Sứ điệp Trống Đồng (12) - Đối chiếu sách Trung Dung với trống đồng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3033 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(Tiếp theo)


Trống đồng là kết tinh văn hóa Việt


Trung Dung là kết tinh của Nho. Nếu đem so sánh với trống thấy hợp thì đích thực là một kiện chứng chói chang cho đề án rằng: Nho công thức hóa Việt. Sách Trung Dung rất nhỏ chỉ già một ngàn rưỡi chữ. Vì nó là tinh hoa của Nho lại vắn tắt như vậy nên ta học cả kinh, học ít biết nhiều, còn suy ra thì vô cùng tận. Lời kinh như sau:


Thiên mệnh chi vị tính.

Xuất tính chi vị đạo.

Tu đạo chi vị giáo.

Đạo dã giả bất khả du duy ly dã.

Khả ly phi đạo dã.

Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ.

Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn.

Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi.

Cố quân tử thận kỳ độc dã.

Hỉ nộ ai lạc chi vị phát vị chi trung.

Phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa.

Trung dã giả thiên hạ chi đại bổn dã.

Hòa dã giả thiên hạ chi đạt đạo dã.

Chí trung hòa thiên địa chi vị yên.

Vạn vật dục yên.

 

Dịch chữ Nho:


Mệnh trời gọi là tính.

Noi theo tính gọi là đạo.

Tu đạo gọi là giáo.

Đã là đạo không thể ly lìa giây phút.

Ly lìa được không phải là đạo.

Vì thế quân tử thận trọng chỗ không thấy được.

Lo sợ điều mình không nghe thấy.

Không gì hiện rõ bằng cái ẩn tàng.

Không gì tỏ rõ bằng cái tế vi.

Mừng, giận, sầu, vui chưa phát ra gọi là trung.

Phát ra trúng tiết gọi là hòa.

Trung là cái gốc lớn trong thiên hạ.

Hòa là chỗ đạt đạo.

Chí trung hòa: đi tới trung tất có hòa.

(Hậu quả là) trời đất đặt vào đúng vị, vạn vật được nuôi dưỡng.

 

Vắn tắt có vậy nhưng sức chứa mênh mông y như Kinh Dịch: âm dương ở đây là thiên địa: thiên trong địa ngoài.


Trong là trung: là tâm là tính.


Ngoài là dung thông, hòa hợp.


Cứ đó mà suy ra chẳng cùng nhưng lại kết tinh vào ba chữ chí trung hòa. Mỗi câu là một chân lý nền tảng nhưng có ba điều nổi bật:

Một là Thiên mệnh chi vị tính: Thiên mệnh là chính tính con người. (Câu này, biến người thành nhân thần).

Hai là đưa con người lên bậc tham thông: tham dự với Trời Đất (nhân chủ).

Ba là chí trung hòa: muốn hòa cùng cực phải đi vào cùng tận đến chỗ ẩn vi.


Đó là ba chân lý đưa Nho lên đợt cùng tột của triết lý nhân sinh. Vậy mà đó chính là nội dung trống đồng. Ta hãy đi vào chi tiết.

 

1. Tính danh


Trước hết hãy xét về tên sách.


