Nghi lễ đời người trong các tôn giáo Ấn Độ
Nghi lễ đời người trong Ấn giáo
Tế lễ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của người dân Ấn, đặc biệt là vào thời Veda. Tế lễ là cách thể hiện sự sùng kính của con người đối với thần linh, cũng là cách làm vui lòng thần linh, với mong muốn nhận lấy sự giúp đỡ của thần linh cho những vấn đề của đời sống trần tục là tài sản, sức khỏe và con cái, v.v… Thực hành tế lễ không phải là một công việc dễ dàng, bởi sự phức tạp của cách thức, việc ghi nhớ các kinh chú, và cả sự đòi hỏi về địa vị xuất thân. Chính vì vậy nên không phải ai cũng được phép và có đủ khả năng thực hiện công việc này. Việc tế lễ với sự phức tạp và rối rắm, lại được cho có sự nối kết với thần linh, đã đem lại cho người tham gia sự thỏa mãn nhưng cũng cả sự trói buộc, và đem đến cho các thầy tế những lợi ích kinh tế.
Bắt đầu từ thời Upanishad, vai trò của tế lễ đã bị giảm thấp xuống, và sự giải thoát của con người được cho không phụ thuộc vào nghi lễ nói chung và tế lễ thần linh nói riêng, mà nhờ vào việc thực hành thiền định và phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, cho dù Upanishad không xem nghi lễ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, thì các triết gia và hành giả Upanishad vẫn không thoát khỏi được các nghi lễ. Ví dụ, một hành giả Upanishad để trở thành người xuất gia, rời bỏ đời sống gia đình và những ràng buộc xã hội, phải thực hiện một số nghi lễ cho việc này. Và thêm nữa, việc từ bỏ gia đình và xã hội để vào rừng tu tập thường là giai đoạn sau của đời người. Những giai đoạn trước đó, người ta vẫn tuân thủ những nghi lễ được đặt ra cho một con người từ khi còn là một bào thai cho đến khi trưởng thành, lúc qua đời và sau khi chết.
Trong các tôn giáo Ấn Độ, có thể nói rằng Ấn giáo đã đặt ra nhiều nghi lễ nhất cho một đời người. Nhưng con số các nghi lễ dành cho một đời người là không thống nhất. Gautama Dharmashastra mô tả có đến 40 nghi lễ (samskaras), trong khi Grihya Sutras đưa ra con số giữa 12-18, còn Manusmriti thì đề cập con số 13. Tuy nhiên, truyền thống được chấp nhận chung là 16. Trong 16 nghi lễ này, có 3 nghi lễ được thực hiện trước khi một đứa bé chào đời. Đó là nghi lễ dành cho người phụ nữ khi bắt đầu mang thai; nghi lễ cầu mong được sinh con trai; và nghi lễ cầu mong được sinh nở an toàn. Tiếp theo đó sẽ có một nghi lễ dành cho lúc sinh nở.
Từ khi bắt đầu chào đời và trong thời thơ ấu, một đứa trẻ Hindu sẽ trải qua 5 nghi lễ khác nhau. Đó là: 1. Lễ đặt tên; 2. Nghi lễ khi đứa trẻ lần đầu tiên được ẵm ra ngoài và lần đầu tiên nhìn thấy mặt trời; 3. Nghi lễ khi đưa trẻ có thể ăn các thức ăn cứng như cơm, đậu; 4. Lễ cạo tóc cho đứa trẻ, thường thực hiện khi đứa trẻ ở độ tuổi 1 đến 3; và 5. Lễ xâu lỗ tai (cho cả trai lẫn gái, nhưng ngày nay thường chỉ cho gái).
Có 5 nghi lễ dành cho thời đi học. Đó là: 1. Nghi lễ dành cho đứa trẻ lúc bắt đầu đi học; 2. Nghi lễ mang dây thiêng trong người (dành cho ba đẳng cấp đầu là Bà-la-môn, Sát-đế-lợi và Vệ-xá, mà không dành cho đẳng cấp thứ tư là Thủ-đà-la). Đây là một nghi lễ quan trọng thường được thực hiện khi một người đang ở độ tuổi 8-24. Một người khi thực hiện xong nghi lễ này thì được xem là người sinh lần thứ hai; 3. Nghi lễ đánh dấu sự bắt đầu học các Veda. Ngày nay ít người Ấn thích thú học các Veda nên nghi lễ này chỉ dành cho một số trường hợp đặc biệt; 4. Nghi lễ dành cho lần đầu tiên cạo râu, đánh dấu sự trưởng thành, đối với người nữ là lần đầu tiên mặc sari; và 5. Nghi lễ cuối cùng của giai đoạn này là khi người học sinh hoàn tất việc học và trở về đời sống gia đình để bắt đầu đời sống của một gia chủ.
