Từ bi trong Đạo Phật

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1119 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Trong nhà Phật, từ bi và trí tuệ là hai phẩm chất quan trọng và cần thiết nhất trên lộ trình tu tập tâm linh đạt đến giải thoát giác ngộ. Bài viết này sẽ đề cập đến một khía cạnh nhỏ của tâm từ và tâm bi. Vậy tâm Từ là gì và tâm Bi là gì?


1. Tâm Từ là gì?

Trạng thái cao thượng đầu tiên là tâm Từ, tiếng Pàli là Mettà, Sanskrit là Maitri.

Tâm Từ là cái gì đó làm cho lòng ta êm dịu hay giống như tâm trạng của người bạn tốt. Tâm Từ ở đây được định nghĩa là sự ban vui, là lòng chân thành ước mong tất cả chúng sanh đều được sống an lành hạnh phúc.

Ðức Phật khuyên dạy trong kinh Từ tâm (Metta Sutta): “Tâm Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, chăm nom bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng.”

Tựa hồ như ánh sáng mặt trời, bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.

Người có tâm Từ vô lượng vô biên như thế ấy là Ðức Phật, Ngài đã tận tâm tạo an lành hạnh phúc cho tất cả những người thân yêu, kính mộ Ngài cũng như những người ganh tỵ, oán ghét, hay thậm chí với những người âm mưu ám hại Ngài.

Người mang tâm Từ đến mức cao cả như thế sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự phân biệt giữa mình và người. Cái gọi là ‘Ta’ lần lần mở rộng, lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

Trái với Mettà là sân hận, ác ý, thù oán, ghen ghét. Như vậy người mang tâm Từ thì không có sân hận. Không những dập tắt được lòng sân, tâm Từ còn diệt trừ các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm Từ (Mettà) không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không bao giờ sợ ai, cũng không bao giờ làm ai sợ hãi.

Kẻ thù gián tiếp thường mang lốt tâm Từ là lòng trìu mến vị kỷ. Nếu quan niệm không đúng, tâm Từ có thể dễ dàng trở thành luyến ái. Luyến ái đem lại đau khổ vì nó luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không sánh được với tâm Từ là tình thương bao la đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Do đó, tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ.

Ðức Phật dạy: “Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ mới dập tắt lòng sân.”

Tình thương và tâm luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, Thế gian không thể tồn tại nếu không có tình thương. Vì tâm Từ là một năng lực dũng mãnh, khi được thực hành đúng mức có khả năng chuyển hóa dữ ra lành, cùng thế ấy tâm Từ có thể tạo ảnh hưởng an lành giúp hành giả thêm an vui thoải mái.

Nhớ lại sau khi Đức Phật tu hành thành đạo, Ðức Phật trở về kinh thành Ca tỳ la vệ lần đầu tiên, con Ngài là Ràhula (La Hầu La), lúc ấy vừa lên bảy,

Từ bi trong Đạo Phật

đến gần Ngài và bạch: “Bạch Ðức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài mà cũng làm cho lòng con mát mẻ lạ thường.”

Tâm Từ của Ðức Phật nhẹ nhàng êm mát như thế đó. Vậy chúng ta nên thực tập tâm Từ (Mettà) như thế nào?

Trước tiên hành giả phải gieo trồng tâm Từ cho chính mình. Muốn vậy, phải rải khắp châu thân và tâm những tư tưởng an vui hạnh phúc.

Hành giả tưởng niệm: “Tâm tôi rất yên tĩnh, thân tôi rất an vui. Tôi không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. Tôi thể hiện tâm Từ. Hào quang từ ái bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi tư tưởng ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch. Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác. Tôi lấy tốt đáp xấu, lấy tâm Từ trả lại lòng sân hận.”…

Hằng ngày rèn luyện tinh thần như thế, dần dần hành giả trở nên vô cùng quảng đại, quên tất cả những điều xấu xa của kẻ khác và giữ tâm hoàn toàn trong sạch, không còn bợn nhơ sân hận, oán thù.

Sau cùng, mặc dầu là khó, hành giả rải tâm Từ đến cho những người có ác ý với mình, nếu có. Rải tâm Từ đến những người coi mình là thù nghịch, lấy thái độ ôn hòa đối lại những cử chỉ bất hòa là hành động của bậc anh hùng quân tử, đáng được làm gương cho đời. Ðức Phật dạy: “Hãy giữ tâm luôn luôn trong sạch giữa đám người đầy thù hận.”

