Kho báu dưới chân tượng Mẹ (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1881 | Cật nhập lần cuối: 7/17/2017 9:12:35 AM | RSS

Kho báu dưới chân tượng Mẹ (Giải Viết Văn Đường Trường 2017)Còn thiếu hai tháng mười một ngày nữa là lão Mạnh tròn sáu mươi. Theo phong tục ở quê, tuổi đó đủ tiêu chuẩn để người ta mừng thọ một tấm bằng, một bó hoa và chiếc phong bì có trị giá một trăm nghìn đồng. Trong khoảng sáu mươi năm qua thì có năm năm lão tham gia cuộc chiến tranh chống Mĩ. Năm bảy sáu, lão buông súng, về làng mưu sinh.

Hớt tóc, xe ôm, buôn phế liệu, lão đều kinh qua hết. Những năm cả nước sốt mô hình vườn ao chuồng, lão chạy chọt thuê được miếng đất làm trại nuôi lợn. Ban đầu chỉ vài chục con, sau lên đến hàng trăm. Lão thuê mấy người làm công, bao hẳn cơm nước, cắt đặt việc đâu vào đấy. Một ngày lão đến trang trại hai lần, tám giờ sáng và ba giờ chiều. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm lão đút túi mấy trăm triệu. Ở quê, thế là nhiều.

Vợ lão tên Lành, một phụ nữ có nhan sắc vừa phải nhưng thuần khiết vẻ cam chịu Á Đông. Bà Lành sinh cho lão ba mặt con. Đứa đầu tên Lãm, hai mươi chín tuổi, chưa vợ, làm ở bưu điện tỉnh. Kế Lãm là Thục, hai mốt, tóc cột đuôi ngựa, sinh viên ngành mỹ thuật. Đứa út là con gái, tên Đoan, mười bảy tuổi, có khuôn mặt đẹp như mặt tượng Đức Mẹ.

Lão mộ đạo khủng khiếp. Tháng ba mươi ngày nhẵn mặt ở nhà thờ. Các thánh lễ, chầu Thánh Thể, thiện nguyện hiếm khi lão vắng. Hôm nào ốm hoặc bận việc không thể đến nhà thờ, lão đâm ra bứt rứt, khó chịu. Cứ đúng bốn giờ sáng là lão dậy, lấy nước pha ấm trà, rít vài hơi thuốc lào rồi đẩy xe ra. Bữa nay cũng thế. “Bà nó đâu? Mấy đứa kia nữa, dậy!”. Thục ngái ngủ, càu nhàu: “Đúng cái giờ ngủ ngon nhất thì gọi”. Lão nhả khói mù mịt: “Ăn nói thế à, bỏ lễ người làng họ cười cho”. Lãm chõ vào: “Chịu khó đi mày. Dậy cho ông ấy vui. Mà ông ấy vui thì nhà cửa mới yên được”. Đoan ré lên cười. Lão Mạnh rít khẽ: “Đúng là lời lẽ của quân vô đạo”. Lãm bật lại: “Vẫn còn hơn thứ đạo bánh đa của bố. Nắng thì còn được. Chứ mưa xuống ỉu xìu”. Không có câu trả lời. Lão ném mạnh ấm trà xuống sàn rồi dắt xe ra cổng.

“Chúa có mắt” là câu cửa miệng của lão. Lãm xin được vào bưu điện tỉnh, lão cười ”Chúa có mắt”. Thục đậu đại học, lão tíu tít “Chúa có mắt”. Đoan được cả xứ khen đẹp người đẹp nết, lão cũng tủm tỉm “Chúa có mắt”. Lợn trang trại nhà lão bán được giá hơn mấy trang trại khác, lão vẫn điệp khúc “Chúa có mắt”. Có lần Lãm gắt: “Chúa có mắt mà để cho đàn lợn của bố ăn toàn chất tăng trọng”. Lão Mạnh tím mặt: “Cơm trong bụng mày, chữ trong đầu mày cũng từ mấy con lợn của tao hết đấy!”.

