Thầy Lê-vi (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 995 | Cật nhập lần cuối: 5/12/2016 9:05:39 AM | RSS

- Không, Chúa ơi, cứu con…

Nó cố hết sức để lạy lục, van lơn khi đang đứng trước bờ vực của cái chết. Nó thấy Chúa đứng đó, nhưng Ngài im bặt, ngoảnh mặt làm ngơ…

- Chúa ơi, cứu con với, Chúa ơi. Con chết đến nơi rồi…

- Ta đã kêu cứu, nhưng ngươi đã vô cảm bỏ đi. Đến lượt ngươi, ngươi lại dám kêu cầu Ta sao? Ha ha ha…

Nó tuyệt vọng. Những tảng đất dưới chân cứ sụt dần cho đến khi cái đầu nó sắp bị chìm trong vũng bùn tanh hôi đầy rắn rết. Nó thét lên một tiếng rồi… giật mình tỉnh dậy.

- Trời ơi, Chúa ơi, chỉ là mơ…

Trời vẫn đang trong những ngày buốt giá. Đêm qua ti vi dự báo thời tiết hôm nay có 12 độ, mà bây giờ mặt mũi và toàn thân nó mồ hôi nhễ nhại. Nó ngồi thẫn thờ một lúc để bình tâm lại. Câu chuyện hôm mồng ba tết vẫn còn như mới xảy ra hôm qua vậy, cứ đeo đẳng, ám ảnh nó hoài…

***

Tết năm nay, nó được nghỉ phép mười ngày. Tết là dịp đoàn viên, sum họp với gia đình. Đó là ngày nó mong nhất, sau hơn một năm trời ở trong Tu viện, cách nhà nó bẳng hai phần ba dải đất chữ S. Năm nào cũng vậy, mồng một Tết, nó mừng tuổi cha mẹ, ông bà và các gia đình cô, chú, cậu dì ruột cật. Sáng mồng hai, sau Thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, nó cùng gia đình vào nghĩa trang đọc câu kinh, thắp nén hương cho người quá cố, rồi lại về đi mừng tuổi những gia đình thân quen còn lại. Trong hai ngày, nó đã phải lên lịch và đi chúc tết hết những gia đình căn bản và ở gần. Ngày mồng ba, nó rảnh.

Mồng ba tết năm nay đúng vào lễ Tro. Xứ nó đông lắm, có đến mười hai thầy quê hương giúp xức tro, cho rước lễ mà thời gian vẫn bằng mấy lượt bài hát và kinh nguyện. Lễ từ lúc 5 giờ sáng, đến 7 giờ hơn mới xong.

Lễ kết thúc, các Xơ, các Thầy ở lại tập hát để phục vụ lễ mồng bốn, lễ truyền thống cầu nguyện cho các ông bà cố. Vì thế mà khi về đến nhà đã gần trưa.

Nó ung dung ăn miếng bánh tét chiên thong thả. Hôm nay chắc là ở nhà đắp chăn ngủ một giấc, rét thế này cơ mà.

Reng…reng… reng… Chiếc điện thoại trên bàn đổ chuông, rung bần bật.

- Dạ, a lô, con Hoa xin nghe ạ!

- Chị Hoa ơi, bữa nay rảnh không? Đi thăm chúc tết các cha tiền nhiệm đi.

- Dạ, con rảnh, nhưng con không có xe.

- Đủ xe rồi, bốn xe, tám người. Chị Hoa đi với thằng Dần nhé. Mười phút nữa có mặt tại nhà Hoa rồi đi luôn.

- Dạ, cảm ơn thầy. Mười phút nữa nhé!

Nó vào xin phép bố mẹ. Bố mẹ nó thì chẳng khó khăn gì trong chuyện này, nhưng vẫn lo. Ngày mồng ba tết ra đường nhiều tai nạn lắm. “Đi thì nhớ đi cho cẩn thận, kẻo rồi lỡ có chuyện gì không vào lại Dòng được thì nguy”, bố nó dặn.

Chẳng mấy chốc, mọi người đã tập trung trước cổng nhà nó. Có thầy Phương là trưởng đoàn, lớn tuổi nhất, dù xét họ hàng thì thầy phải gọi nó bằng chị. Thầy Phương đã mặc áo chùng thâm về quê ăn tết được khá nhiều năm rồi. Thằng Dần, người chở nó, là anh con cậu cả, năm nay cũng chuẩn bị vào nhà tập của một đan viện ở miền Nam. Năm người còn lại cũng đều là những “xơ”, “thầy”, người thì đã khấn, người thì đang tập tu.

Các xứ của hai cha tiền nhiệm cách xứ nó bảy, tám cây số. Đường thì phẳng phiu, dễ đi, nhưng đông người, vì ngày mồng ba đi tết xa, người ta đổ ra đường nhiều lắm. Nó ngồi lên xe là bắt đầu đọc kinh, lần chuỗi, y như bố nó. Nó sợ, nên mỗi lần đi đường là cứ phải lần chuỗi liên mồm, cho… yên tâm. Tạ ơn Chúa, sau hơn hai tiếng chạy xe, anh em nó đã tìm đến giáo xứ Ngọc Long bình an.

Xuống xe, nhìn đồng hồ, đã mười hai giờ rưỡi. Nó rảo nhìn ngôi thánh đường đồ sộ với logo Năm Thánh được in thật to và các băng rôn, pa-nô ghi các câu Thánh Vịnh được treo xung quanh khuôn viên. Đi qua phía bên phải nhà thờ là đến nhà xứ. Vắng tanh. Yên ả. Cửa phòng cha đóng. Thầy Phương rút điện thoại ra gọi hỏi cha. Cha bảo rằng sáng nay cha về nhà quê dâng lễ ở Linh Địa Trại Gáo, chiều mới về, nhưng cũng không biết giờ nào. Anh em nó chào cha để đi qua xứ khác, cách Ngọc Long chừng ba cây, và hẹn chiều quay lại. Khi đặt chân đến giáo xứ Vĩnh Hòa, một ngôi nhà thờ khang trang hiện lên, cũng đầy những khẩu hiệu Năm Thánh. May mắn hơn, dù đã một giờ trưa nhưng cha vẫn chưa ngủ, nên anh em nó đã gặp được cha.

- Chào các thầy, các xơ.

- Chúng con chào cha ạ! Cha có nhớ chúng con nữa không?

- Nhớ chứ sao không? Hồi xưa, khi cha còn ở trên đó, thằng Phương mới học cấp ba, mấy đứa Hương, Hoa, Dần, Thắm… gì đây mới học lớp căn bản mà. Bữa nay lớn hết rồi, thành thầy, thành xơ hết rồi.

- Dạ, trí nhớ của cha còn tuyệt vời quá.

- Thế nhóm Hy Vọng còn sinh hoạt nữa không?

- Thưa cha, cha chuyển đi được mấy năm, chúng con cũng học hết cấp ba rồi đi mỗi người một ngả. Nhóm cũng tan rã. Sau này có nhóm khác, nhưng gọi là lớp Ơn gọi cha ạ.

- Thế bữa này mấy đứa Hy Vọng đâu hết cả rồi?

- Dạ, có ba chị đã lấy chồng, sinh con. Một anh học hết đang đi làm. Còn lại gần hai chục đứa đi tu, mấy xơ đội lúp rồi đấy cha…

Nói chuyện, hàn huyên một lúc, mấy anh em chúc tết cha rồi xin phép về, để cha nghỉ trưa.

Cả đoàn lại quay về giáo xứ Ngọc Long, mong cha đã về để gặp. Cái buổi hai giờ chiều nắng gắt này đi đường thật dễ buồn ngủ. Nó gật gù, đánh rơi cả tràng chuỗi tự lúc nào, rồi chợt tỉnh.

Thầy Lê-vi (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

- Anh Dần.

- Ơi!

- Anh có buồn ngủ không?

- Có chứ! Ríu mắt rồi.

- Đừng có ngủ nhé! Chạy xe mà ngủ là “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp” đó.

- Ừ.

- Khi nào buồn ngủ thì nói chuyện đi cho tỉnh. Em cũng buồn ngủ rơi mất tràng chuỗi rồi.

- Rơi ở đâu?

- Chẳng biết nữa. Có tội quá. Chúa ơi, con xin lỗi Chúa.

Rồi nó rảo mắt nhìn xung quanh cho tỉnh táo. Con đường chỗ này, lúc này vắng như chùa bà đanh. Bên trái nó là một con mương nhỏ, và phía bên kia con mương là một con đường nhỏ. Còn bên phải nó là một cái hố chạy dọc đường, trồng mấy cây tràm keo dày đặc.

- Anh Dần ơi!

- Ơi.

- Anh Dần!

- Gì thế? Tao không ngủ đâu!

- Chết rồi!

- Sao?

- Dừng lại đi. Hình như có người bị tai nạn.

- Ở đâu?

- Ở kia.

Xe chạy từ từ. Nó vẫn đang lưỡng lự.

- Hình như em thấy có người bị tai nạn hay sao ấy. Thấy có hai người nằm dưới hố. Đằng xa có cái mô tô.

Xe dừng hẳn. Lúc đó cũng đã qua cái điểm nó nhìn thấy được vài trăm mét. Bên kia con mương, mấy người đi đường gọi nó:

- Có người bị rớt xuống hố kìa!

