Sữa đức tin (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 948 | Cật nhập lần cuối: 5/20/2016 2:33:37 PM | RSS

Sữa đức tin (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Thánh lễ vừa tan, chị vẫn còn ngồi nán lại trong nhà thờ. Các em thiếu nhi bên ngoài nô đùa, chạy qua chạy lại như bầy ong vỡ tổ. Tiếng chuông vang lên, tiếng cười, tiếng hò reo theo các em vào lớp học giáo lý. Nhưng dường như chị chẳng nhận ra sự náo động đó, bởi vì lòng chị đang vướng bận vào chuyện khác. Ngồi trước nhà Tạm, thỉnh thoảng chị lại nhìn ra một lớp học gần đó, nơi có bé An, con trai của chị. Nó cũng giống như các thiếu nhi khác, cũng áo trắng, quần tây xanh, khăn quàng hồng, nhưng chỉ khác một điều, nó vẫn chưa được Rửa tội. Nghĩ đến đó thì nước mắt của chị lại ứa ra.

***

Nó ra đời được một tháng thì chị cùng anh làm đơn xin rửa tội để trình cho cha xứ. Mẹ chồng biết chuyện thì ra điều cấm cản, không cho cháu nội đích tôn của bà theo một đạo, mà bà gọi là đạo bỏ ông bỏ bà. Chị cầm tờ đơn trong tay đứng ngẩn người, nhớ lại những ngày trước khi cưới, gia đình chị cũng có lần xin bên thông gia cho những đứa cháu sau này được chịu phép Rửa tội. Mẹ chồng cũng vì thấy con trai mình quá yêu chị nên cũng đồng ý, cả đến việc cho anh theo đạo, vì đối với bà lúc bấy giờ thì đạo nào cũng là đạo. Bây giờ mẹ chồng đã đổi ý, cứ khăng khăng cấm cản, mặc cho chị có van xin thế nào.

- Nếu cháu nội tôi mà theo cái đạo ấy, thì tôi từ nó luôn. Không thể có một đứa cháu mà tổ tiên nó không thờ.

Những lời của mẹ chồng cứ như nhát dao cứa vào tim chị. Chị thả mình rơi bệt xuống nền nhà, trong tay vẫn còn cầm tờ đơn. Chồng chị thấy vậy liền đỡ chị ngồi lên ghế, rồi quay sang khuyên mẹ:

- Ngày trước mẹ nói đạo nào cũng tốt mà. Con của mẹ cũng theo đạo rồi đó, có bỏ…

Anh chưa nói hết câu thì mẹ gằn giọng:

- Anh tính dạy đời tôi hả? Dạy con vợ anh kia, nói mà không biết nghe. Anh lỡ theo đạo rồi thì tôi không nói, nhưng mà còn cháu tôi nhất định là không.

Nói xong, bà liền chạy đến ẵm đứa cháu còn đỏ hỏn, được cuộn tròn trong khăn, vừa nâng niu, vừa nói nhưng mắt lại cứ liếc nhìn chị:

- Cháu ngoan! Bà sẽ không để cho người ta mang con đi rửa tội đâu… Cháu của bà ngoan lắm, có tội gì đâu nào.

Nói xong bà ẵm cháu đi, nước mắt chị cứ tự nhiên trào ra. Chị có cảm giác con của mình vừa bị người ta cướp mất, đưa đến một nơi rất xa, rất nguy hiểm cho một đứa trẻ. Chị nghĩ đến tương lai của con chị sau này sẽ là một người ngoại giáo, không biết đến tình yêu Chúa, sẽ sống sao nếu thiếu ơn Chúa gìn giữ. Chị nắm chặt bàn tay, tự nhủ lòng mình cần phải mạnh mẽ lên, làm tất cả để con mình được trở thành con Chúa.

***

Chị đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt rồi trở ra đón con về. An vừa nhìn thấy mẹ từ nhà thờ đi ra thì chạy tới ôm mẹ. An chỉ tới nhà thờ sinh hoạt được mấy lần nên chưa quen ai ở đây nhiều, chỉ mong giờ học chóng qua để được gặp mẹ. Mỗi lần chị dẫn con đi lễ, chị đều cẩn thận dắt con đến các tượng trong nhà thờ, chỉ con cách cúi đầu trước Chúa, trước Đức Mẹ. Hôm nay, chị nắm tay An đến trước một bức tượng to, màu trắng:

- Con biết đây là ai không?

Thằng bé ngẩng đầu nhìn lên, lắc đầu, rồi đáp lại khe khẽ:

- Con không biết.

