Mưa trái mùa (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1289 | Cật nhập lần cuối: 6/16/2016 8:08:28 AM | RSS

Mưa trái mùa (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)- Mấy giờ rồi con?

- Trời còn sớm, má ngủ thêm chút nữa nghe, dạo này buổi sáng lạnh, má dậy sớm lại ho.

- Thằng Tân dậy chưa con? Mai giỗ ông nội, con nói nó ở nhà một bữa nghen con. Nó chê má già cả, má nói nó không nghe.

- Dạ ảnh còn ngủ! Không phải đâu má, chắc tại dạo này công việc nhiều quá nên…! Để con nói anh. Má ngủ đi, trời còn lạnh lắm.

Chị kéo chăn đắp cho mẹ rồi nhẹ nhàng bước ra. Trời còn sớm, mảnh trăng khuyết còn lưu luyến vòm trời. Tiếng xe cộ, tiếng mấy bà đi chợ sớm, vài tiếng gà, tiếng chim hòa lẫn vào nhau tạo thành một khúc hòa âm ngày mới. Chị thích nghe những thanh âm đó của cuộc sống. Sáng nào, chị cũng dậy thật sớm để thưởng thức nó cho tâm hồn lắng lại, bình an giữa xô bồ bon chen của dòng đời.

Anh lê thân hình uể oải, đầu tóc bù xù vào bếp thông báo:

- Sáng nay anh có hẹn, không ăn sáng ở nhà.

- Vâng! À anh, có chuyện này….

- Chuyện gì?

- Chiều nay bên nhà thờ chính tòa, có lễ giỗ 31 năm đức cha Phaolo, anh tranh thủ về sớm đi nghen.

- Vẽ chuyện! Chiều nay anh có hẹn rồi. Mà mình có quen đức cha Phaolo đâu. Em thích cứ đi.

- Mà anh nè! Mai giỗ ông cố cu Bin, anh sắp xếp ở nhà nghe. Hôm giỗ bà, anh đã không có nhà rồi, thấy má buồn lắm.

- Ừ! Để anh tính, mà không chắc đâu.

Chị thở dài, giọng buồn buồn giận dỗi:

- Vậy thôi, anh cứ việc của anh, mẹ con, bà cháu em tự lo được rồi. Từ ngày lên chức trưởng phòng đến giờ, có mấy khi ngày cúng giỗ mà anh ở nhà đâu, má đau anh cũng giao hết cho em, như thể anh không phải con má vậy.

- Ơ, em nói hay nhỉ! Anh không con của má thì con ai? Nhưng anh phải kiếm tiền lo cho gia đình chứ không lẽ cứ ở nhà chăm má sao. Sáng nay em lạ vậy!!

- Tại em thấy chồng dạo này bỏ bê nhà thờ, cúng giỗ cũng chẳng quan tâm, má chỉ cần anh về sớm ăn cơm với má, mà ngày nào anh cũng về muộn.

- Anh hiểu, anh hiểu! Không bàn tới chuyện này nữa. Em yên tâm, anh vẫn giữ trọn đạo hiếu, anh là dân đạo gốc à nghen! Thôi, không đôi co với em, anh đi làm.

Chị thấy ấm ức, nghèn nghẹn nơi cổ họng. Ngày xưa, khi chưa làm trưởng phòng, anh có vậy đâu. Anh là con nhà đạo gốc, đạo dòng, chị nào dám qua mặt! Chị chỉ là người đạo theo thôi mà, nào đâu rành rỏi như anh! Chuyện thảo kính ông bà, anh biết rõ luật đạo, còn chị, chị chỉ làm theo trái tim mách bảo. Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Khóe mắt chị đỏ hoe.

Có tiếng trở mình, hình như bà nội cu Bin dậy. Chị lau giọt nước mắt còn đọng lại trên mi, cố tươi tỉnh như không có gì xảy ra. Chị mong bà cụ không nghe cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng chị. Nghe được, chắc bà cụ buồn lắm! Tuổi già hay tủi thân.

- Con nói thằng Tân chưa con?

- Dạ, con nói rồi má! Ảnh bảo do dạo này công ty nhiều việc quá, để ảnh sắp xếp.

- Nó thì có khi nào mà không sắp xếp. Thôi mai, má con mình làm mâm cơm, xin cái lễ cho ông cũng được rồi. – Bà Năm nói giọng buồn buồn.

- Dạ, chiều nay con đi lễ, rồi con xin lễ luôn. Để con vô lay cu Bin dậy, rồi mình ăn sáng nghen má. Con hầm cháo xong rồi!