Dưới con mắt tổ tiên Việt tộc thì danh phải biểu lộ tính của hiện vật được gọi tên (xem Lễ Vấn Danh Cô Gái Việt trong Việt lý). Theo đó ta có thể nói tiên thiên là tên sách Trung Dung đã nói lên tính lý của nó. Trung là tính người như được giải nghĩa bằng câu rất cách mạng là thiên mệnh chi vị tính, nói cách mạng vì chống với nghĩa thiên mệnh của nhà vua, của trời, đây phải hiểu là tính người, ai theo được thì dung có nghĩa là dung dị, dung hòa. Nếu vậy Trung chỉ tác động hướng nội, đi vào nội tâm cho đến chỗ cùng cực gọi là chí trung (là tính người). Còn dung là phần ngoại tại, phần ở đời bao gồm khắp mọi nhân luân (ngũ luân) mọi việc ăn làm tất cả phải trúng tiết, tức theo nhịp đi vào của trung mới được dung dị hòa hài. Như vậy hòa là hậu quả của trung. Trung là căn để của hòa. Trung hòa liên hệ với nhau một cách cơ thể đến độ có thể dùng tầm lớn của hòa để đo mức sâu nông của trung. Trung có cùng cực thì hòa mới lan khắp cõi gọi là thái hòa. Đấy là do tại sao sách Trung Dung kết bằng bốn chữ vô thanh vô xú: không tiếng không hơi là có ý nói lên cái chỗ trống rỗng cùng cực dù tế vi như thanh hay xú cũng không còn nữa. Đấy chính là chỗ sách Trung Dung gặp tên của Trống, tức là Trống không cùng cực, còn sâu hơn cả vô hình vô tượng, vì hình với tượng đi với mắt là cơ năng còn cần phần nào hình tượng dẫu là mắt lý trí cũng vậy. Chí như thanh với xú thì vô hình toàn triệt. Cho nên xét đến tính của Trung Dung (vô thanh vô xú) cũng đồi với trống, cả hai đều lấy Trống rỗng làm bản tính. Đấy là chỗ đem lại cho Trung Dung bầu khí huyền niệm. Đấy cũng là chỗ đưa lại cho Trống Đồng tính chất linh thiêng đáng tôn thờ. Cũng như đấy là chỗ làm cho Việt Nho có chỗ không thể bì kịp vì nó giữ sạch được mọi cái ngãng trở tâm hồn như các dấu vết của dị đoan và ý hệ, để đạt độ “có mà như không, không mà lại có”. Đấy cũng là chỗ khiến con đường học tập Việt Nho phải đi một lối kỳ lạ: học rất nhiều, nghe rất rộng nhưng là để đi đến một cái gì vô hình đó là tác động cùng cực. Tác động tiểu ngã còn có hình nào làm đối tượng, chí như tác động của Đại Ngã Tâm Linh hoàn toàn vô hình, y như thiên cũng vô hình nhưng tác động cùng cực, nên tác động của thiên chỉ cảm nghiệm được qua thời gian, nó “giống” vô hình không ai thấy nhưng tác động không ngừng nghỉ, sáng tới chiều, hết hạ sang thu. Xin chớ níu cánh thời gian nhưng hãy hành kiện, vì “thiên hành kiện nên quân tử phải biết tự cường bất tức”. Đấy cũng là chỗ quân tử hơn người thường mà người thường không thấy được. “Quân tử chi sở bất khả cập dã, kì duy nhân chi sở bất kiến hồ” (T.D. 33). Quân tử sở dĩ có chỗ người thường không đuổi kịp là chỗ người ta không thấy được. Vì vậy quân tử rất chú trọng vào chỗ không thấy không nghe: “Quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn, mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã”. Quân tử cẩn trọng với cái không thể thấy, như lo sợ với cái không thể nghe. Biết rằng không gì hiển hiện bằng cái ẩn tàng, không gì xem tỏ bằng cái tế vi. Bởi thế quân tử cẩn thận ngay cả khi ở một mình.


Chính vì cẩn trọng với tâm trạng cô độc không để cho cái gì nhỏ bé lôi kéo mà con người mới có thể phối hợp được với thiên. Vì “thiên chi sở dĩ vi thiên dã. Ô hô bất hiển” (T.D 26). Trời sở dĩ là trời được chính ở chỗ ẩn tàng bất hiển hiện. Nên khi quân tử đạt độ vô thanh vô xú là đạt được “phối thiên” là “nhập ư thất”, tức đạt đến tính của mình: “Thiên mệnh chi vị tính”. Sách Trung Dung đã trang trọng mở đầu như vậy.


