Chữ Tín trong câu nói dân gian

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1133 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

   Nói đến chữ TÍN, thường mọi người nghĩ ngay đó là một nguyên tắc lễ giáo của Trung Hoa, nằm ở trong Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thậm chí, trên thương trường, chữ TÍN rất nhiều khi được xem là “đặc sản” của người Hoa. Các quan niệm ấy không sai. Tuy nhiên, không một thời đại nào mà loài người lại không cổ xuý cho những giá trị nhân bản nền tảng như thành thật, tín trung. Không một dân tộc nào lại không quý trọng lòng tin khi xử lý các mối tương giao. Người ta xây dựng uy tín cho bản thân để tạo giá trị cho riêng mình. Người ta tin tưởng nhau để có thể cùng chung sống. Và người ta tin vào các định chế pháp lý để trật tự xã hội có thể được điều độ. Chính vì vậy, chữ TÍN trở thành nền tảng ứng xử của cả cá nhân lẫn cộng đồng mà không một dân tộc nào không quan tâm.


Các nhà tư tưởng Trung Hoa đã có công phạm trù hoá nguyên tắc đạo đức cuộc sống thành chữ TÍN. Nhưng ở bình diện đối nhân xử thế, dân gian Việt Nam đã thể hiện khả năng sống chân thật và khả năng TỰ TÍN rất cao. Cả khi chữ nghĩa thánh hiền của Nho giáo du nhập nước ta, chúng cũng được tiếp nhận một cách sáng tạo và biến đổi cho phù hợp. Chữ nghĩa rất có thể vẫn là chiếc áo Hán văn, nhưng nội dung ý nghĩa thì đã được nuôi dưỡng bằng dòng máu Lạc Hồng. Những “câu nói dân gian” về chữ TÍN đề cập đến sau đây được hiểu trong dòng hợp lưu đó.

Trong mức độ dân dã nhất, dân gian Việt Nam thường rất trân trọng những con người “ăn ngay ở thẳng”, những con người thuỷ chung như nhất, trước sau như một – trước sao sau vậy, dù núi đổi sao dời lòng người chẳng đổi thay… Đây là bình diện TRUNG TÍN của chữ TÍN. Trái lại, người ta lên án thái độ xu thời, lật lọng, phản trắc kiểu “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà dân gian đã đúc kết một kinh nghiệm: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người tín trung”.

Niềm tin tạo nên giá trị cho cuộc sống. Và chính cuộc sống của những con người dám đặt niềm tin vào nhau vẽ nên sắc màu thiêng liêng cho thế giới này. Cũng nhờ lòng tin mà cộng đồng có thêm những mối tương quan mới mẽ, đến mức người ta dám “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Dù ở mức độ chân chất nhất, dân gian Việt Nam vẫn thể hiện óc lạc quan cố hữu, vẫn dám đánh cược đời mình cho lòng tin vào tương lai. Thậm chí cả lúc dường như vắng bóng sự thật trên trần gian, họ vẫn có thể hài hước trên chữ TÍN: “Thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Đây là chúng ta nói đến bình diện THẬT THÀ của chữ TÍN. Nhưng đó còn là lòng thành, thái độ CHÂN THÀNH, theo nghĩa “bụng nghĩ sao nói vậy”. Vốn sống dân gian Việt Nam đã để lại nhiều kinh nghiệm phong phú trên bình diện ứng xử này. Chân thành, dù ít, vẫn quý giá vô cùng: “Yêu nhau một phút cũng đành, miễn là một phút chân thành yêu nhau.”