- Ừ, mà hôm nào hai vợ chồng bây về thăm ông ngoại cu Bin đi, má thấy lâu rồi mà tụi bây không về thăm ổng. Nói chứ, con trai nó hay vô tâm lắm, con gái chu đáo hơn.

- Dạ! Con tính cuối tháng này, má!

…..

Chiều, cái nắng hừng hực cuối tháng hai đổ xuống con đường nhựa bỏng rát. Không một làn gió, không một tiếng sẻ kêu. Dường như những chú chim cũng đi trốn cái nắng nóng đầu hè của dải Cao Nguyên này. Chưa có năm nào nắng nóng như năm nay. Bầu trời quang đãng không một bóng mây. Chị men theo vỉa hè, đi về hướng nhà thờ. Cu Bin vừa đi vừa nhảy chân sáo. Cu cậu mới năm tuổi, cái tuổi vô lo, tuổi thiên thần. Vừa đi cu cậu vừa nhai kẹo, tới gần nhà thờ rồi mà cu cậu còn lột vỏ thêm một viên kẹo nữa. Tiện tay, cu cậu vứt vỏ luôn xuống đường, làm chị phải nghiêm giọng:

- Bin, nhặt vỏ kẹo lên!

- Có một cái vỏ bé tí hà mẹ, gió sẽ thổi bay thôi mà.

- Không được cãi mẹ, quay lại nhặt lên.

Cu cậu phụng phịu quay người, cúi xuống nhặt chiếc vỏ kẹo mà cậu vừa vứt xuống đường. Cái bộ thấp chũn của cu Bin trông vừa đáng yêu vừa buồn cười. Nhưng chị cố nén nụ cười lại và giảng giải cho cậu bé năm tuổi.

- Bin có biết là con vứt vỏ kẹo xuống đất là không ngoan không?

- Dạ, nhưng chỉ có cái vỏ kẹo bé xíu hà!

- Đúng rồi, cái vỏ kẹo bé xíu, nhưng mà Bin vứt xuống đường như vậy rồi nhiều người cũng bắt chước Bin, mọi người cũng vứt đầy đường thì sao!?

- Bin hông biết!

- Nhiều người không ý thức như Bin thì sẽ có nhiều rác nè, các cô lao công vất vả hơn, và nhiều rác sẽ làm không khí không được sạch, Bin hít vào Bin sẽ đau mũi, sẽ phải đi bác sĩ, chích kim thật đau.

- Dạ, vậy Bin hổng xả rác nữa, xíu tới nhà thờ, Bin bỏ vào thùng rác.

- Đúng rồi! Bin của mẹ giỏi lắm!

Thánh lễ ba giờ chiều. Độ nóng trong thánh đường làm chị nhễ nhại mồ hôi dù chỉ ngồi nghe giảng. Cu Bin chốc chốc lại lấy tờ giấy quạt phành phạch. Hôm nay, Ông chủ tế, vị giám mục già khả kính mà chị từng biết. Tiếng ông khàn khàn, trầm ấm nhắc con cháu biết ơn đến đức cố giám mục Phaolo. Người đã để lại cho giáo phận biết bao công trình, sự yêu thương và là một tấm gương sáng về đức tin. Ông cũng nhắc mỗi người thảo kính cha mẹ ông bà, bởi đó là điều răn quan trọng trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Giọng Ông lúc âm vang, khi trầm ấm gieo vào lòng mỗi người có mặt trong ngôi thánh đường cổ kính. Chị nghe mà lòng thấy xấu hổ, xấu hổ cho cả ba cu Bin. Chị thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm trong đạo làm con.

Lễ xong. Cái nóng cũng dịu bớt. Hai mẹ con chị ra về. Thằng cu con cứ líu lo đủ chuyện trên trời dưới đất. Còn chị, chị suy nghĩ nhiều về bài giảng thánh lễ hôm nay. Chị miên man nhớ về ngày xưa, khi anh và chị chưa thành vợ nên chồng.

***

Ngày đó, rào cản lớn nhất để chị đến với anh là tôn giáo. Gia đình chị thờ ông bà, còn gia đình anh, Công giáo toàn tòng. Chị cự nự “theo đạo rồi em bỏ ông bỏ bà sao?” khi anh muốn chị học đạo Công giáo. Chị giận dỗi bỏ về, để mặc anh đứng dưới mưa trong công viên. Cũng một ngày mưa, sau ba tháng im lặng, anh đến, đứng trước mặt chị, nói: “Mình cưới nhau đi em. Đạo ai nấy giữ”. Lúc đó chị vỡ òa niềm vui. Nhưng Thiên Chúa lại không muốn điều đó, Ngài muốn chị mãi mãi thuộc về anh, mãi mãi thuộc về giáo hội Công giáo để tình yêu của chị và anh trở nên trọn hảo hơn.

