Sứ điệp Trống Đồng (14) - Hướng vọng kiếp người

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3002 | Cật nhập lần cuối: 4/13/2024 2:09:34 PM | RSS

(tiếp theo)

Ở đời khác với ở trời, ở đất, cả hai đều một chiều. Không duy vật thì duy tâm. Ngược lại ở đời là lưỡng hành nên uyển chuyển như một nghệ thuật. Cuộc sống được quan niệm như cuộc vũ, như thấy tạc trên mặt trống đồng, còn danh xưng chính là “nghê thường vũ y khúc”. Đây là lý do phần này nói nhiều về nghệ thuật, về ca vũ, về cội gốc của nó. Nghệ thuật sống ấy đựơc thể hiện vào những lối sống cụ thể của gia đình, làng nước, tết nhất, hội hè… Có lý chăng? Ta sẽ nghe thế giới khen đó là minh triết, và với đà đi lên, nhân loại đang tiến về trạng thái đó, trạng thái của con người phong lưu làm ít đi, ca vũ nhiều lên theo biểu thị những chim đang bay rợp mặt trống.

XIII. Hướng vọng kiếp người

Khi ta đặt một cái nhìn bao trùm lên cuộc tiến hóa loài người sẽ nhận ra có năm đợt:

Săn hái: homofaber – người làm thợ.

Du mục: homo nomadicus – ngừơi săn bắt.

Nông nghiệp: homo sapiens – người khôn sáng.

Kỹ nghệ: homo economicus – người kinh tế, công nghệ.

Phong lưu: homo ludens – người ăn chơi, người hậu kỹ nghệ.

Hiện nay toàn thể nhân loại đã bước vào giai đoạn kỹ nghệ như Au Tây hoặc đang cố vươn tới như các nước kém mở mang: một vài nơi như Mỹ đã mon men bước vào giai đoạn phong lưu, nhưng mới do kinh tế thịnh vượng hơn là do triết lý, nên còn đầy vấp ngã. Như thế nói đến con người phong lưu kể là có phần sớm, nhưng cũng cần đưa vào bảng tổng quan để thấy rõ đích tiến hóa con người.

Nếu dồn tinh hoa cuộc sống loài người vào hai tiếng ăn chơi thì nông nghiệp phát triển được yếu tố ăn (làm), còn (ăn) chơi thì nói chung phải dành cho thời hậu kỹ nghệ cũng như phải có một nền triết lý xứng hợp mới trông bước vào được. Sau đây chúng ta sẽ xem những yếu tố trong giai đoạn trước có thể giúp gì vào việc thiết lập ra nền triết lý nọ: nông nghiệp của Việt Nho hay du mục của Au An? Để hiểu được thế nào là tinh thần nông nghiệp cần phải biết thế nào là óc du mục. Để hiểu du mục lại cần biết thế nào là tinh thần săn hái.

1. Săn hái

Kinh Thư gọi săn hái là thời ăn sẵn: con vật có đâu đó rồi, chỉ việc săn đuổi bắt lấy. Hoa trái đầy trên cây chỉ việc thâm lượm đưa về. Vì thế cũng là thời con người rất tốt, Nho nói “nhân chi sơ tính bản thiện” là con người tiền sử tốt hơn con người lịch sử. Đây là giai đoạn sung sướng nhất theo nghĩa con người khỏi cần lo đến ngày mai nên tuy thời này đã qua đi lâu rồi mà con người vẫn nuối tiếc, thường nhắc nhở tới như cảnh địa đường, như hoàng kim thời đại; hơn thế nữa nó lưu ấn tích sống động lại cho các đời sau: tuỳ cách đã sống vì săn hay vì hái. Săn phải dùng sức mạnh vì có sự vật lộn, đuổi bắt, đập giết. Còn hái lượm là việc êm đềm, thư thả, không phải dùng tới bạo lực. Điều đó đã tạo nên hai tâm trạng: tâm trạng cứng rắn cho săn bắt, mềm mại cho hái lượm còn truyền mãi tới nay. Thời săn hái này kéo dài rất lâu, có thể cả từng nhiều triệu năm cho tới lúc thú vật dần dần thưa thớt, số ngươi gia tăng thì xảy ra một cuộc cách mạng vĩ đại gọi là nông nghiệp (*), đi kèm với canh tân khí dụng là đá mài được gọi là tân thạch. Đây là thời Kinh Thư kêu là “gian thực” tức phải khổ công mới có ăn: thú phải nuôi, lúa phải cày, cây trái phải trồng… Đây là thời đại dài nhất đối với trình sử văn hóa nên cũng in sâu vào tâm khảm con người. Muốn hiểu rõ hơn văn hóa nông nghiệp trước hết phải hiểu thế nào là du mục.

