Sứ điệp Trống Đồng (13) - Thực Sắc Diện Thiên Tính Dã

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3146 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

 

(tiếp theo)


Sau những bài bàn về cơ cấu Nho cũng như vai trò công thức hóa của nó, bây giờ cần hỏi thêm vậy chính Nho là gì?


Nói theo nghĩa rộng vòng ngoài Nho hay Nhu (hai chữ là một) có nghĩa là nhu nhã lịch thiệp, êm đềm. Còn theo nghĩa căn để Nhu là nhu yếu thâm sâu của con người, mà Nho nhắm chỉ ra đường lối đáp ứng.


Xin hỏi con người có bao nhiêu nhu yếu cần nuôi dưỡng (dục)? Thưa có ba nhu yếu: ăn uống, ái tình và thể diện như trên mặt trống: vòng ngoài thuộc ăn uống, vòng giữa ái tình (tam giác gốc), vòng trong cùng là thể diện (mặt trời); nói bằng Nho là “thực, sắc, diện thiên tính dã”.

 

1. Thực


Ăn uống (thực) cần thiết để duy trì đời sống cá nhân. Ai tình (sắc) để truyền sinh cần thiết cho giống nòi (*). Thể diện là óc tự tôn tự trọng, nó biểu thị chiều kích vô biên cao cả của con người Đại Ngã Tâm Linh.


Hết mọi nhu yếu con người không ra ngoài ba mối đó. Các nhà xã hội học sẽ thêm nhiều mục khác như nhà ở, áo mặc, phương tiện di chuyển … Còn đây là triết thì tất cả những thứ đó được tóm vào chữ ăn (thực), để rộng đường quảng iễn nhu yếu “diện” như sẽ bàn sau.


Trứơc hết về ăn ai cũng dễ nhận thấy bởi đó là nhu yếu đầu tiên, chữ Nho gọi là “thực”, Việt quen nói “có thực mới vực được đạo”. Thực quan trọng lắm, nếu không hơn đạo cũng đi trứơc đạo. Thế mà xưa kia hầu hết các nền triết lý và đức lý không thèm để ý tới, nên trên thế giới chưa có những đại học dạy nấu ăn như Nietzsche đã phàn nàn, đang khi các đại học dạy đánh nhau mọc lên la liệt. Chính sự bỏ qua đó đã làm nảy ra hai cái hại một do bái vật khi người ta đi cầu nguồn sống ở trăng sao, sông ngòi rồi giết người để tế thiên tượng ấy do niềm tin cần phải nuôi dưỡng nguồn sống, thí dụ mặt trời cần nuôi bằng máu của con ngườ. Vì tin rằng nếu để mặt trời chết đói mình cũng chết theo. Chính niềm tin này đã gây ra những trang rùng rợn trong cổ sử nhân loại.


Hai là sau khi đã biết tìm nguồn sống một cách thiết thực hơn ngay trong sản vật trên đất thì lại sinh ra sự bất quân phân tài sản do các nền triết lý hoặc đặt nguyên lý sai lạc, thí dụ đặt ra quyền tuyệt đối về tư sản nên dẫn đến cảnh chênh lệch: vài ba kẻ có, năm bẩy người không; hoặc nói theo nay cứ hai người tư bản, đến tám người là vô sản. Tình trạng chênh lệch đó đã phát xuất từ sự thiếu giáo dục đầu tiên nên gây ra cảnh đấu tranh giữa tư bản và vô sản gây ra đầy bất an hiện tại.


Trong các nền triết lớn chỉ thấy có Việt Nho đã thiết lập nổi chế độ bình sản để mọi người có thể no đầy. Tuy còn nhiều khuyết điểm nhưng xét về ý tưởng then chốt và thể chế kể là đã biết thiết lập và bênh vực thể chế quân phân đồng đều không cần phải cách mạng đẫm máu.


Hiện nay về việc quân phân tài sản thì bất kỳ nền đức lý hay triết học nào cũng đều nói đến, nhưng xét cho cùng toàn ở đợt ý từ như nói theo đuôi, hoặc nói theo lương tri, không phải do tự cơ cấu nền tảng. Nếu do nền tảng tất đã trù liệu việc đó từ lâu ít ra từ vài chục thế kỷ, chứ mãi nay mới nói đến là do tình trạng khẩn trương đập vào mắt, có nói cũng ít hiệu quả, hay là đi quá đáng để cho chú ý dồn trọn vào có miếng ăn; đến độ trở nên đui mù không còn thấy những nhu yếu thâm sâu hơn, cao cả hơn nơi người. Ta thấy nhu yếu sơ đẳng đã không giải quyết xong thì nảy sinh biết bao tai họa.

