Sứ điệp Trống Đồng (8) - Tiến trình từ Việt tới Nho

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2945 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nho chính là một âm vang của “Ba hồi trống thu không” nhưng cho tới nay điều đó không được nhận ra vì trống bị bịt kín còn Nho bị bẻ quặt. Phần hai nhằm khai quang con đường thông hội giữa hai thực thể văn hóa này để minh chứng trống là nguồn suối của Nho. Mối liên hệ nọ cũng như nội dung trống đồng đã bàn ở phần I chính là hai cột cái dẫn vào việc nghiên cứu nguồn gốc văn hóa nước nhà: không nghiên cứu về Nho không thể hiểu thấu đáo về nguồn gốc văn hóa Việt.

 

VII. TIẾN TRÌNH TỪ VIỆT TỚI NHO


1. Biên cương và đặc thù của Việt


Chữ Việt ở đây xin được hiểu rất rộng bao gồm cả Việt Nam hiện đại lẫn Bách Việt, trước nữa là các dân đứng ngoài vòng lễ nghĩa nhà Chu (theo định nghĩa của Lưu Hi đời Hán), trên cũng là toàn thể khối dân sống trong nước Tàu lúc chưa có Tàu xét như một dân tộc riêng biệt. Đó là khối dân mà khoa khảo cổ gần đây gọi là Mongoloids (Pacific 83), nhiều sách quen gọi là Nam Mông Cổ. Khối dân này đã lần lần lan khắp nước Tàu tràn xuống tận đến Mã Lai, Nam Dương vào quãng 2500 B.C đẩy người lớp người trước là Australoids (Pacific 83). Khối Mongoloids chia ra từng trăm chi tộc (Eberhard cho là trên 800) với những tên gọi khác nhau, trong đó một số tên có tầm bao quát rộng, được dùng thay cho toàn khối như Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Hải, Tứ Di, Bách Việt… Sở dĩ tôi đã chọn tên Việt để chỉ đại khối là đứng về mặt văn hóa tên này có tính cách bao gồm cao độ chỉ thị bằng chữ trăm (Bách Việt). So với những tên chung khác như Cửu Lê, Tam Miêu thì cao hơn (H.56). Đã vậy chữ Việt viết với bộ mễ chỉ nông nghiệp là nét nổi nhất chung cho toàn dân chúng. Thứ đến đó là tên duy nhất còn sót lại để chỉ Việt Nam. Thế mà Việt Nam lại có nhiều lý do để được coi như đại diện cho đại chủng xưa kia, vừa địa thế nước Việt là ngã ba đường cho các trào thiên di, nay còn lối sáu chục sắc dân thiểu số sống trong nước. Họ có thể coi là đại biểu cho các làn di dân đi qua Việt và có để ấn tích lại. Lẽ cuối cùng là đất Việt lại tàng chứa trống đồng loại I nhiều nhất, mà đó là điển chương tóm lược các nét văn hóa của đại chủng một cách chói chang. Tất nhiên mỗi chi có những dị biệt về phong tục, văn hóa, nghệ thuật, nhưng lại có những điểm đại đồng. Sau đây là mấy yếu tố coi được như mẫu số chung của cả đại chủng:


Nông nghiệp

Tổ chức xã hội theo lối thôn làng rồi đến liên làng (tổng) mà ngập ngừng lên đợt nhà nước.

Thờ tổ tiên.

Địa vị phụ nữ cao.

Khi múa đeo lông chim.

Xâm mình.

Cài áo bên trái (tứ Di tả nhậm)

Huyền thoại mang nét lưỡng hợp (dual unit)...

Sứ điệp Trống Đồng (8) - Tiến trình từ Việt tới Nho

(H.56: Phủ Việt: trên 2 giao long, dưới 3 người hay 3 vật.)


Đó là mấy điểm lới làm nên những dấu để nhận diện đại chủng Việt. Trong các yếu tố đó điểm cuối cùng nổi bật nhất vì nó là vũ trụ quan có tầm bao quát cùng cực, đã vậy lại kết tinh vào cặp tiên rồng với tục đeo lông chim, vẽ mình rồng mà ta thấy hiện hình một cách tưng bừng trên mặt trống, nên dùng được để định tính chủng Việt một cách trung thực hơn cả như sẽ bàn sau. Ở đây ta hãy liếc nhìn khảo cổ để tìm ra một số nét chung ràng buộc toàn khối.