Lão Mạnh chơi thân với Sáng, một tay buôn đồ cổ. Ơn Sáng giúp chạy thủ tục mở trang trại, lão vẫn nằm lòng. Sáng có món xáo lòng ăn rất vừa miệng. Bọn họ thường chơi cờ và đối ẩm với nhau chỗ cái bàn dưới gốc cây mưng già. Với lão, Sáng là người tâm phúc. Chuyện đời, chuyện đạo, chuyện làm ăn hay giáo dục con cái, tất tật lão đều có thể thoải mái bàn bạc với Sáng mà không vấp phải sự lệch pha như với ba đứa con.

***

Phía đằng đông, cách một khoảng sân là nhà bố con ông Bường. Họ chuyển về đây được mấy tháng. Ngày mới đến, ông Bường nom nhếch nhác dắt theo đứa con gái trạc tuổi Đoan, tên Miên, có đôi mắt đẹp. Ban đầu lão Mạnh xởi lởi đon đả nhưng kể từ khi biết nhà kia theo đạo Tin Lành thì nhất mực tuyệt giao. Mấy lần chạm nhau ngoài cổng, bố con ông Bường chào nhưng lão cúi gằm mặt, đi thẳng. Hai nhà chung một ngõ hướng ra đường cái. Sáng Chúa nhật, khi cả nhà lão Mạnh đưa nhau đi lễ thì ông Bường chở Miên theo hướng ngược lại, cách ba cây số, nơi có một ngôi nhà thờ Tin Lành nhỏ. Lão nghiêm giọng: “Cấm tiệt bà nó và mấy đứa giao du với loại phản trắc ấy”. Rồi quay sang Đoan: “Mày học cùng trường với con Miên, cẩn thận đấy. Để nó dắt mũi là chết với tao”.

Một hôm, lão Mạnh mang về một bức tượng Đức Mẹ, cao khoảng mét hai. Bức tượng làm bằng đá lấy ở vùng Quỳ Hợp, do một người thợ điêu khắc chế tác theo mẫu Đức Mẹ Việt Nam tay cầm nón lá. Nét chạm trổ khá tinh xảo, đặc biệt là khuôn mặt rất có hồn. Sáng và Thục chở về hai xe bò chất đầy cát, đá, xi măng. Cả ba hì hục xây trong một ngày thì xong cái bệ hình hoa sen. Đến chiều thì dựng tượng lên. Bức tượng Đức Mẹ vươn cao bên cây mưng già, ngay sát vườn nhà ông Bường. Bà Lành bày ra một mâm đầy thịt chó và rượu. Đoan học về, trố mắt ra hỏi: “Trong nhà chưa đủ tượng hay sao mà bố dựng cả ngoài vườn thế này?”. Lão Mạnh dốc ngược chén rượu, đánh khà một tiếng rồi cất giọng sang sảng: “Cho bõ tức cái nhà kia. Ghét của nào trời trao của ấy”. Sáng và Thục phá lên cười.

Tượng dựng lên được một tháng thì lợn trang trại nhà lão Mạnh đột ngột chết hàng loạt. Bụng con nào con ấy trương sình lên. Lão điên lắm. Không điên sao được khi còn non tuần lễ nữa là xuất chuồng mà chỉ sau một đêm, cả mấy trăm con nằm lăn ra chết. Lão Mạnh sinh nghi. Thoạt tiên lão nghi mấy đứa làm công bất cẩn. Lợn nhà lão nuôi ba tháng đầu theo chế độ ăn bình thường, tầm mười ngày nữa xuất chuồng thì mới cho trộn một ít thuốc vào thức ăn. Mẹo này lão nghe được mấy tay thương lái rỉ tai, đảm bảo lợn vừa nạc vừa tăng cân. Nhiều trang trại đều làm thế. Lúc đầu lão còn sợ nhưng thấy món lợi lớn quá nên chặc lưỡi hùa theo. Vả lại mấy lần trước đều cho trộn theo cách này, có sao đâu. Hay là lão mua nhầm thuốc đểu. Có thể lắm, vì thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, lại trôi nổi qua tay bao nhiêu là người. Cuối cùng lão nghi mấy chủ trại lợn khác rắp tâm hãm hại. Lão có nhiều mối quen nên dĩ nhiên lợn nhà lão bao giờ cũng bán được giá hơn.

Tiếc của, cả ngày lão nằm thượt ra, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Bà Lành dọn cơm nhưng miệng lão đắng ngắt. Quá trưa thì Sáng đến. Cả hai thủ thỉ chuyện gì đấy có vẻ bí mật. Lão lôi cuốn sổ trong tủ ra, lấy bút gạch gạch xoá xoá. Một lúc nữa thì hai người to tiếng với nhau. Sáng bỏ về. Lão mặc áo, dắt xe ra khỏi nhà.

Buổi tối, cả nhà ngồi ăn cơm. Hôm nay Lãm mới nhận lương nên đi chợ mua thêm mấy món. Có cả bia Heineken và gà rang muối. Đang ăn thì lão Mạnh về. Đoan ra mời bố vào ăn cơm. Lão gạt đi, ra hiệu cho cả nhà tiếp tục, rồi xách chai rượu đi thẳng đến cái bàn cạnh cây mưng. Ban đầu lão nhấp từng chén một. Sau dốc ngược chai, tu ừng ực. Nước mắt trào ra, hoà với rượu cũng tràn ra từ khoé miệng chảy xuống ngực áo. Bà Lành lẳng lặng đến cất chai rượu. Lão rống lên khóc. Ba đứa con chạy ra. Lão giằng cái chai trong tay bà Lành rồi ném mạnh xuống đất: “Oan nghiệt lắm trời ơi, mất hết rồi, mất sạch rồi!”. Ra là lão nghe Sáng chơi tín dụng đen bị mất trắng. Thấy lãi suất cao hơn hẳn ngân hàng, lão hám tiền nên có bao nhiêu dồn vào bằng hết. Ngót ba tỷ. Tay chủ quỹ tín dụng bỏ trốn ra nước ngoài, hiện công an đang lập chuyên án. Lãm nói với Thục: “Giờ thì mới thật là Chúa có mắt”. Thục đáp: “Anh câm đi!”.

Đúng một tuần sau, bà Lành lên cơn sốt, người có triệu chứng phù nề. Đi viện khám mới biết bị suy thận mãn. Lão Mạnh lịm đi khi Đoan báo tin. Cả thân hình tám mươi ba cân thịt đổ ập xuống. Lãm lấy dầu gió xoa hai bên thái dương một lúc thì lão tỉnh. Câu đầu tiên cả nhà nghe được từ miệng lão là “Hạ hết tượng xuống… Bỏ hết… Từ nay không lễ lạy, thánh thần gì nữa hết... Chúa mù rồi... Chúa mà có mắt thì tao không khổ thế này!”.

Lão chìm vào rượu. Hễ uống vào là chửi. Lão chửi bất cứ ai, bất cứ chuyện gì, bất cứ giờ nào. Chửi mệt thì lăn ra ngủ. Có đêm lão thức dậy, gào thét điên loạn. Đoan lấy cơm cho ăn nhưng lão chả thèm động đũa. Mắt lão quầng đen, người rạc hẳn đi.

Một đêm tháng tư, Đoan ra vườn, ngắt những bông hoa đại còn đẫm sương đặt dưới chân tượng Đức Mẹ. Cô chắp tay lần chuỗi một lúc rồi ngồi xuống, khe khẽ hát bài Ave Maria. Vừa hát vừa đảo mắt nhìn quanh như sợ ai bắt gặp. Tiếng hát trong trẻo, dịu nhẹ như mùi hương loài hoa cô vừa hái. Đã vài tháng nay, đêm nào cũng vậy, học xong bài là Đoan ra ngồi hát dưới chân tượng Mẹ.

Cách đó không xa, qua khung cửa, ông Bường vẫn lặng lẽ nhìn cô gái nhỏ, điếu thuốc cháy dở trên tay. Miên đến bên cạnh.

- Đêm nào cũng đứng ngắm thế này, khéo ba nghiện mất.

- Từ khi trở về từ chiến trường, ngày theo việc quần quật thì thôi, tối đến hễ chợp mắt là cơ man nào tiếng súng nổ, tiếng máy bay gầm thét trên nền trời, máu loang những vệt dài và những xác người vùi sâu trong lòng đất. Không hiểu sao mấy tháng nay cứ nhìn cái Đoan ngồi hát thánh ca dưới tượng Đức Mẹ là ba thấy nhẹ nhõm hẳn ra. Lạ quá phải không con. Cảm giác như được ai đó ôm vào lòng hát ru vậy.

- Giá mà những chuyện buồn không ập đến cùng một lúc như vậy. Đang yên đang lành tự dưng sụp đổ tất cả. Khổ chị ấy quá!

- Sông còn có khúc nữa là người. Vậy mà những năm tháng khốc liệt nhất, có lúc ba đã hồn nhiên nghĩ rằng chỉ cần kết thúc cuộc chiến này thôi là sẽ đến những ngày sung sướng, bình yên.

- Thật ra những người như ba và bác Mạnh vẫn còn một cuộc chiến nữa!

Ông Bường bất giác rùng mình. Ngoài kia, Đoan vẫn ngồi hát dưới tượng Mẹ. Hai người phụ nữ đẫm ướt sương, đẫm ướt sầu muộn và đẫm ướt nhau…

***

Loáng cái bà Lành nằm viện được bốn tháng. Một tuần ba lần lọc máu. Tiền trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi. Lãm theo việc suốt. Đoan như con thoi, hết chăm mẹ ở viện lại vội vã tạt về nấu cho lão Mạnh bữa cơm. Không khí trong nhà chùng hẳn xuống.

- Đi đâu cả mà để nhà cửa vắng ngắt thế này? - Ông Bường bước vào nhà, đứng lặng người nhìn chầm chậm một lượt. Lão Mạnh đang nằm trên chiếc phản. Tay cầm chai rượu đã trơ đáy. Miệng trệu trạo nhai mẩu bánh mì. Mắt mòng mọng sưng.

- Chỉ biết vục mặt vào rượu thôi à? Tượng Chúa sao vứt một đống thế này?

- Bảo tôi tiếp tục thờ một kẻ mù ư? Thờ kẻ đã lấy đi sạch sành sanh của tôi ư?

- Tưởng gì. Thằng Lãm nói có sai đâu. Đạo của ông là loại bánh đa gặp mưa mà.

- Nhìn bộ dạng tao thế này, mày hả hê lắm phải không? Thế thì cười đi. Cười đủ rồi thì cút!

- Tôi thèm vào. Những người lính như ông với tôi, bom đạn chiến tranh không giết được mà lại dễ dàng ngã sấp mặt trước vài cơn giông lốc thế này thì hèn, hèn lắm!

Không có câu trả lời. Lão Mạnh vẫn nằm trơ ra.

- Tôi sang đây để bảo ông hạ nốt cái tượng Đức Mẹ ngoài kia xuống luôn một thể. Không yêu, không thờ thì dựng tượng lên làm gì. Cái Đoan còn biết hái mấy bông hoa đặt dưới chân tượng Mẹ. Còn ông đã bao giờ đặt những gì mình có chưa?

Ông Bường quay đi. Có tiếng thủy tinh vỡ. Rồi tiếng lão Mạnh ho, nghe nặng như phát ra từ sâu dưới đáy ngực.

Từ nhà đến chỗ bà Lành điều trị cách chừng mười lăm cây số. Đó là một bệnh viện mới được nâng cấp, khá hiện đại. Tầng bốn của bệnh viện được nhiều người trìu mến gọi là ngôi nhà chạy thận. Vài năm trước, họ xây thêm khu nhà nghỉ này cho bệnh nhân điều trị dài ngày. Hai lăm nghìn một ngày tiền thuê phòng. Cơm nhiều khi được phát miễn phí. Khoảng ba mươi bệnh nhân nhưng chỉ có vài ba người nhà thay phiên nhau túc trực. Những người chẳng may bị suy thận mãn xem đó như bệnh cuối đời. Họ chọn cách nương tựa vào nhau. Khi hộp cơm, lúc viên thuốc và dĩ nhiên cả nỗi đớn đau. Cơn run rẩy trước cái chết cuối đường khiến những người khốn khổ xích lại gần nhau, người dưng nước lã thành máu mủ ruột rà.

Số lần lão Mạnh đến thăm vợ đếm trên đầu ngón tay. Việc chăm nom phó mặc cho mấy đứa con. Bỗng hôm nay lão khật khưỡng lên bệnh viện. Trên chiếc giường nhỏ kê gần cửa sổ, bà Lành nằm lim dim, yếu ớt. Miên đang ngồi cạnh. Lão Mạnh đặt mấy hộp sữa lên chiếc bàn đầu giường.

- Cô lên đây làm gì? Hai bố con cô thôi diễn kịch đi có được không. Thơm thối gì nhà tôi biết là đủ. Mong cô thông cảm, tôi dị ứng với mấy thứ giả tạo.

- Bác đừng nói thế, phải tội chết. Cho phép cháu thi thoảng lên đây chơi với bác gái cho vui. Mẹ cháu mất sớm. Cháu thèm chăm mẹ một lần mà không được.

- Rác rưởi! - Lão Mạnh gằn gừ trong miệng. Miên bật khóc tức tưởi, chạy nhanh ra cửa. Vừa lúc Đoan đi mua thuốc về đến.

- Bố mới lên à? Miên đâu?

- Tao đuổi rồi. Mấy loại giả tạo đó ngửi không được. Bố con nhà nó đang lợi dụng để truyền đạo thế nào, tao biết tỏng hết!

- Truyền đạo gì con không biết. Con chỉ biết từ ngày mẹ nằm viện, may có Miên chạy đi chạy lại. Ăn uống, giặt giũ gì một tay nó làm hết. Miên còn đôn đáo tìm người hiến thận cho mẹ. Ơn cô ấy nặng, đã không nói được một câu cho ấm lòng thì thôi, đằng này…

Đoan bỏ dở câu nói. Lần này thì đến lượt lão Mạnh chưng hửng. Lão thẫn người ra, cúi gằm mặt.

***

Suốt mấy ngày lão Mạnh vật vờ ngoài sân như kẻ mộng du. Lá tao tác rụng, gió vun cồn lại. Tha thẩn một lúc rồi đến chôn chân trước tượng Đức Mẹ. Mắt lão tái dại đi, ngước lên đờ đẫn. Miệng lẩm bẩm những câu rời rạc “Đặt tất cả những gì mình có”, “lòng thành”, “dưới chân Mẹ”. Lãm tưởng bố lẫn, lắc đầu, thở dài thườn thượt. Đêm hôm sau, lão Mạnh dậy, khoác áo bước ra ngoài. Lão đến quỳ trước tượng Đức Mẹ, lầm rầm một lúc, vái ba vái. Sau đó đào một cái hố nhỏ, đặt chiếc hộp màu đen xuống rồi lấp đất lại.