Người dân Việt mình thích lòng kẻ đơn sơ “có sao nói vậy”, “ngôn hành thống nhất”. Đối lại, kẻ hai lòng, người giả dối thì bị khinh chê; những lối ứng xử kiểu “ngôn hành bất nhất” luôn bị xã hội loại trừ. Chính thế, cổ nhân luôn nhắc nhở kẻ tầm Đạo phải học cho biết ăn nói cẩn ngôn, vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Đặc biệt, trên thương trường, phải hết sức tránh kiểu làm ăn ma mãnh “treo đầu dê, bán thịt chó”. Sư phạm luân lý này không phải là giảng trình chỉ của thời quá khứ, nó đang rất thời sự trong xã hội vàng thau lẫn lộn hôm nay. Niềm TIN thuộc phạm trù đạo đức, đòi buộc người nói phải giữ lời hứa. Sự bội tín, như dân gian nói, là “tiếng dữ đồn xa”, sẽ kết liễu sinh mạng uy tín của một nhân vị.

Tại điểm này, người xưa còn đề cập đến chữ TÍN như là đòi buộc tất yếu của những ai có lòng TỰ TRỌNG, biết giữ uy tín. Người có uy tín được ví như người đứng vững trên đôi chân LÒNG TIN và TRÁCH NHIỆM. Nghĩa là người có khả năng tạo được lòng tin cho tập thể qua việc trung tín với với trách vụ của mình. Ở mặt tương phản, kẻ đánh mất uy tín của mình là người thường xuyên thất tín: “Nhất độ thất tín, vạn sự bất tin”. Vì thế, ông bà ta khuyên ứng xử đúng ở đời là “nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Chữ TÍN quý giá và thiêng liêng như vậy, nên nó xứng đáng là “món quà” để tri kỷ tặng nhau: “Cuộc đời bao khúc bể dâu, tặng nhau chữ TÍN bắc cầu phúc duyên”.

Đến khi Nho giáo du nhập nước ta, cách ứng xử trong cuộc sống được thấy trong các quy tắc đạo đức do thánh hiền san định và truyền lại. Chúng đương nhiên là dễ học dễ nhớ, vì gãy gọn trong Tam Cương – Ngũ Thường, Tam Tòng – Tứ Đức… Các quy tắc đạo đức Nho giáo ấy đã làm giàu có thêm kho tàng ứng xử Việt Nam, trong đó có chữ TÍN.

Sách chuyện thời Xuân Thu kể rằng: Ngày nọ đức Khổng Tử giáo huấn ba học trò Tử Trương, Tử Cống và Nhan Hồi bằng một câu hỏi: “Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?” Tử Trương thưa: “Trí là làm cho người ta biết mình, nhân làm cho người ta yêu mình.” Tử Cống cũng đáp: “Trí là  phải biết người, nhân là phải yêu người!” Đức Khổng Tử khen hai ông là bậc có học vấn! Đến lượt Nhan Hồi, ông thưa: “Trí là tự biết mình, nhân là tự yêu mình!” Đức Khổng Tử khen Nhan Hồi là bậc quân tử! Nhan Hồi đã hiểu chữ Trí, chữ Nhân dưới góc độ biết mình và phải lấy chữ Lễ làm chuẩn trong các mối tương quan, để được người ta TIN. Đó là chữ TÍN.

Rõ ràng, người giữ chữ TÍN thì không bao giờ bị thua thiệt! Dẫu có không may mất mát mọi thứ thì người “tự tín” vẫn bảo toàn được cái lớn nhất là giữ được mình, ấy là thương mình. Ở mặt trái của nó, người bội tín có khi thấy mình được lợi trước mắt, nhưng không biết mình đã đánh mất cái lâu dài, đó là lòng tin nơi người khác. Trong câu nói dân gian, người Việt Nam ta cũng đặt nặng giá trị của uy tín: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Tạo dựng niềm tin là chuyện của đời người, nhưng rất có thể chỉ trong một khoảnh khắc gió bay của lời nói, toàn bộ gia tài uy tín trở thành bọt biển. Có uy tín mới có thể có danh tiếng. Cái uy tín tạo được lúc sinh thời sẽ theo người ta mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhiều khi đó là giá trị duy nhất còn lại của một đời người. “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” là vậy!

 

Lm. Stêphanô Nguyễn Xuân Dinh, OFM

Nhịp Cầu Tâm Giao 6, NXB Phương Đông (09.2011), tr. 28-31.