Bây giờ xét đến trống


Cũng thấy điều đó đựơc biểu thị cách huy hoàng. Nhìn bao trùm mặt trống ta thấy các vòng quy vào ba tổ hợp là Trời, Đất, Người.


Trời: là vòng thái dương ngự trung cung toả ánh chung quanh dứơi hình thức những tam giác gốc quay ra chiếu vào vạn vật.


Đất: là tổ ngoài cùng gồm hai vòng chim nai đại biểu cho vạn vật. Đây là chỗ Trống đi vào chi tiết hơn sách Trung Dung (vì địa trong Trung Dung không nói rõ: nó nằm ngầm trong thiên).


Tổ giữa chỉ Người gồm các hình tam giác gốc quay vào chỉ Đại Ngã Tâm Linh, hai vòng bán nguyệt chỉ con người tiểu ngã cá thể.


Như vậy Trống và sách hợp nhau ở căn bản cùng cực. Khi xem vào mặt trống ta thấy tự nhiên nhiều câu sách trước đang còn như mung lung bỗng bật lên, như “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”, người là cái đức của trời cùng đất. Đức Trời ở tổ trên, đức Địa ở tổ dưới giao thoa nơi tổ giữa của Người. Vì thế sách nói “vạn vật giai bị ư kỷ”. Vạn vật có đủ nơi ta, nơi thẳm sâu lòng mình, vì đây gọi được là giếng thiêng tuôn trào ra mọi nguồn phúc lạc, người nào biết “phản cầu chư thân nhi tự đắc chi” (T.D.1) trở lại lòng thì sẽ được nếm nguồn vui siêu tuyệt nọ.

 

2. Hiện thực


Xin hỏi “phản cầu chư thân” là sao? Thưa là việc gồm hai bước:

Một là “khử phù ngoại dụ chi tư”.

Hai “sung kỳ bản nguyên chi thiện” (T.D 1).

Bước một làm sao cho trống rỗng hết mọi cái bé nhỏ (tư riêng).

Bước hai làm sung mãn cái gốc của sự thiện.


Hai bước đó có thể chi tiết hóa bằng bốn tác động sau là Tồn, Dưỡng, Tỉnh, Sát (T.D 1)


a. Tồn thường được gắn liền với tâm, thành “tồn tâm” là nuôi dưỡng cái tâm, phần dễ cảm nghiệm nhất của tâm là tình. Tình mà thâm sâu, cao cả thì không tìm đâu ra nơi phát sinh cũng như nuôi dưỡng tốt cho bằng gia đình. Vì thế khởi sự lập gia đình gọi là phu phụ được tôn lên làm khởi đoan của đạo: “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”, đạo không có xa đâu nó ở ngay trong việc vợ chồng đó.


b. Dưỡng hiểu là dưỡng tính. Đây chính là cửa đạo “thành tính tồn tồn đạo nghĩa chi môn”. Tồn tâm là đường dẫn tới cửa, còn mở cửa để vào là dưỡng tính. Có thể xếp như sau Lý, Tình, Tâm, Tính. Lý ví như lá như cành nhỏ, Tình như ngành to dẫn tới tâm là thân cây, còn Tính là gốc rễ. Vì Lý là đợt ngoài cùng bé nhỏ nên dễ bị kẹt lại và làm ngãng trở con đường hanh thông để cho luồng linh lực giao thoa nơi người. Vì vậy mà phải “đôn hồ nhân” tức đôn hậu tình người bằng đủ mọi cách, trong đó nên kể đến nghệ thuật nhất là thi ca vũ trên mặt Trống, hoặc bằng nhiều phương thức khác cốt để giúp tiến lâu dài trên đường đạo. Sự lâu dài gọi là tôn tồn “thành tính tồn tồn đạo nghĩa chi môn”.


c. Tỉnh: Tuy nhiên đạo không thiếu khó khăn. Khó không phải vì khắc khổ kiêng kỵ như lối thanh giáo, nhưng vì cùng đích là trống rỗng, là vô thanh mà con người tiểu ngã làm bằng thanh bằng sắc, bằng tất cả những gì bé nhỏ tư riêng, nên đường đi đến Trống khó hơn cai trị thiên hạ, khó hơn từ bỏ danh giá tước quyền, khó hơn đạo lên gươm giáo (T.D 10). Tất cả những điểm đó làm đựơc đã kể là cao đại, nhưng chưa cao đại bằng đi tới chỗ “vô thanh vô xú”, vì nó ví như việc đi trong cõi thinh không, không cảm thấy gì, rất dễ nản. Bởi con người quá quen với đối tượng, với lợi hành: đi đến chỗ tay không trí rỗng thật khó; người đã tiến cao như Nhan Hồi cũng chỉ đi được ba tháng, các người khác chỉ được một tháng rồi rẽ ngang: hữu vi tức xa lìa đạo. Vậy nếu cảm thấy mình như xa lìa đạo thì cần tỉnh là làm những tác động trở lại thân tâm một ngày ba lần “ngô nhất nhật tam tỉnh ngô thân”. “Tam, tứ, ngũ tỉnh ngô thân” rất nhiều lần, càng làm đức càng mạnh. Hơn thế cả những khi gặp thất bại, hoặc bệnh tật, xui xẻo thay vì than trách óan giận hãy coi đó là dịp xem lại con đường thông với tâm linh có gì ngãng trở chăng. Đó là ý câu đạo quân tử giống như người bắn tên thấy không trúng đích thì quay về xét mình theo thế thái nội tỉnh. Đó cũng là lý do giải nghĩa câu “bất oán vu thiên bất vưu nhân”: không oán trời, không trách người, chỉ nổi tỉnh tìm ra chỗ trật nơi mình.


d. Sát: là quan sát, xem xét. Đây nên hiểu là phần ngoài, nhất là lời nói gần chỉ những công việc thường nhật bao giờ cũng có những ý kiến thái quá bất cập, nên chọn con đường trung ít bị sai lầm. Đấy gọi là “sát nhĩ ngôn, dụng kỳ trung ư dân”. Tiến lên một bậc cao hơn như đối với những người tu học có thể hiểu về triết lý.


Triết lý có hai loại một xa một gần. Xa là triết học lý niệm, gọi là xa vì bàn những vấn đề xa lạ, dấu hiệu là chỉ có lý thiếu tình. Vì lý là lý sự, tình là tình người, không tình xa người. Vì xa người, triết học lý niệm không giúp vào việc thành tính, thành nhân: không thể gọi được là đạo học. Triết lý Việt Nho cũng có tên là đạo học vì nó là con đường gồm năm bước bác học, quảng vấn, thận tư, minh biện, đốc hành, phải học thấu đến đợt đốc hành. Ngày nay những thuyết lý đủ loại đựơc truyền bá khắp nơi, nếu không học không biết xét những lời thiết cận đến con người “sát nhĩ ngôn” sẽ dễ bị đọng lại các lý vòng ngoài, không sao thấu được vào đến chỗ trống không “vô thanh vô xú”, không nếm được mùi đạo tỏa ra trong cảnh thái hòa.


Đại để đó là quảng diễn vắn tắt bốn việc tu luyện: tồn, dưỡng, tính, sát. Bây giờ đi đến kiểm soát.

 

