Đạo Mẫu (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5222 | Cật nhập lần cuối: 2/28/2016 3:09:18 PM | RSS

(tiếp theo)

II. ĐẠO MẪU: LỄ HỘI VÀ NGHI LỄ

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú và đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là nghi lễ Hầu bóng (Hầu đồng) và hệ thống lễ hội Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ.

I. Hầu bóng

Hầu bóng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ Phủ như một số dạng thờ Mẫu khác. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Nghi lễ hầu bóng (hầu đồng) mang những sắc thái địa phương, trong đó có thể kể đến Hà Nội, Huế và Sài gòn.

Hầu đồng hay Hầu bóng là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của nhiều vị thần linh. Trong đó, mỗi lần một vị thần linh nhập hồn (ốp đồng, giáng đồng), rồi làm việc quan (tức thời gian thức hiện các nghi lễ, nhảy múa, ban lộc, phán truyền) và xuất hồn (thăng đồng), được gọi là một giá đồng (tức thời gian thần linh ngự trị trên cái giá của mình là các ông Đồng bà Đồng).

Hầu đồng thường diễn ra vào nhiều dịp trong một năm. Với những thầy Đồng đền, trong một năm có lễ hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới), lễ hầu Thượng Nguyên (tháng giêng), lễ hầu Nhập hạ (tháng tư), lễ Tán hạ (tháng bảy), lễ Tất niên (tháng chạp), lễ Chạp ấn (25 tháng Chạp) ... Trong các dịp trên hai lần được coi là quan trọng hơn cả là vào tháng Ba giỗ Thánh Mẫu và tháng Tám là dịp giỗ Vua Cha Bát Hải, Đức Thánh Trần. Đối với mỗi đền hay mỗi Ông Đồng và Bà Đồng thì các dịp hầu đồng còn nhiều hơn nữa, như đầu tiên là lễ trình đồng, lễ lên đồng, lễ hầu bản mệnh, lễ hầu ngày tiệc của các vị thánh, như tiệc Cô Bơ (12.6), tiệc quan Tam phủ (24.6), tiệc Ông Hoàng Bảy (17.7), tiệc Trần Triều (20.8), tiệc Đức Vua Cha (22.8), tiệc Chầu Bắc Lệ (tháng 9), tiệc Ông Hoàng Mười (10.10), tiệc Quan Đệ Nhị (11.11).

Nghi Thức Hầu Đồng - Ảnh: phongthuyhaynhat.com

Trước khi hầu, ông Đồng hay bà Đồng thông qua người chủ đền phải làm lế Chúng sinh và lễ Thánh. Đồ lễ chúng sinh được đặt trên một cái mâm, trên đó có các đồ vàng mã cắt thành hình quần áo, tiền, lá vàng, thỏi bạc, những bát cháo, bánh trái và những thức ăn khác. Có khi trên mâm còn có mấy đồng tiền bỏ vào chậu nước dành cho những vong hồn chết đuối. Lễ chúng sinh có mặt trong tất cả các nghi lễ của tín ngưỡng Tứ Phủ và các tín ngưỡng dân gian khác, dành cho những vong hồn chết dữ hay không có người thừa nhận, không có người hương khói cúng giỗ ...

Giúp trực tiếp cho ông Đồng và bà Đồng trong buổi hầu, thì phải kể tới Hầu dâng và Cung văn. Người hầu dâng thường cũng là những người đã từng hầu đổng. Họ giúp ông Đồng và bà Đồng trong việc hầu Thánh, như thắp hương, dâng các loại vũ khí, dâng thuốc lá, rượu, trầu..., đặc biệt giúp người hầu trong việc thay lễ phục khi chuyển từ giá này sang giá khác. Hai người Hầu dâng ngồi hai bên Ông đồng hay Bà đồng trước bàn thờ Thánh, họ mặc áo dài đen, quần trắng, đội khăn xếp (nếu là nam), áo dài màu (nếu là nữ).

Cung văn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong hầu đồng. Họ xướng nhạc và hát cho việc trình diễn của con Đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt, ngoài ra còn có trống ban, cảnh đồng, phách, thanh la... Trong cung văn, có người gảy đàn, gõ trống, phách... nhưng cũng có thể họ vừa chơi nhạc vừa hát, chỉ dừng lại những lúc Thánh nhập, Thánh xuất, lúc dâng hương. Đặc biệt trong khi múa đồng, ban phát lộc, thưởng thơ phú... thì cung văn phải vừa chơi nhạc vừa hát. Cung văn hát hay, đàn giỏi, mở đầu và dừng ngắt đúng lúc đều được người hầu đồng thưởng tiền và ban lộc.

