Sứ điệp Trống Đồng (6) - Ý nghĩa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3382 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

1. Sức nặng của từ trống


Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống.


Trống nghĩa là chi mà lại chơi vai trò quan trọng quá thế? Thưa trống theo nghĩa thông thường là rỗng, ở đây có nghĩa là để trống một mặt không bịt đáy, không bưng cả hai đầu. Loại trống bít bùng này phát xuất từ miền Bắc du mục gọi là cao thường được dùng trong lúc đánh giặc. Khi truyền vào miền Việt tộc ban đầu chỉ được dùng trong việc kiện cáo (H.46).

Sứ điệp Trống Đồng (6) - Ý nghĩa


Ngược lại trống xuất hiện từ Việt tộc chỉ thị đức trung ương gọi là Tham lương tức sự thông hội giữa trời đất người. Để sự thông hội có điều kiện hiện thực nơi người thì tâm hồn cần phải để trống rỗng. Vì thế lấy từ Trống đặt tên cho hiện vật mà Tàu kêu là cổ là cao. Ngoài nghĩa thông thường từ Trống còn hàm ngụ một ý rất sâu xa quan trọng nữa, nhưng trước khi đi tìm ý nghĩa sâu xa cần xét rộng xem có phải vì tình cờ mà cái Tàu gọi là cổ được Việt đặt tên là Trống, lúc ấy ta mới thấy tên Trống không là một tên cầu âu, nhưng là một tên đã được lựa chọn nằm trong môi sinh tinh thần ứng hợp như được chứng tỏ bằng nhiều vật dụng khác cũng để trống một đầu. Sau đây là thí dụ:


Cái trống Bộc của Bộc Việt (tức Lạc Việt) không có đáy.


Đàn bầu không có đáy.


Trống quân còn gọi là trống đất cũng để một mặt trống.


Bên Tàu cổ đại có thứ nhạc khí quan trọng dùng để mở đầu các bản nhạc cũng để trống một mặt, quen gọi là cái Chúc nhưng trước nữa kêu là cái Không (xem Kinh Thi, Couvreur p.430). Vậy mà trống cũng giữ vai trò mở đầu: mọi hội hè đình đám Việt bao giờ cũng khai mạc bằng ba hồi chín tiếng trống, nên cũng chơi vai trò giống cái Không là khai mở. Cả hai đều mang tên theo chức năng căn bản: một đàng Trống, một đàng Không.


Lại còn vụ trầu không cũng trở nên đối tượng tôn kính được rước trọng thể như thấy ở thôn Tam Đảo, xã Tam Ninh đã rước trầu không vào ngày chính trong tuần kinh Thánh Dóng. Tại sao trầu lại được như thế mà cau với vôi thì không? Chắc là chữ không trong bộ chữ “trầu không” có liên hệ quan trọng đó: chính chữ không đem lại cho trầu vai trò mở đầu câu chuyện, cũng như là vai chính trong truyện trầu cau. (1)


Xem thế đủ biết chữ Trống không phải vô tình mà là hữu ý đặt cho cái trống. Trống vừa là danh từ vừa là động từ: cái Trống (danh từ) chỉ việc quan trọng hơn hết là để Trống tâm hồn. Đó là đức trung ương bao trùm mọi đức khác, nên lấy từ Trống đặt cho hiện vật có sự mạng mở đầu mọi cuộc lễ hội.


Điều này còn được kiện chứng do cách đánh trống và tang trống.


Trước hết là tang trống với quy mô to lớn gồm ba phần là tang, thân, chân. Theo lối nhìn của nhạc sĩ:


Tang giữ vai trò chứa đựng âm thanh

Thân cộng hưởng

Chân truyền âm


Ngược lại với con mắt triết ba phần trên rõ rệt nói lên tam tài trời, đất, người mà điều quan trọng là cả ba thông hội với nhau để làm thành một thể, như sau này Nho nói “thiên (địa) nhân tương dữ” và được biểu thị bằng nhiều vật như cái cô, có ba phần thông nhau. về sau người ta mất ý thức đem bịt kín đường thông hội giữa ba phần khiến Khổng Tử than rằng: “Cô bất cô: cô tai! cô tai!” nghĩa là cô mà thiếu thông hội (cô) thì gọi là cô cái nỗi gì (chữ Cô cũng giống như chữ trống, vừa là danh từ cô, vừa là động từ Cô viết hoa để chỉ thông  hội).


Sứ điệp Trống Đồng (6) - Ý nghĩa


Theo câu đó ta có thể nhại rằng trống mà bịt kín thì còn Trống ở đâu, Trống ở đâu: “Trống bất Trống: Trống tai! Trống tai!”