Thằng Dần quay đầu xe. Nó ra hiệu cho ba xe khác trong đoàn vừa chạy đến. Xe thầy Phương đi tới, nhìn rồi cũng vụt đi. Xe hai xơ Hương, Phúc cũng chạy tới, rồi đi qua như thể không có chuyện gì. Xe thầy Lâm, xơ Thắm cũng chạy mất. Chỉ còn nó với thằng Dần đang lưỡng lự.

- Giờ sao? Có lại không?

- Có. Lại đi. Em thấy chúng mình như thầy Lê-vi trong câu chuyện Kinh Thánh quá. Chúng ta là những thầy Lê-vi.

Hai đứa đã đến chỗ tai nạn. Đã có hai người đi đường khác dừng lại, xuống và đỡ nạn nhân dậy. Hình như họ là hai mẹ con. Người mẹ máu me bê bết, khuôn mặt đầy máu tươi đỏ hơn cả chiếc áo màu đỏ mận bà đang mặc. Người con trai lớn cũng cố ngước mắt nhìn mẹ. Vừa lúc đó, xe của thầy Lâm cũng quay lại.

Nó, vẫn ngồi trên xe máy. Cả bốn “thầy”, “xơ” nhìn nạn nhân với cái nhìn thương hại, tội nghiệp, nhưng không ai đủ can đảm để nhảy xuống cứu nạn nhân.

- Chú ơi, chú chở họ đi bệnh viện được không?- Một trong hai người thanh niên khỏe mạnh xuống cứu người nói vọi lên với thầy Lâm.

Đã có thêm hai chiếc xe khác dừng lại.

- Nhưng chúng ta là người ở xa, không phải dân làng này, có biết bệnh viện ở đâu đâu. Thôi về đi.

Thầy Lâm nói nhỏ với mấy đứa trong đoàn, rồi phóng xe chạy trước.

- Thôi, ta cũng về đi, có nhiều người ở đây rồi. Họ sẽ giúp.

Thằng Dần nói an ủi nó, rồi hai anh em cũng phóng xe chạy, để lại đằng sau lưng hai người bị nạn và mấy người Samari tốt lành.

Nó nín lặng, chẳng nói gì. Ngồi trên xe mà lòng nó dằn vặt, bứt rứt không yên. Nó cũng chẳng đọc kinh lần chuỗi nữa. Nước mắt chực trào. Rồi xe cũng về lại xứ Ngọc Long tự lúc nào.

Sáu người kia đã về đến nơi trước, đang đứng đợi. Thấy nó với thằng Dần đến, thầy Phương cười khẩy:

- Tưởng là chị Hoa ở lại cứu người.

Trời! nó đang buồn muốn chết được vì hành động vô cảm của mình, mà lại nghe câu nói đó từ thầy lớn tuổi nhất, lòng nó đau như có con dao đang chọc xoáy vào tim. Nó làm thinh. Mấy người xì xào, bàn tán về vụ tai nạn.

Người thì bảo rằng thấy chị Hoa chỉ nhưng nhìn chẳng thấy gì.

Người thì nói tội nghiệp hai mẹ con nhà ấy.

Rồi thầy Phương kết luận: Thấy đó, nhưng mình là người ở xa. Bây giờ đưa họ vào bệnh viện, nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp chẳng kịp về nhà. Rồi lỡ họ mê sảng và nói linh tinh thì rắc rối lớn.

Nói rồi thầy Phương lấy điện thoại gọi lại cho cha để chúc tết và chào về. Quãng đường xa bảy, tám chục cây lại hiện ra trước mắt. Trời vẫn lạnh, và nắng chang chang. Những tia nắng buổi chiều chiếu thẳng vào mặt những người đang chạy ngược về miền núi như nó. Một chuyến đi dài, không gặp được cha, và nó đánh rơi mất Chúa. Hồn nó bất an…

***

Hôm nay đã là mồng sáu tết. Tỉnh dậy từ giấc mơ kinh hoàng đó, nó đã kịp uống li nước và nhớ lại mọi chuyện. Rồi nó đến nhà xứ gặp cha.

- Chào xơ mi ni, đến chào cha để đi rồi à?

- Dạ, cha đừng gọi con là xơ, con xấu hổ lắm. Thưa cha, con đến chào cha, tối nay con vào lại Nhà Dòng ạ. Nhưng còn một chuyện quan trọng hơn cả, con muốn xưng tội.

- Thưa cha, con đã không cứu người bị nạn cần sự giúp đỡ.

Cha lắng nghe câu chuyện của nó, rồi khuyên giải: “Chúa không ích kỉ như trong giấc mơ của con đâu. Cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Con hãy về bình an, và hãy đi thực thi lòng thương xót với những người con gặp”. (Ga 8, 11 ; Lc 10, 37)

Mã số: 16-087
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 8