Theo trật tự thời gian, có thể phân một buổi hầu đồng thành các bước: Thánh giáng và Thánh thăng, thay lễ phục, thắp hương làm phép, múa đồng, ban lộc và nghe văn chầu, Thánh thăng.

Sau khi đứng lên làm lễ và xin phép mọi người được nhập đồng, ông Đồng hay bà Đồng trùm khăn đỏ phủ diện lên đầu để thực hiện nghi thức Thánh giáng, một nghi thức quan trọng bậc nhất trong hầu đồng. Bà Đồng hay ông Đồng trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào Thánh giáng (nhập) thì buông các nén hương, rùng mình, tay ra hiệu Thánh thuộc hàng thứ bậc nào. Lúc đó cung văn tấu nhạc và xướng văn chầu phù hợp với vị Thánh vừa giáng.

Có hai hình thức Thánh giáng, giáng trùm khăn (gọi là hầu tráng mạn) và giáng mở khăn. Các giá Thánh Mẫu đều hầu theo hình thức trùm khăn (tráng mạn). Khi Mẫu Đệ Nhất giáng, thì người hầu giơ ngón tay lên báo hiệu Mẫu đã giáng, cung văn chỉ tụng kinh theo tiếng chuông và mõ. Khi người hầu khẽ rùng mình, bắt chéo tay trước trán báo hiệu Mẫu đã thăng (xa giá), cung văn chuyển sang hát điệu xa giá hồi cung.

hầu đồng bồ đề tâm

Ảnh: bodetam.vn

Hình thức hầu mở khăn, tức Thánh nhập thực sự và xuất hiện trước mặt mọi người, là hình thức hầu đồng dành cho hầu hết các Thánh từ hàng Quan trở xuống. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng, không phải ai cũng hầu tất cả các giá của các vị Thánh, mà chỉ một số các vị Thánh nào đó mà Ông đồng hay Bà đồng muốn thỉnh nhập để được phù trợ. Ngay trong số các vị Thánh mà nhiều người thường hầu, tuỳ theo căn đồng của mỗi ông Đồng hay bà Đồng (căn Quan, căn Cô, căn Cậu, căn Ông Hoàng ...), họ thường xuyên hầu một số vị Thánh nào đó.

Ngoài ba vị Thánh Mẫu bao giờ cũng giáng, tuy dưới hình thức không mở khăn, thì các vị Thánh giáng nhiều hơn cả và thường là giáng lâu, như các Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ; Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục; ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy và Hoàng Mười; Cô Bơ Thoải, cô Bé Thượng Ngàn, Cậu Bơ... Trong quan niệm của các con công đệ tử, các vị thánh trên khi giáng thường ban lộc cho những người cầu xin.

Trong một buổi hầu đồng, thường là có nhiều vị thánh giáng, ít nhất cũng khoảng trên 10 lần giáng của các vị Thánh, bình thường cũng 15 vị giáng, còn nhiều thì trên 20. Việc giáng của các vị Thánh phải theo thứ tự, từ Thánh Mẫu tới các hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng, rồi hàng Cô và Cậu. Thánh Ngũ Hổ, ông Lốt, vong linh tổ tiên giáng sau cùng, tuy cũng ít thấy xẩy ra.

Trùm khăn phủ diện có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghi lễ Thánh giáng. Từ quan niệm cho rằng người hầu đồng chỉ là cái xác, cái giá, cái ghế để Thánh nhập vào, nên khi ông Đồng và bà Đồng trùm khăn lên đầu, thì họ được coi như người đã chết. Có lẽ vì thế mà khi người đã tắt thở, người ta bao giờ cũng phủ khăn lên mặt, còn với người đang sống mà lấy khăn che mặt là điều cấm kỵ.

Người ta thường phân biệt hai trường hợp trong nghi lễ nhập hồn này, là Thánh giáng và Thánh nhập. Thánh nhập tức là bước thứ hai sau khi giáng, bởi vậy, cũng có trường hợp thánh chỉ giáng chứ không nhập. Trong trường hợp như vậy, bằng dấu hiệu tay, ông Đồng hay bà Đồng ra hiệu cho người hầu dâng và những người ngồi quanh biết vị Thánh nào vừa giáng đã thăng ngay, không chịu nhập hồn và họ lại làm nghi thức cầu khẩn vị Thánh tiếp theo.

