Lý thuyết Tam Tài Đông Phương (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 21843 | Cật nhập lần cuối: 10/17/2016 9:37:34 PM | RSS

Lý thuyết Tam Tài Đông Phương (1)Bài này giúp tìm hiểu một vấn đề thuộc lãnh vực văn hóa phương Đông và dân tộc, để mở đầu cho cuộc trao đổi về một số vấn đề liên quan đến hướng đi của thần học ngày nay tại Việt Nam ta.

Để mở đầu, xin xác định đây không phải là dòng triết lý Trung Hoa, cũng không phải của Hán học hay của Khổng học, mà chỉ là dòng triết lý truyền thống chung của toàn khối Viễn Đông, gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bổn và Cao Ly mà ta có thể mệnh danh là Nho học Tiên hiền hay Nho học truyền thống.

Hiện nay trong nền Nho học Trung Hoa, Nhật Bổn và Cao Ly chưa có một thiên hệ luận nào đề cập đến vấn đề triết lý Tam Tài, tuy danh từ Tam Tài đã trở thành thông thường trong ba nền Nho học ấy. Đi sâu vào lý thuyết Kinh Dịch và các nho gia dịch lý, chúng tôi táo bạo nghiên cứu, thâu thập, để bố cục thành một hệ thống triết lý, mệnh danh là triết lý Tam Tài, như một phần tư duy của Nho học Việt Nam đóng góp vào toàn khối Nho học Viễn Đông.

Vì thế, chúng ta có thể gọi đây là triết lý Tam Tài trong nền Nho học Việt Nam đang thành hình.

I. Ý niệm về Tam Tài luận

Tam Tài là ba yếu tố cơ bản trong vũ trụ hay trong Thời Không (Thời gian, Không gian) tức Thiên Địa Nhân (1).

Bản văn nền tảng cho lý thuyết Tam Tài là Thiên Hệ từ hạ trong Kinh Dịch, nguyên văn:

“Biến hòa mà thành các quẻ (hình trạng) đầy đủ trọn vẹn. Trong đó có đạo Trời, đạo Người và đạo Đất: Đó là Tam Tài, gấp đôi lên thành 6 hào, 6 hào không hơn không kém, đó là đạo Tam Tài”.

(Dịch chi vi thư dã quảng đại tất bị, hữu Thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên. Kiêm Tam Tài nhi lưỡng chi cố lục, lục giả phi tha dã, tam tài chi đạo dã) (2).

Trời Đất Người, như thế, mang ý nghĩa là ba căn cơ cùng lý của vũ trụ vạn vật, đồng thời cũng là ba căn cơ tác động muôn vật trong vũ trụ.

1. Thiên

Theo Nho học truyền thống, chữ Thiên có năm nghĩa:

a. (1) là quãng không bao la đối với Địa; (2) là Thiên có tính cách ngôi vị, như Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Đế; (3) là Thiên có ý chí tức là Thiên mệnh; (4) là cõi thiên nhiên vận hành trước mắt; (5) là Thiên làm nguyên lý cho vạn vật, cũng gọi là nguyên lý vũ trụ. Đại khái là 5 nghĩa của chữ Thiên do Phùng Hữu Lan đề cập (3).

Tựu trung chữ Thiên có 3 nghĩa:

- nghĩa thứ nhất: chỉ cõi Trời tức không trung, đối lập với Đất, trong các danh từ: Thiên địa, Thanh thiên, Thiên khí, Thiên thời, Thiên không, Thiên hạ, Thiên phú địa tái, Thiên cao địa hạ v.v.

- nghĩa thứ hai: định luật thiên nhiên, nghĩa đặc biệt của Kinh Dịch và Tuân Tử: “Trời đất giao động mà vạn vật phát sinh” (Thiên địa cảm nhi vạn vật hóa sinh) (4).

- nghĩa thứ ba: Thiên có ngôi vị, có ú chí, theo nghĩa của Luận ngữ “Trời phú bẩm nết tốt nơi ta” (Thiên sinh đức ư dư) (5).

Mạnh Tử viết: “Thành công là nhờ ở Trời” (Thành công tác thiên dã) (6).