Trứơc hết trong thời Tân thạch có loại rìu tứ diện (chữ nhật) tìm thấy cùng khắp, phía Đông thêm rìu có vai cũng tìm được khắp tự Sơn Đông xuống tới Việt Nam.


Sau là loại rìu đặc biệt lưỡi cong cùng kiểu dáng với Phủ Việt.


Kế tới đồ gốm gồm có:

- Loại gốm Văn Thừng (cord marked) với kỹ thuật khắc vạch và đóng dấu (incised and stamped).

- Đồ gốm ba chân có đầy ở Đông Sơn, trên Ngưỡng Thiều và Long Sơn nơi đây đặc biệt có cái lịch.

- Văn xoáy ốc ngược kim đồng hồ do hình chim bay xuất hiện vì có chấm mắt (Cradle 362)

Đồ gốm Văn Thừng thấy xuất hiện sớm nhất bên Nhật năm 11.000 tr.c.n. Rồi tới thiên niên kỷ thứ ba thì xuất hiện thời đại đồng thau với những đỉnh, những tước đủ loại mà tựu trung loại 3 chân 2 tai nổi bật lên. Bộ số 3-2 này còn thấy trong những cái qua tìm được ở mạn Nam Tàu cũng như Việt. Đồ đồng xuất hiện ở Đông Nam Á (đã tìm được bên Thái) lối 3000 năm tr.c.n, bên Tàu vào đầu nhà Hạ lối 2000 tr.c.n.

 

2. Nguồn gốc Tàu


Cũng chính vào quãng có đồ đồng này mà nảy sinh một dân tộc mới sau sẽ gọi là Tàu: đó là vài ba bộ lạc ở vùng núi Hoa trong tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, tuy cũng là dân nông nghiệp nhưng ruộng khô, cấy lúa gọi là thủ là tắc, vì ở tiếp cận với du mục Bắc phương nên dần dần tạo nên một văn hóa mới có nhiều chất du mục, tôi sẽ gọi là văn minh du mục, còn chữ văn hóa (nông nghiệp) dành cho đại khối Việt (*). Nền văn minh du mục gồm mấy điểm khác biệt sau:


Có vua và nhà nước

Quân đội lớn và chuyên nghiệp.

Thành thị, xây tường luỹ bao quanh.

Pháp hình

Nghệ thuật đồ sộ tách khỏi vật dụng: cung điện lớn lao, mồ mả đồ sộ.

Chữ viết

Xe ngựa…


Đó là mấy nét lớn thường gắn bó với nhau, cái nọ đẻ ra cái kia: muốn có sức mạnh tất phải có quân đội thường trực (chứ không tụ họp dân khi cần kiểu Thánh Dóng). Đã có quân đội mạnh tất phải có thủ lãnh đây uy quyền nên nảy sinh ra vua, pháp luật, chữ viết là những cái cần cho việc tập trung và kiểm soát. Uy quyền vua được biểu lộ bằng cung điện nguy nga, mồ mả to lớn kèmvới mỹ thuật vĩ đại, thường rời khỏi những nhu yếu đời sống thường ngày và mang theo những kích thước đồ sộ, thí dụ có cái đỉnh của Tàu nặng tới 875 kg đang khi các trống loại I chỉ lối vài ba chục kí. Chính những điều này (kích thước lớn lao, nghệ thuật chuyên biệt, cung điện đồ sộ…) làm nên những nền nghệ thuật sáng chói được các nhà nghiên cứu trình bày cho thiên hạ chiêm ngưỡng ca ngợi coi như những đỉnh cao chót vót của văn minh. Nhưng đến nay lác đác đã có những học giả nhận ra rằng những đỉnh văn minh đó cũng chính là thước đo sự trầm thống khổ luỵ của đại chúng bị nô lệ hóa cho mỹ thuật kia được thành tựu, đến nỗi phải nhìn nhận rằng con đường dẫn đến đài văn minh cũng chính là con đường nô lệ hóa phần đông nhân loại. Đấy là lý do tại sao Việt tộc đã không chịu bước vào văn minh mà cứ muốn ở lại trong tình trạng văn hóa với chế độ liên làng, bộ tộc, vì đó là chế độ thuận lợi hơn cho hạnh phúc con ngườ, đến khi cùng chẳng được bó buộc phải bước vào văn minh thì cố duy trì những yếu tố văn hóa cổ sơ để làm ra một nền văn hóa đặc biệt gọi là Việt Nho như sẽ bàn sau. Tuy nhiên chỉ có đặc biệt trong việc duy trì văn hóa chứ còn việc trốn né văn minh thì không cứ Việt tộc mà cả nhân loại cũng thế, vì đó là trốn nô lệ, nhưng không trốn được mà tất cả bị còng tay lôi vào nẻo văn minh. Sự việc xảy ra đại loại như sau:


