Toát lược Đạo Đức kinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1724 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trong quyển Đạo Đức kinh tất cả tư tưởng của Lão tử đều xoay quanh mấy vấn đề then chốt đó.


(a). Thoạt đầu sách, Lão tử đã đề cập đến Đạo. Chữ Đạo đây phải được hiểu là Tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài.

Ngoài chương đầu sách, Lão tử còn đề cập đến Đạo, đến tính chất của Đạo, đến quyền năng của Đạo ở các chương: 4, 14, 21, 25, 32, 34, 51.


(b). Còn chữ Đức phải được hiểu là sự hiển dương của Đạo. [103] Thánh nhân chính là sự hiển dương tuyệt vời của Đạo, cho nên cũng được gọi là Thượng đức 上 德 nơi đầu chương 38, tức là chương đầu của Hạ kinh.


(c). Sau khi đã hiểu Đạo là bản thể của vũ trụ, là trục cốt của vũ trụ, thì những sự biến thiên bên ngoài đều được coi là tương đối không mấy đáng cho ta quan tâm (Xem các chương 2 và 36). Mục đích của cuộc biến hóa chính là sự trở về hiệp nhất với Đạo (chương 42).


(d). Thánh nhân là những người lãnh hội được đạo thể, thực hiện được đạo thể nơi mình, nên không ra khỏi nhà mà vẫn thấu suốt thiên hạ sự (chương 47). Các ngài sống khiêm cung đơn sơ, hồn nhiên, tiêu sái, phối hợp với trời, treo gương sáng cho đời, sống giữa hồng trần mà chẳng vương tục lụy, chẳng để cho vinh nhục lợi danh và những thú vui giác quan làm tản lạc tâm thần, mờ ám lương tâm (Xem các chương 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 26, 27, 28, 29, 30, 33, 34, 35, 37, 38, 41, 44, 45, 47, 48, 49, 50, 55, 63, 64, 66, 67, 71, 72, 79, 81).


(e). Nguyện ước của Lão tử là muốn cho mọi người đắc Nhất, đắc đạo, để trần hoàn này sống trong thanh bình hoan lạc (các chương 39 và 46).


Chương 53, ngài viết:

Đạo trời tu dưỡng nơi mình,

Trước sau ắt sẽ tinh thành chẳng sai.

Gia đình tu đạo hôm mai,

Đức Trời ắt sẽ láng lai tràn trề.

Đạo Trời giãi sáng làng quê,

Đức Trời ân cũng thêm bề quang hoa.

Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,

Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.

Đạo Trời soi khắp gian trần,

Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang...


(f). Con đường tu luyện của ngài rất là giản dị:


- Không tập thở, tập hít,

- Không cần tư thế ngồi thiền,

- Không cầu trường sinh bất tử cho thân xác.

- Không nấu thuốc luyện đơn, cũng không cầu linh chi, linh thảo, tuyệt thực, tuyệt cốc.


Nơi chương 30, ngài viết:


Người đức cả coi thường tục đức,

Thế cho nên thơm phức hương nhân.

Phàm phu nệ đức phàm trần,

Cho nên xơ xác thêm phần xác xơ.

Người đức cả vô vi khinh khoát,

Người phàm phu lao tác tây đông.

Người nhân dạ ít đèo bòng,

Con người nghĩa khí kể công kể giờ.

Con người nghi lễ so đo,

Làm chưa thấy ứng, nhỏ to bất bình.

Nơi chương 48, ngài viết:

«Học nhiều càng lắm rườm rà,

Càng gần Đạo cả càng ra đơn thuần.

Giản phân, rồi lại giản phân,

Tần phiên rũ sạch còn trần vô vi.

Vô vi huyền diệu khôn bì,

Không làm mà chẳng việc chi không làm.

Vô vi mà được thế gian,

Càng xoay xở lắm đời càng rối beng.»[104]

 

Nơi chương 52, ngài viết:


Âm thầm ấp ủ tấc son,

Một đời trần cấu chẳng mòn mỏi ai.

Mặc ai đày đọa hình hài,

Một đời tất tưởi phí hoài tấm thân.

Quang minh là thấu vi phân,

Cương cường là biết giữ phần mềm non.

Hãy dùng ánh sáng ngàn muôn,

Đem về soi tỏ gốc nguồn chói chang.

Thế là thoát mọi tai ương,

Thế là biết sống cửu trường vô biên.


(g). Lão tử rất ghét hình thức bên ngoài. Nơi chương 38, ngài viết:


Hễ Đạo mất, nặng tình với Đức,

Đức không còn lục tục theo nhân.

Hết nhân, có nghĩa theo chân,

Nghĩa không còn nữa thấy thuần lễ nghi.

Nên nghi lễ là chi khinh bạc,

Cũng là mầm loạn lạc chia ly.

Bề ngoài rực rỡ uy nghi,

Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.

Nên quân tử chỉ ưa đầy đặn,

Chứ không ưa hào nháng phong phanh.

Chỉ cần thực chất cho tinh,

Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.

Bắc cân khinh trọng cho tài.

Biết đường ôm ấp, biết bài dễ xuôi.


(h). Về phương diện chính trị, Lão tử chủ trương:

- Không làm khổ dân, không vẽ chuyện (các chương 3, 17, 29, 75).