(*) Một khoảng đất săn hái nuôi được 1 người, canh tác nuôi được 50 người. Quả đáng tên cách mạng.

2. Du mục

Nên phân biệt với súc mục thường đi với nông nghiệp như ngành phụ. Du mục trái lại là nghề chính và thường kết thành đoàn quân lớn đủ sức chinh phục đồng cỏ…

Du mục cũng thuộc thời hai như nông nghiệp. Xét về đất đai tuy không rộng bằng hay ít ra không đông người bằng và chắc chắn không tạo được nhiều thành tích văn hóa bằng ngành nông. Thế nhưng oái ăm thay tinh thần du mục lại lấn át tinh thần nông nghiệp. Lý do vì du mục nối tiếp ngành săn bắt. Săn bắt bó buộc phải nay đây mai đó. Ban đầu cả nông nghiệp cũng thế gọi là “chuyển canh”. Nhưng khi số người gia tăng mà đất không mở rộng được nữa thì bắt buộc phải hoàn bị nông cụ để cải thiện canh tác và trở thành định cư. Còn ngành du mục vì thuần phục được ngựa có thể đi xa tìm những cánh đồng cỏ chưa ai chiếm, hay chiếm đoạt lại chúng, nên tiếp tục nay đây mai đó, nhân đấy trở nên sức mạnh lấn át nông nghiệp. Đỉnh cao nhất của du mục là đế quốc Mông Cổ đã để ấn tích đậm đà trên ba nền văn hóa Tàu, An và Iran, trong đó phải kể tới Au Châu.

Như thế du mục tiếp nối tinh thần “săn”; nông nghiệp tiếp nối tinh thần “hái”. Đức tính căn bản của du mục vẫn là việc đi săn tức dùng sức mạnh bạo tàn, không những để săn mà còn để chiếm các đồng cỏ rồi sau chiếm đất, hay cướp phá những miền chung quanh trong những năm đại hạn. Từ đức tính căn bản trên nảy sinh ra những nét đặc trưng sau:

a. Đề cao tù trưởng:

Trước hết là “đề cao tù trưởng”: vì sức mạnh gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phục tùng người chỉ huy. Do đó, một xã hội cần đến sức mạnh cùng tột bắt buộc đề cao tù trưởng cùng tột. Cho được vậy nhiều khi phải dùng đến phép thần thánh hóa, để có thể chiếm đoạn trọn con người cá thể. Do đó nảy sinh những hệ quả sau:

b. Chủ nô:

Đó chỉ là hệ quả của tinh thần đề cao tù trưởng đến cùng cực: xem mình hầu như không còn giá trị nào hết tất nhiên đưa đến liên hệ chủ nô. Chủ chiếm mọi quyền hành, dành cho nô mọi nghĩa vụ với sự suy phục trọn vẹn, hậu quả tất nhiên là lối sống rập khuôn đoàn súc vật dưới quyền kẻ chăn, in sâu vào xương tuỷ người dứơi lòng phục tùng an phận kiếp sống của đoàn vật bị chăn ngoài đồng ruộng hay nhốt trong chuồng.

c. Giai cấp:

Đây cũng là hệ quả của tương quan chủ nô. Chủ không thể bao hết việc nên cần người giúp. Để tăng quyền uy cho chủ thì những đầy tớ ở gần chủ cũng được san sẻ quyền uy, nhiều khi cũng được thần thánh hóa bằng cách sinh ra bởi thần, thí dụ thần Zeus bên Hy Lạp, do đó thuộc hàng quý tộc. Nhưng gái nhiều mà Zeus chỉ có một, nên dầu cái cò có nhấp nháy thâu đêm thì quý tộc cũng chỉ chiếm lối 20% dân. Còn lại toàn dân là một đoàn nô. Nếu dùng giải pháp thần sinh trực tiếp không qua đàn bà như thần bên An Độ thì sĩ số quý tộc đã không đông hơn, mà thân phận nô lệ còn xuống một bậc nữa, vì xã hội chia không thành giai cấp mà là đẳng cấp (caste).

d. Khinh việc làm:

Săn hái là giai đoạn có ăn mà không phải làm. Tinh thần ăn sẵn này truyền lại cho quý tộc: coi việc làm tay chân là hèn (serviles do tiếng servus là tôi tớ, nô dịch): người quý tộc không hề mó tới công việc chân tay, lao động bị coi là bất xứng với người thoang dong, chỉ đáng dành cho nô dịch. Còn họ chuyên cố nghệ thuật như nói năng, viết lách, lý luận… Từ lối một thế kỷ nay, các nhà tư tưởng xã hội Tây Au đã nhận ra chỗ sơ hở quá đáng nọ mới ầm ỹ đưa ra nào triết thuyết cần lao, nào đức lý lao tác. Nhưng vì quá mới chưa đặt xong nền tảng nên còn đầy những sơ hở (xem chương An Vi trong Phong Thái An Vi, 96).

e. Thiên nhiên và đàn bà bị đàn áp:

Nét đặc trưng và tiêu biểu cuối cùng của du mục là chống phá hay ít ra ly lìa thiên nhiên mà thí dụ tâm lý là những tình cảm tự nhiên như yêu thương cha mẹ, quê nước bị dẹp bỏ. Thí dụ về xã hội là đàn áp đàn bà, còn trong triết học là né tránh tình cảm, nghệ thuật. Ưa thích lý luận trừu tượng xa thực tế.

3. Nông nghiệp

Muốn nhìn ra khuôn mặt văn hóa nông nghiệp chỉ cần lật ngược bảng trên sẽ được 5 điểm khác như sau:

a. Liên đới trách nhiệm thay cho độc tài:

Đức tính “dân chủ” này ban đầu có thể nảy sinh do việc cấy cày gieo gặt đòi rất nhiều công việc tỉ mỉ và nhẫn nại, nên từ nhỏ tới lớn tất cả mọi người đều có việc: lớn việc lớn, nhỏ việc nhỏ, không ai được ngồi rồi trong hai mùa gieo gặt. Trái lại ai cũng làm và làm tận tình vì thế khai thác một thửa ruộng thì năng suất của gia tộc vượt xa của đoàn thể lớn.

b. Gia tộc:

Điểm hai không cần đến đoàn người lớn lao như trong việc chinh phục mà chỉ cần từng đoàn nhỏ; một thị tộc, một đại gia đình đã có thể khai thác một mảnh đất, nên người đứng đầu là trưởng gia tộc, một tổ phụ, cai trị như cha mẹ: đó là xã hội tình, quyền uy tuy cần thiết cho công việc kết quả, nhưng được tiết giảm do bầu khí gia tộc: trách nhiệm trở thành liên đới hơn là độc tài.

c. Ngũ luân:

Bên nông nghiệp thay vì một luân duy nhất là chủ nô thì có tới năm luân là vợ chồng, cha con, vua tôi, anh em, bè bạn.

d. Tôn ti thay cho giai cấp:

Tôn ti cũng gọi là môn cấp theo câu “môn đăng hộ đối”. Đó là một thứ cấp bậc dựa trên phú quý, khác hẳn giai cấp dựa trên tín ngưỡng và pháp luật là những gì đựơc tin là linh thiêng trường cửu vựơt quyền cá nhân. Cá nhân dù giàu sang hay thông minh như triết gia Epitecte vẫn không thể thoát vòng. Ngược lại tôn ti không bị pháp luật hay tin tưởng ràng buộc; đã vậy còn những yếu tố làm nhẹ sự xa cách như giàu nghèo không quá chênh lệch nhờ chế độ bình sản, nên giàu nghèo không cố định, lâu đời. Ca dao nói: Ai giàu ba họ, ai khó ba đời.

e. Đề cao lao tác:

Lao tác được coi trọng đến cùng cực: được đặt trên tận nền tảng tam tài là trời đất người. Nếu trời làm thì người cũng làm. Đó là nền tảng sâu xa hơn hết về triết lý lao động như sẽ bàn thấu đáo trong một chương khác.

4. Công nghệ

Bây giờ bàn đến tinh thần thời ba, cần phải nói ngay rằng: Mosieur Lefèbre étouffe madame le Sage: “ông Công bóp cổ bà Thông”, tức du mục tiếp tục đè đầu cỡ cổ nông nghiệp. Ong Công là công nghệ đè bẹp bà Thông là tinh thần, là minh triết thường đi với nông nghiệp có nguyên lý mẹ nên gọi là bà Thông (home sapiens). Nói một các cụ thể là xã hội lý thắng xã hội tình. Kẻ sĩ phải nhường bước cho trí thức. Câu “mạnh được yếu thua” thuộc tinh thần săn bắn, du mục nay vẫn được dọn đồ đoàn sang ngự trị giai đoạn công nghệ, trong đó có hai điều nổi bật là giàu nghèo chênh lệch gia tăng và tương quan chủ nô trở nên quá đáng, đến độ các chủ cũng trở nên nô luôn, nô cho tiền bạc, đêm ngày chỉ lo sao để làm ra tiền, rồi dùng tiền vừa kiếm được làm vốn để kiếm tiền nữa: make money to make money chẳng cùng, tức là chúi đầu vào tròng nô lệ cho tiền vậy.

5. Phong lưu

Theo nghĩa thông thường phong lưu giống như ăn chơi, chỉ những người khỏi phải bận tâm về lo ăn lo mặc có thể ngao du nay đây mai đó. Theo nghĩa sâu của triết lý an vi, phong lưu là tâm trạng con người biết sống hoà đồng với vũ trụ, an nhiên thanh thoát như luồng gió thổi (phong) như lượn sóng trào (lưu) không bận tâm chi cả: toàn thể vũ trụ là nhà mình, hơn thế là tâm mình: “vũ trụ tiện thị ngô tâm”. Đó là tâm trạng của những người đã hiện thực được chiều kích đại ngã tâm linh, lúc ấy việc đủ ăn đủ mặc đến với mình như hệ quả, vì nếu nhân biết hòa, thì thiên tất sinh, địa tất dưỡng.

Muốn đạt điều đó giáo dục phải đề ra được một nền triết lý ám hợp sẽ gọi là triết lý an vi. Trên đường tìm kiếm ta hỏi liệu những triết lý trước thuộc du mục và nông nghiệp có thể đóng góp được những gì cho việc kiến tạo triết lý nọ? Vì việc kiến tạo này trở nên tối cần thiết. Hiện nay giai đoạn phong lưu đã hé mở do sự tiến bộ vượt bậc cơ khí, dẫn đến đợt “tự điều khiển” (automatization) với kết quả tất nhiên là rút số giờ làm việc xuống ít hơn: từ một đến vài ba trăm lần. Thế là bao thợ bị đẩy vào giai đoạn ăn chơi. Nhưng khổ một điều là có ăn mới chơi được, nên ngôn ngữ Việt gán ăn vào chơi như trước đã nói “ăn làm”, nay cũng phải nói “ăn chơi”. Nhưng có làm mới có ăn. Nay hết làm lấy đâu ăn? Tinh thần du mục đã không giải quyết nổi vấn đề ăn làm (quá chênh lệch) làm sao có thể giải quyết vấn đề ăn chơi, chơi cũng phải có ăn cũng như phải có tự do. Thiếu tự do, có chơi cũng chỉ là đóng kịch. Đó là chỗ nói lên sự cần thiết phải có tinh thần công thể (esprit communataire) tức là kiểu nói để chỉ xã hội tình, xã hội xây trên mẫu mực gia tộc, coi mọi người như thân nhân. Nhưng với du mục con người coi nhau như sài lang, như con vật tuân theo luật cá lớn nuốt cá bé. Một số triết học gia hay chính trị gia cho đó là luật chung không thể khác được. Nhưng tinh thần nông nghiệp lại cho con người là “nhân linh ư vạn vật” nên có thể khác, và phải khác.

Nếu người lại cũng ăn người thì còn linh chỗ nào. Nếu trong các giai đoạn trước đã không may xả ra như thế là vì con nguời chưa chui ra khỏi tình trạng súc vật. Nhưng nay phải cố lột xác để mặc lốt Người (viết hoa), theo đó mỗi người coi nhau như thân nhân. Điều đó cho tới nay mới chỉ hiện thực được phần nào trong các xã hội theo tinh thần nông nghiệp. Vì thế chúng ta có thể quả quyết chính tinh thần nông nghiệp mới đưa được con người vào giai đoạn phong lưu. Bởi vậy cần nghiên cứu thêm.

6. Triết lý nông nghiệp

Khi mới đi vào nền cổ học, đôi khi tôi gặp ý kiến của một hai học giả ngoại quốc nghiên cứu về Việt Nam cho rằng càng đi sâu vào miền bưng biền lại càng gặp nhiều triết nhân… Tôi cho đó chỉ là câu nói chủ quan. Nhưng sau thấy nhiều học giả nhận xét tương tự Nietzsche rằng: dòng giống tốt nhất tại Đức ở trong huyết quản nông dân. Câu chung hơn nữa của ông Columella rằng: “Đời sống thôn dã có họ máu hàng dọc với minh triết”, hoặc nhiều câu tương tự “Chớ lầm là dân ngu vì họ là những triết nhân”. Đó là những chứng từ vô tư, phát xuất từ những người không biết nhau, nên có tính chất “khách quan” đủ cho ta lưu ý để tìm lý do.

Vậy lý do trước hết và cũng là nền tảng ở tại chỗ thôn dân sống gần thiên nhiên, theo tiết nhịp của thời tiết, Việt Nho kêu là “thiên nhân tương dữ” tức con người cũng tham dự trong một tiết nhịp với trời đất và đó là nền tảng Minh triết: “thuận thiên giả tồn”. Trong khi đó, người thị dân sống xa lìa thiên nhiên, rồi lại tuân theo các lý thuyết này nọ hầu hết do lý trí cá nhân suy ra bên ngoài trời đất, như trường hợp La Hy, kiến tạo do quý tộc sống xa lìa các việc cụ thể, thiếu dịp tiếp cận với thiên nhiên, có tính cách trừu tượng, thiếu hẳn nguyên lý giúp họ thích ứng với thổ nghi. Thành ra “triết học là thành trì cho sự chối bỏ cuộc đời” (Nietzsche). Roger Bacon đã đoan quyết là ông học được nhiều khôn ngoan, nhiều chân lý quan trọng với thường dân hơn là với những tiến sĩ danh tiếng. Dân gian mà được như thế là nhờ sống thuận theo thời trời, học thẳng với thiên nhiên, như câu nói “thần nông nhân miêu phi giáo”: Thần nông nương theo mộng (mạ) mà giáo hóa. Câu đó nói lên lối sống sát thiên nhiên.

Sứ điệp Trống Đồng (14)

Đó là lý do tại sao Viễn Đông có Minh triết khi hiểu Minh triết là triết lý biết lo cho con người, mọi con nguời, mọi nhu yếu thâm sâu của con người, và đó cũng là lý do tại sao trong thôn dân Viễn Đông có nhiều triết nhân với đời sống ăn làm hợp theo thời trời đã không bị kẻ sĩ coi khinh còn đựơc thăng hoa lên thành triết lý, với một số câu được truyền từ miệng này qua miệng khác để có thể nói: toàn dân đều “biết” triết lý: “phu phụ chi ngu khả dĩ dự tri yên”.

Tóm lại, thời kỳ nông nghiệp đã qua, nhưng về văn hóa, thì kết tinh của nó đã là nền triết lý trung thực nhất, phụng sự con người một cách đắc lực nhất và còn tỏ ra rất cần thiết trong việc giúp kiến tạo xã hội người, hơn bất cứ nền thuyết lý nào khác đã xuất hiện từ trước tới nay. Vì thế nó sẽ có thể góp phần lớn vào việc kiến tạo nền triết lý an vi, một nền triết lý mới cần cho giai đoạn mới, giai đoạn của con người phong lưu an lạc làm ít chơi nhiều mà ta đã thấy lác đác đó đây một số hình ảnh như các sói con trong hướng đạo, hay các cô múa vui của Mỹ trong các trận đấu banh. Tiếng Mỹ gọi là cheerleader mới đúng được có cheer, còn leader thì chưa hẳn vì leader bao hàm một đích điểm cùng cực. Thế mà cuộc chơi đó mới là chơi giải trí để làm việc nữa, chưa phải chơi để cho tâm hồn có dịp gặp gỡ “vũ trụ chi tâm” thấy xuất hiện cả về hình dáng lẫn tinh thần trong Hồng Bàng Thị (nhà chim) nơi mẹ Au Cơ đẻ con theo lối chim: đẻ trứng và khi các con ca múa thì mặc cánh chim, mang xiêm lông chim, đội mũ lông chim để biểu thị sự bay lên với Đại Ngã. Đó là hình ảnh cho hai chữ phong lưu: phong là gió hay chim bay, còn lưu là nứơc chảy, xem xuống tang trống sẽ thấy có nước có thuyền đang tiến theo dòng sông đầy vui tươi an lạc. Khó tìm đâu ra được một hình ảnh đẹp đẽ hơn, đầy đủ hơn về cảnh phong lưu, một giai đoạn mà lý tưởng của văn minh cần phải đạt tới như bước cuối cùng.

(còn tiếp)