Trong một hai bộ lạc nào đó xuất hiện một hai kẻ có đại tài, thế là bộ lạc đó được tổ chức mạnh đủ sức đi chiếm đồng cỏ, chinh phục người về làm nô lệ, và cứ thế mà lớn mạnh trở nên đế quốc. Thế là mấy dân tộc lân cận cũng bó buộc phải trở nên mạnh: phải có quân đội, có vua, cũng như các yếu tố văn minh khác. Thế rồi những dân lân cận của những dân đã văn minh này nếu muốnbảo vệ đất đai cũng phải trở nên mạnh theo. Thế là lần lượt toàn cầu phải đi vào văn minh để đủ sức đấu tranh mà sống còn với nước khác. Còn nội bộ thì đấu tranh với nhau, kẻ được làm chủ, kẻ thua làm nô, đó là đấu tranh giai cấp. Tôi gọi đó là tinh thần du mục và cho văn minh với tinh thần đó đi đôi. Diễn tiến trên đã xảy ra khắp nơi từ Sumer bên Lưỡng Hà, qua Ai Cập cho tới Au Châu, cũng như Siberia… lâu trước và đã đè bẹp hết mọi nền nông nghiệp đã xuất hiện khắp nơi. Về sau nó cũng đã xảy ra cho khối Đại Việt vào cuối thiên niên kỷ thứ ba hoặc đầu thứ hai, và lần lựơt chinh phục các chi tộc của Việt tộc hoặc bằng đồng hóa, hoặc đẩy lui xuống phía Nam, nhưng khác với Lưỡng Hà và Au Châu ở chỗ nền văn hóa của Đại chủng Việt quá lớn mạnh cả về tinh thần lẫn đất đai, vì thế nó đã không ngã quỵ mà còn cải hóa được phần nào văn minh du mục để làm nên cái gọi là Nho và đến giai đoạn văn minh này thì Nho được công thức hóa, được chép ra văn tự, do vậy người ta đã đồng hóa Nho với Tàu mà quên phần tinh thần, phần căn bản đã xuất hiện lâu đời trước khi chưa có dân tộc Tàu, chưa có chữ Nho. Không còn ai phân ra rằng chính tinh thần, chính văn hóa mới là phần căn bản, chữ viết chỉ là phương tiện để ghi chép, nó không phải là tinh thần Nho mà chính là tinh thần văn hóa nông nghiệp, là tinh thần còn có mặt mạnh hơn ở những chi tộc Việt chưa có chữ Nho trong đó Lạc Việt là một, vì thế tôi gọi là Việt Nho để phần gốc này khỏi bị lãng quên.

 

3. Nguyên Nho


Nho giáo là di sản chung của mấy nước Đông Nam Á như Tàu, Nhật, Hàn, Việt… cho nên với Viễn Đông chữ Nho là “văn trường chung” kiểu như Tây có “thị trường chung” vậy. Khác nhau là văn trường đi sâu tận tâm hồn, còn thị trường thuộc vòng ngoài kinh tế.

Như trên đã nói tuy mọc lên từ gốc Việt nhưng về sau Nho được coi như một ngành riêng biệt bên ngoài Việt là do sự lép vế dần của Việt tộc.

Sở dĩ như vậy vì văn hóa Việt tộc gặp một tình trạng thất lợi quá lớn: bị nằm ép giữa hai khối văn hóa khổng lồ là An Độ và Trung Quốc (Trung Quốc biểu thị bằng Vạn lý trường thành, An Độ bằng Chiêm thành vạn tượng). Việt Nam nằm giữa phải chịu trận cả hai đầu. Sự vụ này xảy ra về phía Bắc rõ nhất từ đời nhà Thương. Còn phía Nam có thể nói suýt soát và đầu công nguyên dưới hai thình thức Bà La Môn trước rồi Phật giáo sau, cả hai đã lôi các nước Miến, Thái, Mên, Lào, Chiêm Thành, Indonesia, Mã Lai và nhiều đảo Thái Bình Dương ra khỏi khối Viêm Việt để đưa vào quỹ đạo của nền văn hóa khác một trời một vực. Hai nền văn hóa An và Việt đã giao thoa ra sao, các dân Viêm Việt còn giữ lại được những gì là một đề tài phức tạp dành cho các sử gia. Ở đây chúng tôi chỉ chú ý đến phía Bắc để bàn về cuộc giao thoa giữa Việt và Nho.


