Tìm hiểu Đạo giáo (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4016 | Cật nhập lần cuối: 5/9/2016 4:23:52 PM | RSS

(tiếp theo)

Thuật ngữ “Thiên Khải” có giúp ích gì trong việc tìm hiểu Đạo giáo không?

Tìm hiểu Đạo giáo (5)Hầu hết các tông phái, trường phái Đạo giáo, và TTCĐTH nói chung, dạy rằng các chân lý tôn giáo được khắc ghi vào hầu như mọi mức độ và khía cạnh của thực tại. Đường dẫn tới các chân lý đó thì rộng mở, phần lớn là qua suy tư của các chuyên viên lễ nghi và các bậc thầy tinh thần. Nhiệm vụ của họ không phải là bày tỏ các mầu nhiệm cho bằng tạo điều kiện thuận lợi mở đường sức mạnh từ lĩnh vực của các thần và thần linh sang lĩnh vực của con người. Khi những con người tầm thường nhận thấy mình thân cận với các sức mạnh thiêng liêng này thì chân lý đàng sau chúng vẫn còn huyền bí và bị ẩn khuất trong mơ hồ. Tuy nhiên, có những trình thuật trong đó các bậc thầy và các hiền triết danh tiếng khẳng định là đã nhận được những thiên khải rõ ràng hoặc những sứ mạng trực tiếp từ một vị thần. Khi tín đồ Đạo giáo nói tới ngôn ngữ thiên khải trong những trường hợp tương đối hiếm hoi này, họ cho rằng họ chỉ đang nhắm tới chỏm của tảng băng trôi, ấy là nói vậy. Toàn bộ chân lý vẫn còn khuất tầm nhìn và chỉ một vài người được tuyển chọn mới có thể tiếp cận. Điều này rõ ràng trái nghịch với truyền thống Abraham là truyền thống nhấn mạnh thiên khải bao hàm sự bộc lộ toàn bộ chân lý trong chừng mực con người có thể tìm hiểu nó. Sau cùng, một kinh nghiệm được gọi là “thuật bói toán” (divination writing) đáng được đề cập ở đây vì đôi khi nó được mô tả như một phương tiện mạc khải. Trường phái Thượng Thanh (Shang Qing) tự cho mình là đặt nền trên một loạt dạ khải (nocturnal revelation). Dương Tây (Yang Xi), vị sáng lập đã thuật lại rằng các thần đến với ông trong một thị kiến và đã khiển tay ông viết các bài kinh sách.

Giáo thuyết giáo điều có quan trọng đối với Đạo giáo hoặc TTCĐTH không?

Hầu hết các trường phái và tông phái của Đạo giáo có thể nhắm tới ít ra là một nguồn hoặc bản tóm các giáo pháp chính yếu. Theo nghĩa đó, quả là có cái được gọi là “giáo thuyết” Đạo giáo. Trên thực tế, một số lớn giáo thuyết đã xác định ranh giới của một số trường phái, đặc biệt những trường phái thần bí hơn. Nhưng dù trong những trường hợp đó, cốt lõi của giáo thuyết phần lớn còn phụ thuộc vào nghi lễ và tập tục chủ yếu của một trường phái nhất định. Trái lại, TTCĐTH không tự xác định theo bất cứ một hệ thống giáo thuyết rõ ràng ăn khớp với nhau. Trẻ em học tập từ nơi cha mẹ chúng và đại gia đình, gồm cả những bậc cao niên, những xác tín và tập tục thuộc loại thường được gọi là “các niềm tin dân gian”. Ở đâu không có giáo thuyết được định nghĩa chính thức, ở đó không thể có giáo điều theo nghĩa là một đòi hỏi tối thiểu đối với các thành viên. Trong số các trường phái và tông phái Đạo giáo vốn đã triển khai các nguyên tắc giáo thuyết riêng, chỉ những phái thần bí nhất mới tiếp cận một loại công thức mang tính giáo điều “chính thức” như trong Giáo hội Công giáo Roma.

Tín đồ Đạo giáo tin gì về thực tại thiêng liêng tối cao hay Thượng đế?

