Luật tục núi rừng (4): Tảo hôn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3163 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Lấy chồng sớm, hôn nhân cùng huyết thống và gánh nặng con cái đang là một thực tế nhức nhối tại những vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống của các tộc người bản địa Tây Nguyên, cũng như các tộc người mới di dân tự do từ khắp mọi miền Tổ quốc đến đây.


Ba chị em Điểu Hot Ka Tiên ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đều bỏ học để lấy chồng. Năm đó Ka Tiên mới 16 tuổi, đang học lớp 7, hai cô em là Ka Nguyên sinh năm 1993, đang học lớp 4 và Ka Cảnh sinh năm 1995, học đến lớp 3, cũng theo gót chị.


Khi được hỏi tại sao bỏ học, Ka Tiên buồn rười rượi: “Vì bố mẹ bỏ nhau từ lúc chúng em còn nhỏ, nhà không có người làm việc mẹ phải bỏ dạy học để đi cuốc ruộng, lấy bông đót làm chổi, chúng em phải bỏ học để phụ mẹ nhặt rau, kiếm khoai, hái măng...”. Điều mà Ka Tiên không nỡ nói ra có lẽ là em lấy chồng để trong nhà có người đàn ông, có người làm việc.


Điệp khúc nghỉ học để lấy chồng cứ lặp đi lặp lại ở Đạ Tông. Em Cill Ka Lin cũng “bắt chồng” với anh Kon Dung Minh năm 2008 (lúc 17 tuổi) và bỏ dở năm học lớp 8. Đến nay vợ chồng Lin đã có con 3 tháng tuổi. Em Kra Danh Ka Tám cũng lấy chồng năm 17 tuổi, cũng bỏ học khi đang học lớp 9. Em Jơ Ông Ka Glang lấy chồng từ năm học lớp 6 nay đã có 2 con. Riêng trường hợp Kơ Đưng Ka Kông hiện đang học lớp 12 A1 trường Đạ Tông vừa mới tổ chức đám cưới tháng 1.2009. Đây là trường hợp khá cá biệt khi em có chồng vẫn tiếp tục đi học.


Câu chuyên nối dài đến xứ sở của người Mạ, người Stiêng cư trú ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nơi đây không chỉ các em gái lấy chồng từ thuở 13 mà các em trai cũng thi nhau... nếm trái cấm lúc 12, 13 tuổi. Chúng tôi đã được dự đám cưới của Điểu Ka Phôn (xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên), Phôn nói: “Em 16 tuổi, chồng em 14 tuổi, đang học trường dân tộc nội trú ở Bình Phước”. Thế các em đã “lọt tầm cúi” (ngủ với nhau) từ bao giờ?”, Phôn cười, vừa hồn nhiên, vừa lúng liếng: “Từ năm ngoái” (nghĩa là quan hệ với nhau trước hôn nhân, lúc chồng Phôn 13 tuổi).


Đêm ở Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, Lâm Đồng), KB..., người Mạ, 17 tuổi, ngồi chơi đàn ghi ta, cứ ý nhị nhìn vào mắt chúng tôi mà hát rằng: “Mimoza từ đâu em tới...”. Chúng tôi hỏi anh đã có vợ chưa, bố anh bảo: “Vợ nó sắp đẻ đứa thứ 2”. Tôi thắc mắc: “Sao cho nó lấy vợ sớm thế?”. Ông trả lời: “Không cho nó lấy vợ để đi phá vợ người ta à?”...


Vợ chồng cùng huyết thống


Trường hợp cá biệt thuộc về những người phản đối chuyện hôn nhân cùng huyết thống như anh Manuen (xã Đạ Long, Đam Rông, Lâm Đồng). Manuen không đồng ý với cuộc mai mối để lấy người em con cô ruột. Anh lên tận huyện Lạc Dương (hơn 100 km) để lấy vợ. Hiện nay có một số rất ít thanh niên ở buôn Bù Liêng (Lâm Hà) cũng phản đối các cuộc hôn nhân cùng huyết thống và họ vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của gia đình và dòng họ...


