hình như không nói được gì với người Việt Nam về Đạo Hiếu.

Trước kia, khi các vị Tử Đạo Việt Nam chưa được tuyên phong hiển thánh, chỉ có một lời nguyện cho nội bộ Giáo Hội Việt Nam, vỏn vẹn ba dòng nhưng hết sức sâu sắc về Đạo Hiếu. Trong dịp phong thánh, khi viết bộ lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, người ta đã vất bỏ một viên ngọc mà không ngờ. Thiết tưởng tổng cộng các lời ca, lời nguyện, kinh tiền tụng và toàn bộ các giờ kinh phụng vụ của ngày lễ 24.11 vẫn không nói được nhiều hơn lời nguyện ngắn của ngày lễ 1.9 trước đây. Lời nguyện bị lãng quên ấy như sau:

"Lạy Chúa, Chúa đã làm cho xuất hiện trên toàn cõi Việt Nam rất nhiều chứng nhân anh dũng cho Chúa: Vì lời các đấng ấy bầu cử, xin Chúa thương ban cho mọi dân tộc nhận biết chỉ có Chúa là Cha thật và phụng sự Chúa với hết tình con thảo." (Lời nguyện số 1)

Chỉ vài dòng ngắn ngủi đủ ghi lại cả một lịch sử bi hùng và lý do sâu xa nhất cho việc tuyên xưng đức tin của người Công Giáo Việt Nam. Nó là một lời nguyện hết sức đại đồng chứ không mang tính cục bộ như lời nguyện hiện hành trong sách lễ Rôma tiếng Việt: "Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng." (NXB 1992, trang 736 - Lời nguyện số 2).

Không hiểu tại sao lời nguyện ấy lại khác với lời nguyện trong sách lễ Rôma tiếng Anh và tiếng Ý, có thể dịch như sau: "Lạy Thiên Chúa là nguồn gốc mọi tình phụ tử, Cha đã giữ cho Thánh Anrê và các đồng bạn tử đạo được trung thành với thập giá của Con Cha đến đổ máu đào. Nhờ lời các ngài chuyển cầu, xin cho chúng con biết tỏa chiếu tình yêu Cha giữa anh chị em chúng con để chúng con đáng được gọi và thực sự là con cái Cha." (Lời nguyện số 3)

Đang khi tưởng nhớ các vị tuẫn đạo Việt Nam, Giáo Hội cầu nguyện cho mọi dân tộc nhận biết Thiên Chúa tuyệt đối là Cha thật duy nhất của mọi người và là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Lời nguyện số 1 trên đây vừa đầy ắp kỷ niệm về Đạo Hiếu, vừa vạch ra được một linh hạnh cho người Việt và cả một trách nhiệm rất lớn với hai chiều kích: Phải sống thật tuyệt vời cả về đạo hiếu trần gian lẫn đạo hiếu trên trời, để giúp cho cả đồng bào người Việt lẫn các dân tộc trên thế giới nhận biết tình cha của Thiên Chúa. Ước gì hạt ngọc quý báu ấy sớm được đem lại vào phụng vụ, ít ra là cho giờ Kinh Chiều I.

Tới đây cũng xin nhắc đến một đóng góp khác rất đáng trân trọng đã bị quên mất, cần được phục hồi. Nơi các Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh tạ ơn) trong bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 có hai điểm khác hẳn bản dịch trước đó:

- Khi thưa với Ngôi Cha, mọi chữ "Domine" đều được chuyển thành "Cha" thay vì dịch sát chữ là "Chúa".

- Ở lời nguyện cầu cho kẻ chết của các Kinh nguyện Thánh Thể 1, 2 và 3 đều có thêm mệnh đề: "Đặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc Tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế".

Đó là hai đóng góp của linh mục đoàn Giáo phận Kontum được Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN lúc ấy tiếp nhận. Nay trong bản dịch (xxxxx) đóng góp thứ hai vẫn còn được duy trì, còn đóng góp thứ nhất bị quên mất. Thiết tưởng đây là một đóng góp hết sức ý nghĩa, có tác dụng lớn trong việc loan báo Tin mừng và xây dựng lòng đạo cho Dân Chúa.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ

-----------------------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh

Loading...