 

2. Sắc


Bây giờ bàn đến điểm hai là tính dục cũng lại quan trọng không kém ăn. An để bảo tồn đời sống cá nhân, còn tính dục là để bảo tồn chính giống nòi còn quan trọng hơn ăn theo hệ cấp giống nòi cao hơn cá thể.


Nho giáo gọi đó là thiên tính. “Thực sắc thiên tính” là mệnh lệnh tự trời ban ra: bao lâu con người còn sống gần bản năng đều biết coi trọng. Vì thế ở thời xa xưa trong thân thể con người không gì đựơc thờ ngoại trừ cơ quan sinh dục: cả dương lẫn âm, cả linga lẫn yoni.


Về sau vì những lý do tư sản đựơc tăng cường do bái vật mà sinh ra các nền đức lý hạ bệ việc truyền sinh coi là xấu xa, đàn bà bị coi như cái gì nguy hiểm với biết bao kiêng kỵ. Thoạt nhìn tưởng là cao thượng lắm, nhưng nghiên cứu lịch sử văn hóa loài người thấu đáo mới nhận ra những cấm kỵ đều phát xuất từ tai họa chuyên chế đề cao uy quyền đặt trên sự vâng phục của kẻ bị trị. Muốn nuôi dưỡng tinh thần phục tùng cần làm sao cho con người cảm thấy mình hèn hạ. Vậy khi đặt ra những kiêng kỵ chống truyền sinh thì hầu hết con người bị vấp phạm. Vì bản năng con người lành mạnh là phải hướng tới truyền sinh, đó là sự thúc bách thuộc thiên mệnh tại sao chống. Nếu không hiểu luật trời đất âm dương lại dồn sức chống cự quá đáng sẽ phát ra những bệnh thần kinh hay những trái chứng khác. Vì thế dễ có sự lỗi phạm, đã lỗi phạm tất đâm ra hổ ngươi thấy mình hèn. Đó là cảm thức dọn tâm hồn để suy phục quyền bính trọn vẹn hơn, nói được những cấm kỵ là con đẻ của chế độ chuyên chế.


Sự kiêng kỵ còn được đề cao như phương tiện để đạt quyền năng phi thường, nên cũng là cách đánh trúng lòng tham lam, lòng ham muốn chiếm đoạt: kiêng kỵ là cốt để đạt được cái gì cao hơn, ta thấy những người cực kỳ tham lam như Tần Thuỷ Hoàng cũng chay tịnh kiêng khem để đạt trường sinh hay một số quyền năng ngoại lệ nào đó. Chính sự tham lam trá hình này đã làm nảy sinh những nền đức lý thanh giáo với những mệnh lệnh trái ngược bản năng sinh sống tạo thành những chiến trường mà kẻ bại thì hổ ngươi, người thắng bị thua thiệt, có thể đi đến mất quân bình tâm rí. Chính sự thiên lệch nọ đã gây ra biết bao bệnh thần kinh đủ tài liệu cho việc thành lập khoa tâm bệnh, mà Freud là thuỷ tổ, ông đã khởi đầu từ thuyết Toàn dục (pansexuel) với chủ trương mọi bệnh thần kinh bắt nguồn từ sự dồn ép bản năng dục tính. Có thể nói khoa Tâm bệnh là lời thóa mạ cay độc nhất gửi đến những nền đức lý cũng như triết lý có tính chất khắc kỷ: nó bắt chúng xuất hiện nguyên hình, là bấy nghiêu tay sai của chuyên chế, bấy nhiêu trường đào tạo nên các thứ giả hình hay bệnh hoạn. Cần nói ngay rằng đó là thành quả rõ nhất mà các nền đức lý thanh giáo tạo cho loài người: thay vì giáo dục lại đi giáo nguỵ tạo, đậy che, làm hư hỏng (pervertir).


