Tư Tưởng Đạo Gia: Vũ trụ - Thiên địa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1510 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
002. Cốc thần bất tử thị vị Huyền tẫn. Huyền tẫn chi môn thị vị thiên địa căn. Miên miên nhược tồn. Dụng chi bất cần. [Đạo Đức Kinh, chương 6]

谷神不死,是謂玄牝。玄牝之門,是謂天地根。綿綿若存,用之不勤。《道德經 • 第六章》

【Dịch】Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.

003. Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh, thiên địa chi thủy; Hữu danh, vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu, dục dĩ quan kỳ kiếu. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền. Chúng diệu chi môn. [Đạo Đức Kinh, chương 1]

道可道,非常道。名可名,非常名。無名,天地之始。有名,萬物之母。故常無,欲以觀其妙。常有, 欲以觀其徼。此兩者同出而異名。同謂之玄。玄之又玄。眾妙之門。《道德經 • 第一章》

【Dịch】 Đạo mà có thể giảng giải được thì không phải là cái đạo thường hằng. Tên mà có thể gọi được thì không phải là cái tên thường hằng. Không tên là khởi đầu của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên thường không để nhìn thấy cái có vi diệu trong cái không. Thường có để nhìn thấy cái không vi diệu trong cái có. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là huyền. (Cái) huyền ấy thâm sâu hơn cả những gì thâm sâu; chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.

004. Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ; Thệ viết viễn; Viễn viết phản. Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. [Đạo Đức Kinh, chương 25]

有物混成,先天地生。寂兮寥兮,獨立而不改,周行而不殆,可以為天下母。吾不知其名,字之曰道,強為之名曰大。大曰逝, 逝曰遠,遠曰反。故道大,天大,地大,人亦大。《道德經 • 第 25 章》

【Dịch】 Có một vật hỗn độn, sinh thành trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi không dừng; có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên của nó, nên đặt tên nó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người cũng lớn.

005. Thị chi bất kiến viết Di, Thính chi bất văn viết Hi, Bác chi bất đắc viết Vi. Thử tam giả bất khả trí cật. Cố hỗn nhi vi nhất. Kỳ thượng bất kiểu. Kỳ hạ bất muội. Thằng thằng bất khả danh, phục qui vu vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng. Thị vi hốt hoảng, nghinh chi bất khiếm kỳ thủ. Tùy chi bất kiến kỳ hậu. [Đạo Đức Kinh, chương 14]

視之不見曰夷。聽之不聞曰希。搏之不得曰微。此三者,不可致詰,故混而為一。其上不皎,其下不昧,繩繩不可名,復歸於無物。是謂無狀之狀,無物之象,是為惚恍。迎之不欠其首,隨之不見其後。《道德經 • 第十四章》

【Dịch】 Nhìn mà không thấy, gọi là Di (thuần tuý, tố phác). Nghe mà không thấy, gọi là Hi (âm thanh ít). Nắm mà không được, gọi là Vi (nhỏ bé). Ba điều ấy [ta chỉ có thể lấy tâm mà lĩnh hội chứ] không thể suy cứu đến cùng. Cho nên cả ba hợp lại làm Một (tức là Đạo). Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Nó tinh tế mơ hồ; [ta] đón trước thì không thấy đầu, [ta] theo sau thì không thấy đuôi.

006. Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề, hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề, hốt hề kỳ trung hữu vật; ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín. [Đạo Đức Kinh, chương 21]

道之為物,惟恍惟惚。惚兮恍兮,其中有象 ; 恍兮惚兮,其中有物 ; 窈兮冥兮,其中有精 ; 其精甚真,其中有信。《道德經 • 第廿一章》

【Dịch】 Đạo có đủ đặc tính của vật chất; trạng thái mơ hồ của Đạo là trạng thái duy nhất. Chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có hình tượng có thể nghe và thấy được. Cũng chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có vật thể mà ta có thể nắm bắt được. Trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có một thứ tinh tế. Thứ tinh tế ấy rất chân thực, mà trong sự chân thực đó lại có sự tồn tại vật chất.

007. Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề tự vạn vật chi tông. Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần. Trạm hề tự hoặc tồn. Ngô bất tri thùy chi tử. Tượng đế chi tiên. [Đạo Đức Kinh, chương 4]

道沖而用之或不盈。淵兮似萬物之宗。挫其銳,解其紛,和其光,同其塵。湛兮似或存。吾不知誰之子。象帝之先。《道德經 • 第四章》

【Dịch】 Đạo rỗng không mà dùng không hết. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông của vạn vật. Đạo làm nhụt đi sự bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm. Đạo chìm lắng [trong vạn vật], mà tựa như hiện hữu. Ta không biết Đạo là con của ai; hình như có trước Trời.