Ngày anh chị đến Ông xin giấy chuẩn hôn nhân khác đạo là ngày Ông đã làm chị thay đổi suy nghĩ về đạo Công giáo. Ông trò chuyện với chị, thật nhiều.

- Tại sao con lại xin chuẩn khác tôn giáo? Nghĩa là làm sao?

- Dạ, thưa Ông, đạo ai người nấy giữ ạ!

- Vậy có nghĩa là chồng con giữ đạo Công giáo, con con sinh ra cũng được rửa tội và giữ đạo Công giáo, còn con thì không phải không?

- Dạ!

- Tại sao?

- Dạ, con còn phải thảo cha kính mẹ, thờ cúng ông bà tổ tiên.

- Con suy nghĩ chưa?

- Dạ rồi Ông!

- Chắc không! Đạo ai nấy giữ?

- Dạ chắc.

- Con đúng là khùng khùng mát mát!

- Ơ, sao ông nói con vậy! (Chị giận lên, lần đầu tiên, một người gọi chị khùng khùng mát mát, chị không thể kiềm chế được bản thân, chị giãy nãy)

- Ông hỏi con tới ba lần, mà con vẫn giữ nguyên quan điểm. Bây giờ ông nói con khùng khùng mát mát mà con nổi giận thì con siêu khùng siêu mát.

Chị im lặng, chị suy nghĩ nhiều về câu hỏi của Ông, phải có nguyên do nào đó Ông mới nói chị như vậy. Căn phòng trở nên im lặng đến ngạt thở. Yên ắng đến mức một con ruồi bay qua cũng có thể nghe tiếng nó đập cánh. Ông mở lời:

- Con nghĩ kỹ coi, ai lại đi rước một thằng về làm chồng, chấp nhận cho một thằng chồng bất hiếu với cha mẹ đẻ của mình, tổ tiên mình. Ai lại chấp nhận đẻ ra đứa con, để nó bất hiếu với ông bà ngoại, dì cậu, họ hàng bên ngoại của nó! Khùng mát chứ còn gì nữa?

Chị dịu lại. Chị thấy Ông nói quá đúng! Ai lại có thể lấy một người, để rồi người đó bất hiếu với cha mẹ của mình. Nhưng chị vẫn còn cái nút thắt trong lòng chữa gỡ được. Người ta vẫn nói, đạo Công giáo bỏ ông bỏ bà là sao? Đạo Công giáo không thờ cúng ông bà là sao? Và chữ hiếu của người Công giáo phải thể hiện cách nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ bám lấy chị. Chị nhìn ông, đôi mắt chị như muốn nài Ông cho chị một lời giải đáp. Ông tiếp lời:

- Thôi bây giờ con nói đi, con thảo cha kính mẹ bằng cách nào?

- Dạ…dạ…mẹ con mất sớm, còn mỗi mình ba con. Con lo sau này ba con qua đời, không ai lo hương khói cho ba con.

- Vậy con đợi ba con chết mới thờ cha kính mẹ sao con? Người Công giáo là thờ cha kính mẹ mọi lúc mọi nơi dưới mọi hình thức. Thôi được rồi, đợi ba con chết, con hãy thờ cha kính mẹ. Thế bây giờ, Ông hỏi con, con nghĩ như thế nào là thờ cha kính mẹ?

- Dạ con không biết!

- Để ông nói nhé, có phải khi cha mẹ còn sống, con chăm lo phụng dưỡng, khi cha mẹ ông bà qua đời, tụi con lo ma chay tống táng, nếu có tiền thì hằng ngày thắp nhang, mua trái cây về trưng trên bàn thờ, khi cúng giỗ thì làm mâm cơm, lạy mấy cái phải không?

- Dạ!

- Còn gì nữa không?

- Dạ hết rồi!