Sự thông hội này còn thấy nổi bật hơn nữa khi xét tới các lối đánh trống.


- Kiểu đánh được chạm trên mặt trống là để cái trống trên cọc cằm thông xuống đất. Chú ý chữ Thông là để nói lên rằng cọc không chỉ có ý nâng trống mà còn chơi vai trò thông hội với đất.


- Lối khác thì đánh để trống trên mặt nước cũng hàm ý thông đạt với đất với nước.


- Hoặc lối đánh bằng chày rỗng có chứa nước bên trong (ống tre), hoặc khi đánh thì chao vật có hình phễu dưới trống, như còn thấy nơi người Dayak ở đảo Borneo.


Sứ điệp Trống Đồng (6) - Ý nghĩa


Lối biểu lộ rõ nhất sự thông hội cộng hưởng truyền âm là của người Mường gọi là “Chàm Thau” đại để như sau:


Trống được treo trên 4 cọc cách mặt đất 20 phân, bên dưới có đào lỗ tròn sâu 30 phân. Các người đánh gồm một người cái và nhiều người con (theo lối múa trống của Việt Nam một người cái 4 người con, hoặc 4 cặp người con). Các người con đánh nhịp chung quanh vành trống, người cái đánh khắp mặt trống, từ trong trở ra có độ trầm bổng khác nhau, đánh được bài bản. Lối đánh với chày đứng trên đây giống lối giã gạo chày đứng mà người Mường kêu là “Chàm đuống” (chàm là đâm) nên đánh trống kêu là đâm trống: “Chàm thau”.


Người Mường nói rằng đặt trống đúng cách tiếng sẽ vang tới cả hàng huyện. Nếu hỏi thế nào là cách đặt trống đúng cách, ta có thể tìm câu thưa hàm ngụ trong cách họ treo trống cách đất 20 phân, đào lỗ tròn sâu xuống 30 phân: 30 phân chỉ ba trời (tham thiên), 20 phân chỉ hai đất (lưỡng địa). Đó là cách hiện thực tác động giao thoa giữa hai chỉ trời đất, hoặc đó là cách cụ thể hóa câu:


Đồng thanh (trời) tương ứng,

Đồng khí (đất) tương cầu.


Lối thưa bằng số trên (2 trời 3 đất) có thể giải rộng bằng ẩn dụ được ghi lại trong Tiền Hán Thư (quyển 76 tr.101) về cửa sấm của thành Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang, nơi ấy có treo cái trống lớn, khi nào con Bạch Hạc bay vào cửa thành mà chạm phải thì tiếng kêu vang tới Lạc Dương. Đó là lối đánh trống đúng cách. Trống phải Trống, nói bóng là hạc phải trở nên trắng, phải trở nên “bạch hạc”, mà bạch hạc là hình bóng tiên, tức những vị đã giũ sạch bụi trần, tâm hồn thanh thoát thì sẽ đồng hóa với vũ trụ: “ngô tâm tiện thị vũ trụ” chỉ thị bằng số cơ cấu “3-2, tham thiên lưỡng địa”.

 

2. Ý sâu


Chỉ kể sơ qua như trên đã thấy việc dùng chữ trống để đặt tên cho hiện vật không phải do ngẫu hừng mà là một sự chọn lựa cực kỳ tế vi sau biết bao suy tư thâm trầm, lúc ấy chữ Trống có nghĩa là: tâm hồn con người phải được Trống trơn không vương vấn những cái ngãng trở việc đức trời đức đất giao hội, kẻo lấp mất cửa thông lưu của luồng sống và sáng vũ trụ, không cho con người đạt được chiều kích đại ngã tâm linh của mình. Những vấn vương ấy, những trở ngại ấy có vô số nhưng để tiện luận bàn nên được giản lược vào hai mục là bái vật và ý hệ: cả hai đều quá vụ hình thể nên chắn mất đường thông cù. Bái vật vụ hình kiểu thần thoại. Ý hệ vụ hình kiểu bám ý tượng sự vật: cả hai đều là những cái làm ngổn ngang tâm hồn khiến trời đất hết có thể giao thoa nên không có giao chỉ.


Muốn đạt đợt Giao Chỉ tâm hồn phải trống rỗng, phải bỏ hết những cái bé nhỏ đó, nói cụ thể là những ý tưởng căm thù, ghen ghét, những tin tưởng dị đoan bóp nghẹt cuộc sống đều phải xua khỏi lòng để tâm hồn trở nên trống rỗng. Chính sự trống rỗng đó mới linh nghiệm.