Tín đồ Đạo giáo gọi thực tại thiêng liêng tối cao là “Đạo”, Đường. Đã từ lâu, trước khi có những khai mào chính thức của nhiều phong trào và trường phái khác nhau của Đạo giáo, truyền thống Trung Hoa đã từng sử dụng từ “Đạo” như một khái niệm đạo đức khái quát ám chỉ cách hành xử phù hợp và mang tính đạo đức. Thường tình khi một truyền thống tôn giáo du nhập một bối cảnh văn hóa mới, việc Phật giáo đến Trung Hoa đã làm cho một số nhà tư tưởng nói tới “Đạo” Phật tương phản với cái mà họ minh định về Đạo của Trung Hoa bản địa theo nghĩa các niềm tin và giá trị tôn giáo. Các triết gia Đạo giáo nhấn mạnh tính mầu nhiệm khôn dò của Đạo, nhưng họ quan niệm nó như sức mạnh vô ngã hơn là một thực thể thần linh hữu ngã. Các tương đương về mặt tôn giáo dường như là một vị thần có tên là Đấng Duy Nhất Tối Cao (the Supreme Oneness) _ [Thái Y-Tai Yi]. Cách mô tả của Đạo Đức Kinh về Đạo siêu việt đã trở nên hiển hiện để ám chỉ một loại sinh xuất: Đạo sinh Một, Một sinh Hai, và cứ thế… Sự mô tả vĩ đại và nâng cao mầu nhiệm tối thượng ấy vẫn còn đôi chút quá trừu tượng đối với phần lớn dân chúng. Do vậy, khi các trường phái Đạo giáo đầu tiên bắt đầu công thức hóa các niềm tin của họ, tất nhiên họ hướng về hình tượng cụ thể hơn. Hình tượng đó bao gồm sự thần thánh hóa cá nhân từ lâu đã được tin là đại diện cho Đạo với tư cách của một giáo pháp có thể tiếp cận-ấy là Lão Tử. Tiến trình đó cũng dẫn tới việc nhân cách hóa một số điểm đặc trưng chủ yếu nào đó của Đạo huyền nhiệm dưới dạng tam thần được gọi là Tam Vị Tinh Tấn/Thánh (the Three Pure Ones). Những phát triển thuộc loại này đã được nhân rộng, và các thần bắt đầu có đời sống đầy đủ và những cá tính vốn mời gọi sự tác động hỗ tương mang tính sung mộ. Trong thực tế, nhiều sự nhân cách hóa thần tính này được bố trí theo một cơ cấu quản trị tương tự với cơ cấu của quan lại của vua chúa. Dĩ nhiên, về mặt tôn giáo mà nói, mà nói, thực tại chính là một cách nói khác đi: các thể chế quan quyền đã mô phỏng trật tự vũ trụ của vạn vật.

Đạo giáo và thần thoại

Câu chuyện của Đạo giáo về cách hình thành vũ trụ chứa đầy những đặc điển thần thoại tương tự những đặc điểm của các sáng thế luận khác. Chúng thuật về việc trật tự đã thắng vượt hỗn mang, trời và đất đã đi đến chỗ tách biệt như thế nào, và vô vàn thần – theo ước lượng là ba mươi sáu ngàn vị - đã ăn khớp với bức tranh hoàng tráng. Những gì là độc đáo và thú vị nhất về thần thoại Đạo giáo chính là các thần không nhất thiết đóng một vai trò chủ động trong các vấn đề vũ trụ. Các thần không can thiệp vào vũ trụ đang khai mở, thậm chí cũng không thúc đẩy tiến trình của nó. Thay vào đó các thần để cho luật tự tạo nền tảng hoạt động mà không bị cản ngăn. Thực ra chính các thần hiện hữu như là thành phần của toàn bộ cái đang tỏ lộ được đưa vào chuyển động nhờ một sức mạnh vô ngã được gọi là Trời. Thế thì các thần có lợi gì? Cùng với các vị có mức độ tinh thần toàn vẹn là các hiền triết và tiên thánh, cũng chỉ hướng dẫn cho nhân loại những con đường để đạt sự cứu độ. Một manh mối dẫn đến chỗ đứng của nhiều trong số các vị thần trong kế hoạch tổng thể của vạn vật là sự liên hệ của chúng với các tinh tú. Rất nhiều thành viên của Đạo giáo và các vị thần Trung Hoa thì đã hoặc đang liên quan tới các thiên thể hoặc các chòm sao. Do vậy các thần đó vừa hữu hình vừa không thể là xa cách.

(còn tiếp)

John Renard
Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp, NXB Tôn giáo, 2005, tr.405-407.

---------------------------------------

Tìm hiểu Đạo giáo (1)

Tìm hiểu Đạo giáo (2)

Tìm hiểu Đạo giáo (3)

Tìm hiểu Đạo giáo (4)

Loading...