Shinto Nhật Bản và Đạo Mẫu Việt Nam

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5446 | Cật nhập lần cuối: 11/20/2018 1:22:20 PM | RSS

Trong bất kì thời đại nào, ngay cả ở xã hội hiện đại ngày nay, không gì có thể phủ nhận rằng tôn giáo, tín ngưỡng có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Từ xưa đến nay, những bất đồng tôn giáo, bất đồng niềm tin, vẫn là một trong những yếu tố căn bản gây ra chiến tranh và chia rẽ con người với nhau. Nhưng có lẽ ta cũng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mang tính quyết định diện mạo của một tôn giáo hay tín ngưỡng từ phía ý thức con người, mà ở đó tín ngưỡng, tôn giáo phản ánh sâu sắc tư duy của một dân tộc. Ta cùng điểm lại lịch sử của Shinto – một tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản với Đạo Mẫu – cũng là một tín ngưỡng truyền thống lâu đời ở Việt Nam để thấy rõ hơn điều đó.

1. SHINTO – TỪ MỘT TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN

Là một tín ngưỡng truyền thống của Nhật, Shinto (hay Thần đạo) ra đời từ những năm trước công nguyên, tuy nhiên lúc này vẫn chưa được gọi tên. Cũng như một vài tín ngưỡng nguyên sơ khác, Thần đạo lúc bấy giờ ra đời nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên, dần dần trở thành một tín ngưỡng, niềm tin của con người. Những hiện tượng tự nhiên (như sấm, chớp, mưa, gió,…) hay những gì thuộc về thiên nhiên (mặt trăng, mặt trời, cáo, thỏ,..) đều trở thành những biểu tượng thần linh. Thần đạo có đến 8 triệu các vị thần. Các nghi lễ thờ cúng, cầu nguyện hay cảm tạ các vị thần được thực hiện trong những đền thờ gọi là thần xã, vào thời cổ đại, khi chưa có nhà cửa, thì những thần xã này là những hang đá hoặc địa điểm linh thiêng. Các vua chúa lên ngôi đều xưng là con cháu của các vị thần, thay mặt các vị thần thống trị con người.

Đến thế kỉ 6, Phật giáo và Nho giáo du nhập vào Nhật Bản, người Nhật bắt đầu dùng chữ Shinto để gọi riêng cho tôn giáo của mình. Như một xu thế thời đại, khi Phật giáo du nhập, nó hòa trộn với tín ngưỡng bản địa để phù hợp và trở nên gần gũi hơn với cuộc sống của mỗi người dân. Trong sự hòa trộn đó, các vị thần trong Thần đạo dần chuyển hóa thành Phật. Người ta thờ Phật thay vì thờ thần, Shinto dần dần bị áp đảo.

Với vai trò là một tín ngưỡng, Shinto không có các điều cấm hay bắt buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác. Shinto rất coi trọng sự trong sạch và thanh tịnh, những buổi lễ thanh tẩy thường đi kèm với những hội lễ theo niềm tin truyền thống. Từ việc tôn mọi sự vật thiên nhiên xung quanh thành thần, Shinto luôn tìm thấy cái đẹp, cái tinh khiết trong mọi sự vật thiên nhiên, rồi với ảnh hưởng của chất thiền Phật giáo các “thần” bỗng thành cái đẹp của sự tinh khôi, thuần khiết. Cũng vì lẽ đó, Thần đạo đã tạo môi trường tốt để sinh ra nhiều môn nghệ thuật truyền thống tinh hoa của Nhật Bản, như Trà đạo (Sado), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), đấu vật (Sumo)…, nơi lắng đọng chất thiền cũng như cái đẹp của tạo vật vào cuộc sống con người.