Nó giống với con Zêrô thoạt xem tưởng vô ích nhưng chính nhờ biết dùng nó mà toán học đi được những bước khổng lồ. Hy Lạp rất giỏi hình học nhưng không biết vận dụng con zêrô nên không tiến bằng toán Ấn Độ. (*)


(*) Theo ông Berthelot (trong Astro 363) Ấn Độ học được con zêrô với Maya. Vậy giữa Maya với tộc Việt có cùng một cơ cấu văn hóa, nên có thể ngờ rằng con Zêrô đã xuất hiện trong Việt tộc từ lâu


Xét thế thì con zêrô có họ với Trống đồng, cũng như ba vĩ tích của Lạc Long Quân ví được với ba hồi trống tâm linh đã được bố Lạc khua lên để mở hội Văn Lang Quốc tức lập ra một nước mà con người (lang) có thể đạt đợt văn (chữ Văn hàm ngụ trời đất giao thoa).


Đó là khía cạnh tiêu cực, còn tích cực là cái chi không thể nói ra, vì nói ra là đã bị quy định, có mốc giới, vì thế triết lý Đông phương luôn luôn nhấn mạnh đến chữ Không: Nho thì nhắm đặt lý tưởng cùng cực diệu huyền nơi “vô thanh, vô xú” làm cùng.


Lão nói “Chí hư cực thủ tĩnh đốc”.


Phật thì “không không sắc sắc” với “thái hư”.


Cả ba đều nhấn trên vô, thái hư, tĩnh đốc.


Lê Quý Đôn đã tóm ý đó vào mấy câu sau:


“Trời lấy trống không làm đạo,

Đất lấy im lặng làm đạo,

Người có trống không và yên lặng mới với đạo trời đất.

Vì trống không khắc được tự sáng sủa.

Yên lặng khắc được tự yên định.


Lòng có sáng sủa, tình cờ vững định, mới thành công trong việc cùng trời đất tham dự vào việc giáo dưỡng thiên hạ” (hay việc giáo dưỡng thiên hạ nằm trong chỗ đó).


“Thiên dĩ hư vi đạo.

Địa dĩ tĩnh vi đạo.

Phương hợp thiên địa chi đạo.

Cái hư tắc tự minh.

Tĩnh tắc tự định.

Tâm minh định lý.

Tham tán chí công.

Ư thị hồ tại.

               (Vân Đài tr.35)  


Đôi khi có nói kiểu tích cực như “giếng thiêng”, “mạch cam tuyền”, trùng dương chữa muôn khả thể, tâm linh… cũng chỉ là tiêu biểu. Tuy nhiên trong các cách nói đó câu “trời tròn đất vuông” làm nổi lên khá rõ 2 chiều trái ngược: một đàng tròn theo nghĩa không có mốc giới hạn cục, ngược với đất vuông có mốc giới cõi bờ. Chính hai chiều trái ngược không và có đó giao thoa làm nên đạo trời đất, vũ trụ, con người.

 

3. Chiều kích vô biên nơi con người


Nói cụ thể vào người thì con người nhỏ bé cục hạn lại mang trong mình chiều kích vô biên. Đó là kết luận tiên thiên: còn hậu thiên xin hỏi có bằng chứng nào cho thấy như vậy chăng? Thưa có, nó được biểu lộ cách gián tiếp qua lòng ham thích tự do mà đã là người ai cũng cảm thấy sự mong muốn tuy rộng lớn khác nhau tuỳ hoàn cảnh, nhưng còn tự do nào đó thì ai cũng mơ ước một cách thâm sâu. Tự do là chi? Thưa tiêu cực là thoát khỏi ràng buộc, thoát khỏi giới mốc. Thoát nhiều tự do nhiều. Nhưng không bao giờ thoát trọn vẹn vì bản chất con người là kết hợp bởi trời và đất, nên ngoài trời tròn lại còn đất vuông là các giới mốc là điều cần để làm nên con người tiểu ngã cá thể. Vì vậy giới mốc cũng cần cho sự sống y như Trời vậy. Tuy nhiên nếu giới mốc hạn chế quá đáng tự do thì lúc ấy nảy sinh những mơ ước cũng lại phát xuất từ chiều kích vô biên trong mình, đó là mơ ước vượt qua những giới mốc thường được biểu lộ trong các truyện thần tiên, hô phong hoán vũ, độn thổ đằng vân được mọi người xưa yêu thích một cách say mê vì nó bù lại phần nào nền tự do chính thực đang bị hoàn cảnh cướp mất, hoặc những vươn bay trong bầu khí tâm linh man mác chưa hiện thực được. Người thời mới quá duy lý không nhận ra điều đó nên kết án cho là hoang đường mộng tưởng… Nhưng rồi những điều “hoang đường” đó lại xuất hiện dưới nhiều hình thức khác như các phim khoa học giả tưởng, các show Wonder Woman, Bionic Woman, Six Million Dollar Man, Superman… cũng được mọi người ưa thích, vì chúng đáp ứng một nhu yếu thâm sâu không được đáp ứng, không được dưỡng nuôi, đó là chiều kích vô biên trong con người, nên những truyện giả tưởng kia giúp cho con người khuây khỏa lòng đói khát cái vô biên.


