Điểm tựa cuộc đời (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1418 | Cật nhập lần cuối: 5/25/2017 2:37:40 PM | RSS

Điểm tựa cuộc đời (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)Chị Thanh Loan vừa mở quyển Kinh Thánh ra, câu đầu tiên đập vào mắt chị: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi” (Tv 90, 10). Chị ngồi ngẫm nghĩ câu Lời Chúa này và thấy thật thấm thía. Trong vòng bốn năm qua, có nhiều biến cố đau thương xảy đến với gia đình chị. Biến cố đầu tiên và lớn nhất in đậm trong đời mà chị cứ ngỡ như mới hôm qua.

Chiều đó, chị ngồi một mình trong phòng khách nhớ lại những việc xảy đến trong ngày và thầm nghĩ: Dân gian thường nói: “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”, có lẽ câu nói đó không đúng với trường hợp của chị trong lúc này; bởi nội một ngày mà có nhiều điều may mắn đến với gia đình chị. Lúc sáng, anh chị Hưng Thịnh mang đến cho vợ chồng chị tiền lợi nhuận hàng năm công ty chia cho các người hùn vốn, năm nay lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm trước. Mấy năm qua, anh Đức Trọng chồng chị cùng góp vốn làm ăn với họ. Anh đã gom gần hết vốn liếng trong nhà đưa cho chị Thịnh, anh rất tin tưởng chị vì là bạn học của anh suốt những năm phổ thông. Anh Hưng chồng chị Thịnh, sau khi du học về đã thành lập công ty “Xuất nhập khẩu thủy hải sản” này. Trưa đó, chị Thanh Loan đãi cả nhà bữa cơm thịnh soạn.

Buổi chiều, thầy hiệu phó của Đức Hạnh hẹn gặp anh chị bảo là có việc quan trọng. Hai người đang lo không biết có chuyện gì, thì thầy đến cho hay:

- Con gái của anh chị được tuyển đi du học, bởi cháu luôn đạt loại giỏi suốt tám năm qua. Trong cuộc thi vừa rồi, trường ngoại ngữ đã chọn tài trợ cho Đức Hạnh và hai em của trường khác.

Nghe vậy anh chị vừa mừng, vừa lo. Thầy nói tiếp:

- Xin anh chị đừng ngại, cháu được “học bổng toàn phần”, nên gia đình không phải lo gì cả. Mọi chi phí đều được tài trợ trong suốt sáu năm cháu học bên Singapore. Nếu anh chị đồng ý thì xin anh theo tôi đến trường gặp thầy hiệu trưởng để làm thủ tục cho cháu.

- Để chúng tôi hỏi cháu xem sao.

Được cha mẹ đồng ý, Đức Hạnh hớn hở ra mặt vì đó là ước mơ của em. Anh Đức Trọng liền chuẩn bị xe để đi với thầy hiệu phó.

Khách vừa về, hai anh em Đức Hiền và Đức Hạnh cũng ra chào mẹ đi lễ chiều thứ bảy đầu tháng. Chị Thanh Loan nghe niềm hạnh phúc tràn dâng trong lòng. Ngồi trên bộ salon nhung êm mượt, chị tưởng như mình là “thiên thần hạnh phúc” trên thiên đường.

Chị Thanh Loan rất tự hào về gia đình mình. Bạn bè luôn nhìn chị với ánh mắt ngưỡng mộ, vì anh Đức Trọng chồng chị là người đàn ông mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con và chăm lo cho gia đình. Suốt mười mấy năm qua, anh luôn là cây cao bóng cả, là điểm tựa cho cuộc đời chị và các con. Hai đứa con chị đều ngoan và học giỏi. Chúng là niềm hãnh diện cho chị khi đi họp phụ huynh cũng như lúc gặp gỡ bạn bè.

Nhưng cuộc sống trần gian chỉ là cuộc lữ hành chứ không là bến đỗ, cho nên có hợp rồi có tan và mọi sự không có gì là bảo đảm cả. Chị đâu ngờ rằng, anh Đức Trọng chồng chị chiều đó đã “đi mãi không về”. Sau khi làm giấy tờ cho con gái xong, anh chạy về được một đoạn thì bị tai nạn và đã qua đời.

Suốt mấy tuần liền chị Thanh Loan gần như điên loạn.Chị bị suy sụp hoàn toàn vì không còn điểm tựa. Hai đứa con của chị chỉ biết nhìn mẹ mà khóc. Sáng nào hai anh em cũng đi lễ cầu xin Chúa và Đức Mẹ giúp gia đình vượt qua khó khăn. Mẹ của chị lên ở một thời gian để lo cho con gái và hai cháu. Tối nào mấy bà cháu cũng đọc kinh và lần một chuỗi trước bàn thờ Đức Mẹ cầu xin cho chị được chóng bình phục. Còn chị, ngồi chung đó mà không đọc kinh, ánh mắt ngây dại, thẫn thờ… có khi khóc thét lên trong vật vã.

