Giáng sinh diệu kỳ (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 997 | Cật nhập lần cuối: 3/6/2017 9:20:13 AM | RSS

Giáng sinh diệu kỳ (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)Chị sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng vì ham học lại có trí thông minh nên cố gắng lắm bố mẹ mới cho chị học hết lớp chín. Là con cả trong nhà, chị phải cáng đáng mọi công việc để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Cuộc sống nơi thôn quê: dãi nắng dầm mưa, vất vả hết ngày này qua tháng khác mà nghèo thì vẫn cứ hoàn nghèo. Không cam lòng, chị quyết định xin bố mẹ vào miền Nam kiếm việc làm, hy vọng sẽ có tiền giúp gia đình bớt vất vả hơn.

Sau đêm tổ chức cắm trại Noel cho các em thiếu nhi trong Giáo xứ, chị lên đường vào Sài Gòn. Trước khi đi mẹ chị dặn dò: “Con đi xa nhớ giữ gìn sức khỏe, là thân con gái lại một mình nơi đất khách quê người…con nhớ phải cẩn thận đấy”. Nghe lời mẹ dặn mà chị cũng rưng rưng nước mắt: “Bố mẹ yên tâm, con đi rồi sẽ sớm quay về”. Khi chị bước lên xe thằng Tí còn nói với theo: “chị Mây ơi, khi nào về chị nhớ mua quả bóng to cho Tí, giống như của cu Bi nhà dì Hoa nhé”. Nhìn đàn em thơ bé cùng những lời nhắn gửi hồn nhiên, chị cố gượng cười mà lòng thấy xót xa.

Ánh hoàng hôn đang dần buông xuống, ngôi làng bé nhỏ cùng những người thân yêu của chị cũng đang dần khuất xa và chìm vào trong màn đêm dày đặc. Sau hơn hai ngày ngồi trên xe khách, cuối cùng chị cũng đặt chân tới mảnh đất Sài Gòn. Khác xa với vùng quê hẻo lánh của chị - nơi chỉ có những ngôi nhà gỗ mộc mạc đơn sơ và những dãy núi nối tiếp nhau đến tận chân trời. Sài Gòn là một thành phố của đèn hoa tráng lệ, luôn nhộn nhịp và tấp nập người qua lại. Còn đang lạ lẫm với môi trường mới, chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì chị nghe một giọng nói vang lên từ phía sau:

- Cô bé mới ở quê vào đúng không?

Chị ngỡ ngàng quay lại, bối rối vì không biết phải trả lời thế nào thì chàng thanh niên lại lên tiếng:

- À! Tại thấy cô bé cứ ngơ ngác, trên vai lại đeo túi đồ nên đoán chắc là cô bé mới tới. Mà quê cô bé ở đâu, vào đây xin việc hay đi thăm bà con?

- Dạ, em chỉ đi xin việc thôi ạ!

- Ở đây có nhiều công ty lắm, thế cô bé đã định xin vào làm ở đâu chưa?

- Dạ, em cũng… chưa biết ạ.

- Cô bé không có người quen trong này sao?

- Quê em mãi ngoài Yên Bái nên không quen biết ai ở đây cả!

- Vậy em đã thuê được nhà trọ chưa?

- …Dạ… cũng chưa ạ!

- Trời, cô bé này liều thật đấy! Chẳng có ai thân thuộc lại còn đi có một mình. Mà em không thấy sợ sao?

- Em… Mà sợ gì cơ ạ?

Còn chưa hiểu chàng trai muốn nói gì thì anh đã kéo tay chị vào một quán nước bên lề đường. Sau một hồi nói chuyện, chị mới nhìn anh và thở phào nhẹ nhõm: “Gặp anh ở đây thật là may cho em quá”. Thì ra anh cũng là công nhân làm việc trong một nhà máy ở gần đây, đang trên đường đi làm về thì thấy chị nên anh đánh bạo tới hỏi thăm. Thật trùng hợp vì quê anh cũng ngoài Yên Bái nhưng cách nhà chị khoảng chừng sáu mươi cây số. Nhờ có anh nên chị đã nhanh chóng tìm được nhà trọ và xin vào làm trong một công ty may. Dù đi làm xa quê nhưng chị vẫn luôn nhớ tới bố mẹ và các em, chị nhớ những buổi tối cả gia đình ngồi đọc kinh lần hạt; chị nhớ các em thiếu nhi và lớp học giáo lý mà chị đang phụ trách. Có lẽ suốt cuộc đời này chị sẽ không bao giờ quên được món quà mà các em thiếu nhi đã tặng chị dịp Giáng Sinh năm ấy. Đó là một cuốn vở ôly, ngay trang đầu tiên được viết bằng những nét chữ nắn nót: “Chị Mây thân mến! Chúng em sẽ luôn nhớ và cầu nguyện cho chị, chị hãy giữ gìn sức khỏe và sớm trở về với chúng em nhé”. Chính những tình cảm đơn sơ chân thành ấy đã giúp chị vượt qua bao khó khăn và tự nhắc mình phải luôn cố gắng.