Việt Nho đã tránh được lỗi lầm trầm trọng đó bằng công thức hóa tam giác gốc thành âm dương hòa, nhờ đó đã góp công tài bồi vun tưới cho tác động truyền sinh vẫn được coi như việc thường tình nhằm tránh những quá đáng bằng cách mặc cho những việc đó vẻ đẹp như hoa (hoa tình) trong lễ hội. Về điểm này Việt phóng khoáng hơn Nho, vì Nho đã bị chi phối mạnh do thanh giáo bắc phương. Tuy nhiên xét về đại để Nho cũng đi trúng đường, chứng cớ là đã công thức hóa việc hát cặp đôi thành hai phạm trù đồ sộ là âm dương dùng làm nền tảng văn hóa.


Trong Kinh Dịch phần đầu nói về trời đất, phần hai nói về việc vợ chồng với hai quẻ Hàm Hằng. Do đó việc ái ân trở thành chiếc cầu cho cá nhân bước sang tha nhân để ra khỏi óc duy ngã bước vào công thể đầu tiên là cặp trai gái yêu thương, yêu bằng cả tâm hồn lẫn thân xác, yêu đến chỗ chí mật.


Đó là bài học khai tâm và hữu hiệu trong việc thiết yếu cho xã hội là yêu tha nhân. Đây là việc cực kỳ khó khăn gặp đầy trở ngại. Mặc dù không mấy ai không muốn yêu thương tha nhân, hơn thế còn muốn yêu thương cả nhân loại, nhưng trong thực tế số người đối xử với người như chó sói hãy còn đông đảo, vì sự yêu thương không đặt đúng nguyên lý cũng như không đựơc tuần tự huấn luyện từ cấp bé tới lớn rộng, từ việc yêu thương giữa đôi trai gái qua việc xử đối tha nhân trong gia đình, rồi lớn rộng hơn là xã hội. Đây là bài cách trí về yêu thương chân thực đã không được các nền đức lý thanh giáo nhìn ra, bỏ uổng một con đường hữu hiệu do thiên nhiên trù liệu. Chính trong ý đó mà Việt Nho đã đưa việc truyền sinh vào kinh sách. Kinh Thi cũng như ca dao nứơc ta đầy tràn những lời trao đổi yêu đương, gạ hỏi hò hẹn cách rất hồn nhiên vô tội vạ làm nên bầu khí văn hóa thuận lợi cho việc truyền sinh mà lòng không vương mảy may cảm tưởng tội lỗi (xem bài Địa vị thi ca trong quyển Nguyên Nho).


Các nhà quan sát cho đây là miền con người được hưởng nhiều hạnh phúc nhất. Chính điều đó giải nghĩa sự hầu như vắng bóng những bệnh thần kinh kiểu khổ dâm (sadism), khốn dâm (masochism) và nhiều chứng khác. Có thể thêm rằng đây mới là triết lý nhân sinh vì đã không thóa mạ nguồn gốc sự sống của con người.

 

3. Diện


Bây giờ bàn đến điểm thứ ba là Thể Diện. Hai chữ này thường được hiểu là sự tự trọng, nhưng nghĩa triết lý của nó sâu hơn nhiều đó là diện của thể hay là mặt ngoài của cái thể chất căn bản con người Đại Ngã. Nói thể diện cũng như nói thể dụng, áp dụng vào con người, cái mặt, còn thể là vòng trong rất xâu xa rộng lớn không còn bờ cõi, gọi tắt là Trống, là Không, mà cụ thể là nó biểu lộ ra trong sự khát vọng tự do là đầu, rồi các nhu yếu khác như khát vọng đựơc kính nể, được yêu thương cũng như những tình cảm về chân, thiện, mỹ… cũng có nghĩa là cái mặt vì đó là nơi biểu lộ rõ nhất cái thể vô biên con người.


Khi nói thể diện phải hiểu cả hai nghĩa, nhưng ở đây có ý nói đến nghĩa thứ hai nhiều hơn, lúc ấy Việt Nho kêu là xỉ có thể dịch là óc tự trọng cần được tài bồi phát huy.


Với Việt Nho đây là đức tính nền tảng nhất làm nên con người vì nó phát xuất từ sự cảm nhận được chiều kích vô biênnơi người, cho nên con người có giá trị nhiều hay ít là do ở chỗ có biết tự trọng nhiều hay ít, cũng như con người sống với nhau có tốt đẹp, xã hội có ổn định chăng cũng là do trình độ cảm nhận cao thấp của đức này. Đức này giúp tự trọng, trọng chính mình rồi trọng tha nhân, đó là nền tảng vững nhất của xã hội. Bởi chưng tự trọng làm nên xương sống con người.


Thể diện còn cao hơn hai bản năng trên, vì nó căn để hơn nên tế vi hơn, phát xuất từ chiều kích vô biên mà con người nào cũng mang trong mình. Đó là cái gì linh thiêng đáng tôn quý vô cùng. Chính nó làm cho con người cảm thấy nhu yếu cần được tôn trọng cũng như được tự do cách rất mãnh liệt. Đây là sự đói khát chân chính hơn hết cần được thỏa mãn, chính khát vọng đó làm nền tảng cho phẩm giá con người, làm cho con người thông với đại ngã tâm linh cao cả, nên ý thức đựơc rằng mình đã đủ lý do tồn tại ngay nơi mình. Cho nên mỗi người là người nhiều hay ít tuỳ theo mức độ cảm nhận được phẩm tước đó, cảm nhận được mình là một thực thể tự thân, nghĩa là tự mình là cứu cánh cho mình, dù khi chưa thấy ích lợi cho cái chi cả cũng đã có đủ phẩm tước đáng quý, khỏi cần quy chiếu vào đâu để biện minh cho sự tồn tại của mình, vì thế đáng tôn đáng trọng.


Sự tôn trọng đó phải khởi đầu ngay từ chính mình, nếu mình còn chưa tôn trọng mình thì ai mà làm thế cho mình được.


Hầu hết các nền văn hóa không nhận ra nhu yếu này để mà giáo: thay vì chỉ dẫn cho con người biết tài bồi vun tưới đức tự trọng lại làm hết cách cho nó tin mình là hèn hạ như nô lệ, đến nỗi mối liên hệ giữa người với người bị giản lược vào có một chiều kích duy nhất là chủ nô, tức coi tha nhân như sự vật, nói theo Martin Buber là “Tôi với cái đó” (I and That) coi tha nhân chỉ là cái nọ hay kia. Tuy nay chế độ nô lệ đã lỗi thời nhưng hầu hết các nền giáo dục vẫn còn dạy con người khinh mình, coi mình hèn hạ. Tưởng thế là dạy cho nó đức tự hạ, kỳ thực là huấn luyện cho nó kiêu căng một cách bệnh hoạn. Người ta gặp những kẻ kiêu căng nhất trong nhóm người chuyên luyện đức tự hạ kiểu nọ. Vì không được huấn luyện để vun tưới đức tự trọng, tài bồi nhân cách tư riêng, thì người đó không biết thỏa mãn một nhu yếu thâm sâu hơn hết nơi mình nên như người đói lả vớ đựơc cái chi cũng nhét bừa vào miệng, nghĩa là biểu lộ đức tự trọng bằng nhiều lối bất chính như:


- Kiêu thái xì xằng, lên mặt bậy bạ, huênh hoang khoe mẽ.

- Hoặc như nói xấu, bỏ vạ, gièm pha, để cố hạ tha nhân xuống cho mình được lên cao.

- Hoặc ganh tị do lầm tưởng mình bị đè bẹp bởi những thành công của kẻ khác.

- Lòng tham danh tiếng, nhất là ý chí hùng cường…


Những tật xấu đó chính là những chứng bệnh đã phát xuất từ sự đói khát kính trọng không được đáp ứng nên đi tìm thỏa mãn bằng bất cứ cách nào như bắt mọi người làm nô lệ mình kiểu các chúa độc tài chuyên chế, hoặc nhỏ hơn thì như những hình thái của liên hệ chủ nô rất phức tạp khó nhận ra nhưng tất cả đều phát xuất từ sự thiếu tài bồi nhu yếu tự tôn trọng nhân phẩm mà ra.


Việt Nho đã đáp ứng nhu yếu này một cách nền tảng. Trứơc hết bằng thuyết Tam tài đặt con người ngang hàng cùng trời đất. Đấy là thuyết đưa con người lên địa vị cao nhất chưa có thuyết nào bằng. Với thuyết Tam tài người cũng là vua như trời quen gọi tam hoàng: thiên hoàng, địa hoàng, nhân hoàng. Đó là đợt đã công thức hóa, thiên địa đã được đặt vào vị trí yên rồi. Còn trước kia trong dân gian thì đã biến thần thoại trở nên nhân thoại, tức con người giữ vai trò chủ chốt trong truyện, có khi còn “trên” cả trời như khi quan quân trần thế lên phá thiên cung mà lính trời phải chịu lùi bước.


