Giải Viết Văn Đường Trường 2017 - Bản tin 08

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 779 | Cật nhập lần cuối: 4/3/2017 2:05:39 PM | RSS

Thưa quí độc giả và quí tác giả,

Mở đầu bản tin, chúng tôi xin có một thông báo ngắn về cuộc thi sang năm, 2018. Để kết thúc giải Viết Văn Đường Trường, trong cuộc thi lần cuối, ngoài những giải thưởng dành riêng cho từng truyện như các năm trước, sẽ có những giải thưởng dành cho các tuyển tập truyện ngắn, tức là những chùm truyện từ 10 truyện trở lên (kể cả những truyện đã từng gửi dự thi nhưng không đạt giải nay chỉnh sửa lại). Chúng tôi thông báo sớm để các tác giả có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ. Các chi tiết liên quan sẽ được nêu rõ trong bản thể lệ sẽ công bố vào dịp trao giải 22.9.2017.

Trở lại chủ đề cuộc thi năm nay, trong một tập giáo lý căn bản của Chương trình Giáo lý Phổ thông, các em nhỏ được học:

Cả Công giáo lẫn Tin lành,
Đều là con Chúa, là anh em nhà.

Thế nhưng khi đã có chuyện sứt mẻ từ nửa ngàn năm qua, việc tìm lại hiệp nhất không dễ. Với sức người, dường như không thể nào được, nhưng với ơn Chúa, đường về hiệp nhất chỉ có hoặc xa hoặc gần, sớm muộn thế nào cũng tới đích.Một giải pháp thực tế đã đạt được ở đầu thế kỷ XXI này dành cho những cộng đồng Anh giáo quay về hiệp nhất với Giáo hội Rôma là những giáo phận tòng nhân. Có thể nói là tương tự như một hội dòng giáo hoàng. Các thành viên một dòng Giáo hoàng có thể phục vụ tại nhiều giáo phận khác nhau, tuy nhiên về mặt pháp lý giáo hội, họ trực thuộc Bề trên thượng cấp của Dòng chứ không trực thuộc Giám mục địa phương. Sắp tới đây, những Kitô hữu thuộc về Huynh đoàn Thánh Piô X, được hội nhập lại vào Hội thánh Rôma cũng sẽ theo quy chế ấy. Nhiều nhóm khác nhau với lễ nghi riêng và sinh hoạt riêng nhưng vẫn hiểu nhau và hiệp thông với nhau sâu xa trong cùng một ngôn ngữ của đức tin và tình yêu. Chúa Thánh Thần đã thực hiện điều ấy trong dịp lễ Ngũ Tuần sau ngày Chúa Kitô Phục sinh. Những bước tiến của một trăm năm qua và đặc biệt là năm mươi năm qua, từ Công đồng Vaticanô II trở lại đây, cho ta thấy tràn trề hy vọng.

Những gợi ý ấy có thể phần nào trấn an nỗi băn khoăn trong lá thư của một tác giả gửi kèm với bài dự thi:

“Con xin gửi Ban Tổ chức và Quý Cha truyện ngắn thứ ba dự thi VVĐT năm 2017. Tuy đây là bản ghép của những câu chuyện có thật song nó khá điển hình và bản thân con vẫn thấy khổ tâm khi viết ra, một số vấn đề “khá nghiêm trọng”, con chỉ dám “nói bóng nói gió” trong truyện thôi. Vậy nên nếu truyện không phù hợp với tiêu chí của cuộc thi, kính xin Cha cứ loại sớm ạ.

Con xin phép được kể với Cha về hành trình con đi sang giao lưu với người Tin lành, hơi dài dòng một chút, con hy vọng Cha dành chút thời gian nghe tâm sự của con, những trải nghiệm và một vài cuộc khảo sát của con.

Con đã theo hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” để đi ra. Thế nhưng về tông huấn này, con thấy chỉ có các vị dự tu (có ý định đi Xơ, đi Thầy) biết đại ý, còn hầu hết giáo dân chưa từng nghe!