***

Nhưng với thời gian, nỗi buồn của chị Thanh Loan cũng nguôi ngoai dần. Phải mất mấy tháng chị mới hồi phục. Sau biến cố tang thương của gia đình, chị nhận ra sự mong manh của kiếp người nên tìm đến nương ẩn nơi Chúa và Đức Mẹ. Nhờ những lời kinh Mân Côi hằng ngày, chị thấy bình tâm và an vui trong cuộc sống.

Rồi cũng tới ngày Đức Hạnh lên đường nhập học, chị nhắn nhủ con gái ở nơi xứ người phải cố gắng lo giữ đạo. Em hứa với mẹ:

- Mẹ yên tâm, con sẽ nhớ lời mẹ dặn.

Nhà càng vắng hơn khi chỉ còn lại có chị và con trai. Đức Hiền đi học suốt ngày, mình chị ở nhà vừa trông tiệm tạp hóa, vừa lần chuỗi kính Đức Mẹ để cầu nguyện cho các con.

Thời gian chầm chậm trôi qua, mới đó mà đã đến ngày giỗ đầu của anh Đức Trọng chồng chị.Nhân tiện, chị Thanh Loan mời anh chị Hưng Thịnh đến bàn chuyện, chị định xin rút lại một phần vốn để làm việc kinh doanh. Nào ngờ, họ tuyên bố một câu thẳng thừng:

- Ngày xưa, chồng chị hùn vốn mà không có giấy tờ giao kèo gì cả. Bây giờ anh ấy mất rồi, công việc làm ăn cũng khó khăn nên coi như số lợi nhuận từ trước đến giờ được trừ vào vốn, số còn lại khi nào có tiền chúng tôi sẽ hoàn lại cho chị từ từ.

Quá bất ngờ trước sự tráo trở của họ, chị Thanh Loan bị suy sụp và mất ngủ cả tuần. Trong cơn giận dỗi và bất an, chị định làm lớn chuyện, vì những cổ đông kia cũng là bạn bè của chồng chị. Nhưng khi đang bấm điện thoại định nhờ người giúp thưa kiện, chị chợt thấy vòng chuỗi đeo ở cổ tay, chị liền buông điện thoại xuống và tháo chuỗi ra lần hạt xin Đức Mẹ cứu giúp. Nhờ Mẹ ban ơn, chị dần lấy lại sự bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Chị tự nhủ: “Thôi thì, của đi thay người. Có gì quan trọng đâu mà phải tiếc nuối, giận dữ cho phát bệnh chứ! Đến khi nhắm mắt xuôi tay đâu có ai mang theo được gì. Nếu thưa kiện này nọ chỉ tội tốn kém và thêm gây thù chuốc oán mà thôi. Lòng người thay trắng đổi đen là lẽ thường tình, mình thiếu khôn ngoan khi làm ăn với họ thì lấy đó làm bài học cho lần sau”. Chị an tâm kính cẩn cầm chuỗi hạt Mân Côi nguyện cầu và thấy tâm hồn tìm được sự bình an thư thái trong ơn phúc lành của Chúa và Mẹ ban cho.

Sau biền cố đó, Chị Thanh Loan càng thêm xác tín vào ơn trợ lực của Chúa và Đức Mẹ. Chị tham gia vào hội Legio để kính mến Đức Mẹ hơn. Chị càng sống tin tưởng phó thác vào Chúa thì càng thấy bình an, thanh thản trong tâm hồn. Hai đứa con chị vẫn mạnh khỏe, ngoan hiền; chúng là niềm vui và nguồn an ủi cho cuộc sống của chị.

Thời gian thấm thoát trôi, Đức Hiền đã ra trường và có việc làm phù hợp với chuyên môn đã học. Chị Thanh Loan nhận ra điều đó là ân ban của Chúa và Đức Mẹ nên đã xin một lễ tạ ơn. Chị chỉ còn lo cho Đức Hạnh, phải hai năm nữa cháu mới ra trường.

***

Nhưng cuộc đời không luôn bằng phẳng, êm ả như ta mong ước. Nửa đêm đang an giấc mộng lành, điện thoại di động báo chuông liên hồi, chị Thanh Loan giật mình thức giấc vội cầm máy nghe:

- “Hello Tu Đuc Hanh is mother…!!”.

Có chuyện gấp nên sáng ra chị bốc vé bay gấp qua Singapore với con gái đang trong bệnh viện. Khi đi, chị không quên chuỗi hạt Mân Côi quàng cổ như có Đức Mẹ luôn đồng hành, chở che. Chị luôn xác tín, trên mọi nẻo đường Mẹ sẽ luôn gìn giữ chị an bình và gặp nhiều quý nhân giúp đỡ tận tình. Quả thật, khi ta tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ, thì sẽ luôn sự quan phòng đỡ nâng, có khi là những điều tốt đẹp ngoài sự mong đợi của ta.

