Giải Viết Văn Đường Trường 2017 - Bản tin 09

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1048 | Cật nhập lần cuối: 4/19/2017 9:07:46 AM | RSS

Thưa quí độc giả và quí tác giả,

Đến 00g00, thời khắc đầu ngày Chúa nhật Phục Sinh 16.4.2017, cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường lần V nhận được bài dự thi cuối cùng, được gửi đi vào lúc 23g53. Khóa sổ, tổng cộng có 175 bài dự thi, vượt hẳn số lượng các năm trước (năm 2015 và 2016 đều chỉ có 143 bài). Phân tích sơ khởi cho thấy lượng bài này là của 95 tác giả, đến từ 20 giáo phận. Đây là niềm vui khởi đầu cho cuộc thi năm nay, và cũng thật trùng hợp, nó được hòa vào niềm vui mừng Chúa Phục Sinh trong ánh sáng khải hoàn đầy hy vọng.

Bài ca công bố Tin mừng Phục sinh (Exultet) và bài thánh thi Xuất hành chương 15 (Vang lên muôn lời ca) và các bài Hallêluia vang lên như những bản hùng ca hát mừng những sự kiện lẫy lừng Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại trong lịch sử và nơi Đức Giêsu Kitô. Chi tiết tiêu biểu ấy đủ khiến Phụng vụ đêm Vọng Phục sinh là một dịp và là một minh họa giúp ta nhận ra những khác biệt trong cách cảm nhận mầu nhiệm và trong cách diễn tả đức tin của Hội thánh Công giáo so với Hội thánh Tin lành, đồng thời nó cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ trong hành trình tiến tới “đại kết”.

Kinh thánh cho thấy Thiên Chúa ngỏ Lời Ngài cho nhân loại trước hết bằng những can thiệp của Ngài trong lịch sử (những sự kiện dệt nên lịch sử) rồi sau đó mới cho các tác giả thánh ký diễn giải ý nghĩa những sự kiện ấy và ghi lại trong Kinh thánh (bản văn giải thích). Năm phụng vụ, từ các tuần lễ Mùa Vọng cho tới lễ Chúa Kitô Vua, là một bản giúp tín hữu ôn lại toàn bộ lịch sử ơn cứu rỗi, từ sáng thế, sa ngã, cứu chuộc, loan Tin mừng, thánh hóa nhân loại và những diễn biến cuối cùng kết thúc lịch sử. Trước công đồng Vaticanô II, phụng vụ Công giáo nhấn mạnh tới các sự kiện mầu nhiệm và ngắm nhìn bằng mắt (mắt thể lý và mắt đức tin). Phụng vụ thời ấy không nhấn mạnh tới bản văn Kinh thánh. Bản văn được tuyên đọc bằng tiếng Latinh, vị giảng lễ chỉ tóm tắt đại ý rồi diễn giải cho dân chúng. Ngày nay, phụng vụ nhấn mạnh tới Lời Chúa, coi Lời Chúa cũng quan trọng như Thánh Thể. Tuy nhiên cách đọc Lời Chúa của người Công giáo có tính cách tổng hợp. Hiện nay mỗi Chúa nhật có ba bài đọc, được chọn theo hướng đồng thanh tương ứng giữa xưa và nay, giữa Cựu ước và Tân ước. Cách đọc Lời Chúa của người Tin lành có tính cách phân tích: Mỗi tuần người tín hữu được học một “câu gốc”, để từ đó diễn giải các chủ đề đức tin và cuộc sống. Người Công giáo nhấn mạnh tổng thể, người Tin lành quan tâm tới chi tiết. Người Công giáo cảm nhận mầu nhiệm bằng chiêm ngắm, người Tin lành cảm nhận bằng lắng nghe và suy gẫm. Với hai hướng sư phạm khác nhau, hai bên cảm nhận về mầu nhiệm cách khác nhau, ngỏ lời với Thiên Chúa cách khác nhau và loan báo Tin mừng cách khác nhau.

Trong văn chương và nghệ thuật cổ điển, bốn loại hình nghệ thuật: văn, thơ, nhạc và họa gắn liền với nhau - văn, thơ, nhạc được diễn tả không những bằng âm thanh và nhịp điệu mà còn cả bằng hình ảnh hội họa. Mỗi câu thơ, mỗi đoạn văn và cả mỗi dòng nhạc đều phải là một bức tranh khắc họa vào tâm khảm người thưởng thức. Nghệ thuật cổ điển nghiêng về cách diễn tả theo biểu tượng. Ngày nay các bạn trẻ dường như thích “tả chân” hơn, bộc lộ thẳng thừng, cụ thể là những bản “nhạc nói”. Tuy nhiên nhu cầu diễn tả bằng biểu tượng vẫn tồn tại.

Một bên chuộng tập thể (đọc kinh ê a, dễ rơi vào hình thức trống rỗng), một bên thể hiện cá nhân (những lời nói tự phát, dễ rơi vào chủ quan phiến diện). Tuy nhiên nơi thánh ca thì hình như hơi ngược lại: Tin lành thích thể hiện bằng hợp xướng, Công giáo thường chỉ hát những bài đồng ca có bè đồng giọng, nhiều nơi còn lạm dụng đơn ca, dễ rơi vào chỗ phô diễn tài năng hơn là thờ phượng Chúa.

Hai hướng sư phạm khác nhau. Mỗi bên có cái hay riêng, đồng thời cũng có cái giới hạn riêng, tạo nên hai mẫu người tín hữu khác nhau. Nếu biết đón nhận nhau, sẽ tạo thành một bản hòa âm, một sự hòa điệu sâu xa, một chân trời hiệp nhất cho các hệ phái Kitô giáo: một bản hợp xướng nhiều bè nhưng rất hòa hợp chứ không chênh phô. Đây là hình ảnh nữ chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi đã dùng để suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa.

Cùng với lời mến chúc ân sủng, bình an, đức tin và tình yêu của Chúa Phục sinh, xin mời tất cả cùng thưởng thức 7 truyện mới, đã vượt qua vòng loại để vào sơ khảo. Hiện nay, Ban thư ký đang tích cực tổng hợp để gởi những bài qua vòng loại cho Ban sơ khảo lượng giá và chấm điểm, chọn ra những bài vượt trội vào vòng chung khảo.

Qui Nhơn, ngày 17.4.2017
Lm. Trăng Thập Tự