Chị quỳ một gối để vừa tầm với An. Chị nhẹ nhàng bảo:

- Đây là thánh Giuse, cha của Chúa Giêsu đó con. Con cúi đầu chào thánh Giuse đi.

An ngoan ngoãn cúi đầu thật sâu trước tượng thánh Giuse, nó nghĩ làm như thế chắc hẳn mẹ sẽ vui lắm, sẽ cho nó vài lời khen. Nhưng ngước nhìn sang mẹ, nó thấy mẹ nó đang khóc. Nó tưởng như đã làm sai điều gì đó, liền giụi đầu vào người mẹ nó mà xin lỗi. Chị ôm con vào lòng, chị khóc vì thấy con mình đến tuổi khôn rồi nhưng vẫn chưa biết gì về đạo thánh Chúa, vẫn chưa được làm con Chúa. Chị van xin thánh Giuse gìn giữ con chị cho khỏi sự dữ nguy hại đến một đứa trẻ và cũng xin Ngài làm cho con chị sớm trở nên con Chúa.

- Con chọn thánh Giuse làm thánh bổn mạng nha.

Thằng bé chẳng biết bổn mạng là gì, nhưng lại sợ mẹ nó lại khóc nữa. Cố làm cho mẹ vui, nó đáp lại một tiếng ‘dạ’ dài nhất có thể, và lần này thì mẹ nó cười.

Chị mới sực nhớ ra là đã gần trưa, và chị còn phải đi chợ và lo cơm nước ở nhà. Chị hối thúc con lên xe rồi chạy thẳng ra đến chợ. Vừa tới nhà thì đã nghe tiếng mẹ vọng ra từ căn phòng tối lờ mờ:

- Cô muốn cho nhà này nhịn đói hay sao mà giờ mới về.

Chị cũng chẳng nói lời nào, đi một mạch xuống bếp, đặt cái giỏ vào một góc rồi làm bếp. Thằng bé đi nép sau lưng mẹ. Thấy cháu mình ăn mặc như thế, bà biết là không phải đồng phục ở trường thì quát lớn:

- Ô hay, cô lại dẫn cháu tôi đến nhà thờ à? Cô muốn đầu độc cháu tôi hả?

- Không phải đâu mẹ, hôm nay con đứa An đến nhà thờ để chơi với chúng bạn…

Bà vội dắt An vào trong buồng, lấy ra một bộ đồ khác bắt cháu phải thay ngay như thể bộ đồng phục trên người có thể làm tiêm nhiễm cháu bà. Đối với An, bà nội chỉ lấy lời dịu ngọt mà dỗ dành cục cưng của bà, nhưng An vẫn sợ bà nạt nộ mẹ nên bà bảo gì nó cũng nghe theo. Những lời chan chát trong buồng cứ tiếp tục dội ra:

- Không cho cháu tôi học thêm, học kèm để theo kịp bạn bè mà lại chở nó đến một nơi vô đạo như thế.

Chị lẳng lặng làm bếp, không để ý đến những lời đó nữa, vẫn đều đều tay bầm cá trên thớt. Chị có cảm tưởng mình như con cá đang nằm trên thớt cho tay người tha hồ bầm dập.

- Sao, chị coi khinh bà mẹ chồng này nên chẳng thèm đếm xỉa lời nào phải không?

Tiếng đâm ớt tỏi trong cối đá bình bịch phát ra từ nhà bếp. Mùi cay cay bốc lên, nhưng nước mắt của chị đã ứa ra trước đó. Biết bao lần chị đã khóc mà nước mắt vẫn chưa cạn, đã bao lần bị la mắng, nhưng sao chị vẫn cảm thấy đau xót trong lòng. Có lúc chị im lặng lắng nghe, có khi chị hết lời giải thích, cũng có khi chị bỏ về quê mấy ngày, nhưng tất cả những điều đó đối với mẹ chồng chỉ là một cái cớ để bà tiếp tục la mắng chị. Chị nghĩ mình đâu phải là một đứa con dâu quá tệ bạc, chỉ là không nghe lời mẹ trong một chuyện mà thôi, chuyện của An. Nghĩ lâu mới nhớ ra, cũng có một lần khác nữa là lúc mới về nhà chồng, chị quên mất ngày hôm sau là ngày giỗ ông bà bên chồng, nên đi chợ không mua thêm đồ để dành làm đám cho ngày hôm sau. Thế là mẹ chồng cứ mắng nhiếc chị, xem đó là một hành vi bất hiếu với tổ tiên. Mà hình như đau khổ trong cuộc đời chị cũng đến từ đó.