Honden là nơi thờ các vị thần linh trong đạo Shinto - Ảnh: dinhatban.net

2. DƯỚI TÁC ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Đến cuối thế kỉ 18, cuối thời Mạc Phủ bắt đầu xuất hiện một vài học giả theo đường lối Quốc học có xu hướng bài ngoại, muốn tách bạch Thần đạo truyền thống khỏi Phật giáo. Thiên hoàng Minh trị lên ngôi, nhận ra tầm quan trọng của Thần đạo trong việc giúp thống nhất đất nước trong thời điểm nước Nhật đối mặt với công cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất, Thần đạo bắt đầu được xem là công cụ để tiến hành thống nhất nước Nhật về văn hóa và dân tộc. Năm 1868, Minh trị công bố “Thần Phật phân ly lệnh”, chính thức tách Thần đạo khỏi Phật giáo, khôi phục “Thần kỳ quan” chuyên lo việc tôn giáo, khuyến khích Thần đạo phát triển. Dần dần, Thần kỳ quan nắm mọi quyền lực, Thần đạo trở thành quốc giáo, Thiên hoàng được cho là con cháu thần linh, chính phủ lợi dụng Thần đạo để nói rằng Thiên hoàng xứng đáng cai trị cả thế giới, và buộc Đài Loan và Triều Tiên là các thuộc địa phải theo Thần đạo. Đó cũng là lúc Nhật Bản trở thành một trong những nước phát-xít.

3. SHINTO NGÀY NAY

Năm 1945, phe phát-xít thua trận. Thống tướng Mỹ Douglas MacAthur yêu cầu Nhật Bản phải tách bạch tôn giáo khỏi nhà nước. Ngày 1 tháng 1 năm 1946, Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) ra bản “Tuyên ngôn nhân gian”, tuyên bố Thiên hoàng cũng chỉ là người thường, không phải là thần thánh. Shinto chính thức trở lại là một tôn giáo thuần túy.

Ngày nay, Shinto cũng như những tôn giáo khác ở Nhật Bản, vẫn thu hút được một số lượng lớn người sống vì đạo. Ngoài ra, nó còn là một tín ngưỡng truyền thống. Một người không phải là tín đồ Shinto, nhưng vẫn mang một niềm tin truyền thống đối với các vị thần và lễ thần. Đền thờ và các Thần xã ngoài việc là nơi thờ cúng, còn trở thành danh lam thắng cảnh, những ngày lễ của Thần đạo thường gắn với những lễ hội truyền thống dân gian, một vài nghi thức của Thần đạo ngày nay cũng trở thành những tập quán của người Nhật. Ví dụ, khi một em bé chào đời, đến ngày đầy tháng, gia đình sẽ đưa bé đến đền Shinto để được ban phước lành. Hoặc vào giữa tháng 11 hằng năm, các bé gái 3 tuổi, 7 tuổi và các bé trai 5 tuổi cũng sẽ được đưa đến đền Shinto cầu nguyện để các thần linh phù hộ.

Shinto Nhật Bản và Đạo Mẫu Việt Nam

Đền Ikuta - Thần đạo - Nhật Bản - Ảnh: Nhịp cầu Tâm Giao

4. ĐẠO MẪU Ở VIỆT NAM

Là một trong những tín ngưỡng của người Việt Nam, giống như Shinto, đạo Mẫu ở Việt Nam ra đời từ khá sớm. Xuất phát từ việc sùng bái thiên nhiên, nhưng nếu như ở Shinto, người Nhật tôn thờ thiên nhiên như một vẻ đẹp thuần khiết, thì ở Việt Nam, đạo Mẫu nhân hóa thiên nhiên theo hướng mong muốn được chở che, là những gì con người ta tìm thấy ở một người mẹ, tôn hết thảy thiên nhiên thành Mẹ, và thờ chúng như đối với một “người mẹ” thực sự. Đạo Mẫu có khoảng 60 thần, với sự đa dạng trong các lớp thờ, cũng như sự đa dạng về các thánh mẫu và thần nữ trong đạo Mẫu thể hiện sự linh hoạt biến đổi và dễ dàng thích nghi của nó trong điều kiện một nước đa dân tộc và phân bố rộng như Việt Nam.