Kinh Thư viết: “Hoàng Thiên Thượng Đế thay quyền đổi ngôi” (Hoàng Thiên Thượng Đế cải khuyết nguyên tử) (7).

Ba nghĩa đó ta thấy rất đậm nét nơi các Nho gia Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến v.v...

Theo những ý nghĩa trên, chữ Thiên trong đầu óc Nho gia, vẫn bao hàm một nội dung siêu việt, thuộc về hình nhi thượng. Nói chữ Trời theo nghĩa thanh không, vốn hiểu là nơi Thiên đế ngự trị. Nói Trời như luật thiên nhiên, thì cũng chỉ là nguyên lý của Tạo hóa ta thường gọi Thiên lý. Nói Trời như chủ tể càn khôn, thì chỉ là quy nguyên về tuyệt đối: chữ Thiên bao hàm tất cả vạn vật giống như hồn sống của vạn vật. Đó là ý niệm của sách Lễ ký. Sách này nhấn mạnh về Thiên như một ngôi vị, có ý chỉ tới 3 lần với danh xưng Hoàng Thiên Thượng Đế: Thiên là hồn của bốn bề núi sông, Thiên là chủ đích của xã tắc, Thiên là đích phụng sự của vạn vật (8). Thiên Nguyệt lệnh có mục đích nói lên nhịp điệu thái hòa của vũ trụ với con người mà căn cơ của nhịp điệu ấy vốn là Thiên. Theo đúng nhịp điệu ấy mà hành động sẽ xuôi xắn theo Thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì sẽ thành công. Trái ngược thì sẽ gây đổ vỡ loạn lạc.

b. Vì thế Trời có những đức tính Siêu Việt: siêu hình và là tinh thần sống động, ta thường gọi là hình nhi thượng. Tinh thần sống động đó như một đại ngã tâm linh giao hội với bản ngã bằng chính lương tri, cũng thuộc hình nhi thượng.

- Đức tính thứ hai của Trời là vạn năng. Trời tượng trưng bằng quẻ Kiền: "Kiền thiên dã (9) tiên liệu những năng lực tiềm tàng của Trời: Kiền hành dã: Trời hành động (10), càn kiện dã: Trời mạnh mẽ (11), Càn đạo nại cách: Đạo Trời biến cách (12), càn đạo biến hóa: Đạo Trời biến hóa (13). Nơi con người, Trời biểu dương sức mạnh nơi người quân tử: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức: theo đường lối mạnh mẽ của Trời, người quân tử phải tự cường mãi mãi" (14).

Chính vì tính cách vạn năng của Trời thể hiện khắp muôn nơi muôn vật, hoặc hiển nhiên hoặc tiềm ẩn, cho nên con người, trong một lúc nào đó, theo nghĩa dự phóng, đã mặc cho các hiện tượng tự nhiên, nhu mưa gió sấm sét, biển sông, thảo mộc những hình ảnh mang nặng tính chất thần linh. Nhưng nhà nho, theo tinh nghĩa của lý thuyết tâm linh, vẫn xác nhận: đó là những dấu vết, những hành động hoặc kỳ công của Trời, cho nên tôn trọng tất cả, mà không bao giờ khiếp sợ, vì đã giao hòa với muôn vật và thiên mệnh rồi. Bởi vậy nguồn mạch các truyện thần thoại, nhất là trong Lão giáo đều có cái lý nguyên thủy của nó.

- Đức tính thứ ba là trường cửu. Sự trường cửu được biểu lộ ở hai chữ bất tức trên kia. Thiên trường cửu cùng với Đạo Trời Đất. Sự trường cửu còn lan rộng khắp vũ trụ. Mặt trời mặc trăng nhờ Trời mà chiếu sáng lâu dài. Tứ thời biến hóa nhờ Trời mà kéo dài mãi. Thánh nhân cũng thường hằng nơi đạo. Đó là lý thuyết của quẻ Hằng: "Hằng cửu dã,…cửu ư kỳ đạo dã, thiên địa chi đạo hằng… nhật nguyệt đắc thiên nhi năng cửu chiếu. Tứ thời biến hóa nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo" (15).