Theo truyền thuyết nguyên Nho xuất hiện vào thời Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Xin nói ngay rằng đó không là những nhân vật lịch sử mà chỉ là những sơ nguyên tượng ghi lại những nhận thức đầu tiên về văn hóa của đại chủng Việt như Phục Hy làm ra Kinh Dịch, Thần Nông sáng nghĩ ra nghề nông, Nữ Oa đặt ra phép hôn phối hay đúng hơn là linh phối v.v… Đây là những “nhân vật” đã xuất hiện lâu đời trứơc khi có Nho và trên phần đất còn là của Việt.

Từ đó chúng ta có thể kết luận sang bình diện văn hóa là Viêm Việt đặt nền móng trước hết được biểu thị bằng tích Phục Hy đặt ra Kinh Dịch, xem thấy Hà Đồ, Nữ Oa đặt ra đàn cầm 5 giây tức ngũ hành (Nữ Oa luyện đá ngũ sắc), Thần Nông đặt ra y học, nông học v.v… vì Kinh Dịch, Ngũ hành, nông học… sẽ là cơ sở của Nho sau này, nên kết luận được rằng Viêm Việt đã đóng góp phần quan trọng nền tảng nhất trong việc hình thành nguyên Nho, một tinh thần nông nghiêp vĩ đại.

 

4. Tinh Thần nông nghiệp


Trong nông nghiệp có hai lễ quan trọng là gieo và gặt đã xuất hiện rất lâu đời mà sự biểu lộ là lối hát cặp đôi như hát trống quân, ca lý liên, với tục hợp thân trên cỏ (đạp thanh). Những khối tượng đang giao hợp trên thạp Đào Thịnh, hoặc hình hai con sấu giao tay có thể coi là đang diễn lại những màn chính của lễ nông nghiệp xưa, nó là tục chung cho cả Việt cũng như Tàu thái cổ, nó chỉ tôn giáo phong nhiêu với niềm tin sự giao hợp theo nghi lễ sẽ thông sức phong phú cho vũ trụ, cho mùa màng. Chính sự giao hợp này đã được trừu tượng hóa thành hình tam giác gốc trong các trống đồng.

Nói người Tàu thái cổ là muốn chỉ những người Tàu còn giữ rất nhiều phong tục tập quán giống với đại chủng Việt, nên lối sống cũ của họ là những bằng chứng về một nguồn gốc văn hóa chung. Lối sống đó cũng gần như lối sống các dân phương Nam, như được chứng tỏ trong Kinh Thi, thí dụ bài sông Trăn, sông Vĩ chính là tục hát đối đáp giữa hai cô cậu và khi cô cậu ưng nhau liền hiện thực nghi lễ vừa hát vừa lội qua sông rồi hợp thân ngay trên đồng cỏ, chữ Nho kêu là bôn. Chữ bôn viết với bộ hủy là cỏ (xem tả kỹ trong Maspero, Taosime p.230). Cùng với lúc đó có những lễ nghi chính thức mở mùa trống quân như lễ xuất hỏa trước, rồi lễ Nam giao sau. Cả hai nhằm mở đầu cho các lễ hội mùa xuân, được coi là thành phần lễ gieo.


Sứ điệp Trống Đồng (8) - Tiến trình từ Việt tới Nho

(H.57: Giã gạo chày đứng)


Ban đầu các lễ xuân được tổ chức chung cho cả nhà cai trị cũng như dân chúng như còn để ấn tích trên mặt trống, sau kêu là “Trống” quân. Truyền thuyết kể các tổ mẫu nhà Thương, nhà Chu đều thụ thai theo tục trống quân. Bà Giản Địch nhân nuốt trứng chim én (ngày xuân con én đưa thoi) sinh ra tổ nhà Thương. Bà Khương Nguyên đạo vào lốt chân người to lớn mà có mang sinh ra tổ nhà Chu. Tóm lại vua quan cũng mừng lễ gieo như dân, chỉ khác là trọng thể hơn.


Về lễ gặt bên Tàu xưa có lễ “bát chá” để cảm tạ 8 vị thần mà đứng đầu là thần gặt (Taoisme p.21). Vua quan phải mặc áo thường dân để tham dự… Chữ bát chá là tiếng đời Chu, trước nữa kêu là Lạp, Việt kêu là chạp (tháng chạp) tức là tháng bế mạc gặt hái.


