Tinh thần Giáng Sinh đích thực
Mục sư Nicky Gumble đã có một nhận xét nghe có vẻ nghịch lý nhưng rất tinh tế và xác đáng về lễ Giáng sinh trong xã hội hiện đại như sau “Ngày nay lễ Giáng sinh đã làm lu mờ hình ảnh của Chúa Cứu Thế.”
Thật vậy, lễ Giáng sinh ngày càng bị thế tục hóa, trở thành lễ hội văn hóa quốc tế hằng năm, là dịp để người ta ăn chơi mua sắm cho thỏa thích. Người ta vui giáng sinh, ăn giáng sinh, tặng quà giáng sinh, nghỉ giáng sinh mà không biết Đấng giáng sinh là ai, nhất là không hiểu tinh thần, ý nghĩa đích thực của lễ giáng sinh là gì. Tệ hại hơn, người ta đã cố tình loại bỏ Chúa Giê-xu trong lễ giáng sinh khi viết Xmas thay cho Christmas, mừng Giáng sinh thay vì mừng Chúa giáng sinh.
Là con dân Chúa, mùa giáng sinh là dịp để chúng ta suy niệm về tình yêu của Chúa, trở về với tinh thần giáng sinh đích thực và học tập sống theo gương của Chúa Cứu Thế.
Có nhiều câu Kinh Thánh rất quí báu nói về giáng sinh, nhưng thiết tưởng 2 Cô 8:9 là một trong những câu Kinh Thánh nói lên tinh thần đích thực của lễ giáng sinh một cách sâu sắc.
“Vì anh em biết ân điển của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Ngài vốn giàu nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để bởi sự nghèo khó của Ngài, anh em trở nên giàu có.”
TINH THẦN ÂN ĐIỂN: YÊU THƯƠNG, THA THỨ, RỘNG RÃI, THÁNH THIỆN
Ân điển của Chúa Cứu Thế
Ân điển là một từ ngữ đặc biệt không có trong từ điển tiếng Việt. Ngay cả trong tiếng Hy Lạp thì từ Charis được Kinh Thánh dùng cũng có ý nghĩa phong phú, độc đáo không giống với ngôn ngữ mà người Hy Lạp thường dùng. Ân điển là tình yêu kỳ diệu của Chúa đối với con người; là quà tặng ban cho người không xứng đáng nhận mà được nhận. Thánh Phao-lô đã diễn tả ý nghĩa của ân điển trong Rô-ma 5:8 “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta khi chúng ta con là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.”
Ân điển là chân lý quan trọng nhất trong Tân Ước và nó trở thành một điểm độc đáo nhất của Cơ Đốc giáo, khác biệt với các tôn giáo của con người. Chúa Giê-xu giáng sinh để bày tỏ ân điển cứu rỗi lạ lùng của Đức Chúa Trời và Ngài cũng đã sống với tinh thần ân điển: “Ngôi Lời trở nên xác thể ở giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý.” (Giăng 1:14).
Một người được cứu là người kinh nghiệm ân điển kỳ diệu của Chúa bày tỏ trong đời sống mình. Thánh Phao-lô đã kinh nghiệm ân điển cứu rỗi và biến đổi của Chúa như sau “Nhưng tôi nay là người thể nào là bởi ơn (ân điển) của Đức Chúa Trời và ơn (ân điển) Ngài ban cho tôi không phải là uổng vậy.”. Có người đã định nghĩa ân điển như sau: “Ân điển là lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài dùng ảnh hưởng thánh khiết của Ngài tác động trên linh hồn tội nhân, khiến họ quay về với Đấng Christ, gìn giữ, ban sức mạnh, thêm đức tin, tri thức, yêu thương và thúc giục họ thực hành đạo đức Cơ Đốc.” (Blue Letter Bible).
Ân điển của Đức Chúa Trời thật kỳ diệu nhưng dường như chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa của hai chữ ân điển, chưa “học cho thật biết ơn (ân điển) đó” (Cô-lô-se 1:6b) như tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se, cho nên chúng ta cũng chưa sống đúng với tinh thần ân điển.
Thái độ yêu thương, bao dung , tha thứ
Tinh thần giáng sinh trước hết là tinh thần ân điển và sống với tinh thần đó. Sống theo tinh thần ân điển cụ thể được thể hiện qua thái độ yêu thương, tha thứ, bao dung đối với nhau.