Từ khi ra khỏi nhà, chị luôn thầm thĩ lần chuỗi, xin Đức Mẹ cùng đồng hành với chị. Ngồi bên cạnh chị trên máy bay là một người Tin Lành, nhỏ hơn chị bảy tuổi. Anh tên Trọng Nhân, là thành viên của một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Singapore, anh sang bên đấy dự cuộc họp quan trọng của công ty. Biết chị là người Công Giáo, anh tỏ ra rất thân thiện, vui vẻ. Thấy anh là người tốt, lại có hiểu biết và đồng cảm nên chị cũng cởi mở:

- Do con gái tôi mê học quá, căng thẳng cạnh tranh nơi xứ người nên bị stress khá nặng, đến nỗi không nhớ cách đường đi đúng luật, đã bị cảnh sát bắt vô bệnh viện.

Trọng Nhân trấn an chị:

- Chẳng phải một mình con chị bị như vậy đâu, có khi không phải do cháu ham học, nhưng đó là quy chế của nhà tài trợ. Các học sinh được cấp học bổng đòi buộc tiêu chí học lực luôn phải cao hơn so với các du học sinh tự túc chị ạ.

- Thảo nào! Hai bạn cùng lớp với con gái tôi, năm trước cũng phải về Việt Nam xả stress, lưu điểm một năm mới khỏe lại để học tiếp. Sao mà gian nan thế? Thật, tôi chẳng ham chút nào.

- Tội nghiệp các em du học sinh lắm chị ạ, ít nhiều gì cũng không thoát khỏi stress trong một giai đoạn nào đó. Đến nỗi có vài trường hợp tự tử, khi người thân không biết nâng đỡ tinh thần kịp thời. Thật vô cùng đáng tiếc. Cầu mong sao các bạn trẻ biết giải tỏa stress trong niềm tin Tôn Giáo và có những người phụ trách giỏi, biết hướng dẫn đúng theo tâm lý…, để cứu vãn nhiều tài năng trẻ cho tương lai.

Trọng Nhân còn trao đổi với chị nhiều vấn đề khác cách vui tươi, khiến chị quên đi nỗi lo trong lòng. Khi xuống sân bay, chị Thanh Loan định đón tắc xi đến bệnh viện như đã được hướng dẫn. Nhưng không ngờ khi Trọng Nhân gặp anh đồng nghiệp người Singapore và kể cho anh nghe trường hợp của chị, anh ta liền đồng ý đưa chị đi, vì anh có người bạn làm bác sĩ tâm lý ở bệnh viện đó. Anh còn ghi mấy chữ cho bạn của anh, nhờ anh giúp chữa trị cho con của chị. Cả anh này và vị bác sĩ kia cũng là người Tin Lành.

Chị Thanh Loan rất cảm động khi gặp được những người tốt giúp đỡ cách tận tình. Chị thầm cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã an bài cho chị cách tuyệt vời. Chị nghe rất ấm lòng khi cảm nhận được tình Chúa, tình người; dù chị và họ không quen biết, không cùng ngôn ngữ và không cùng tôn giáo…

Vì anh người Singapore phải bận việc, không thể lên gặp người bạn bác sị được, nhưng anh đã gọi điện thoại trao đổi với bạn về vấn đề của con chị. Lúc đến cổng bệnh viện, chị Thanh Loan cám ơn họ rối rít, cả hai người cùng nói với chị:

- Chị đừng như thế! Chúng tôi chỉ sống theo lời dạy của Chúa thôi. Vì chúng ta là anh chị em của nhau, cùng là con của Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế Giêsu đã cứu độ chúng ta.

Chị Thanh Loan rất cảm phục lòng bác ái và tinh thần sống đạo của hai anh Tin Lành này. Đức tin của chị như được tăng thêm qua cuộc gặp gỡ vừa rồi; đồng thời chị cũng tự vấn về cách sống đạo của mình.

***

Từ trước đến nay chị Thanh Loan chỉ nghe nói: Singapore là một trong những đất nước sạch đẹp và văn minh, giờ đến nơi và chứng kiến tận mắt chị thấy quả đúng như vậy. Suốt chặng đường từ sân bay đến bệnh viện, xe chạy hơn ba mươi phút mà chị không thấy một miếng rác nào trên đường phố. Những cây kiểng và bồn cỏ hai bên đường được cắt tỉa gọn đẹp. Những con đường giao thông đa phần là đường một chiều nên không thấy kẹt xe. Đường rộng, lưu lượng giao thông nhiều nhưng rất trật tự, mỗi loại xe đều đi đúng làn đường và tốc độ đã quy định.