Vốn bản tính thật thà lại nhanh nhẹn nên sau hai năm làm việc trong công ty, chị chính thức được chọn làm thư ký cho Giám Đốc, thay thế cô thư ký cũ đã đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Chính ông Giám Đốc cũng rất hài lòng về phong cách làm việc của chị, ông thường đưa chị đi cùng trong các chuyến công tác. Nhân chuyến ra Bắc ký hợp đồng với một công ty, xong việc chị xin phép được ghé về quê thăm gia đình. Vừa trông thấy chị ở ngoài cổng, mấy đứa em đã háo hức chạy ra:

- Bố mẹ ơi, chị Mây về rồi, chị Mây đẹp như người thành phố.

Thằng Tí cũng thích thú khoe:

- Chị Mây ơi, hôm qua Tí được mẹ mua quần áo đẹp. Mẹ còn mua cả quả bóng to cho Tí cơ.

- Ừ! Thế Tí có thích không?

- Tí thích chứ, mẹ bảo đấy là quà chị Mây cho.

- Tí nhớ học giỏi và vâng lời rồi chị Mây lại mua nhiều quà nữa được không?

- Vâng, Tí biết rồi, Tí vẫn ngoan mà!

Mấy chị em đang tíu tít kể chuyện thì bố mẹ chị cũng từ trong nhà bước vội ra, thấy con gái đi xa trở về vẫn bình an khỏe mạnh họ vui mừng quá sức. Mẹ chị rơm rớm nước mắt:

- Mây về rồi à con?

- Vâng, con chào bố mẹ. Con đi mới có hơn hai năm mà quê mình thay đổi nhiều quá mẹ nhỉ?

- Ừ! Thì mỗi ngày cũng phải đổi khác chứ cứ như vầy mãi sao được. Mà con về rồi có đi nữa không?

- Dạ có mẹ à, nhưng con cũng chỉ tính làm thêm một thời gian nữa rồi con sẽ về hẳn.

-Thôi! Mấy mẹ con đi vào trong nhà, chứ cứ đứng ngoài sân như vậy hàng xóm họ cười cho – Bố chị lên tiếng.

Khi đã kể hết về công việc làm ăn cũng như cuộc sống của chị ở trong đó, bố mẹ chị cũng cảm thấy yên tâm hơn về sự trưởng thành của cô con gái. Nhưng bố chị cũng khéo nhắc nhở:

- Con làm trong đó cũng tốt nhưng con đừng quá mải mê với công việc. Con gái chỉ có thì thôi con ạ!

- Bố mẹ đừng lo cho con, con vẫn còn trẻ mà! - Chị cười lém lỉnh.

Bầu khí đang vui vẻ bỗng nhiên bị chùng xuống khi có tiếng chuông điện thoại reo, thì ra bác Giám Đốc nhắn chị bay vào gấp để dự cuộc họp hội đồng của công ty vào sáng mai. Biết chị lại phải đi xa nên thằng Tí nũng nịu: “Ứ cho chị Mây đi đâu hết, chị Mây phải ở nhà với Tí cơ”. Mẹ chị dù thương con nhưng không muốn chị phải suy nghĩ hay bận tâm đến chuyện gia đình mà ảnh hưởng tới công việc nên bà khẽ kéo tay thằng Tí: “Lại đây với mẹ để chị đi con”. Rồi quay sang chị, bà nói: “Thôi, con đi mau kẻo muộn lại bị người ta khiển trách”. Chị lau vội dòng nước mắt rồi chào bố mẹ và các em lên xe.