Thường thì mỗi tháng lão đào cái hộp lên một lần. Nếu không phải vì đóng tiền chạy thận cho bà Lành hoặc chi cho việc gì khẩn thiết lắm thì lão kiên quyết không đụng tới. Điều đó chẳng lạ. Số tiền trong hộp có thể không nhiều nhưng là cái phao duy nhất của nhà lão lúc này. Tuy nhiên, sau vài ba lần đào lên chôn xuống thì lão phát hiện ra một bí mật. Hộp tiền luôn dôi ra một khoản. Khi thì vài ba triệu, khi thì dăm triệu, có lúc nhiều hơn. Lão sinh nghi, mấy lần đánh tiếng với con đều không có manh mối. Thằng Lãm chắc không phải. Tiếng là làm ở cơ quan tỉnh nhưng mấy đồng lương còm chỉ đủ sống và trang trải một vài khoản vặt trong nhà. Thục và Đoan đang tuổi học, vẫn ngửa tay xin tiền lão. Từ ngày bà Lành đổ bệnh, nhà tiêu tốn một khoản tiền khá lớn, lão phải vay mượn chắp vá khắp nơi. Vay của ai, bao nhiêu, ngày giờ nào đều ghi ra giấy hẳn hoi. Thế thì tiền dôi ở đâu ra? Lão thừ người. Chỉ có thể là Đức Mẹ giúp lão. Gần đây lão đã bắt đầu đi lễ. Buổi tối còn lần hạt và cầu nguyện trước tượng Mẹ nữa. Một cảm giác ấm áp, thiện lành phủ ngập.

Vài tháng tiếp theo, bí mật dưới chân tượng Mẹ vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Chiếc hộp và số tiền bí ẩn khiến lão canh cánh bên lòng. Cho đến một đêm, trời lất phất mưa bụi. Đen thẫm. Chỉ duy nhất khoảng sân trước tượng Đức Mẹ tỏa ra thứ ánh sáng nhờ nhợ từ chiếc đèn led gắn ở bệ hoa sen. Đoan đã vào nhà từ lâu. Ngày mai là đợt chạy thận mới của bà Lành.

Bất thần một bóng đen xuất hiện trước tượng Đức Mẹ. Sau một vài nhát ven thuần thục, chiếc hộp hiện ra. Bóng đen mở hộp sau đó đóng lại. Đúng lúc lớp đất cuối cùng lấp lại thì lão Mạnh từ đâu lao đến như tên bắn. Cú lao nhanh và mạnh đến nỗi bóng đen đứng chôn chân sững người trước khi bị sức nặng của lão Mạnh đè xuống. Bóng đen vùng vẫy rồi loạng choạng đứng lên. Lão Mạnh hét: “Đừng chạy mà, ông Bường ơi. Đừng bỏ tôi mà!”.

Bóng đen ngừng quẫy đạp, gỡ cái khăn bịt mặt xuống.

- Đừng đi. Tôi tin Chúa có mắt, Mẹ có mắt rồi mà!

Một thoáng bối rối hiện rõ trên khuôn mặt, ông Bường cúi xuống đỡ lão Mạnh đứng lên. Áo quần lấm lem. Lão Mạnh bật khóc ngon lành. Họ đến ngồi ở phiến đá mà Đoan vẫn thường ngồi hát thánh ca mỗi đêm.

- Tiền trong hộp tăng lên theo từng đợt, tôi đứng ngồi không yên. Cả tuần nay tôi nấp trong nhà, may hôm nay mới gặp được ông. Sao lại giúp tôi? Nhà ông có khá khẩm gì đâu, cháu Miên còn ăn học.

- Tôi còn lo được. Ông đừng ngại. Tấm lòng mọn của những người lính trong gian khó mà. Chưa kể tôi với ông có cùng một Cha trên trời nữa đấy.

- Ngồi ngẫm lại những gì đã qua, tôi thấy mình xấu hổ. Còn hồ đồ nghĩ xấu cho bố con ông nữa. Không phải vì ông giúp mà tôi nói những lời này đâu. Tiếng là đạo gốc mà tôi nông cạn quá, sống không bằng chết.