Giai đoạn đời sống gia chủ bắt đầu từ lúc kết hôn, và cũng có nghi lễ được đặt ra cho giai đoạn này. Trước đây ở Ấn có tục tảo hôn và đôi khi người ta thực hiện nghi lễ này cho con cái của họ lúc chúng còn rất nhỏ, nhưng ngày nay tục tảo hôn đã bị luật pháp ngăn cấm, tuy nhiên ở nhiều nơi người ta vẫn còn thực hiện.
Cuối cùng là nghi lễ được thực hiện vào lúc một người qua đời, bao gồm các nghi lễ hỏa thiêu, nghi lễ dâng cúng thần linh, nghi lễ rải tro cốt hỏa thiêu tại những nơi được chọn lựa, thường là ở những con sông được cho là thiêng liêng… Đối với hầu hết những người Hindu, hỏa thiêu là phương pháp tốt nhất đối với thân xác của một người qua đời. Nói hầu hết bởi vì có một vài cộng đồng Hindu chọn phương pháp địa táng chứ không dùng hỏa táng; và với những hài nhi, thường được chôn cất chứ không hỏa thiêu. Sau tang ma, người Hindu cũng có một vài việc làm như đãi ăn uống cho người thân cũng như bố thí cho người nghèo. Người Hindu cũng có nghi lễ cúng tổ tiên và người đã khuất.
Cũng cần nói thêm rằng, người Hindu thường coi trọng thời điểm khi một người sắp qua đời, bởi vì nó có sự quyết định vấn đề tái sinh của người ấy. Nếu khi người sắp qua đời nghĩ nhớ đến các vị thần của họ, họ có thể tái sanh về thiên giới sau khi qua đời. Vì vậy người Hindu quan niệm rằng người sống có thể giúp người chết có được một sự tái sanh tốt đẹp, nếu họ giúp người chết nhớ nghĩ đến các vị thần.
Nghi lễ đời người trong Kỳ-na giáo
Khởi nguyên, Kỳ-na giáo không đặt ra các nghi lễ cho những giai đoạn đời người cho tín đồ tại gia của mình. Với Kỳ-na giáo, nghi lễ không giúp họ đoạn trừ nghiệp để từ đó đạt được giải thoát. Từ người xuất gia đến tại gia, tất cả thực hiện những phương pháp tu tập một cách nghiêm ngặt. Riêng đối với người xuất gia, họ hầu như cắt đứt những nối kết với đời sống gia đình và xã hội, ngoại trừ một số liên hệ qua việc khất thực xin ăn và giảng dạy tín đồ. Mục đích cuối cùng của một người theo Kỳ-na giáo là đạt lấy giải thoát tối hậu (moksha), chấm dứt luân hồi.
Tuy nhiên, trong thực tế, người Kỳ-na vẫn thực hiện các nghi lễ. Nhưng họ quan niệm rằng việc thực hành nghi lễ không phải vì hạnh phúc và lợi ích thế tục, hay làm vui lòng thần linh để nhận lấy ân sủng, mà việc thực hành nghi lễ là để tỏ lòng kính trọng đối với các Tirthankar, những người đã đạt được giải thoát, qua đó noi theo họ để đạt được giải thoát như họ. Nhưng đó là những nghi lễ trong việc thờ phượng hay nghi lễ dành cho những thời kỳ tu tập, còn đối với những nghi lễ liên quan đến đời sống của một người tại gia, thì mục đích không hẳn như vậy.
Thực ra, các nghi lễ trong Kỳ-na giáo là một phát triển về sau và được cho là chịu sự ảnh hưởng của Ấn giáo. Nói cách khác, nghi lễ đời người của Kỳ-na giáo không khác biệt đáng kể so với Ấn giáo. Có ba nghi lễ được tổ chức vào ba thời điểm quan trọng của một đời người, đó là lúc một đứa bé chào đời, khi kết hôn và vào lúc qua đời.