Khi thánh đã giáng và nhập đồng, lúc đó ông Đồng, bà Đồng không còn là mình nữa, mà là hiện thân của thần linh, những người ngồi quanh thưa gửi bằng những cung cách tôn kính nhất, như người trần gian xưng hô với vua quan thời phong kiến.

Khi thánh đã nhập, ông Đồng hay bà Đồng dùng tay ra hiệu (Thánh nam nhập thì ra hiệu tay trái, thánh nữ nhập thì ra hiệu tay phải) và tung khăn phủ diện. Lúc này, hai người hầu dâng giúp người hầu đồng thay lễ phục phù hợp với vị Thánh đã nhập ấy. Việc thay lễ phục khá mất thời gian. Mỗi vị Thánh đều có lễ phục riêng phù hợp với vị trí và tính cách từng người. Nói chung, các Thánh ờ cùng một hàng, như hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô... đều mặc theo một kiểu, sự khác biệt chính là mầu sắc lễ phục sao cho phù hợp với Phủ của từng vị, phù hợp với gốc tích dân tộc là Mán, Thổ, Mường..., phù hợp với vị thế là bên văn hay bên võ... Sau khi thay đổi lễ phục, ông Đồng hay bà Đồng làm lễ dâng hương. Đó là nghi thức không thể thiếu được của bất cứ sự hiện diện nào của các vị Thánh. Các ông Đồng hay bà Đồng nhận một số nén hương hay một bó hương từ tay người hầu dâng (còn gọi là Tay hương), rút một nén hương cầm trong tay phải, huơ lên phía các nén hương khác làm động tác phù phép, mà những người hầu đồng gọi là khai quang (nói chệch đi là khai cuông), tức là xua đuổi đi cái trần tức, ma quỷ làm trong sạch hương để dâng cho các vị Thánh. Sau khi làm phép "khai quang, ông Đồng hay bà Đồng ném hương xuống đất hay đưa cho người hầu dâng, rồi cầm bó hương tiến đến tới trước bàn thờ Thánh làm lễ dâng hương.

Nghi thức dâng hương có sự khác biệt giữa Thánh nam và Thánh nữ. Thánh nữ quỳ dâng dâng hương, rập trán xuống đất ba lần. Các Thánh nam thì quỳ lạy, giơ cao bó hương trước trán. Mỗi lần vái lạy của Thánh như vậy thì người ta lại đánh một tiếng chuông. Việc dâng hương là một hành vi tôn kính, một lời cầu nguyện thầm lặng biểu hiện bằng làn khói hương bốc lên trời. Hương cũng như các màu sắc chói lọi, mùi hương thơm của nước hoa, mùi trái cây... không những làm cho các vị thần linh thích, mà còn có tác dụng xua duỗi ma tà, chống lại những cái gì chết chóc, không có sự sống.

Sự nhập hồn và tái sinh của Thánh vào cơ thể các ông Đồng, bà Đồng còn được biểu hiện sống động bằng các động tác múa. Động tác múa của người hầu đồng kết hợp nhịp nhàng theo âm nhạc và lời hát, tạo nên không khí nhộng nhịp, lúc hào hùng khi duyên dáng. Tuỳ theo vị trí và tính cách của mỗi vị Thánh mà động tác múa cũng khác nhau. Múa xong, Thánh lại ngồi xuống. Lúc này, cung văn hát những bài chầu văn kể lại sự tích, lai lịch và ca ngợi tài năng, sắc đẹp, công đức của vị Thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng, cung văn ngâm các bài thơ cổ theo điệu Phú, những đoạn hay các vị Thánh hài lòng, biểu lộ bằng cách vỗ gối đang tựa và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này, hai người hầu dâng cũng dâng lên Thánh rượu, thuốc lá, trầu, nước... Trước khi Thánh dùng các đồ dâng đó, đều phải làm nghi thức khai quang, tức làm thanh sạch hóa các đồ dâng cúng cho thần linh. Những chất kích thích như rượu, thuốc, trầu có tác dụng trực tiếp tới trạng thái ngây ngất của các ông Đồng và bà Đồng, một trạng thái cần thiết cho Thánh giáng. Mặt khác, theo các quan niệm rất cổ xưa, nước uống vào cơ thể coi như máu tiếp thêm sức sống làm các vị thần linh sống lại trong cơ thể các ông Đồng và bà Đồng.

(còn tiếp)

GS-TS Ngô Đức Thịnh

Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam

Nguồn: daomauvietnam.com

----------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Đạo Mẫu (3)

Đạo Mẫu (2)

Đạo Mẫu (1)