2. Địa

Trong Kinh Truyện của nho học, chữ Địa luôn luôn đi theo chữ Thiên như một bộ trùng âm, vì tính cách tương liên của cả hai; như đi với trụ, không gian đi với thời gian, âm đi với dương.

a. Mặc dầu thế, Địa vẫn có ý nghĩa riêng biệt khá phong phú:

- nghĩa 1 - Theo quan niệm phổ thông, địa là một khối vật chất, ở dưới con người, đối lập với Thiên là quãng không ở trên và chung quanh con người. Đó là ý nghĩa của các kiểu nói: "địa chi sở tái": đất để chở đợ (16), "địa tái vạn vật": đất chở vạn vật (17) và các danh từ: Địa hoàng, địa chấn, địa hình, địa vật, địa phương.

- nghĩa 2 - Theo nghĩa vũ trụ luận, địa là một cõi mênh mông thuộc thiên nhiên, luôn luôn hòa đồng với Thiên, để phát sinh những hiện tượng trong vũ trụ và nắm giữ nhịp sinh hóa của vũ trụ. Địa phát sinh khối vật chất Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (18). Cao hơn nữa, Địa bao gồm cả phần Hình và Khí (19). Do đó, Địa cùng tham phần với Thiên trong việc dưỡng sinh và phát triển vạn vật (20).

- nghĩa 3 - Địa có tính cách tâm linh, mang một ý nghĩa không hẳn là linh thiêng, nhưng có thể tiếp xúc với linh thiêng và làm căn cơ cho linh thiêng. Nói khác đi: Địa tuy thuộc giới vật chất, nhưng không cô lập khỏi tâm linh, mà có thể tiếp dẫn hướng về tâm linh (21). Hơn nữa, Địa coi như phải có Thiên để trở thành một hợp thể cần thiết và tốt đẹp hơn. Đối với con người thì có địa lợi, địa lýđịa số. Đối với Thiên thì có Địa đạo (22) hay là Địa linh: địa tái thần khí.

b. Như vậy, ta thấy được 4 đặc điểm của Địa:

- 1 là địa tượng trưng cho âm tính: khôn âm vật dã (23).

- 2 là địa có tính cách nhu thuận: khôn đạo kỳ thuận hồ (24).

- 3 là địa tượng trưng cho vật chất hữu hình: địa tái vật dã (25).

- 4 là địa có tính cách phối thiên: thiên địa chi sở hợp dã (26).

bốn đặc tính này đã mặc cho Địa một nghĩa rất bao la. Đặc tính thứ 1 và thứ 3 thuộc về Thể, nghĩa là nói lên tính cách nội tại và yếu tính của Địa. Đặc tính thứ 2 và thứ 4 thuộc về dụng, tức là như một nguyên nhân thực tế và đồng nhất với Thiên. Nói cách khác, Địa chỉ có lý do phát xuất và tồn tại với Thiên. Nói theo tinh nghĩa của Đại ngã tâm linh, thì vật chất và hình thức bên ngoài chỉ có lý do thực tại và tồn tại (27) nhờ thể tính hay tâm linh bên trong. Đối với vật có linh tính, thì thể chất luôn luôn đi đôi với tinh thần, cả hai yếu tố làm thành bản tính. Thiếu một trong hai, tất nhiên không còn lý do tồn tại.

3. Nhân

Nhân là yếu tố thứ ba và là yếu tố quan trọng vì là giao điểm của Thiên và Địa.

Theo nguyên ngữ, chữ Nhân là tượng hình một con người "đầu đội trời chân đạp đất". Do đó con người là điểm liên hợp giữa Thiên và Địa.

Khởi điểm cuộc truy tầm về con người, sách Lễ ký, thiên Lễ vận đưa ra một câu định nghĩa đầy đủ nhất về con người như sau:

"Con người là sức mạnh của Trời Đất, là giao điểm của Âm dương, là điểm quy hội của quỷ thần, và là tú khí của ngũ hành".

(Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí) (28).