Trở về Sài Gòn chị lại bắt đầu với những công việc thường nhật. Tuy nhiên, càng ngày chị càng phải dành nhiều thời gian cho công ty hơn vì gần đây có nhiều công ty đã chính thức ký hợp đồng với công ty của chị. Do môi trường công việc nên chị thường xuyên gặp và tiếp xúc với Tuấn - anh trưởng phòng có tính tình vui vẻ hòa đồng. Nhận thấy ở anh có cái gì đó rất chân thành mà chị có thể dễ dàng chia sẻ mọi chuyện trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chính vì thế, chị đã quyết định nhận lời cầu hôn của anh vào dịp sinh nhật của mình (vừa hay vì đó cũng lại là ngày lễ Giáng Sinh). Hôm ấy, sau khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, chị dẫn Tuấn đến bên hang đá. Thấy chị cứ chăm chú nhìn vào tượng Chúa Hài Nhi, anh cũng định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Anh lặng lẽ đứng bên cạnh và thầm nghĩ: “Có lẽ chị đang cầu nguyện và xin chúa chúc phúc cho tình yêu của hai người”. Anh không biết rằng trong lòng chị lúc này đang có rất nhiều thứ cảm xúc đan xen: Chị hạnh phúc vì lời cầu hôn của anh nhưng chị cũng thấy man mác buồn khi vô tình nhớ về những mùa Giáng Sinh trước. Trong mỗi dịp lễ Noel lúc còn nhỏ chị thường được chọn làm “diễn viên” cho các tiết mục kịch, mà lần nào chị cũng đóng vai ma-sơ. Chị cảm thấy thích thú khi được mặc bộ tu phục cùng với chiếc lúp trắng trên đầu (dù chỉ mang tính tượng trưng). Từ đó Cha xứ hay gọi chị là “sơ nhí”, có lẽ vì thế mà chị nuôi dưỡng ước mơ đi tu. Nhưng sau này lớn lên chị hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, chị biết bố mẹ sẽ không có đủ tiền để nuôi chị ăn học, chị cũng phải có trách nhiệm trong vai trò của một người chị cả… mơ ước làm ma-sơ cũng vì thế mà phai nhạt. Đêm nay, trong chính giây phút này chị thấy có một niềm hy vọng chợt lóe lên rồi lại vụt tan biến vì ngồi bên chị lúc này là Tuấn - người mà chị đã và đang yêu.

Ngày còn ở quê chị luôn là một cô gái năng động và hoạt bát. Dẫu công việc có vất vả và bận rộn đến mấy chị cũng cố gắng thu xếp để tham gia các hoạt động trong giáo xứ cũng như ở thôn xóm nơi chị ở. Chị cũng là người có đời sống nội tâm: Trong cuộc sống hay trong công việc nhiều lúc gặp khó khăn và bị hiểu lầm, nhưng thay vì than trách chị lại có thói quen đến Nhà thờ cầu nguyện. Chị tìm thấy niềm vui và sự bình an từ chính những giây phút thầm lặng đó. Chị cũng đặc biệt thích ngắm nhìn Thánh Giá – ngắm nhìn Đấng đã dang tay chịu chết vì nhân loại. Ngay từ khi còn nhỏ chị đã được mẹ dạy cho ngắm chặng Đàng Thánh Giá, cùng với những giờ kinh của gia đình và những bài giảng của Cha trong thánh lễ chị dần cảm nhận được tình yêu và lòng bao dung của một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Và chị quyết tâm phải làm gì đó để Thánh Giá Chúa bớt cô đơn hơn.

Thời gian gần đây Tuấn hay đề cập đến chuyện tổ chức đám cưới. Dù biết đó là điều đương nhiên phải diễn ra nhưng không hiểu sao chị cứ chần chừ. Vì Tuấn cứ nhắc hoài nên trong một lần gọi điện về thăm gia đình, chị quyết định sẽ thưa chuyện nhưng chưa kịp nói gì thì mẹ chị đã vui vẻ kể chuyện về không khí Giáng Sinh ở quê nhà rằng các em chị giờ đã lớn, cái Hạnh và thằng An đều đi dạy giáo lý. Bà còn khoe: năm nay cái Hạnh được bầu làm trưởng giới trẻ và được Cha xứ giao cho việc trang trí hang đá trong dịp lễ Giáng Sinh. Sau một hồi say sưa kể chuyện bà lại báo cho chị một tin bất ngờ: Giáo xứ mình sắp đón Cha xứ mới con ạ! Nghe tin này chị thực sự cảm thấy ngỡ ngàng , chị hỏi mẹ:

- Vậy Cha xứ cũ sẽ đi đâu hả mẹ?

- Mẹ cũng không rõ, chỉ biết là sau lễ Giáng Sinh này Cha sẽ chuyển đi.

- Nhanh quá mẹ nhỉ? Mới ngày nào…

- Kể cũng nhanh nhưng tính ra thì cũng mười năm rồi đấy con.