Mưa vẫn không ngừng rơi. Đêm tịch mịch. Hai người đàn ông với những câu chuyện không đầu không cuối. Khi đứt đoạn khi liền mạch. Có lúc là những khoảng lặng dài…

- Mà ông cũng đánh Mĩ à? Ở đơn vị nào thế? Có khi chúng ta từng chạm mặt nhau đấy!

Ông Bường lấy ra bao thuốc, châm một điếu, rít vài hơi rồi đưa cho lão Mạnh:

- Tôi là một người lính. Nhưng là một người lính Cộng hòa. Nhà tôi có hai anh em thì cả hai đều đi lính. Số phận trớ trêu đặt chúng tôi ở hai chiến tuyến khác nhau. Anh tôi hi sinh năm bảy tư, khi đang trên đường tiến về Sài Gòn. Mẹ tôi nhận giấy báo tử, đau buồn quá đổ bệnh rồi mất. Sau bảy lăm, tôi nhiều lần từ chối qua Mĩ để ở lại Việt Nam lo hương khói cho mẹ và anh trai. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi buồn của nó dai dẳng và khủng khiếp quá. Cha con tôi dắt díu nhau về đây, một nơi không ai thân thích. Ngày làm việc, đêm cầu nguyện với cuốn Kinh Thánh cho nguôi quên ông ạ!

Lão Mạnh ngồi lặng phắc, gần như nín cả thở. Một lúc lâu, lão ngước mắt lên, bần thần bắt gặp một cái nhìn đăm đăm, vời vợi.

- Nghĩ mà buồn. Trở về từ trận mạc, người lính tiếp tục sống với những nông nỗi của đời mình. Sau lưng là mất mát, trước mặt là mông lung.

- Cháu Miên nhà tôi nói đúng. Những người lính như ông và tôi thực ra vẫn còn một cuộc chiến khác. Cuộc chiến chống lại những chia rẽ, hận thù. Không phải bằng súng. Nhưng bằng sức mạnh của tình yêu thương.

- Còn tại sao lại là Đức Mẹ? Ông dụ tôi đến với Đức Mẹ còn gì. Ông Tin Lành mà!

- Chắc ông biết cảm giác mồ côi mẹ là thế nào rồi phải không? Hụt hẫng và chênh vênh đến tội. Từ cuộc chiến tranh trở về, không còn mẹ nữa, tôi bật khóc như một đứa trẻ. Đến lúc sinh cháu Miên, vợ tôi bị hậu sản rồi mất. Nó thèm gọi tiếng mẹ một lần trong đời mà không được. Nói đến người mẹ là nói đến sự cưu mang, tiếng gọi hòa giải, là nơi để tìm về sau một đời rong ruổi. Trước sau thì Công giáo và Tin Lành vẫn là hai anh em được sinh ra từ một người mẹ, chảy chung một dòng máu, bú chung một bầu sữa. Dù thừa nhận hay không thì tất cả những đứa con đều cần có một người mẹ trong đời. Biết kiên nhẫn đi với nhau, tôi tin sẽ có một ngày đoàn viên ông ạ!

- Vậy không chỉ một mà là hai cuộc chiến nữa đấy chứ. Song cuộc chiến nào thì cũng cần đến loại vũ khí của tha thứ, khiêm cung mới mong xuyên thủng được những định kiến tủn mủn, hẹp hòi. May mắn lần này chúng ta là đồng đội. Còn sống ngày nào, tôi và ông còn phải ra trận ngày ấy. Chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục lên đường. Nhất định không được đầu hàng! - Lão Mạnh nheo mắt cười.

- Nhất định không đầu hàng. Nhất định tất thắng! - Cả hai cùng cười.

Ms: 17-157
Giải Viết Văn Đường Trường 2017, Bản tin 15