Còn về vấn đề “Đại kết”. Nơi những người Công giáo con khảo sát, hầu như họ không hề biết đến “Đại kết”, bao gồm cả giáo dân, giáo lý viên, thậm chí cả các vị dự tu! Khi con gợi đến “Đại kết”, người ta thậm chí còn cười chê con “ăn cơm tấm nói chuyện Quốc gia, lo mà giữ đạo đi”! Về phía người Tin lành, họ có biết về “Đại kết”, song suy nghĩ của họ là “Cùng tin một Chúa, vậy là hiệp nhất rồi, chẳng cần bày vẽ hình thức; hơn nữa, người Công giáo bảo thủ lắm, không thể nói chuyện được!”. Còn các Đấng, các Bậc tức là các Linh mục và Mục sư con xin gặp thì lại có điểm chung. Cả hai bên đều bảo con: “Đại kết là chuyện vĩ mô, là việc của thượng tầng, còn giáo dân, tín hữu nên tập trung cầu nguyện, học giáo lý đức tin và sống đạo thì hơn”. Theo thiển nghĩ của con, những hệ phái có người đứng đầu như Chính Thống và Anh Giáo, may ra có thể bàn về chuyện hợp nhất, còn Tin lành thì e là quá khó, vì họ không có người đứng đầu!

(Xin đính chính ngay: Bạn đừng quên tất cả mọi Kitô hữu đều có một người đứng đầu là chính Chúa Kitô. Chỉ cần nhớ sự thật ấy, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.)

Chỉ “giới trẻ ham chơi” là có quan tâm đến vấn đề “Đại kết”. Con đã giúp nối kết hai nhóm giới trẻ hai bên (khoảng dăm chục người) giao lưu thông qua các buổi sinh hoạt chung. Song tuy con đã dặn dò từ trước, việc giao lưu không được suôn sẻ lắm. Một số bạn trẻ Công giáo không đồng ý việc các bạn trẻ Tin lành chỉ đứng im mà không hát bài “Xin vâng”, cho rằng như vậy là họ không có tinh thần hiệp nhất, vì bài hát kính Đức Mẹ ấy nào có đụng chạm gì tới giáo lý Tin lành đâu! Việc ấy dẫn tới chỗ bất đồng khi trao đổi về “hôn nhân khác đạo”. Cả hai bên đều sợ lấy người ngoài Kitô giáo, vì khác đạo sẽ dễ mất đức tin.Các bạn trẻ Tin lành cho rằng lấy được người Tin lành (là tốt nhất), nếu không thì lấy được người Công giáo cũng tốt tương đương vì nếu lấy người Công giáo thì chẳng phải là “hôn nhân khác đạo”. Đang khi đó các bạn trẻ Công giáo cho rằng “lấy người Tin lành để rồi suốt ngày cãi nhau Đức Mẹ có đồng trinh trọn đời hay không ấy à, lấy người Tin lành để mà bỏ Đức Mẹ thì lấy làm gì, thà lấy người ngoại còn hơn”! Cuối cùng, chị trưởng nhóm Emmanuel bênTin lành phải dàn hòa: “tìm điểm chung thì nối kết, tìm điểm khác sẽ chia xa”, lúc ấy xung đột mới giảm nhiệt, song vẫn âm ỉ mãi…

Vậy nên, con bạo gan nghĩ là, trừ phi Chúa làm một cuộc bão giông thì Cây Mẹ và các Cây Con mới chịu liên kết với nhau thành một khối. Bằng không Đại kết mãi mãi chỉ là một phong trào”.

Quả thực, đó là những thực tế vẫn xảy ra hàng 500 năm nay. Khi tiếp xúc với anh chị em các hệ phái khác, hầu hết chúng ta đều thấy đó là việc quá khó. Thế nhưng chúng ta vững tin vào ơn Chúa, chỉ biết nỗ lực hết sức, rồi việc còn lại Chúa sẽ làm.

Hiệp thông với nỗi khắc khoải của tác giả lá thư, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn dừng lại phút giây và cùng nhau cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy ban cho các tín hữu Công giáo những ơn mà Chúa đã ban cho anh em Tin lành và xin cũng ban cho anh em Tin lành những ơn mà Chúa đã ban cho các tín hữu Công giáo.”

Xin hãy tiếp tục tinh thầncầu nguyện ấy, đang khi đọc 7 truyện mới của lần này, vừa được chọn vào vòng sơ khảo.

Qui Nhơn, ngày 02.4.2017

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh