Ông Trời trong tín ngưỡng dân tộc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 6043 | Cật nhập lần cuối: 11/22/2016 3:01:08 PM | RSS

Tin vào một đấng Tạo Hóa là niềm tin rất tự nhiên của con người có trí khôn, biết tìm tòi suy nghĩ. Con người nhỏ bé và yếu hèn đứng trước một vũ trụ bao la huyền bí mới cảm nhận được rằng chỉ có Trời - đấng tạo ra vũ trụ, muôn loài - mới có thể giải đáp một cách thỏa đáng mọi ưu tư của mình. Khởi đầu từ nguyên lý trên, tổ tiên ta đã dày công xây dựng một tín ngưỡng “mặc khải” vượt cả không gian lẫn thời gian, không những đúng trong quá khứ, hiện tại mà cả tương lai. Tín ngưỡng đó có thể tóm lược trong 4 chữ “THỜ TRỜI, YÊU NGƯỜI”

Các nhà sử học, thần học ngày nay gọi tín ngưỡng chung cho cả dân tộc bằng nhiều danh từ khác nhau như ụ: Đạo Thờ Trời, Đạo Ông Bà , Đạo Hiếu, Việt Đạo, Quốc Đạo. Chúng tôi xin được dùng chữ Đạo Trời (ĐT) để chỉ đạo chung cho cả dân tộc. Trong phần dưới đây, chúng tôi thử bàn tới “ngôi vị” ông Trời trong ĐT.

* * *

a. Đấng Hằng Hữu: Các đạo giáo đông phương chủ trương đấng tạo hóa không bản vị (thiên địa vạn vật đồng nhất thể), người Việt (NV) tin rằng Trời là đấng hữu ngã, hữu vị, nên thường kêu Trời là “ông”.

b. Đấng Quan Phòng: Trời tạo dựng lên vũ trụ, muôn loài, nên Trời có “trách nhiệm” nuôi dưỡng những loài thụ tạo. NV đã diễn tả niềm tin đó qua những câu ca dao, tục ngữ dưới đây:

Trời sinh, Trời dưỡng.
Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.
Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.
Chạy Trời không khỏi nắng.
Thuốc chữa được bệnh, chẳng chữa được mệnh.

Không những lo của ăn mà Trời còn định cả việc dựng vợ gả chồng:

Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây Trời khiến cho lòng thương em.
Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì,
Giàu ăn, khó nhịn, chứ có lo gì mà lo.

Qua câu truyện Quả Dưa Hấu, xẩy ra vào đời Hùng Vương thứ 18, tổ tiên muốn nhắc nhở con cháu phải biết ơn Trời và dùng sự khôn ngoan của mình để tạo nên của cải vật chất làm giàu cho xã hội.

Qua hịch binh sĩ, Lý Thường Kiệt (1036-1105) đã khẳng định mọi việc đều do trời định, ngay cả biên cương một quốc gia:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư,...

Giới sĩ phu như Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Nguyễn Khuyến (1835-1909) v.v. đều tin vào mệnh trời, và phó thác mạng sống của mình cho Trời.

c. Đấng Đầy Lòng Thương Xót: NV tin rằng Trời là đấng lòng lành vô cùng, từ bi hay thương xót kẻ thụ tạo. Gặp khó khăn, tai nạn, người Việt chỉ còn biết cầu Trời cho tai qua nạn khỏi như :

Trăm sự nhờ Trời.
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,..
Trời cho hơn lo làm.

Trời đánh còn tránh miếng ăn

d. Đấng Thưởng Phạt và Phép tắc vô cùng: người Việt tin rằng Trời cầm cân nẩy mực, kẻ gian ác bị trừng phạt, người hiền lương được thưởng:

Trời có mắt.

Không có Trời, ai ở với ai.

Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.

Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.

Ở xởi lởi thì Trời gởi cho,

Ở xo lo thì Trời gói lại.

Qua thi ca, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã mô tả Trời là đấng giầu lòng thương xót, cầm cân nẩy mực, khuyên người đời nên làm lành tránh dữ.

e. Thờ Trời: người Việt tin rằng ông Trời là đấng quyền phép vô cùng và giàu lòng thương xót. Khi gặp tai họa, họ chỉ cầu Trời, luôn tỏ lòng biết ơn đấng đã phù trợ cho họ. Mỗi nhà đều lập bàn thờ ông Thiên trước nhà, hoặc bàn thờ Thông Thiên (Phật Giào Hòa Hảo), hay Thiên Nhãn (Cao Đài).

Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu,
Công lênh chẳng quản lâu đâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng,
Ai ơi! đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.

Cao điểm của lòng biết ơn là lễ tế Trời, còn gọi tế Nam Giao. Sau khi tắm gội sạch sẽ, một mình nhà vua lên lễ đài lộ thiên, tế Trời, cầu cho quốc thái dân an.