Mùi thơm bốc lên từ xoong canh cá ngọt làm bụng của An cứ sôi theo. Nó nghe lời mẹ, đợi bà nội chút xíu nữa về cùng ăn luôn. Tiếng cười nói rôn rả từ ngoài cổng vọng vào, chắc là mẹ đang nói chuyện với mấy bà trong xóm. Mấy bà còn nán lại trước cổng một hồi, miệng rầm rì nhỏ to điều gì đó rồi ai về nhà đó. Bà cũng vào nhà, trước khi ngồi vào bàn cũng kịp xoa xoa đầu cháu yêu. Thằng bé chỉ chờ được đến đó, nó cầm đũa gặp một lát cá mà nó nhìn nãy giờ, định cho vào miệng thì nó thấy mẹ cúi đầu, tay làm gì đó trên trán, trên ngực. Nó mới chợt nhớ ra bài học giáo lý sáng nay. Nó bỏ đũa xuống, làm dấu thánh giá thật lớn, đọc to, cuối cùng nó chắp tay amen một tiếng thật dài. Nó nhìn thấy mẹ cười thì lấy làm khoái chí về hành động tuyên xưng đức tin vừa rồi. Bà lại thầm trách chị đã làm cho cháu yêu hư hỏng ra. Nhưng lại nhớ đến câu nói của người xưa_“trời đánh tránh bữa ăn” nên cố nén lòng mình, nhai nghiến hạt cơm cho đỡ cơn tức. Thằng bé chăm chú nhìn nội, rồi la lên:

- Nội chưa làm dấu mà ăn cơm.

Bà tức chịu không nổi nữa, trút hết cơn giận vào chị như tát gáo nước lạnh. Bà cầm đôi đũa ném mạnh xuống bàn làm chúng văng đi, chiếc rơi tọt vào xoong canh, chiếc lăn lóc trên nền nhà. Tiếng chửi rủa của bà vẫn còn nghe cho tới khi cửa phòng đóng sập lại. Chị lại khóc, và trách tại sao đời lại khổ cực đến thế. Chị nhớ tới chồng chị đang công tác xa nhà, liền gọi điện cho anh. Chị vẫn thường như thế, mỗi khi có gì bất bình với mẹ. Chị trách anh tại sao lại để mẹ con chị sống trong đau khổ như thế, tại sao anh lại đi làm xa. Anh cũng chỉ biết lắng nghe vợ kể lể, rồi lựa lời mà an ủi. Anh cũng chẳng biết phải nói thế nào với mẹ để bà cư xử hiền hòa hơn. Rồi chị lại đem việc của An ra trách anh tại sao chưa muốn cho con mình rửa tội. Đối với anh, rửa tội sớm hay muộn thì không thành vấn đề, như anh đây, khi nào trưởng thành thì hãy chịu phép rửa tội, có thiệt hại gì đâu, mà vẫn đi lễ Chúa nhật đều đều như nhiều người khác. Anh chỉ vì không muốn có thêm nhưng xung đột với mẹ, nên cũng chìu theo ý mẹ, chưa rửa tội cho con.

- Mình đang sống trong nhà mẹ mà em. Khi nào vợ chồng mình ra ở riêng thì tự quyết định.

Giọng chị vẫn nghẹn ngào:

- Khi nào… còn bao lâu nữa hả anh?

Anh tiếp tục an ủi chị:

- Thì anh cũng đang cố gắng làm việc để có đủ tiền mua nhà nè… Em nữa, em cũng phải cố gắng lên, vì hạnh phúc gia đình mình nha.

Chị thẫn thờ bước đi trên con đường hai bên là những cây bàng cao, che kín cả ánh sáng mặt trời của buổi chiều tàn. Những lời an ủi của anh vẫn không thể làm cho chị phấn chấn thêm. Anh vẫn chưa thể hiểu hết chị, ít ra là ở một mảng nào đó, sâu thẳm trong tâm hồn. Anh không thể hiểu được nỗi khao khát của một người mẹ lo cho đứa con của mình, không chỉ riêng chuyện ăn mặc, mà hơn thế nữa, đó là đức tin, một dòng sữa đức tin chảy từ mẹ truyền sang con, để đời sống thiêng liêng của con được lớn lên. Con đường dẫn chị đi đến nhà thờ và chị ngạc nhiên khi mình đến đó. Chị bước vào, tìm một góc ở cuối nhà thờ và ngồi ở đó cho đến khi trời nhá nhem tối mới về…

***

Đầu chị gục lia lịa mỗi khi cánh tay mỏi, trong thế ngủ ngồi. Chị đang ngồi cạnh giường bệnh của mẹ. Thỉnh thoảng chị lại giụi mắt để nhìn cho kỹ bình dịch đang truyền xuống tay mẹ đã hết chưa. Mẹ của chị bị sốt mấy ngày nay, đêm nào chị cũng trực bên giường mẹ. Từ khi nhập viện đến giờ, mẹ bớt la mắng chị hẳn đi, chắc tại chỗ đông người, hay vì mẹ mệt, hay vì một lý do nào khác. Chỉ có hồi chiều, mẹ có to tiếng nhưng không phải với chị, mà là với mấy người con ở xa. Mẹ nằm viện hoài, sinh ra buồn nhớ nên bảo chị gọi điện nhắn con về. Họ biết tình hình của mẹ không nghiêm trọng lắm nên cũng viện đủ mọi lý do không về.