3. Kiểm soát


Đi vào chí trung rất dễ chủ quan, phải kiểm chứng bằng hậu quả bên ngoài, đó là xem xét cảnh thái hòa. Thái hòa là hòa trời hòa đất. Đây không là những chữ to lớn mà trống rỗng, trái lại có nội dung rất cụ thể và trung thực được nói đến qua những câu như “ký minh thả triết dĩ bảo kỳ thân” có minh triết thì bảo tồn được thân tâm. Hai chữ minh triết bao hàm thành quả của bốn động tác tồn, dưỡng, tỉnh, sát đã nói trên: đó là bảo tồn được thân tâm, sống cuộc đời an lạc, sách Trung Dung gọi là “gia lạc quân tử”. Đại học nói “phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn”: Sự giàu có nhuận sắc nhà ở, Đức cao nhuần thấm thân tâm, Tâm rộng thì xác tốt tươi. Chữ bàn vừa có nghĩa lớn mập, vừa có nghĩa là an nhiên thư thái. Như vậy câu trên có nghĩa khi “tâm quảng đại (được nuôi dưỡng phát triển) thân thể cũng tốt tươi”. Chữ bàn còn đọc là phán có nghĩa là một nửa mình con vật, theo đó khi tâm đạo phát triển tự nhiên coi tài sản sự vật thuộc thân xác nhẹ đi, nó bóng là chỉ còn một nửa, nói theo cơ cấu Việt là vài ba, tức phần vật chất coi nhẹ đi (vài) mà tâm ý dồn lên đạo đến ba phần. Nói coi nhẹ, chứ không nói ít đi. Trái lại có khi thêm lên nhiều hơn, trước là đủ cho chính người hành đạo, sau là nếu gặp cơ hội người nắm được chính quyền có thể giúp trời đất trong việc dục hóa (T.D 22) (tán thiên địa chi hóa dục), tức làm cho người trong nước được hưởng nhờ cuộc sống sung túc an vui mà về phần tâm linh lại được hướng dẫn đến chỗ đạt đạo. Đấy là ý nghĩa câu “cố đại đức tất đắc kỳ tài” (T.D 17) có đức tất có tài, tài đức liên hệ với nhau một cách cơ thể y như chữ trung với hòa vậy, trung là cội rễ hòa là hoa trái. Hoa trái cả thân lẫn tâm. Đấy là chỗ giúp hiểu tại sao những tâm hồn đạt đạo lại trong nghĩa khinh tài một cách rất thành thực.


Những điểm cuối cùng này được minh họa cách rực rỡ trên mặt trống đồng bằng hình ảnh những con người an vui đang ca múa giữa các con vật tràn đầy sảng khoái, đem lại cảm giác một cuộc sống phong phú an nhiên, làm nhớ đến câu sách “khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục”: giúp việc hóc dục của trời đất với ý nghĩa rất cụ thể: dục là no đủ, hóa là nhởn nhơ thanh thoát như tiên với đôi cánh thực sự. Muốn tìm cho ra căn nguyên ẩn tàng của cuộc thành tựu lớn lao kia thì phải lật trống lên sẽ thấy căn do đó chính là chữ Trống viết hoa: nhờ sự không bịt kín tâm hồn vẫn có thể kết hợp với trời gọi là phối thiên “thuận thiên” đựơc biểu thị bằng các vòng tiến “tả nhậm” tức tiến theo trời, nên mọi ân huệ tự thiên tràn ra khắp hết trên hoàn vũ, khkác nào súôi cam tuyền nhuần thấm tất cả như được biểu thị bằng các chấm, các vòng tròn, các hình tam giác đối diện dải khắp trên toàn thể cái Trống.


Chính sự ngắm nhìn bức tranh tràn ngập hạnh phúc này giúp cho hiểu mấy câu sách Trung Dung vừa trưng trên (Minh triết bảo thân. Gia lạc quân tử. Đại đức tất đắc kỳ tài) xuống tận hình nhi hạ thuộc việc ăn làm thường nhật, theo nghĩa chính sự vô thanh vô xú (trống trơn) đã là căn nguyên sinh ra cuộc sống an nhiên bên ngoài. Do đó ta mới thấy nên nhận sách Trung Dung như một phần kinh điển của ta cho trọn hai chữ Việt Nho, gồm cả kinh tiếng Việt lẫn chữ Nho, để diễn tả cách hoàn bị hơn một nền đạo lý gồm cả ngoại lẫn nội, cả thân lẫn tâm, một nền đạo lý bao la đã xuất hiện.