Ở miền Bắc, xuất hiện cùng lúc với người Việt và cuộc sống nông nghiệp, lớp thờ Tam phủ - Tứ phủ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống ở một đất nước nông nghiệp. Tam phủ thờ các Mẫu thượng thiên (Thiên mụ, Bà chúa xứ,…), Mẫu thượng ngàn (mẹ núi, mẹ sông), Mẫu Thoải (Bà chúa lạch, bà nước), ở Tứ phủ còn có thêm Mẫu địa phủ hay một vài nơi là Mẫu Liễu. Trải qua một thời gian dài của chế độ phong kiến, tín ngưỡng thờ Mẫu không những không bị mai một, mà nó còn có những biến đổi thú vị đi ngược lại thuần phong Nho giáo, như việc tôn những người phụ nữ trong xã hội truyền thống thành các Mẫu Thần, bảo trì cho chúng sinh, tạo thêm một lớp thờ nữa là lớp thờ các Thánh Mẫu, như thờ Bà chúa Liễu, Ỷ Lan nguyên phi,… Bên cạnh đó, Nho giáo cũng có những tác động lớn đến hình thức thờ cúng dân gian, các anh hùng dân tộc, và nhân vật lịch sử cũng được phong thần, và thờ cúng bên cạnh các ban Thánh Mẫu (Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan- Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn…). Dần về phía Nam, do sự phổ biến của người Chăm với tôn giáo riêng, tín ngưỡng của đạo Mẫu đã biến đổi, tục thờ Tam phủ-Tứ phủ không còn phổ biến, thay vào đó là các Mẫu thần, nữ thần riêng của từng vùng. [1]

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, tục thờ Tứ pháp ra đời với truyền thuyết Phật mẫu Man nương, thờ bốn vị nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tượng trưng cho mây, mưa, sấm, chớp. [2]

tuphap-2.gif

Hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tại vùng chùa Dâu

Đạo Mẫu truyền thống thực sự đã đem lại một niềm tin được che chở, độ trì cho con người ở một đấng Mẫu thần, hướng niềm tin của con người vào đời sống trần thế. Đây có thể xem là một yếu tố mang tính “hiện sinh”của con người nhất là trong thế giới hiện đại. Nó không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Lúc này niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế” mà cũng có thể nói là “thực dụng” của con người Việt Nam.[1]

Cũng xuất phát từ mong muốn được bảo vệ và độ trì, việc thánh hóa những anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử còn thể hiện một tinh thần dân tộc, thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa của người Việt Nam. Các thánh thần ngoài phù hộ cho dân chúng được cơm no áo ấm, buôn bán thuận lợi, mưa thuận gió hòa, còn hộ trì cho đất nước, bảo vệ dân tộc, giống như mẹ cha của dân gian nói chung vậy. Câu ca “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” dành cho lễ giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo và Thánh Mẫu Liễu Hạnh đến nay vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân vẫn minh chứng cho niềm tin ấy. Lòng yêu nước và sự hướng về dân tộc ấy, gần đây nhất, còn được thể hiện trong Kinh Đạo Nam, một tập sách được cho là giáng bút của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào những năm 1911, với những bài viết thống thiết về tình hình đất nước và những lời răn dạy sĩ nông công thương cũng như những vai trò của người phụ nữ trong gia đình trong giai đoạn đất nước lầm than.[3]

Nhắc đến đạo Mẫu, một yếu tố không thể thiếu đó là các nghi lễ mà dân gian vẫn gọi là các buổi hầu đồng, chầu văn. Quan niệm rằng đã từ bao đời sống trong sự chở che của các Mẫu, bản chất của chúng là những nghi lễ thể hiện niềm tôn kính của người dân với các Mẫu. Đó còn là hình thức ca múa nhạc tín ngưỡng dân gian của Việt Nam có mục đích tôn vinh thần thánh và tạo cảm xúc, theo niềm tin tín ngưỡng, giúp con người giao tiếp với thần linh. Hát chầu văn lên đồng là hát lên các bài văn bài thơ có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Tuỳ thuộc tính cách của vị thần mà nội dung lời thơ, tiết tấu giai điệu âm nhạc, điệu múa được trình diễn, đó là nơi mà cuộc gặp gỡ của con người và các Thánh mẫu được bắt đầu. Các Mẫu giáng về trong lời ca tụng của các tín đồ, nghe thơ, nghe nhạc, và nghe cả những lời thỉnh nguyện của họ. Thánh Mẫu hoan hỉ ban tài phát lộc cho “bách gia trăm họ”, và mọi người đón nhận lộc thánh với niềm hân hoan vô bờ. Tất cả mọi người đều hướng về Thánh Mẫu và thầm mong được phù hộ. [4] Tuy nhiên đến nay, hình thức nghi lễ này đã bị con người lợi dụng ở mức tối đa, biến thành một dạng mê tín dị đoan, bị nhiều người lên án.