008. Phù Đạo, hữu tình hữu tín, vô vi vô hình; khả truyền nhi bất khả thụ, khả đắc nhi bất khả kiến; tự bản tự căn, vị hữu thiên địa, tự cổ dĩ cố tồn; thần quỷ thần đế, sinh thiên sinh địa; tại Thái Cực chi tiên nhi bất vi cao, tại Lục Cực chi hạ nhi bất vi thâm, sinh thiên địa nhi bất vi cửu, trưởng vu thượng cổ nhi bất vi lão. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

夫道,有情有信,無為無形 ; 可傳而不可受,可得而不可見 ; 自本自根 , 未有天地 , 自古以固存 ; 神鬼神帝 , 生天生地 ; 在太極之先而不為高 , 在六極之下而不為深 , 先天地生而不為久 , 長于上古而不為老。《莊子 • 大宗師》

【Dịch】 Đạo thì chân thực và đáng tin cậy. Nó vô vi (= chẳng cố ý làm gì) và vô hình. Người ta chỉ có thể lấy tâm truyền tâm chứ không thể dạy bằng lời (= chỉ có thể tâm truyền 心傳 chứ không thể khẩu thụ 口授). Người ta có thể đạt được Đạo chứ không tận mắt thấy được nó. Đạo là gốc (bản căn) của chính nó. Nó đã hiện hữu trước khi có trời đất. Nó đã tồn tại tự thuở xa xưa cho đến nay. Nó sinh ra quỷ, thần, thượng đế, trời, đất. Nó ở trên Thái Cực mà không cho là cao. Nó ở dưới Lục Cực mà không cho là sâu. Nó sinh trước trời đất mà không cho là lâu dài. Nó sinh trưởng trước thời thượng cổ mà không cho là già.

009. Tề vạn vật dĩ vi thủ, viết: «Thiên năng phúc chi nhi bất năng tải chi, địa năng tải chi nhi bất năng phúc chi, Đại Đạo năng bao chi nhi bất năng biện chi.» Tri vạn vật giai hữu sở khả, hữu sở bất khả, cố viết: «Tuyển tắc bất biến, giáo tắc bất chí, đạo tắc vô di giả hĩ.» [Trang Tử, Thiên hạ]

齊萬物以為首,曰 : 天能覆之而不能載之,地能載之而不能覆之,大道能包之而不能辨之。知萬物皆有所可,有所不可,故曰 : 選則不遍,教則不至,道則無遺者矣。《莊子 • 天下》

【Dịch】 [Họ] xem quan niệm "mọi vật bình đẳng với nhau" là nguyên tắc đầu tiên, và nói: "Trời có thể che phủ vạn vật nhưng không chở được chúng. Đất có thể chở vạn vật nhưng không che phủ được chúng. Đại Đạo có thể bao hàm vạn vật nhưng không thể phân biện rõ chúng." [Họ] biết vạn vật đều có chỗ sở năng và chỗ bất sở năng, nên nói: "Hễ tuyển chọn cái gì, tức là không đạt được toàn thể [tức là có sự thiên vị]; hễ truyền dạy cái gì, tức là không đạt tới tất cả. [Nhưng] hễ noi theo Đạo, tức là không bỏ sót cái gì cả [vì Đạo bao hàm tất cả]."

010. Cố sinh vật giả bất sinh, hoá vật giả bất hoá. Tự sinh tự hoá, tự hình tự sắc, tự trí tự lực, tự tiêu tự tức. [Liệt Tử, Thiên thụy]

故生物者不生,化物者不化。自生自化,自形自色,自智自力,自消自息。《列子 • 天瑞》

【Dịch】 Cho nên, cái sinh ra vạn vật thì không bị vật khác sinh ra; cái khiến cho vạn vật biến hoá thì không bị vật khác làm cho biến hoá. Vạn vật đều tự nhiên sinh ra, tự nhiên biến hoá, tự nhiên xuất hiện hình thể và chủng loại, tự nhiên phát huy trí tuệ và năng lực, tự nhiên suy diệt và sinh trưởng.


Lê Anh Minh dịch
Nguồn: nhipcaugiaoly.com