Nhờ Đạo Trời, nước ta đã trải qua một thời đại thanh bình kéo dài hơn 2000 năm (2879- 259 TTL), dân ta hưởng một cuộc sống đầy an vui hoan lạc. Sau đó, các tôn giáo khác như Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo truyền bá sang Việt Nam. Sở dĩ có sự dễ dàng du nhập, vì giáo lý của họ không khác mấy tôn chỉ “THỜ TRỜI, YÊU NGƯỜI” của Đạo Trời:

- Khổng giáo: Vào thế kỷ thứ V TTL, đức Khổng Phu Tử, bên Trung Hoa là người sáng lập đạo Nho và đạo được truyền bá sang nước ta vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Ý thức được rằng vũ trụ này do một vị Thượng Đế tạo dựng lên, Ngài chủ trương sống theo thiên mệnh “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Muốn có hạnh phúc, con người phải biết thờ kính Trời và hành động theo ý Trời. Ngài còn khuyên bảo: “Phạm tội với Trời, thì còn cầu nguyện vào đâu được (hoạch tội ư thiên, vô sở đảo ngã) hoặc ăn ở bất nhân thất đức, cầu nguyện lễ bái, dù liên lỉ đến đâu cũng là vô ích. Ngài phủ nhận vai trò sáng lập đạo mà chỉ cho rằng ghi chép lại lời của cổ nhân.

- Phật giáo: Vào thế kỷ thứ 5 TTL, Đức Phật Thích Ca bên Ấn Độ, là người sáng lập đạo Phật, và đạo được truyền bá sang nước ta vào đời Đường. Vì đời là bể khổ, Ngài chỉ cho chúng sinh con đường cứu khổ, diệt khổ. Ngài giữ thái độ “không phủ nhận, không xác nhận”, khi đệ tử hỏi có Thượng Đế hay không? Khác với Phật giáo Thái Lan, Miến Điện, đa số Phật tử Việt Nam vẫn không thể bỏ niềm tin cố hữu vào ông Trời, và vẫn cúng giỗ ông bà vì tin rằng dù chết nhưng linh hồn ông bà vẫn còn ở với con cháu.

Đôi khi, niềm tin vào Trời, Phật được pha trộn trong dân gian:

Trời Phật thì ở trên mây,
Nhiều tiền đong đầy, ít tiền đong vơi.
Trời quả báo ăn cháo gẫy răng,
Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chày.

- Thiên Chúa giáo: Đạo Chúa truyền sang nước ta từ thế kỷ thứ XVI STL. Tôn chỉ “ kính Chúa, yêu người” hẳn không xa lạ gì đối với Đạo Trời của Người Việt. Trong tinh thần hòa nhập để phát triển, giáo hội Chúa đã cố gắng Việt Nam hóa những nghi lễ phục vụ như bàn thờ Tổ Tiên được trưng bày bên bàn thờ Chúa tại mỗi gia đình cũng như tại nhà thờ; đem những nhạc khí, điệu hát dân gian vào trong thánh ca, lễ nhạc; ngay cả đến quan hôn tang tế cũng được cử hành theo nghi lễ cổ truyền dân tộc.

*

Theo thống kê*, trong tổng số 6,080 tỷ người trên thế giới:

Thiên Chúa giáo chiếm 1,999 tỷ,

Hồi giáo 1,188 tỷ,

Phật giáo 360 triệu,

Khổng giáo 6.3 triệu

Không một tôn giáo nào trên thế giới có thể tự đứng ra giải quyết những vấn đề xã hội một mình, mà cần có sự hợp tác của các tôn giáo khác.

Khi nói đến hợp tác, không một tôn giáo nào có thể tự cho:

- con đường cứu độ của tôn giáo mình là con đường duy nhứt.

- giáo chủ của mình là vị tiên tri cuối cùng của Thượng Đế.

Ông Trời là đấng toàn năng, giàu lòng thương xót, Ngài có nhiều con đường cứu độ được mặc khải qua nhiều tiên tri khác nhau theo từng thời đại.

Đạo Trời không những là đạo chung cho cả người Việt mà còn là mẫu số chung cho tất cả các tôn giáo trên thế giới, ngồi lại với nhau để cùng xây dựng một xã hội ấm no và hạnh phúc ngay tại đời này cũng như đời sau. Đó cũng là giáo lý mặc khải của đạo Baha’i “một Thượng Đế, một Nhân Loại, một Tôn Giáo”**.


Bùi Đức Hợp

Nguồn: aihuucongchanh.com

----------------------

* Thống kê năm 2000 Almanac, New York Times

** Baha’i là một tôn giáo mới khai sinh vào đầu bán thế kỷ 19, tại Iran, với số tín đồ trên 7 triệu.