Chúa Giê-xu đã thể hiện tinh thần ân điển đó qua câu chuyện về người đàn bà tà dâm (Giăng 8), lời cầu nguyện tha thứ trên cây thập tự, và đặc biệt là câu chuyện về người con trai hoang đàng trong Lu-ca 15. Trong câu chuyện “Người con trai hoang đàng” người cha đã đối xử với đứa con hư hỏng của mình bằng thái độ và hành động đầy ân điển “chạy ra ôm lấy cổ mà hôn” “lấy áo tốt mặc cho nó, đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân” và “bắt bò con mập làm thịt” và “ăn mừng” vì “con ta đây đã chết là bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được.”. Chúa đối chúng ta cũng như vậy. Đó là tinh thần ân điển.
Xin Chúa giúp đỡ để chúng ta sống với tinh thần ân điển như Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng ta trong mùa giáng sinh này “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32).
Lời nói đầy ân điển
Tinh thần ân điển cũng phải thể hiện qua lời nói của chúng ta. Thánh Phao-lô dạy “Lời nói của anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào? (Côl 4:6). Chữ “ân hậu” ở câu này có nghĩa là “đầy ân điển” (full of grace-NIV). “Nêm thêm muối” ở đây không có nghĩa là lời phải mặn mà, dễ thương, nhưng là lời nói không gây tổn thương người khác, trái lại có tác dụng chữa lành, đem lại sự khích lệ, an ủi người khác. Vì muối có công dụng không những giữ cho không bị hư thối, mà còn có tác dụng chữa lành, và tăng thêm hương vị cho thức ăn. Kinh Thánh chép “Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay.” (Châm Ngôn 12:18).
Ban cho rộng rãi
Tinh thần ân điển cũng được bày tỏ qua hành động cứu giúp, ban cho rộng rãi vì ân điển Chúa luôn ban cho dư dật. Hội Thánh ở Ma-xê-đoan dâng hiến, giúp đỡ anh em gặp hoạn nạn cách rộng rãi. “Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn, thử thách thì lòng quá vui mừng và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình.” (2 Cô 8:2).
Sống tin kính, thánh thiện
Đừng có ai hiểu lầm rằng Chúa luôn ban ân điển dư dật cho nên dù mình có sống trong tội lỗi, bất khiết thì Chúa cũng tha thứ. Không, trái lại một người cảm nhận sâu xa ân điển kỳ diệu của Chúa thì càng phải sống một đời sống tin kính, thánh khiết để không làm buồn lòng Ngài. Thánh Phao-lô dạy “Ân điển đó dạy chúng ta từ bỏ sự không tin kính và dục vọng trần gian để sống một cách tiết độ, công chính và tin kính trong đời này” (Tít 2:12 - BTTHĐ). John Newton đã viết bài thánh ca “ân điển lạ lùng” (Amazing grace) sau khi ông cảm nhận sâu xa ân điển Chúa. Ngài đã nghe tiếng kêu cầu của ông và đã cứu ông thoát chết trong một cơn bão khủng khiếp giữa đại dương mặc dù ông là con người hư hỏng, tội lỗi, xấu xa. Kể từ đó ông dâng cuộc đời còn lại cho Chúa, phục vụ Ngài.
TINH THẦN NGHÈO KHÓ: HẠ MÌNH, KHIÊM NHƯỜNG, GIẢN DỊ, HY SINH
Ngài vốn giàu nhưng đã trở nên nghèo
Tinh thần giáng sinh đích thực là tinh thần nghèo khó. Câu Kinh Thánh này nói lên sự nhập thể của Chúa Giê-xu: Ngài là Đấng giàu có vô cùng đã trở nên nghèo khó, là Đấng vô hạn trở nên hữu hạn trong hình ảnh một hài nhi nằm trong máng cỏ thấp hèn. Có thể nói không ai giàu có như Chúa Giê-xu, mà cũng không nghèo khó hơn Ngài. Ngài sinh ra trong một gia đình của người thợ mộc nghèo. Ngài không có thuyền để đi, không có lừa để cưỡi nên phải đi nhờ, đi mượn của người khác. Ngài không có tiền để nộp thuế nên phải sai Phi-e-rơ ra biển câu một con cá, banh miệng ra để lấy một đồng bạc trong đó mà nộp thuế (Mat 17:27). Chính Ngài đã phán “Con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu.” (Mat 8:20). Một tác giả đã cực tả đời sống sống nghèo khó của Chúa như sau “Chúa Giê-xu là người sinh ra ở ngoài đường, sống ở ngoài đường và chết bên vệ đường”.
Hãy đồng một tâm tình như Đấng Christ
Là con dân Chúa, chúng ta phải sống với tinh thần nghèo khó theo gương Chúa Giê-xu. Thánh Phao-lô cũng khuyên chúng ta hãy có đồng tâm tình như Đấng Christ đã có, đó là tinh thần nghèo khó, khiêm nhu, hạ mình, hy sinh, vâng phục “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:5-8).