Vậy là sau lễ Giáng Sinh Cha sẽ đi sao? Chị ngồi suy nghĩ rồi lại bất chợt nhớ về dòng ký ức năm nào. Chị nhớ về hình ảnh người cha đáng kính - người Mục Tử luôn hết lòng vì đoàn chiên và chị thấy có cái gì đó cay cay nơi khóe mắt… Mười năm trước đây giáo xứ chị chỉ là một vùng quê hẻo lánh nghèo nàn, ngôi Nhà Thờ của giáo xứ chị cũng chỉ là một ngôi nhà gỗ đơn sơ do một người giáo dân dâng cúng. Sau mười năm Cha về làm Cha Xứ, bộ mặt của giáo xứ đã có nhiều thay đổi: ngôi nhà gỗ đơn sơ ngày nào giờ đã trở thành ngôi Nhà Thờ khang trang - là nơi quy tụ của bà con giáo dân để thờ phượng Thiên Chúa. Đời sống của người dân cũng có nhiều tiến triển, họ học được cách trồng trọt và chăn nuôi khoa học hơn nhờ có sự hướng dẫn của Cha xứ. Nhớ về Cha chị lại nhớ về hai từ ‘sơ nhí’ thân thương. Bỗng nhiên chị cứ muốn lặp đi lặp lại hai từ sơ nhí ấy và như có một sức mạnh vô hình nào đó thúc giục chị phải đến Nhà Thờ, đến với Chúa Giêsu Hài Đồng trong hang đá Bê Lem. Không chút do dự chị đã đi theo tiếng gọi ấy. Tới nơi, chị hơi thất vọng vì cổng Nhà Thờ đã khóa, chị đứng bên ngoài cố nhìn vào phía trong nhưng vô ích. Dầu vậy chị vẫn tự an ủi mình: ‘Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi mà!’. Rồi chị lại nhớ về mơ ước thuở ấu thơ, nhớ đến lý do khiến chị bỏ cuộc? Và chị thầm nghĩ: ‘Lẽ nào Chúa muốn con tiếp tục ước mơ còn dang dở? nhưng bây giờ con đã lớn tuổi, con đã nghỉ học từ lâu và con cũng đã có bạn trai...’. Đêm càng về khuya, ánh trăng lại càng trở nên sáng hơn như muốn soi tỏ cõi lòng đang chất đầy nhưng tâm tư của chị.

Tết năm đó chị bất ngờ về quê mà không cho Tuấn biết, chị cũng thay luôn cả số điện thoại đang dùng. Tuấn vừa giận lại vừa lo lắng, anh không hiểu tại sao chị lại hành động như thế ? Nhưng anh còn biết làm gì hơn ngoài sự chờ đợi? Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi mãi cho đến gần một năm sau anh mới nhận được một tin nhắn từ số máy lạ: ‘Cám ơn và xin lỗi anh vì tất cả. Đừng chờ em anh nhé!’. Thắc mắc nên anh bấm số gọi lại thì không liên lạc được. Từ hôm đó anh cứ không ngừng suy nghĩ: Nếu chỉ là nhầm số thì tại sao lại khóa máy? Còn nếu là chị thì lý do gì khiến chị phải né tránh? Nhưng tất cả mãi chỉ là ẩn số mà anh sẽ không bao giờ có được câu trả lời. Còn chị, dù đã can đảm từ bỏ tất cả để quyết định bước đi theo lý tưởng của mình nhưng suốt mấy năm đầu sống trong Tu Viện chị cũng đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, chị luôn bị giằng co và có cả đôi chút dằn vặt. Có những đêm chị nằm mà không sao ngủ được, ‘hình bóng’ ngày nào vẫn khiến trái tim chị bao lần xao xuyến. Cho tới khi chị được chính thức bước vào một giai đoạn mới và được đội chiếc lúp trắng trên đầu thì chị đã thực sự hiểu rằng: ‘Chị cần phải thay đổi - cần phải mất một vài thứ và xa rời một vài thói quen hơn là một ngày nào đó chị sẽ mất tất cả!’.

Trong tiết trời giá lạnh mùa đông, tiếng nhạc của ‘Bài Thánh Ca Buồn’ vang lên mỗi lúc một rõ hơn nhưng tâm hồn chị đã được sưởi ấm bằng một nguồn sống mới. Ngước mắt lên trời chị thầm thì với Chúa: ‘ Lạy Chúa, chỉ có Ngài mới hiểu thấu tâm con’. Và như chợt nhớ ra một điều gì đó, chị khẽ khàng thốt lên: ‘Ôi lạy Chúa, Giáng Sinh thật diệu kỳ’.

Ms: 17-048
Giải Viết Văn Đường Trường 2017, Bản tin 5