Quan niệm của người Mạ ở phía bắc QL 20 vùng Di Linh và Bảo Lâm (Lâm Đồng) là: một cuộc hôn nhân lý tưởng là những cặp “con cùng một ruột, cùng một mẹ” lấy nhau. Vì người Mạ theo chế độ phụ hệ, nên con, cháu phía mẹ lấy nhau đều được chấp nhận, vì khác... họ. Điều đặc biệt là con cái đều gọi chị em bạn dì của mẹ là mẹ. Như vậy, con trai của chị gái, có thể lấy con gái của em gái và ngược lại.


Tương tự, ở bộ tộc mà người cha làm chủ gia đình, của cải được truyền cho con trai như người Bana, Sê Đăng... việc con cháu của chị gái lấy con cháu của em gái là chuyện... thường. Ngược lại ở các bộ tộc theo dòng họ mẹ, tất cả của cải trong gia đình truyền từ người mẹ sang người con gái như ở các sắc tộc Gia Rai, Ra đê, Raglai, Cơ Ho... thì việc con cháu của anh trai lấy con cháu của em trai cũng là chuyện... thường ngày ở huyện.


Hiện nay các dòng họ Liêng Hot, KJa Jăn, Buôn, Cill Múp, KSá, Kon Sơ, KRa Danh, Mbon... thuộc nhóm người Cill (dân tộc Cơ Ho) ở xã Đạ Long và xã Đạ Tông (Đam Rông, Lâm Đồng) vẫn giữ tục này. Chúng tôi dễ dàng tìm được hàng chục trường hợp kết hôn cùng huyết thống này, như: Vợ chồng ông bà KRang - Kông là con cô con cậu. Vợ chồng Ha Kroong và KPhiêng là cháu chú cháu bác. Vợ chồng ông Lơr và bà Ranh lại là con ông chú lấy cháu ông bác. Chị KBa cũng lấy người anh con ông cậu là anh Ha Pút.


Việc kết hôn cùng huyết thống qua rất nhiều đời khiến người Raglai ở Yahoa (xã Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận) có chiều cao cực kỳ khiêm tốn. Phần lớn đàn ông, đàn bà vùng này cao trung bình khoảng 1,5m. Cũng tại đây nhiều gia đình sinh rất nhiều con, nhưng chỉ nuôi được một vài đứa, thậm chí có bà mẹ sinh tới 18 lần nhưng khi đến khi già thì không còn một người con nào.


Bao nhiêu con là đủ?


Păng Tinh Hơ Thuyền, 17 tuổi, bỏ dở lớp 7 ở trường PTCS xã Rô Men đi lấy chồng. Khi chứng kiến gia đình nheo nhóc của một bà mẹ trẻ bên 8 đứa con, chúng tôi không hình dung được chị Thuyền sẽ lấy gì để nuôi đàn con này no đủ hằng ngày, đừng nói gì đến chuyện đi học.


Chị Đặng Thị Hà, một phụ nữ Chăm khá trẻ và có nhan sắc ở thôn Cảnh Diễn (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) mới 31 tuổi, nhưng đã có tới... 6 đứa con. Đứa con lớn nhất của Hà mới 12 tuổi và đứa nhỏ nhất hơn 3 tuổi. Ngôi nhà tuềnh toàng của 7 mẹ con Hà đang ở là nhà của mẹ cha để lại bởi chị là con gái út trong một gia đình cũng có đến 9 anh chị em ruột.


“Sao đẻ nhiều con vậy, 6 đứa rồi còn muốn thêm nữa không?”- tôi hỏi, Hà chỉ cười mà không trả lời. Nhà chỉ có 3 sào ruộng, nuôi 6 đứa con và mẹ già. Không hiểu một ngày đi cấy mướn mấy chục ngàn sao Hà có đủ tiền mua gạo nuôi con?


Vì sao phải sinh nhiều con? Chúng tôi đem thắc mắc hỏi ông Bố Xuân Hổ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, ông cho rằng người Chăm có quan niệm “đông con là có phước”. Bởi thế chuyện một cô gái mới ngoài ba mươi mà có 6-7 đứa con như chị Hà không phải là hiếm.


Đinh Thị Nga - Quế Hà

Nguồn: thanhnien.com.vn