- Tôi biết tụi nó đang nghĩ gì, chắc là tụi nó chờ cho bà già này bệnh gần chết thì về một lần luôn.

Mắng chửi xong, mẹ ho khụ khụ, chân tay run lên làm chị vội đi tìm cô y tá.

Bà chợt tỉnh giấc. Nhìn thấy chị trong giấc ngủ chập chờn thì xót xa. Mấy ngày nay, bà cũng suy nghĩ nhiều về chuyện đứa con nào là hiếu thảo với bà. Đó không phải là những đứa con ở xa, lâu ngày về thăm, rồi dúi cho bà ít tiền. Nhưng đó là người luôn ở bên bà đây, người mà vẫn luôn chăm sóc bà, mặc cho bà la ó, nạt nộ. Bà nhận thấy mặc dù chị theo đạo nhưng chị vẫn là một đứa con dâu hiếu thảo với bà, với tổ tiên. Bà nhủ thầm:

- Có khi chính nhờ nó theo đạo nên nó mới hiếu thảo như thế, chứ gặp đứa khác thì.... Chắc là mấy bà hàng xóm vì ghen tỵ khi thấy con dâu mình vừa đẹp vừa hiền, nên mới nói xấu nó theo đạo này nọ, xúi mình làm chuyện không phải với nó.

Nhìn thấy hai mắt của chị thâm quầng khiến bà xót xa. Bà rón rén lấy chiếc mền để đắp cho chị khỏi lạnh. Nhưng chị chợt tỉnh dậy, thấy mẹ đang cố nắm chiếc mền, chị liền kéo lên phủ cho bà:

- Mẹ thấy lạnh nhiều không?

Bà liền nắm lấy bàn tay mềm mại và ấm áp của chị, mắt nhìn thẳng vào chị, làm chị ngạc nhiên:

- Mẹ xin lỗi con, mẹ đối xử với con tàn nhẫn lắm hả? Con hận mẹ lắm hả?

Chị bối rối trước những lời của mẹ, đôi tay vẫn nắm chặt bàn tay lạnh của mẹ:

- Dạ… không có đâu mẹ, làm sao con dám hận mẹ được, chỉ tại con không tốt…

Bà nhắm mắt, để giọt nước mắt lưng tròng chảy ra:

- Mẹ có lỗi với con. Con cứ trách mắng người mẹ này đi… hay con muốn cho cháu An vào sinh hoạt ở nhà thờ cũng được… thậm chí - Bà ngưng lại giây lát, rồi nói một cách nghiêm nghị giống như lời trăn trối trước lúc đi xa - ... thậm chí con cho cháu An rửa tội để theo đạo cũng được.

Chị mấp máy đôi môi, chỉ nghe mấy từ “mẹ, mẹ” không rõ. Những lời của bà đã giải thoát nỗi đau khổ từ mấy năm nay của chị. Chị có cảm giác vừa trút đi một gánh thật nặng đã đè nén chị bấy lâu. Những lời đó thật sự đã làm thỏa niềm hy vọng bao năm của chị, mong có ngày con mình được rửa tội. Và hôm nay, chị hạnh phúc vì Chúa đã đoái nghe đến lời cầu nguyện hằng ngày của chị. Chị quá đỗi vui mừng, ôm chầm lấy mẹ mà khóc.

***

Thánh lễ sáng nay thật ý nghĩa đối với chị, bởi vì con chị sẽ được chịu phép rửa tội. Bé An trong đồng phục thiếu nhi Thánh Thể, tay cầm nến cháy sáng đứng trước chị và anh. Nó làm dấu thánh giá thật lớn, đọc thật to và chắp tay amen dài nhất có thể. Nó quay lại thấy mẹ gật đầu, rồi mỉm cười với nó.

- Giuse, ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Bà nội ngồi ở hàng ghế dưới, vẫn chăm chú theo dõi từng nghi thức phép rửa, lòng đầy hãnh diện về cháu yêu.

Mã số: 16-094
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 8