Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3101 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào trung tuần tháng tư dương lịch hằng năm, tức vào ngày đầu tháng “chet” (theo lịch Phật giáo Nam tông Khmer). Ngày Tết này có ý nghĩa tương đồng với Tết cổ truyền của các dân tộc khác ở Việt Nam, cũng là ngày lễ lớn nhất, vui nhất và có ý nghĩa tương tự Tết của người Kinh nhưng được tổ chức theo truyền thống của người Khmer.


Trong đêm giao thừa, đồng bào quét dọn nhà sạch sẽ, chưng bàn thờ ông thiên để cúng đưa tiên cũ và rước vị tiên mới. Đồng bào Khmer tin rằng mỗi năm nhà trời đều cử một vị tiên mới hạ trần để chăm sóc cho đời sống của người dân.


Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

Ngày đầu tiên, đồng bào chuẩn bị bàn thờ trước ngôi chánh điện để rước đại nông lịch (lịch năm của người Khmer).


Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong ba ngày, có tên gọi, cách hành lễ và ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là “Ngày đón lịch mới”, trong ngày này, đồng bào chọn ra giờ tốt, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới mang theo lễ vật đến chùa làm lễ rước lịch và đảnh lễ Phật, khuya về mọi người tham gia các trò văn nghệ. Ngày thứ hai gọi là ngày “wonboat” (ngày vui chơi giải trí), trong ngày này đồng bào chuẩn bị cơm nước dâng lên các sư. Buổi chiều, đồng bào tổ chức làm lễ đắp núi, thông thường tổ chức đắp chín núi cát, lúa hoặc cũng có khi đắp bằng đất, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng địa phương, đắp tám cái núi vòng quanh chánh điện, trong chánh điện trước mặt Phật một cái, các ngọn núi tượng trưng cho vũ trụ, ngọn núi ở giữa là ngọn núi trung tâm của thế giới, hay còn gọi là núi mẹ vì nó tượng trưng cho công ơn của đấng sinh thành, tám ngọn núi còn lại quay quanh tám hướng để hỗ trợ núi mẹ, tiếp đến là phần lễ quy y cho núi. Ngày hôm sau làm lễ xuất thể, đắp núi với ý nghĩa đền đáp công ơn ông bà, cha mẹ đã hóa vãng; khi còn sống, có khi vì vô ý phạm phải sai lầm, gây nên nghiệp ác.

 

Đồng bào tin rằng các quỷ sứ địa ngục không đếm được hết cát, vì mỗi hạt cát tượng trưng cho một việc thiện mà ông cha đã làm, không đếm hết cát chắc chắn ông cha ta sẽ được sanh về cõi Phật, vì những điều thiện mà họ đã làm nhiều như những hạt cát trên núi, dưới biển khơi; còn cái xấu, cái ác chẳng đáng là bao. Nghi thức đắp núi cát còn mang ý nghĩa triết lý rất sâu sắc, nó khẳng định cái thiện luôn thắng cái ác.

 

 
 

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

Tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí rất sôi nổi.  

 

Ngày thứ ba là ngày lễ tắm Phật, thường là sau khi các nhà sư dùng cơm trưa xong, người ta dùng nước mưa tinh khiết có ướp hoa thơm cùng nhang đèn cúng Phật, sau khi đảnh lễ, lấy nước rắc lên các tượng Phật để tắm Phật, sau đó là tắm các vị sư cao niên. Sau lễ tắm Phật, các nhà sư đến những ngôi tháp thờ hài cốt tập thể để tiếp tục làm nghi thức cầu siêu cho những vong linh đã hóa vãng tụ tập về chùa nghe kinh khấn Phật, cầu cho các vong linh được mau siêu thoát tái sanh về nơi nhàn cảnh. Cuối cùng là lễ tắm Phật tại gia, các con cháu mời ông bà, cha mẹ ngồi trên một chiếc ghế đã trải thảm khang trang, lấy nước tắm Phật tắm ông bà, cha mẹ để đền đáp công ơn đấng sinh thành. Thỉnh các sư về cầu siêu cho những linh cữu đã hóa vãng là quyến thuộc trong gia đình, kết thúc Tết Chôl Chnăm Thmây, mỗi người đều riêng niềm vui mới.

 

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

Đồng bào tích cực đóng góp công quả để trùng tu xây dựng chùa chiền và tích góp công đức đầu năm.

 

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer hiện nay đã được lược bớt những nghi thức rườm rà tốn kém, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam.

 

Xuân Trang

Nguồn: baotintuc.vn