Nghi lễ dành cho một đứa trẻ thường được thực hiện 10 ngày sau khi chào đời (có khi là vào ngày thứ 12). Trong suốt mười ngày đầu các nghi lễ chưa được thực hiện, nhưng các Tăng sĩ sẽ tụng đọc các kinh chú để cầu nguyện cho đứa bé mới sinh này. Sau đó đến ngày thứ 11, người ta sẽ tiến hành lễ đặt tên cho đứa bé. Tên của đứa bé được chọn từ tên của các vị thánh trong tôn giáo này; và trong dịp này các Tăng sĩ sẽ tụng chú và ban phước cho đứa bé. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, dù chưa có những nghi lễ tôn giáo dành cho đứa trẻ, nhưng cha mẹ của đứa trẻ này cũng thực hiện một số việc, chẳng hạn như buộc những sợi chỉ trắng vào tay, chân và cổ đứa bé để cầu sự may mắn…
Người Kỳ-na thường chọn người hôn phối trong cùng một tôn giáo (mặc dù luật pháp Ấn [Đạo luật 1955] cho phép người của Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ-na và Sikh được kết hôn với nhau). Trong quá khứ, và thậm chí ngày nay, việc chọn người hôn phối là do cha mẹ quyết định. Lễ kết hôn theo Kỳ-na giáo thường được tổ chức đơn giản, tuy nhiên Kỳ-na giáo cũng rất chú trọng đưa những yếu tố tôn giáo vào nghi lễ này. Trước lễ cưới, người ta thường thực hiện một số nghi lễ để cầu nguyện thần linh, cho dù về cơ bản, Kỳ-na giáo xem chính hành động của con người quyết định thân phận của họ chứ không do một năng lực nào khác từ bên ngoài. Một điều kỳ lạ là, một số phái của Kỳ-na, người tín đồ của họ cũng thờ phượng thần Gaṇeśa (một vị thần của Ấn giáo) trong những ngày lễ cưới, để cầu sự may mắn và hạnh phúc. Ngoài việc tổ chức những nghi lễ ở tại hai gia đình trai và gái, họ cũng thực hiện những nghi lễ cần thiết tại ngôi đền của họ; và trong nghi lễ này, luôn có sự hiện diện của các Tăng sĩ Kỳ-na. Thường các Tăng sĩ sẽ có mặt vào lúc kết thúc lễ cưới. Họ sẽ tụng đọc các bài chú để hộ trì và ban phước cho cô dâu và chú rể. Và cũng thường có bố thí cho người nghèo tại những ngôi đền Kỳ-na sau khi đám cưới kết thúc.
Khi một người sắp qua đời, người thân của họ sẽ mời các Tăng sĩ đến giảng đạo cho người bệnh. Và khi cái chết cận kề, các Tăng sĩ (có khi là nữ tu) sẽ khuyên người sắp qua đời hãy từ bỏ hết những chấp thủ vào những vấn đề trần tục, điều được xem là cản trở sự giải thoát của một người. Đối với một người sắp chết, gia đình của người này đôi khi bị buộc phải bố thí một số tài sản khá lớn, điều được tin là một phương cách xả bỏ, giúp người chết có thể dễ dàng giải thoát.
Tang lễ của người Kỳ-na thường rất đơn giản, và thường được hỏa thiêu rất nhanh sau khi một người qua đời. Người Kỳ-na tin vào thuyết nghiệp và tái sanh, xem cái chết chỉ là một sự thay đổi sự hiện hữu nên họ không khóc than khi có người thân qua đời. Thêm nữa, người Kỳ-na tin rằng, sau khi qua đời người ta sẽ tái sinh ngay lập tức, cho nên họ không tổ chức cúng giỗ hay làm lễ tưởng niệm ngày mất của người quá cố. Người Kỳ-na tin rằng linh hồn (jīva) của một người sẽ tái sinh không sau một giây và linh hồn ấy sẽ hoàn toàn quên đời sống kiếp trước. Cái chết chỉ là sự đánh dấu một sự chuyển tiếp của đời sống không cùng tận, cho nên khóc than hay cúng giỗ là không cần thiết. Tuy vậy, người Kỳ-na vẫn tổ chức các nghi lễ cho tang ma, nhưng với mục đích làm thỏa mãn những người sống, hơn là để giúp cho người chết. Những cách thức đặt xác chết theo hướng như thế nào, và những sắc phục sẽ mặc cho người chết trước khi hỏa thiêu cũng được quy định. Cũng như Ấn giáo, người Kỳ-na thường hỏa táng thân xác người chết, và ngọn lửa châm đốt giàn thiêu phải được lấy từ nhà của người chết. Và vào ngày thứ hai sau lễ hỏa thiêu, tất cả thân quyến của người chết sẽ đến một ngôi đền nào đó để nghe giảng đạo.