- Trời đất! Tụi con thờ cha kính mẹ có bấy nhiêu đó thôi sao? Sao tụi con nghèo quá đi, thờ cha kính mẹ như vậy là nghèo hết sức. Người Công giáo thờ cha kính mẹ tuyệt vời vô cùng con ạ. Không chỉ có ông, không chỉ có con. Bây giờ, ba mẹ tổ tiên con, ông cũng không biết, nhưng ngày nào ông cũng dâng lễ cầu cho ông bà tổ tiên con. Mà không chỉ có ông đâu, trên cả thế giới, người Công giáo trên cả một tỷ người, không chỉ một lúc hay hai lúc mà mỗi giây mỗi phút, thánh lễ liên tục, cầu cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có mẹ con, tổ tiên con. Mọi cái, áo quan, bánh trái ngày cúng chỉ đẹp mặt người sống thôi, người sống ăn còn không nổi, người chết ăn được cái gì. Người Công giáo không chỉ dâng của lễ là cơm bánh, là lời cầu nguyện, là ý lễ đâu con, mà còn là Mình Máu Chúa KiTô, là lời cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh trên trời. Người Công giáo tuyệt vời vậy đó con!

***

Vừa đi vừa nghĩ, chị về nhà lúc nào không hay biết. Bà nội cu Bin lui cui trong bếp. Thấy chị, bà cười:

- Bây về rồi đó hả? Má thấy bây về muộn, má cắm nồi cơm rồi đó.

- Dạ, má để đó cho con, má nghỉ ngơi đi. Má thiệt tình, cứ lui cui hoài à!

- Má quen rồi, không làm không chịu được. Thôi má lên nhà.

- Dạ!

Với chị, khái niệm mẹ chồng nàng dâu không còn nữa, bà thật sự như mẹ ruột của chị vậy. Bà chăm chút thương yêu chị từ ngày chị mới về đến bây giờ. Có lẽ bà bù đắp tình cảm mà chị đã mất từ lâu. Chị yêu thương bà và bà cũng vậy. Không những thế, bà còn dặn dò chị và anh phải hiếu thảo với cha của chị, năng thăm nom ông. Còn anh, anh luôn hiếu kính với cha mẹ hai bên, đơn sơ, chân thành nhưng dạt dào tình nghĩa, như ngày xưa Ông đã nói với chị. Nhưng từ ngày lên chức trưởng phòng, anh đổi khác, anh lao vào công việc, những cuộc hẹn và tiền. Với anh, chỉ cần làm ra nhiều tiền, chu cấp cho vợ con, mẹ già là hiếu thảo, anh quên rằng, có những thứ, tiền không thể mua được và chữ hiếu không thể dùng tiền để đánh đổi. Càng nghĩ chị càng thấy buồn! Ước chi anh cứ là anh của ngày xưa! Giá như có một phép màu để anh thay đổi! Chị cầu nguyện!

***

Sáng, chị thức dậy sớm như mọi ngày. Chị nhìn ra cửa, cơn mưa cứ ồ ạt trút nước. Chị thở dài! Một cơn mưa trái mùa. Một vòng tay ấm ôm lấy chị từ phía sau. Một giọng ngái ngủ thủ thỉ bên tai chị: “Vợ ơi! Hôm nay chồng sẽ ở nhà, đèo vợ đi chợ, vào bếp làm cơm với vợ để giỗ nội. Vợ đồng ý nhé!”. Chị nắm lấy tay anh, vờ giận dỗi: “Anh không đi làm sao? Với anh công việc lúc nào cũng trên hết!”. Anh siết tay, ôm chị thật chặt, im lặng hồi lâu rồi thì thầm như hối lỗi với vợ hay đúng hơn là nói với lòng mình: “Hôm qua, anh dự lễ mở tay của một cha bạn. Trong bài giảng, cha kể về người mẹ và sự vô tâm, tinh nghịch của ngài lúc trẻ đã làm cho bà bị mù đôi mắt, làm anh suy nghĩ rất nhiều. Vợ ơi, xin lỗi mẹ con em, anh thật vô tâm! Anh cứ nghĩ, cứ chu cấp đầy đủ tiền bạc cho gia đình là tròn bổn phận, nhưng không, anh đã sai lầm! Nếu một ngày nào đó, mẹ không còn, em không còn, tiền nhiều cũng chẳng giúp được anh có lại em và mẹ. Và anh…anh đã xin cơn mưa này đấy, để anh ở nhà. Như một phép lạ phải không em, phép lạ để anh có chút thời gian nghĩ lại mình…”. Chị quay lại, hôn lên trán anh nhẹ nhàng! Bất giác, chị nhìn lên ảnh Chúa Thương Xót, thì thầm “Cám ơn cho con cơn mưa dịu ngọt. Mưa hồng ân, để những giọt nước mát ấy làm tan đi cái oi bức đầu hè, để tưới mát tâm hồn khô cằn của chồng con, để mẹ con lại thắp lên tiếng cười trong tuổi già bóng xế”.

Mã số: 16-110
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 10