- Thiên địa chi đức - Chữ Đức đây có hai nghĩa: (1) chỉ sức mạnh tinh thần phát lộ bằng những hành vi chính trực. (2) là chỉ tính Trời phú bẩm, trong chữ Đức Tính. Theo đó con người là sức mạnh hoạt động của Trời Đất, đồng thời cũng tham dự tính thiêng của Trời, theo ý nghĩa câu: "Trời sinh đức nơi ta" (Thiên sinh đức ư dư) (29).

Tác giả Nguyên Nho viết:

"Trời có đức mà thể hiện đức ấy nơi con người"

(Thiên hữu kỳ đức nhi thể chi tự nhân) (30).

Con người nhờ sức mạnh của Trời mà hành động và làm vua trên mặt đất theo đúng quan niệm Nhân Hoàng. Theo tinh nghĩa của nho gia, thì "con người Thiên địa chi đức "chính là con người" nội thánh và ngoại vương". Nội thánh là con người trí tri hay minh đức. Một đàng thì tu tâm dưỡng tính cho đáng mặt thánh nhân, một đàng thì sống trọn đạo với tha nhân xã hội và muôn vật.

- Âm dương chi giao: Con người là một đúc kết do lưỡng nghi âm dương. Danh từ âm dương nói lên âm tính dương tính để phát xuất thành nữ tính và nam tính. Trong tận bản tính con người, vì thế đồng nhất thể với vạn vật. Âm dương đã nắm giữ nhịp dưỡng sinh nơi con người một cách vi diệu. Vì thế con người đã sẵn có lưỡng tính tương đối, không thể độc hành một chiều, mà luôn song hành đắp đổi theo nhịp uyển chuyển của âm dương: vừa nhu vừa cương, lại vừa tĩnh vừa động. Đây cũng là tính cách nửa hữu hình nửa siêu hình, nửa vật chất nửa tinh thần, vừa lý trí vừa tình cảm của con người.

- Quỷ thần chi hội: Ở điểm này, con người mang tính chất Hình nhi thượng, tức là tham hội vào Thế giới linh thiêng. Nhưng quỷ thần đây không có nghĩa là ma quỷ hay thần linh, nhưng chỉ có nghĩa là hồn người chết hay tinh khí (31). Hồn linh của cõi Dương là Thần, vong linh cõi âm là Quỷ. Theo vậy con người đồng tính với quỷ thần. Con người hội thông với quỷ thần bằng chính tâm linh, và bằng siêu thức.

Như thế con người hơn quỷ thần ở chỗ: vừa hội thông được với siêu giới, vừa tiếp xúc được với vật giới. Hơn nữa, nếu thiếu con người, thì quỷ thần không phát hiện ra được (32).

Quân Vương cũng là quân tử, thay trời trị dân: vừa làm chủ chúng dân, vừa làm chủ quỷ thần nữa. Nhờ thế thánh nhân là người thịnh đức, không phải lụy phục quỷ thần, trái lại có thể khiến cho quỷ phục thần kinh nữa.

- Ngũ hành chi tú khí: Ngũ Hành tức năm yếu tố Thủy Hỏa Mộc Kim Thổ, là 5 nguyên tố cấu thành vạn vật. Con người chung ngũ hành với muôn vật như vật chất nguyên thủy, nhưng được kết tinh bằng những tinh túy của Ngũ Hành gọi là Tú Khí. Vì là tú khí của ngũ hành nên đồng nhất thể với muôn vật và linh thiêng hơn muôn vật. Chu Liêm Khê viết:

"Con người nhờ tú khí của âm dương mà trở thành linh thiêng"
(duy nhân dã, đắc kỳ tú nhi tối linh) (33).

Đây cũng là lý thuyết của Kinh Thư:

"Duy con người là linh thiêng giữa muôn vật, vốn tính thông minh thâm hậu"
(Duy nhân vạn vật chi linh, bẩm thông minh, tác nguyên hậu) (34).