2. Tâm Bi là gì? (Karunà - Sanskrit)

Ðức tánh thứ nhì giúp con người trở nên cao thượng là tâm Bi. Bi được định nghĩa là động lực làm cho tâm người rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Ðặc tánh của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi sự khổ đau.

Chính do nhờ tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ. Người có tâm Bi không sống riêng cho mình, luôn luôn tìm cơ hội để giúp đời, nhưng không bao giờ cầu mong được đền ơn đáp nghĩa.

Nhiều người trong chúng ta đáng thọ nhận lòng bi mẫn của ta. Những người khuyết tật, kẻ nghèo nàn đói rách, những người túng thiếu cơ hàn, đau ốm, cô đơn, dốt nát, hư hèn, người có đời sống bẫn thỉu buông lung… Ðến khi không còn chịu nổi sầu muộn họ chỉ còn quyên sinh cuộc sống trong cơn tuyệt vọng.

Hạng người phóng đãng tội lỗi và dốt nát lại càng đáng được các bậc đạo đức cao thượng xót thương hơn, vì họ là những người bệnh hoạn về tinh thần và đạo đức. Không nên kết tội và khinh rẻ hạng người yếu đuối ấy vì họ đã bị lầm đường lạc nẻo, trái lại nên thương xót và dìu dắt họ trở lại đường phải.

Ví như cha mẹ thương đồng đều các con nhưng vẫn có thể đặc biệt tội nghiệp và chăm nom săn sóc những đứa con ốm yếu bệnh hoạn. Cũng dường thế ấy, tâm Bi của ta phải bao trùm tất cả chúng sanh đau khổ, nhưng riêng đối với hạng người bệnh hoạn tinh thần, suy kém đạo đức, ta nên đặc biệt thương xót và hết lòng dẫn dắt họ trở lại đường lành.

Ðức Phật đã nêu gương lành cao quý bằng cách tự tay chăm sóc người bệnh và khuyên dạy hàng đệ tử với những lời lẽ đáng ghi nhớ như sau: “Người nào chăm sóc người bệnh là chăm sóc Như Lai.”


     Như Ðức Phật xưa kia, hết lòng thương hại và cứu độ Ambapàli, người phụ nữ lạc bước giang hồ và tận tâm tế độ Angulimàla, tên sát nhân tàn ác, toan ám hại Ngài. những người ấy đã được tâm từ bi của Phật cảm hóa và trở về đường lành thánh thiện.


     Những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh truyền nhiễm ngặt nghèo. Mọi người đều sợ và lánh xa. Nhưng cũng có những vị lương y hết lòng thương hại, đến gần săn sóc và chữa trị cho họ khỏi bệnh. Nếu không có các vị lương y giàu tâm Bi kia, bệnh nhân ắt phải bỏ mạng. Cùng một thế ấy, hạng người xấu xa bệnh hoạn về tinh thần ắt phải bị chìm đắm mãi mãi trong đêm tối của tội lỗi nếu không ai có lòng quảng đại thương xót và ra tay tế độ.

 Cũng nên ghi nhận rằng tâm Bi của Phật giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông gọi là thương xót, bởi vì kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là âu sầu, phiền muộn.

Chúng ta sẽ có niềm an vui thật sự là khi chúng ta làm tăng trưởng tình thương và lòng từ bi. Khi ta lo cho hạnh phúc của mọi người, là khi chính ta đang hưởng hạnh phúc. Điều này giúp ta dẹp sợ hãi và lo lắng, và giúp ta sẵn sàng đối phó với những trắc trở của cuộc đời, phát triển tình thương và giúp đỡ những ai đang đau khổ. Đây là sự thành công tối hậu trong cuộc sống.

Lý do tại sao tình thương và lòng từ bi được xem như là điều hạnh phúc nhất, bởi vì trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu. Tình thương rất cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Đó là mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc giữa con người với con người.

Sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau là điều căn bản của luật tạo hóa. Không phải chỉ có loài người, kể cả những côn trùng nhỏ bé nhất, không có tôn giáo, hay luật lệ, chúng vẫn phải nương tựa vào nhau để mà được sống còn. Cả đến hiện tượng vật chất nhỏ bé nhất cũng phải bị chi phối bởi luật “phụ thuộc lẫn nhau” (interdependence).