5. KHI TÔN GIÁO-TÍN NGƯỠNG BỊ BIẾN DẠNG VÀ BỊ LỢI DỤNG

Shinto từ một tôn giáo đề cao vẻ đẹp thuần khiết, trong tay Nhật hoàng bỗng trở thành công cụ chính trị điều khiển con người dựa vào niềm tin của họ. Vậy người Việt Nam ta đang đối xử thế nào với đức tin vào một đấng thần linh vốn vẫn được xem là cha mẹ đang hộ trì cho dân gian?

Có rất nhiều những hành động được xem là mê tín, như xin bùa bình an, xem bói,… vẫn diễn ra ở rất nhiều nơi, ở nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trên thế giới, nhưng đó vẫn là những chuyện bình thường dễ chấp nhận vì không ảnh hưởng nhiều đến ai, hiếm có nơi nào xảy ra những sự kiện đạp lên cả bệ thờ, cửu đỉnh như trong hội khai ấn đền Trần đầu năm nay ở nước ta. Phân tích kỹ những hiện tượng này, ta thấy, nếu như cái người ta hướng đến trong tín ngưỡng, tôn giáo là niềm tin về một đấng siêu nhiên, mong chờ được chở che, phù hộ, thì trong những hội lễ ở Việt Nam thời gian gần đây, niềm tin của người Việt có thể nói đã bị biến dạng một cách quái dị. Cái họ tin không còn là đức thánh Trần, là thánh Mẫu, là các đấng thần tiên nữa, cái họ hướng đến không còn là sự bảo trì, che chở cho cuộc sống được yên ổn, được làm ăn phát đạt, phúc lộc dồi dào, mà tại lễ hội, niềm tin của họ bỗng thể hiện thành một niềm tin mãnh liệt vào một mảnh giấy có cái ấn, vào những hành động cúng bái lễ lạt đối với thánh thần. Và nó thôi thúc người ta phải tranh giành những thứ ấy. Họ tranh giành miếng ấn, tranh nhau cúng lễ, cố chen bằng được lên trước như thể nghĩ rằng đứng sau một người thì thánh thần sẽ không nhìn thấy mình, mà quên mất rằng tín ngưỡng là sự tôn kính đối với thần thánh, và sự tôn kính ấy để cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống.

Có thể nói, tính thực dụng vốn có trong tín ngưỡng của người Việt, tính thực dụng rất hồn nhiên về một mong muốn được ấm no, phát tài ngày nay đã không còn nữa. Tâm hồn một bộ phận người Việt Nam đã bị lệch lạc méo mó đến mức khó tả, khi trong họ tự biến tướng đức tin dân gian của mình vào một đấng siêu nhiên thành đức tin vào những vật dụng vô tri, rồi đánh đổi tất cả để lấy bằng được nó. Hậu quả này, có lẽ ta lại phải đổ lỗi cho một nền giáo dục xiêu vẹo, sự vô minh đến vô cảm và vô ý thức của những người vẫn tự cho là sùng đạo nhưng thực chất lại đang chà đạp lên đạo.

Theo WeGreen

Nguồn: thaoduongmoscow.info

_________________________________

Chú thích:

1. http://mantico.hatvan.vn/dan-gian-viet-nam/lich-su-hinh-thanh-biẾn-doi-va-nhung-gia-tri-co-ban-cua-dao-mau-viet-nam.html

2. http://vi.wikipedia.org/wiki/Phật_Mẫu_Man_Nương

3. http://www.kynguyentamlinh.com/news.aspx?nid=356

4. http://xuandienhannom.blogspot.kr/2012/11/len-ong-bao-tang-song-cua-van-hoa-viet.html

Loading...