Chính trong chiều hướng đó các hình thức bái vật với những tin tưởng vu vơ cuồng nhiệt, cũng như những ý niệm xa thực tế có cơ nảy nở và trở nên tai hại tự lúc con người đặt trọn vẹn tin tưởng vào chúng, phong chúng lên tòa cao lẽ ra phải dành cho vô biên, để chúng nắm trọn quyền định đoạt, từ đấy chúng chắn mất đường thông cù không còn cho đức trời nuôi dưỡng đức đất (nói cụ thể theo tâm lý là không để cho bản năng tiềm thức hướng dẫn lương tri lương năng). Thế là con người bị cơn đói khát sự vô biên, không tài nào lấp nổi được. Đáp ứng sao được vì bái vật cũng như ý hệ đều vụ vào hình tượng đã hữu hạn lại còn kết hợp với nhau thành bức tường cứng đơ, không để một tia vô biên nào xuất hiện lọt qua, trên bàn ăn toàn đồ hữu hạn: thần thoại cũng như ý hệ đều là những đồ có mốc giới bé nhỏ, càng kết nạp, càng xây đắp vững lại càng là duy vật đặc sệt, làm sao nuôi nổi con người vốn mang trong mình chiều kích vô biên.


Nhìn sơ qua lịch sử nhân loại ta đếm được có tới trăm ngàn tôn giáo cũng như thuyết lý đã đề ra mà vẫn không làm con người no thỏa, còn gây nhiều tệ hại như các vụ đốt trẻ tế thần, thiêu sống bà góa, giết hàng bao nhân mang, trong các cuộc thánh chiến. Vậy mà con người cứ còn đổ xô đến các tôn giáo bái vật thì đấy là dấu tỏ rõ trong con người có chiều kích vô biên và chiều kích đó chưa được nuôi dưỡng. Thế là nhu yếu thâm sâu nhất làm nên con người lại bị bỏ đói, chính vì thiếu mất chữ Trống vậy.


Ngoài các tai họa do bái vật và ý hệ một tai họa khác cũng do sự đói khát cái vô biên là lòng tham vô đáy.

 

4. Nhân dục vô nhai


Đó chính là mẹ đẻ ra mọi tai ương, mà nguy hiểm hơn hết là tai họa chuyên chế tức lòng ham làm chủ không những tài vật mà luôn cả con người. Căn nguyên ở tại lòng người có chỗ vô biên mà tài vật lại hữu hạn không đủ sức làm no thỏa, nên hướng lòng khát cái vô biên sang con người, gây ra các tai họa tranh đấu, cướp đoạt, chuyên chế. Đúng là do thiếu Trống rỗng, nên không còn biết dùng con người làm chuẩn như trong luật “giao chỉ” bao giờ cũng lấy người hay cuộc sống trong con người làm chuẩn cho sự thu góp, nói bóng là xứ Nghệ, Nghệ An. Chữ Nghệ sơ nguyên viết bằng hai nét trời đất giao hội, tứ c cuộc sống con người phải là một nghệ thuật: “nghệ thuật sống”. Nghệ thuật là chi nếu không dùng cái hữu hạn để biểu lộ cái vô biên. Ap dụng vào con người vào nghệ thuật sống là “lấy tâm trùm cảnh. Không để cảnh trùm tâm”. Cảnh là con người tiểu ngã với các sự bé nhỏ hữu hạn của nó như tài vật… tất cả cần được bao trùm bởi Đại ngã tâm linh mới giữ được thế quân bình. Cho nên nói được là sứ mạng con người, cứu cánh con người là nuôi dưỡng cho Đại ngã lớn lên, lớn mãi cho tới độ trở thành cái tâm của vũ trụ (vũ trụ chi tâm): khi nào đạt được trình độ đó thì tâm mình ví như mạch nước cam tuyền chảy ra tràn ngập những nước ngọt làm bằng hạnh ph&uacut