Kể cả khi chúng ta nói chuyện thường ngày, nếu có người nói chuyện ân cần, thân mật, thì tức khắc chúng ta cảm thấy muốn nghe, và muốn tiếp chuyện; câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn, cho dù đề tài không hay. Ngược lại, nếu một người nói chuyện lạnh nhạt hay trả lời nhát gừng, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và muốn mau mau kết thúc câu chuyện. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào tình cảm và sự quan tâm của người chung quanh. Chúng tôi nhận ra rằng bệnh tâm thần không phải do thiếu thốn vật chất mà ra, mà lý do chánh là vì thiếu tình thương, thiếu tình thân ái giữa con người với con người.

Muốn được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và để được tinh thần an lạc, cần phải có lòng từ bi, làm sao để chúng ta phát triển được lòng từ? Chỉ nghĩ đến lòng từ bi thôi cũng chưa đủ, chúng ta phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày.

Lòng từ cũng có nhiều hình thức và lắm lúc lẫn lộn với bám víu và ham muốn. Chẳng hạn, tình thương của cha mẹ dành cho con cái thường có liên quan đến những nhu cầu tình cảm của riêng họ, vì vậy tình thương không được hoàn toàn từ bi. Cũng vậy trong hôn nhân, tình thương giữa hai vợ chồng – nhất là lúc ban đầu, lúc mà cả hai chưa rõ những cá tánh sâu sắc của nhau – tình thương dựa vào bám víu hơn là đơn thuần thương yêu.

Tâm bi là thuốc giải hiệu nghiệm cho việc chữa trị cái giận. Đáng tiếc thay, bao người hiểu nhầm về những điều này, và cho đấy là biểu tượng của sự hèn nhát, yếu đuối.

Hãy cố gắng cư xử với mọi người như một người bạn lâu năm. Điều này mang lại cho ta một niềm vui sống. Và đó là lúc để chúng ta tạo một thế giới hạnh phúc hơn, an lạc hơn.

Từ bi trong Đạo Phật

Từ bi gieo mầm trên đất khổ đau và sanh trưởng trong ánh sáng trí tuệ. Vì thế, ai mang tâm từ bi này thì không bao giờ an nhiên khi nhìn mọi người đau khổ.

Tâm bi là một của báu vô giá, giúp mọi người thông cảm nhau. Nếu thiếu lòng thương, thế giới này sẽ đen tối, nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Trong khả năng của chúng ta, để thực tập lòng từ bi, chúng ta phải cần có kiên nhẫn và thời gian. Tận trong tiềm thức của chúng ta, lúc nào cái “Tôi” cũng chiếm ưu thế, và vì cái “Tôi” đó mà lòng từ bị giới hạn. Thật ra lòng từ bi chân thật chỉ được thể hiện khi mà cái “Tôi” bị diệt bỏ.

Hơn thế nữa, chúng ta phải thực tập đoạn trừ sân hận. Sân hận là những năng lực tình cảm rất mạnh, chúng có thể hoàn toàn áp đảo tinh thần chúng ta. Cái giận che lấp đi phần duy lý của bộ óc. Vì vậy năng lượng của cái giận không thể được tín nhiệm. Nó có sức hủy hoại rất lớn và tạo nên nhiều hành động đáng tiếc thậm chí nếu quá sân hận, một người sẽ trở nên điên loạn, làm những việc có hại cho mình và cho người. Ta phải dẹp bớt tánh vị kỷ, luôn nhớ đến người, đến mọi loài hơn nghĩ đến mình. Nếu có lợi cho bản thân ta, mà đau khổ người hay vật thì nhất định không làm. Cố làm việc hại người, hại vật để thỏa thích thị dục mình, hành động ấy phi từ bi. Sự ăn chay của người tu nhằm mục tiêu này.

Lòng từ bi là ban rải hạnh phúc cho người, cho muôn loài. Cây thiếu nhựa sống thì cây khô héo, con người thiếu từ bi con người khổ não. Có từ bi thì nhân loại mới yêu thương nhau, tương trợ nhau. Làm gì có chiến tranh, làm gì có tang tóc, nếu mọi người sẵn lòng từ bi.

Khoảnh đất tâm hồn của người Việt Nam rất thích hợp cho giống từ bi sanh trưởng. Vậy thì chúng ta hãy cụ thể hóa lòng từ bi trên hành động, lời nói và ý nghĩ. Được như thế, đời sống của chúng ta trở nên đáng quí biết bao!


Thích Nữ Hương Hiếu

Nhịp Cầu Tâm Giao 5, NXB Phương Đông (6/2011), tr. 17-25.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...