Cái cuống rốn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 664 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Mấy ngày nay, nhà bà Sáu, người người ra vào nhộn nhịn, vì Tết sắp đến. Con cháu bà,  mấy đứa con dì Ba, mang mấy giạ gạo, nếp lên. Lớp con dì Năm xách  mấy cặp gà tơ thả vườn. Còn mấy đứa nhỏ nhà dì Út, thì chở một phần tư con heo, phần mông đến, v.v… để bà gói bánh chưng.


Số là bà có tay gói bánh rất khéo, không thua hàng đặt. Lại được số nếp ngỗng, thịt heo do chính người nhà nuôi, trồng thì bảo đảm là bánh chưng hảo hạng rồi. Nên gia đình các anh chị của bà, ai cũng muốn ăn bánh chưng do chính tay bà nấu. Và bà cũng vui khi làm việc đó.


Từ hồi nào tới giờ là vậy, các anh chị em ruột của bà, người gieo trồng cái này, người nuôi con nọ. Cứ sau các vụ mùa là gởi thực phẩm, rau quả,… cho nhau dùng.


Tuy ở thành phố, nhưng chưa bao giờ nhà bà Sáu phải mua gạo. Anh em bà, từ miền Tây, thay phiên nhau chở gạo, thịt, cá lên thành phố cho bà. Phần mình, bà chuyển những gia vị, đồ khô, vải vóc, xuống quê cho họ. Chuyển qua chuyển lại, mọi người đều có những thứ cần thiết để dùng.


Nhà ông bà Sáu đơn chiếc không con, nhưng được cái con cháu hay lên lên, xuống xuống đều đặn, nên xem ra cũng đề huề.


Các cháu con anh chị bà, thấy ông bà đã có tuổi, 
cũng muốn đón ông bà về chăm sóc. Nhưng bà nói, ở đây bà còn bán tạp hóa kiếm sống được, để khi nào yếu đau, không thể tự chăm sóc mình, bà sẽ trở về vườn ở, vui vầy bên người thân.


Nhìn cảnh nhà bà, anh chị em, các cháu, thương yêu, quí mến nhau, tôi vô cùng cảm phục. Tôi thưa nhỏ với bà:

-Sáu ơi, Ông bà cụ của Sáu khéo dạy, nên anh em bà thương yêu nhau ghê!

Bà cười trả lời:

- Ừ!, ai cũng nói vậy.

Rồi bà mỉm cười, nói lẩm nhẩm: “Không biết có phải do cái cuống rốn?”

Tôi tròn xoe mắt, nhíu mày ngạc nhiên:

- Do cái cuống rốn, là sao?!

- Ông cụ thân sinh nhà Sáu bắt chước người xưa. Cứ mỗi đứa con sinh ra, sau một tuần, ông đều lấy cái cuống rốn rụng đem phơi khô, và cất vào một cái hũ. Sáu anh chị em, sáu cái. Ông cất giữ cẩn thận.

Năm Sáu học lớp đệ thất, vào một buổi tối, ông gọi các con lại, tay cầm một cái ly có chất lỏng màu xam xám. Ông nói:

- Đây là sáu cái cuống rốn của các con, cha đã nướng ra tro và hòa với một chút rượu. Cha nghe người xưa dạy, cho các con uống cái này, các con sẽ yêu thương nhau. Cha không biết điều này thực sự có linh nghiệm không, nhưng cha mong các con sau này hãy yêu thương nhau. Đó là tâm nguyện của cha. Thế là, mỗi chúng tôi hớp một miếng cuống rốn của nhau.

* * *

Anh em của Sáu cùng lớn lên bên bờ ruộng. Buổi sáng, chưa kịp mở mắt, Sáu đã nghe mùi thơm của cơm chiên.

Cha Sáu dậy từ sáng sớm, ông bắc ấm nước pha trà. Tranh thủ lúc chờ nước sôi, ông quét sân trước nhà. Lối đi ra cổng là con đường đất thịt, được ông quét láng bóng, không thấy hạt cát, ngày nào cũng như vậy.

Nước sôi, ông vào bếp pha trà,  chiên cơm cho mọi người ăn sáng. Sau đó, ông đi thăm đồng.

Sáu học buổi chiều, nên buổi sáng làm bài tập ở nhà. Rồi, cả nhóm tập trung ở vườn bà Mười, đứa ngồi vắt vẻo, đứa nằm tựa người trên thân cây học bài.

Buổi trưa, Sáu cùngđám trẻ trong xóm đội cặp đến trường. Sau bữa cơm tối là thời gian “vàng” của “bọn” Sáu.

Đúng 19 giờ, nhóm bạn trong xóm của Sáu tụ họp ở điểm hẹn. Bắt đầu các trò trốn tìm, rượt đuổi, hóa trang,… dưới ánh trăng.

20g15 cuộc chơi kết thúc, là lúc trẻ con cả xóm “tập kết”tại nhà ông Tư xem truyền hình. Thời đó, cả xóm chỉ có ba nhà có tivi. Nhà ông Tư là đắt “khách”nhất, ông mở cửa cho vào xem tự do. Còn hai nhà kia, chỉ những người thân cận mới được vào nhà.

Vào mùa hè, cả đám rủ nhau tắm ao, hái bông sen,bông súng,... Sau cơn  mưa đầu mùa,cả bọnrủ nhau đi bắt dế về nuôi.

Có một hôm, đi bắt dế, anh Năm thò tay vô hang bị con  rết cắn. Về nhà, Năm nóng sốt ba, bốn ngày. Bà cụ nhà Sáu thức liền mấy đêm cũng ngã bệnh.

Bà Tám trong xóm mách nước:

- Xóm trên có bà thầy hay lắm. Hay là thím  rước thầy về nhà cúng sao giải hạn.

Ông cụ nghe được,lớn tiếng gạt phăng đi. Nhưng đêm xuống, Sáu thấy ông lủi thủi  ra đứng trước nhà, vái tứ phương, miệng lâm râm điều gì đó….

Sau này, nghe kể lại, bà cụ lén quệt nước mắt. Vì biết rằng, do thương vợ con, ông đã làm điều trái với khí chất thường ngày của mình.

Những hôm trời mưa, anh em Sáu không đi đâu được. Đành nằm co ro trên bộ ván của ngoại, và nghe ông kể những chuyện thời xưa dài bất tận, nhưng bao giờ cũng ngưng ở đoạn gay cấn nhất. Làm ai cũng tức, tiếc hùi hụi, nóng lòng chờ đến tối  sau.

Tuổi thơ của Sáu là thế, đó là những ký ức đẹp theo anh em Sáu vào đời. Có lẽ nhờ đó, anh chị em Sáu thương mến nhau.

* * *

Câu chuyện đã dứt từ lâu, nhưng ánh mắt bà Sáu vẫn còn hoài vọng ở một chốn xa xăm nào đó. Nơi có những cánh đồng bát ngát, đượm mùi thơm của lúa và đầy tình thương yêu của con người.


Thiên Phúc