Do ảnh hưởng nội tại của Ngũ Hành mà con người có nhiều đức tính phú bẩm tự nhiên: thủy tính thường là tinh vi, dễ thấm nhập; hỏa tính bao hàm sức mạnh bốc sáng; mộc tính xuất hiện xinh tươi bên ngoài; kinh tính thì kiên cố vững bền; thổ tính thì đầy lượng chất bao dung. Cũng nhờ tinh túy của Ngũ Hành mà con người là một hợp thể linh động và điều hòa nhất trong vạn vật.

4. Tác vụ của Tam Tài

Trong sự hòa đồng mật thiết, Thiên Nho thường quan niệm: cả ba nguyên tố hợp thành để phát sinh muôn vật. Trong cuộc sinh hóa, mỗi nguyên tố lại có một tác vụ riêng:

Trời sinh

Đất dưỡng

Người hoàn thành (36).

Đổng Trọng Thư giải thích:

"Trời Đất Người là gốc rễ của muôn loài, Trời sinh ra, Đất nuôi dưỡng, người hoàn thành" (Thiên địa nhân vạn vật chi bản dã, thiên sinh chi, địa dưỡng chi, nhân thành chi) (37).

(còn tiếp)

Vũ Đình Trác
Trích "Thuyết Tam Tài và mẫu người Kitô giáo".
Tài liệu nghiên cứu nội bộ tu sĩ, tr. 3-12

_____________________

Chú thích:

(1) Dịch Kinh, Hệ từ hạ, chương 10: lời chú thích: Tam Tài, tức Thiên Địa Nhân.

(2) KINH DỊCH, Hệ từ hạ, chương 10.

(3) PHÙNG HỮU LAN: Trung Quốc triết học sử, Thanh Hoa ấn bản, Thượng Hải, 1937, trang 315.

(4) KINH DỊCH, quẻ Hoặc.

(5) LUẬN NGỮ, Thuật nhi: chương 7.

(6) MẠNH TỬ, Lương huệ vương hạ.

(7) KINH THƯ, Triệu Cào: quyển 5.

(8) LỄ KÝ: Nguyệt lệnh, đệ lục.

(9) KINH DỊCH: Càn quái: […]

(10) KINH DỊCH: Đồng nhân quái: […]

(11) KINH DỊCH: Thuyết quái truyện: […]

(12) KINH DỊCH: Càn văn: […]

(13) KINH DỊCH: Càn quái: […]

(14) KINH DỊCH: Càn quái: […]

(15) KINH DỊCH: Hằng quái

(16) TRUNG DUNG: chương 31: […]

(17) TẢ TRUYỆN: Giao đặc sinh, chương 11: […]

(18) TẢ TRUYỆN: Chiêu công thượng: […]

(19) CHU LỄ: Động quan: […]

KINH DỊCH: Hệ từ thượng: […]

(20) LỄ KÝ: Tế nghĩa, chương 24: […]

(21) LỄ KÝ: Khổng Tử nhàn cư: […]

(22) KINH DỊCH: Khôn quái: […]

(23) KINH DỊCH: Hệ từ hạ: […]

(24) KINH DỊCH: Khôn văn: […]

(25) Xem chú thích (17)

(26) CHU LỄ: Địa quan tư đồ: […]

(27) Thực tại dịch chữ Réalité. Tồn tại tức permanence de l'existence.

(28) LỄ KÝ: Lễ vận: […]

(29) LUẬN NGỮ: Thuật nhi: […]

(30) HÙNG THẬP LỰC: Nguyên Nho, minh luân xuất bản xã, Taiwan, 1971, trang 201.

(31) LỄ KÝ: Tế pháp: […]

(32) TẢ TRUYỆN: Hy công, đệ ngũ: […]

(33) TRANG THIỂN & HẠNH TÔN, Cận tư lục, Tokyo, 1972, trang 5.

(34) THƯ KINH: Thái thệ thượng: […]

(35) THƯ KINH & Hồng phạm, Lời chú thích của Ngũ Hành.

(36) LỄ KÝ: Tế nghĩa, chương 24: […]

(37) ĐỔNG TRỌNG THƯ: Xuân thu phiên lộ, lập nguyên thần, quyển 6, chương 12: […]

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...