- Tránh chiến tranh (chương 30).

- Không sùng thượng chiến tướng (chương 31).

- Để cho dân sống hồn nhiên, không kích thích lòng tham của dân (các chương 17, 65).

- Ngài mơ ước các nước trong thiên hạ đều nhỏ như những làng xóm, gần nhau đến nỗi gà kêu chó cắn đều nghe thấy; mà rất xa nhau, vì chẳng ai muốn tới nước của nhau.


Khảo Trang Tử, ta thấy quan niệm của Lão tử cũng như của Trang tử là phục hồi lại thời hoàng kim của các vua Phục Hi, Thần Nông, Hoàng đế, Chúc Dung, v.v. khi ấy dân còn sống trong những bộ lạc rất nhỏ, còn hồn nhiên chưa biết chữ nghĩa luật pháp, nhưng sống sung sướng trong thanh bình thịnh trị.


Trang Tử viết: «Xưa vào thời Dung Thành... Hoàng đế Chúc Dung, Phục Hi, Hoàng đế, dân mới biết kết giây để nhớ việc. Họ cho cơm của họ là ngon, áo của họ là đẹp, phong tục của họ là hay, nhà của họ là yên ổn. Các nước láng giềng nhìn thấy nhau, nghe thấy tiếng gà kêu chó cắn của nước cạnh, mà dân đến chết cũng chẳng đi đâu. Thế mà thời ấy dân lại thịnh trị.» [105]

Như vậy về phương diện chính trị, Lão tử cũng không nêu được ra quan niệm gì mới mà chỉ muốn làm sống lại khung cảnh thời hoàng kim xa xưa.

Thời Hán Vũ Đế, Cấp Ám đã áp dụng những tôn chỉ đạo Lão vào nghệ thuật trị dân. Ông không can thiệp vào đời sống của dân, chỉ để ý đến đại cương không đi vào chi tiết.

Một hôm Cấp Ám trách Hán Vũ Đế: «Bệ hạ có nhiều dục vọng quá, mà bề ngoài làm ra vẻ thi nhân nghĩa, như vậy làm sao mà có thể bắt chước Nghiêu, Thuấn được? Ngày xưa Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ không có dục vọng. Chỉ có những minh quân thánh đế mới vô dục. Còn các bậc quân vương khác đều lệ thuộc dục tình, như là rượu chè, sắc dục, tiền tài cung thất, hoặc ngao du, săn bắn, hoặc nuôi chó nuôi ngựa; hoặc mê văn chương; hoặc mê võ nghiệp; hoặc lo chinh phạt, chiếm đất đai; hoặc mê say Phật, Lão. Những dục vọng ấy tuy tác hại nhiều, ít khác nhau, nhưng chung qui đều làm tản mạn tâm thần, và làm sai lạc chính lý. Những bậc quân vương như vậy, mà lại gượng ép thi hành nhân nghĩa thì làm sao có thể cảm lòng dân được. Xưa muốn làm cho người khác trở nên hay, nhà vua trước phải sửa mình. Mà muốn sửa mình, trước hết phải bớt ham muốn. Một tâm hồn bớt ham muốn sẽ hư linh, và thiện sẽ nhập, khí sẽ bình, lý sẽ thắng, cho nên bất kỳ hành động nào cũng hợp lý, cũng tốt đẹp. Nghiêu Thuấn trị dân âu cũng không ngoài những nguyên tắc ấy.»[106]

 

Những lời lẽ của Cấp Ám, làm ta hiểu rõ những nguyên tắc trị dân của đạo Lão. Một vua tham sắc, tham tài, tham danh, tham lợi, sẽ làm cho muôn dân khổ cực. Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý trường thành, Hốt Tất Liệt với mộng xâm lăng, Trụ Vương với lòng hiếu sắc cho dân gặp biết bao điêu đứng. Nhiều vị vua nước Tàu đã tôn trọng chủ nghĩa vô vi, nên trên chỗ ngai vàng đã treo hai chữ Vô vi thật lớn. [107]

 

(i). Trong Đạo Đức kinh, Lão tử đề cao Vô vi (xem các chương 3, 10, 37, 38; 43; 48; 63; v. v.) và muốn đem chủ trương vô vi vừa vào công cuộc tu thân, vừa vào công cuộc trị dân.


Vô vi về phương diện tu thân, dĩ nhiên không phải là sống nhàn cư vô sự, mà chính là sống một cuộc đời cao siêu, huyền hóa với Trời. Liệt tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động siêu việt.»[108] Trang tử định nghĩa «vô vi» là hoạt động của Trời. [109]

 

Thái Thượng xích văn đổng cổ kinh viết: «Mọi việc hữu vi đều do vô vi mà ra, có vô vi thần mới trở về.» [110]

 

   (Hữu vi sinh tự vô vi,

   Vô vi, thần sẽ hồi qui vẹn toàn.)


Vô vi về phương diện chính trị, là cảm hóa dân bằng thần uy, thần lực của mình, chứ không phải là vô cớ làm phiền dân, bắt dân hi sinh để thực hiện những tham vọng của mình.

 

 

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

ĐẠO ĐỨC KINH, Khảo luận & bình dịch

Nguồn: nhantu.net