Trên đây chỉ kể sơ qua về hai lễ xuân, thu để nói lên Tàu, Việt xưa cùng một cơ cấu xã hội nông nghiệp với tục lệ gần nhau. Ngoài ra còn nhiều tục khác cũng “đại đồng tiểu dị” như tục tả nhậm, sau còn in dấu trong việc đề cao bên Chiêu, bên Đông, trong thứ tự chiêu mục.


Tục đeo lông chim khi ca vũ như trên mặt trống đồng cũng thấy được ghi trong cổ sử từ đời ông Thuấn cho đến trường Bích Ung của nhà Chu và được duy trì trong lễ tế Nam giao. Tinh thần công thể được biểu thị bằng định chế tỉnh điền, sau đổi ra ban điền, công điền v.v… giống công xã nguyên thuỷ của Việt tộc, về số vật tế cũng gồm:


Tế tam sinh (số 3) là cừu, bò, heo.

Còn ngũ sinh (số 5) thì thêm gà và chó giống Việt như đã được khảo cổ chứng minh.


Tóm lại trên đây chỉ là mấy khái niệm tổng quát mà các khoa nhân văn sẽ tìm thêm chi tiết; với triết thuyết bấy nhiêu đã tạm đủ để kết luận được rằng càng ngược về trứơc càng thấy nhiều điểm giống nhau giữa Nho và Việt, nhưng sự khác biệt dần dần đến sau như:


Thứ nhất, hát trống quân ở các chi Việt (như Thái) thì con nhà quý tộc cũng đi dự như mọi người, không có sự phân biệt như bên Tàu. Bên Tàu có phân biệt là do sau chứ ban đầu thì không, như đã nói trên, về sau mới có thêm lễ cầu môi và nhiều luật pháp do vương quyền đưa ra để kiểm soát hôn phối, rồi tìm cách hạ giá trống quân vì là lối tự do kết hôn của dân gian không cần đến vương quyền, nếu không bắt vào tròng cầu môi vua thì làm sao kiểm soát.


Thí dụ thứ hai là đàn bà ở cả Việt lẫn Tàu thái cổ đều có địa vị cao, nhưng bên Tàu càng ngày càng bị dìm xuống sâu (như đã nói trong Việt Lý Tố Nguyên). Vậy cần nghiên cứu cái bước bật rễ đó, vì nó là khúc rẽ của tình và lý để nền văn minh mới ra đời mang bộ mặt khác hẳn với Nguyên Nho, đến nỗi cần phải gọi bằng một tên khác đó là Bá Nho hay Hán Nho, tức là Nguyên Nho đã bị pha nhiều yếu tố du mục.

 

5. Du Mục


Những yếu tố du mục đã lần lượt đi vào nước Tàu từ thời khuyết sử, màn mở đầu được huyền thoại gọi là Hoàng Đế chiến Si Vưu. Ở đây Si Vưu đại biểu nông nghiệp bị xâm chiếm do Hoàng Đế, nhưng đó mới là huyền thoại. Còn sự chiếm đoạt có bằng chứng sử sách phải kể từ nhà Thương, với sự chiếm đoạt nghệ thuật như di chỉ Long Sơn chứng tỏ. Đến nhà Chu đã đưa vào văn tự của Nho 4 yếu tố sau:


Ý niệm thiên tử với thiên mệnh đề cao nhà vua.

Luật hình làm gia tăng oai quyền cho vua.

Hoạn quan đẩy quyền sở hữu đàn bà của vua đến độ tuyệt đối.

Chuyển tài sản từ tay công xã nguyên thuỷ sang tay phong kiến cũng là tuyệt đối hóa tài sản của vua.


Tiếp tới đời Tần Hán: nhà Tần là đỉnh chót của du mục, của pháp gia đã biểu lộ qua sự đốt sách chôn Nho. Rồi đến nhà Hán kế tiếp bằng cách biến nguyên Nho thành một thứ quốc giáo là Nho chuyên chế. Hãy bàn sơ qua về 4 điểm du mục này.


Điểm nhất, thiên tử là một hình thái rút nhẹ của ý niệm thần phát xuất từ Iran, theo đó vua kể mình như thần tức cũng như trời. Đến khi truyền sang bên Tàu thì có phần giảm bớt hơn: vua không d