TINH THẦN GIÀU CÓ: VỊ THA, PHỤC VỤ LỢI ÍCH CỦA NHÂN LOẠI
Bởi sự nghèo khó của Ngài, anh em trở nên giàu có
Tinh thần giáng sinh đích thực cũng là tinh thần giàu có. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải sống với tinh thần nghèo khó đối với mình, nhưng đối với tha nhân, chúng ta phải sống với tinh thần giàu có của tình yêu thương, quan tâm, rộng rãi, tinh thần vị tha, sống vì lợi ích của người khác như Chúa Giê-xu đã sống. Chúa Giê-xu phán “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mat 20:28) và “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn Ta đến để cho chiên được sống và sự sống phong phú” (Giăng 10:10). Thật vậy, khi thi hành chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu đi khắp các thành các làng để rao giảng Phúc âm, chữa lành bệnh tật, an ủi, rịt lành những tấm lòng tan vỡ, ban bánh cho kẻ đói. Kinh Thánh chép “Khi Ngài thấy những đám dân đông thì động lòng thương xót vì cùng khốn, tan tác như chiên không có kẻ chăn.” (Mat 9:36). Tội lỗi đã làm cho con người trở nên cùng khốn, tan lạc, ai theo đường nấy và mất đi ý nghĩa, mục đích cao đẹp của cuộc sống. Vì thế Chúa Giê-xu đã đến để ban cho con người sự sống phong phú, dư dật về tâm linh lẫn thể xác để con người sống có ý nghĩa.
Giàu có hay nghèo khó? - Thần học ân điển
Câu Kinh Thánh mà chúng ta đang suy ngẫm dạy chúng ta tinh thần giáng sinh đích thực mà Chúa muốn chúng ta sống như Ngài đã sống. Tuy nhiên câu Kinh Thánh này cũng đụng đến một vấn đề căn bản trong đời sống con người, là vấn đề giàu và nghèo, giàu có và nghèo khó. Trong dòng thần học hiện đại cũng có hai quan điểm thần học trái nghịch nhau là thần học nghèo khó (Theology of poverty) chủ trương Phúc âm dành cho người nghèo, quan tâm, bênh vực cho người nghèo, sống nghèo khó và thần học giàu có, thịnh vượng (Theology of prosperity) chủ trương Cơ Đốc nhân sẽ được Chúa ban phước, được thịnh vượng và khỏe mạnh về phần thuộc thể. Thật ra Kinh Thánh đều dạy dỗ về cả hai điều này nhưng chúng ta cần ứng dụng một cách quân bình. Phúc âm không chỉ dành cho kẻ nghèo mà cũng cho kẻ giàu vì mọi người đều đã phạm tội và cần đến Phúc âm. Chúa cũng hứa ban sự thịnh vượng, giàu có về vật chất cho con cái Ngài (3 Giăng 2). Tuy nhiên để chúng ta kinh nghiệm ân điển và quyền năng của Chúa, Ngài cho tất cả chúng ta đều kinh qua những lúc “nghèo khó” và những lúc “giàu có”, và dù gặp cảnh ngộ nào vẫn vui sống, như thánh Phao-lô đã kinh nghiệm “Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật” (Phi-líp 4:12). Hơn nữa, là Cơ Đốc nhân, chúng ta coi trọng phần tâm linh, tinh thần hơn của cải vật chất. Sự thịnh vượng về vật chất có nguy cơ khiến chúng ta quên Chúa và sa sút thuộc linh. Vì thế, cần phải có quan điểm quân bình, đừng chủ trương cực đoan, thiên lệch bên nào. Thiết nghĩ thần học nghèo khó và thần học thịnh vượng chỉ xây dựng trên một nửa chân lý của Phúc âm mà thôi.
Có thể nói Cơ Đốc nhân quân bình không chủ trương thần học nghèo khó, cũng không chủ trương thần học thịnh vượng, mà phải sống theo thần học ân điển, “Nhưng tôi nay là người thể nào là nhờ ơn (ân điển) Đức Chúa Trời.” (1Cô 15:10).
KẾT LUẬN
Mùa giáng sinh trở về là dịp để chúng ta suy niệm về ân điển cứu rỗi kỳ diệu của Chúa và sống như Chúa đã sống. Tinh thần giáng sinh là tinh thần ân điển. Tinh thần giáng sinh là tinh thần nghèo khó. Tinh thần giáng sinh là tinh thần giàu có. Hãy đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Hãy sống như Chúa Cứu Thế đã sống trong mùa Giáng sinh năm nay.
Thánh Giăng khẳng định “Ai nói mình ở trong Ngài thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” (1 Giăng 2:6).
Giáng sinh 2012
Trịnh Phan
Nguồn: hoithanhtinlanhvietnam.org