Nhiều khi Ngọc Hoàng thượng đế cũng phải run sợ như trong tích ông Phạm Nhĩ đưa quân lên đánh trời, làm nhà trời cuống cả lên phải cầu đến Phật mới thắng được, rồi bắt ông phải xuống trần làm hổ, nhưng còn phong cho chức chúa sơn lâm. Những truyện như thế rất nhiều gây nên bầu khí nhân thoại rất thuận lợi cho sự phát triển chiều kích cao cả con người.


Nho đã tiếp tục bầu khí đó một cách cụ thể và thực tế bằng cách đưa vào các mối nhân luân một nét cao cả là chữ Lễ. Chữ Lễ viết với bộ Kỳ bao hàm linh thiêng, nên ở các văn hóa khac lễ chỉ dành riêng cho thần minh. Nay Việt Nho đưa vào áp dụng cho con người để người coi người như thần minh “homo homini deus”. Nó ở tại thần thánh hóa mọi người thay vì chỉ thần thánh hóa các nhà thống trị như trong chế độ du mục: kết quả tối hậu là vua thần. Trong Việt Nho thay vì vua thần thì là nhân thần, nhân chủ. Vậy nên bước hiện thực sự tự trọng cũng như trọng tha nhân là chữ lễ. Chữ lễ nói lên tính chất linh thiêng trong việc giao tế, nó chỉ rõ ràng hai bên thừa nhận chiều kích siêu linh của nhau, của mọi người, nên người nào cũng đáng kính tôn, như thế sẽ tập được khiêm cung, khiêm nhượng thực sự. Chữ này bao hàm đức tự trọng, biết mình gồm cả đức trời nữa chứ không chỉ là đức đất, đồng thời biết người khác cũng cao cả như vậy, nên có sự tương nhượng.


Chính nhờ đó mà xã hội Việt Nho đề cao đức nhân nhượng thay cho lối “tranh đấu để sinh tồn”: đó là thói quen củ loài thú chưa đạt tới tâm thức đủ cao để nhận ra chiều kích tâm linh nơi chúng, nên chúng phải dùng đến sức mạnh bạo tàn: tác động dồn vào việc tranh ăn, tranh mái; con người trái lại còn bao gồm những tầng cao hơn nữa nên có nhiều tác động khác vượt trên sự ăn uống, tính dục, trong đó phải kể trước hết tới lòng khát vọng được kính nể, cũng như tự do, suy tư, cảm nghĩ, bày tỏ ý kiến… Đó là những việc biểu lộ chiều kích vô biên hơn hết, bởi là những siêu hình giáp cõi vô biên. Vì thế một nền triết lý chân thực bao giờ cũng phải coi trọng việc kính tha nhân, cả từ lời nói, tư tưởng, cảm xúc của tha nhân. Chỉ có vậy mới là bảo chứng cho sự biết tự trọng chính thực, không là sự kiêu thái cá nhân.


Tóm lại sự kính trọng tha nhân phải xây trên chữ xỉ là trọng mình và những cái do mình như lời nói. Chữ xỉ chân thực phải phát xuất do sự thể nghiệm ra chiều kích vô biên, nó làm cho mình cảm thấy thực sự mình đáng tôn kính, điều đó sẽ làm cho mình tôn quý chính mình cũng như người khác. Làm như vậy mọi người sẽ thỏa mãn được nhu yếu thứ ba đựơc tôn trọng. Lúc ấy các lối tìm thỏ mãn bệnh hoạn như khoe khoang, hách dịch, ý chí hùng cường sẽ xẹp xuống đến độ đáng kể.


Đó là đại để ba nhu yếu khẩn thiết làm nên những nguyện vọng thâm sâu của con người.


(còn tiếp)


Kim ĐịnhSỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG,

An Việt San Jose, 1999, tr. 289-302.

-------------------------

(*) Hai nhu yếu đầu quy vào địa đức. Vì thế có chỗ chỉ n&oac