Ngoài những nghi lễ với ba cột móc quan trọng của đời người, Kỳ-na giáo còn có nhiều nghi lễ và lễ hội khác nhau, ví dụ như nghi lễ dành cho thời kỳ chay tịnh - thời kỳ tu hành quan trọng của tín đồ Kỳ-na, nghi lễ dành cho việc tụng đọc các kinh chú hàng ngày, và những nghi lễ dành cho các ngày lễ chính liên quan đến cuộc đời của ngài Mahavira, chẳng hạn như ngày sinh, ngày xuất gia, ngày đạt được sự toàn trí, và ngày qua đời của ngài. Là một tôn giáo đề cao tinh thần giản đơn, nhẫn nhục và không gây hại, những nghi lễ của Kỳ-na thường là dịp để người tín đồ thể hiện rõ nét hơn những đức tính này.
Nghi lễ đời người trong đạo Sikh
Sikh là một tôn giáo của Ấn Độ, tuy hình thành sau Kỳ-na giáo và Phật giáo rất lâu nhưng số lượng tín đồ của tôn giáo này vượt qua cả Kỳ-na và Phật giáo; và sự ảnh hưởng của tôn giáo này ở Ấn cũng khá lớn, nhờ có ưu thế về kinh tế và giáo dục. Đạo Sikh với bắt buộc nghiêm ngặt người nam phải để râu tóc, ngoài việc có liên hệ với niềm tin riêng, còn là một cách để người Sikh giữ lấy những nét riêng giữa các tôn giáo lớn ở Ấn. Sau Phật giáo và Kỳ-na, Sikh là tôn giáo có nguồn gốc ở Ấn đã phản đối hệ thống đẳng cấp của Ấn giáo, và cũng nêu cao sự bình đẳng. Tuy nhiên, về phương diện nghi lễ đời người, Sikh lại chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo và là một sự phát triển về sau.
Về việc một đứa bé mới sinh, dù đạo Sikh không có những nghi lễ đặc biệt, nhưng ngay khi một đứa trẻ vừa chào đời, nó đã là một người Sikh. Thường vào khi đứa trẻ chào đời, người ta sẽ đọc bên tai đứa bé năm bài thánh tụng buổi sáng (Japji Sahib) của đạo này. Đạo Sikh cũng có nghi lễ đặt tên, và tên của đứa trẻ được chọn lựa bằng cách: người ta sẽ lật một trang nào đó của cuốn kinh Guru Granth Sahib và sau đó đọc một bài kệ tụng trên trang đó, và chữ cái đầu của từ đầu tiên sẽ được chọn làm từ đầu tiên của tên đứa bé. Sau tên của một đứa bé trai thường được thêm từ “Singh”, mà nó có nghĩa là “sư tử”; và sau tên của bé gái thường được thêm từ “Kaur”, mà nó có nghĩa là “công chúa”. Lễ đặt tên cho đứa trẻ thường được tổ chức tại một ngôi đền của họ.
Về nghi lễ dành cho kết hôn đạo Sikh không khác với Ấn Độ giáo, nhưng thay vì đọc các Veda, người Sikh sẽ đọc Guru Granth Sahib trong lễ cưới. Người Sikh gọi lễ kết hôn là Anand Karaj, và coi đây là một buổi lễ hạnh phúc. Người Sikh có quy định những lễ phục cho cô dâu và chú rễ và thậm chí quy định màu sắc y phục của người thân tham dự. Đám cưới của người Sikh được quy định phải tổ chức tại một ngôi đền (gurdwara) hoặc tại nhà của họ, mà không được phép tổ chức tại khách sạn hay tại các hội trường; và người đứng ra tổ chức lễ cưới phải là người cùng đạo. Những nghi lễ tôn giáo dành cho đám cưới cũng không thể thiếu.
Đạo Sikh xem cái chết là một tiến trình tự nhiên và cũng là ý muốn của thần linh. Do đó, đạo Sikh khuyên tín đồ của mình không nên than khóc khi có người thân qua đời. Bởi vì thân xác của một con người chỉ được xem như một nơi chốn để linh hồn cư ngụ tạm thời, cho nên đạo Sikh không xem trọng việc lập bia mộ cho người chết. Giống như Ấn giáo, hỏa táng được người Sikh chọn lựa, tuy nhiên việc địa táng hoặc thủy táng (thả xuống biển) cũng được chấp nhận.