Đường phố đã sạch đẹp, trong bệnh viện còn sạch đẹp hơn. Từ khuôn viên bên ngoài cho đến phòng ốc bên trong, tất cả đều được thu dọn, sắp xếp tinh tươm. Các nhân viên của bệnh viện phục vụ cách vui vẻ, tận tình. Chị bước vừa bước vào liền được tiếp đón ân cần và khi chị đưa giấy báo của trường, là có người dẫn chị đến tận phòng bệnh của con gái chị.

Thời gian ở bệnh viện, chị Thanh Loan quan sát thấy người dân Singapore quả rất văn minh. Một hôm khi đang đi dọc hành lang bệnh viện, chị thấy phía trước có em bé chừng ba tuổi đang được mẹ dắt đi, trên tay em cầm một nắm giấy bánh kẹo, đến chổ thùng rác em buông tay mẹ ra, chạy lại bỏ rác vào thùng. Nhưng lúc đi, em bé cầm rác không chặt làm rơi mấy miếng nhỏ mà hai mẹ con không hay, cô y tá đi sau thấy vậy liền cúi xuống nhặt những mảnh giấy đó bỏ vào thùng rác. Quả là một cử chỉ đẹp và văn minh.

***

Cùng đồng hành với con gái dạo quanh bệnh viện, thỉnh thoảng em lại bắt mẹ cùng đọc kinh cầu nguyện trong mấy phút. Em nói:

- Chúa là trên hết rồi đến Đức Mẹ. Con yêu mến Đức Mẹ nhiều lắm mẹ ạ.

Lúc khác, Đức Hạnh lại dặn chị:

- Trong thẻ con có nhiều tiền, nên mẹ lấy cho người nghèo nhiều đi, ai cần thì cho hết đi…”. Bây giờ con không cần gì hết, con chỉ xin Chúa và Đức Mẹ cho con khỏe lại thôi. Con nhức đầu vì phải học nhiều, không thích nữa đâu…!

Có lúc con chị lại nhép miệng lẩm bẩm, nói năng bất thường làm chị nghe nhói đau trong lòng. Chị càng cầu nguyện khẩn thiết hơn, xin Chúa và Đức Mẹ cứu chữa cho con của chị. Thật tội nghiệp cho con gái, gia đình đâu dám mộng cao, chỉ tại thấy con mê học từ thuở thiếu niên rồi được học bổng du học toàn phần từ A đến Z nên phải chiều, dù chị rất lo cho con khi phải đi học xa nhà từ năm lớp mười.

Nhờ sự chăm sóc ân cần của các y bác sĩ trong bệnh viện cũng như sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ tâm lý đạo Tin Lành, con gái chị Thanh Loan rất nhanh bình phục. Chị cũng nhận ra đó là do ân ban của Ơn Trên. Bởi Đức Hạnh trong lúc bệnh cũng luôn nhớ đến Chúa, Mẹ. Thật lạ lùng, các bác sĩ cũng ngạc nhiên khi thấy con gái chị chỉ hơn ba tuần đã hoàn toàn bình phục. Lúc đầu, nhà trường rất quan tâm khi nghe bác sĩ nói cháu bị stress nặng, cần về gia đình thư giãn một thời gian… Nhưng khi thấy con chị chóng bình phục như vậy thì họ cũng an tâm phần nào. Tuy nhiên, theo lời đề nghị của bác sĩ, nhà trường cũng đồng ý cho cháu về gia đình nghỉ dưỡng, lưu điểm lại năm sau sang học tiếp. Nhờ có học bổng toàn phần trong sáu năm nên cháu được ưu ái miễn phí tất cả. Chị hết lòng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, cùng cám ơn nhà trường về vấn đề này.

Lúc trở về, Chị Thanh Loan ngồi trên máy bay bên cạnh con gái, nhìn vẻ mặt thanh thản, hồn nhiên của con lúc ngủ làm chị thấy an lòng. Lần này, chị cảm nhận rất rõ sự quan phòng, can thiệp của Chúa và Đức Mẹ trên cuộc đời và gia đình chị. Nhìn lại những biến cố đã qua, chị nhận ra rằng: khi gặp những thất bại, đau khổ, bất trắc trong cuộc sống, chị mới chạy đến kêu cầu với Chúa và Đức Mẹ cách thành tâm, tha thiết; còn lúc được vui vẻ, hạnh phúc và những điều may lành ít khi chị nhớ đến Chúa, Mẹ để tạ ơn các ngài. Dẫu là thế, nhưng chị luôn xác quyết: Chỉ có Chúa và Đức Mẹ là điểm tựa vững chắc trong mọi cảnh huống của cuộc đời chị.

Ms: 17-118
Giải Viết Văn Đường Trường 2017, Bản tin 11