Trước khi có một người sắp qua đời, người Sikh sẽ tụng niệm từ “Waheguru”, là từ mà người của tôn giáo này chỉ cho vị Thần của họ; hoặc họ tụng một đoạn thích hợp nào đó ở trong cuốn kinh Guru Granth Sahib. Trước khi hỏa táng, cộng đồng Sikh sẽ tập trung lại để tụng đọc những bài thánh tụng của tôn giáo họ, và sau đó tro cốt sẽ được rải xuống một con sông nào đó. Không giống như Ấn giáo, Sikh không có quan niệm về những con sông thiêng. Sau lễ hỏa thiêu, người ta trở về nhà để đọc các bài kinh tụng của họ. Thời kỳ tang chế của người Sikh nằm trong khoảng thời gian từ hai đến năm tuần. Khác với người Kỳ-na, người Sikh có lễ tưởng niệm ngày người thân qua đời; nhưng họ không xem đây là một ngày buồn, mà chỉ là dịp để nhớ lại người đã khuất.
Mặc dù đạo Sikh có vay mượn những cách thức tổ chức nghi lễ đời người từ Ấn giáo, những nghi lễ này lại được thực hiện độc lập và trở thành văn hóa riêng của họ. Đạo Sikh chấp nhận một số giáo thuyết căn bản của Ấn giáo, và văn hóa của người Sikh không xung khắc với văn hóa Ấn giáo. Tuy vậy, người Sikh không dễ gì bị sáp nhập vào trong Ấn giáo, nhờ họ tạo ra được một bản sắc riêng cho cộng đồng tôn giáo của mình.
Phật giáo và vấn đề nghi lễ đời người
Kinh sách Phật giáo không có những luật lệ quy định về những điều gì cần phải làm trong mỗi giai đoạn đời người. Trong quá trình phát triển, Phật giáo Ấn Độ đã triển khai sâu rộng hệ thống triết học cũng như các pháp môn tu tập khác nhau, nhưng đã không triển khai khía cạnh nghi lễ đời người. Đối với Phật giáo, nghi lễ nói chung và nghi lễ đời người nói riêng, không phải là điều quá quan trọng, bởi vì nó không đóng vai trò cốt yếu cho việc phát triển đạo đức và trí tuệ đưa đến giải thoát.
Về sau, một số nước theo Phật giáo Theravada có đặt ra nghi lễ đặt tên cho những đứa trẻ thuộc gia đình Phật giáo, cũng như đặt ra những cách thức thờ cúng tổ tiên và tang ma. Một số nước theo Phật giáo Đại thừa cũng có những nghi thức dành cho tang ma và thờ cúng tổ tiên; và thời gian gần đây cho phép tổ chức lễ cưới ở trong chùa, một điều mà trước đó hầu như không có. Tuy nhiên, những lễ nghi này hầu như là tự phát, chịu ảnh hưởng những phong tục địa phương và do đó không có sự thống nhất cho mọi người cùng tôn giáo.
Thêm nữa, nghi lễ đời người của Phật giáo (tạm gọi như vậy) có phần chú trọng vào giai đoạn khi người ta sắp và qua đời, mà ít chú trọng vào những giai đoạn trước đó. Điều này có nguyên nhân của nó, bởi do niềm tin vào học thuyết nghiệp (cụ thể là cận tử nghiệp), và niềm tin về sự hồi hướng phước đức của người sống đối với người chết.
Tôn giáo cần có những nghi lễ đời người cho tín đồ của mình. Nghi lễ có thể không giúp gì được cho một hành giả trong lộ trình tìm đến giải thoát, nhưng lại là một trong các yếu tố tạo nên văn hóa và bản sắc của một tôn giáo. Nghi lễ đời người cũng giúp tạo sự nối kết tương tục giữa người tín đồ với tôn giáo của họ. Khi một tôn giáo thiếu những quy định và luật lệ cho những nghi lễ này, người tín đồ dễ vay mượn chúng từ những tập tục dân gian hay những tôn giáo khác, điều đôi khi tạo nên sự rối rắm cho chính tôn giáo đó.
Nguyên Hiệp
Nguồn: giacngo.vn
_________________________
Tài liệu tham khảo
A. L. Basham, The Wonder That Was India: A Survey of the Culture of the Indian Subcontinent Before the Coming of the Muslims, London: Sidgwick and Jackson, 1954.
Max Weber, The Religion of India: The Sociology of Hinduism and Buddhism, Trans. Hans H. Gerth & Don Martindale, New Delhi, Munshiram Manoharlal, 2007.
Padmanabh S. Jaini, The Jaina Path of Purification, Delhi: Motilal Banarsidass, 1990.
Rajeswari Chatterjee, Lifescapes of India: Religions, Customs, and Laws of India, Nevada: University of Nevada, 2003.
Sinclair Stevenson, The Religious Quest of India: The Heart of Jainism, Bombay, 1915.