Tình duyên Công giáo (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1402 | Cật nhập lần cuối: 8/8/2016 1:42:38 PM | RSS

Tình duyên Công giáo (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Ngồi đờ đễnh trên chiếc ghế xổm bên ly cà phê vỉa hè, điếu thuốc anh kẹp hờ hững ở tay đã ngốn gần tới đót buông thòng xuống như cây cuối mùa hạn, chốc chốc từ điếu thuốc lại rơi rụng thứ tàn tro xám xịt nằm vương vãi trên nền gạch lát đường. Ngoài chị chủ quán ra, thì chẳng ai biết anh ngồi đó tự bao giờ, mà có lẽ cũng chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến sự hiện diện của anh. Thi thoảng, anh lại đưa mắt hướng xa xăm về phía bùng binh đối diện, nơi xe cộ đang vồn vã xoay vòng rồi bủa ra các nhánh đường quanh nó, anh chợt thấy đời anh tựa như chiếc xe đang len lỏi trong dòng xe kia nhưng chẳng biết phải rẽ hướng nào, nó chật chội, ngột ngạt đến khó thở. Màn sương mỏng buổi sáng hòa lẫn với khói thuốc đặc sánh quánh lấy con người anh khiến bất cứ ai đi ngang qua cũng dợn dợn rùng mình bởi cái vẻ ảm đạm, phiền muộn toát ra từ anh. Mặc cho tiếng còi xe đang kêu inh ỏi, tiếng rồ ga rồi ngay sau đó lại thắng riết lên ken két trước mặt, anh cũng chẳng để ý đến. Anh nhếch miệng cười khẩy một cái, tự hỏi: “Chuyện sao thành ra thế này hả Minh?”, rồi lại thở dài một cách nặng nề. Anh mỏi mệt vội gạt chúng qua một bên, rồi thả tâm trí mơ màng với những kỷ niệm vui buồn của anh với Thy, chúng lướt qua tâm trí thật nhanh, mờ mờ ảo ảo nhưng anh có thể cảm nhận được từng ánh mắt, nụ cười và giọng nói ngòn ngọt đậm chất miền tây của Thy.

Anh nhớ cái ngày lần đầu tiên vào Sài Gòn dự thi Đại học, anh đã rất háo hức xen lẫn lo lắng, rồi niềm vui như vỡ òa khi anh nhận được giấy báo nhập học từ chính ngôi trường mà anh ao ước mấy lâu. Anh có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc trên gương mặt của ba mẹ anh, đó không còn là gương mặt đỏ ửng vì nắng sau mỗi buổi chiều từ cánh đồng về, nhưng là gương mặt rạng ngời hạnh phúc vì biết tin anh đậu Đại học Y Dược TP.HCM. Cầm tờ giấy nhập học trong tay, ba anh cười lớn đầy tự hào, rồi quay sang nói với mẹ anh: “Như thế này thì phải làm một bữa cho ra trò để ăn mừng chứ, phải không em?”. Mẹ xoa đầu anh, hớn hở: “Để Chúa nhật này, mình xin một lễ tạ ơn Chúa, rồi làm một bữa ăn mừng…Có phải ai cũng đậu được Đại học Y như con mẹ đâu!”. Nghe ba mẹ nói, anh như mở cờ trong bụng, vui sướng cười tít cả mắt. Trong khi đó, hai đứa em của anh cứ không ngớt xuýt xoa khi nhìn vào bảng điểm, thì ba anh bảo: “Này, thấy anh Hai bây sao? Hai đứa cứ nhìn đó mà cố gắng học tập, rồi cũng sẽ có ngày vào được trường đó với anh Hai”.

***

Bảy năm Đại học là 7 năm anh thực sự cảm nhận được sự vất vả, hy sinh của ba mẹ và các em dành cho anh. Ngày nhập học, ba mẹ anh phải bán bầy heo và mượn thêm dì dượng mới đủ tiền cho anh mang theo đóng học phí và chi tiêu sinh hoạt trong những ngày đầu. Đó là một số tiền lớn đối với gia đình anh, vì thế, nó được mẹ anh chia thành nhiều phần nhỏ giấu kỹ ở mọi nơi trên người anh. Anh được cha sở giới thiệu cho một gia đình Công giáo gần trường nên giá nhà trọ cũng tương đối rẻ. Hôm anh đi, mẹ anh khóc suốt vì để anh đi một mình, mẹ cứ nài ba anh: “Hay là anh đi theo với con vô đó coi thử chổ ăn, chổ ở thế nào rồi về, chứ để con đi một mình như thế này, em không an tâm!”. Rồi mẹ anh ôm lấy anh khóc như rằng sẽ không còn được gặp lại anh nữa: “Con đi một mình vậy có được không con, lỡ có chuyện gì thì mẹ sống sao?”. Mẹ anh cứ khóc như vậy cho tới lúc xe chạy. Hành trang của anh ngoài một va ly áo quần, mùng, mền và mấy cuốn sách giáo khoa như bao tân sinh viên khác, thì anh còn có một mớ đồ lỉnh kỉnh nặng trịch gồm một bao gạo 25 ký, một hủ ruốc và một hủ muối xả với lời dặn: “Vào đó, nếu chưa biết chổ nào nấu ăn vệ sinh thì cứ nấu cơm ăn tạm như vậy đã, chứ ăn bậy bạ lại đau bụng rồi lỡ học”. Theo sự hướng dẫn của các sinh viên tình nguyện, anh đón xe buýt tới con đường chính, rồi từ đó, anh vác va ly và bao gạo trên vai men theo con hẻm dài ngoằn ngoèo tìm địa chỉ. Anh lê những bước đi nặng nhọc và có cảm tưởng như đôi vai anh sắp gãy rời ra bởi sức nặng của bao gạo. Chúng lồm cồm xuề xòa choán hết đôi vai của anh khiến anh muốn đổi bên cũng không được. Mệt quá, anh đành tựa bao gạo vào đường gờ của vách tường rào bên đường. Thấy có một đám bạn nữ đi tới, anh nhanh nhảu: “Mấy chị ơi, cho em hỏi nhà trọ cô Dung, số 234/7 ở đâu vậy?”.

Anh vừa hỏi dứt câu thì cả đám tỏ vẻ ngạc nhiên cười rúc rích, một cô trong đám đằng hắng gân cổ đáp: “Nè! Anh gì ơi! Anh gọi ai là mấy chị vậy?”.

Anh ấp úng: “Dạ, em mới tới nên không rành đường lắm. Chị cho em hỏi…”.

Anh chưa kịp nói hết câu, thì một cô khác cười nói: “Tụi này cũng mới tới đây trước anh có ba ngày thôi anh ơi!”.

Cô khác đứng đằng sau nói: “Vừa phải thôi tụi mày, đừng đùa nữa, biết thì chỉ cho người ta, chứ người ta còn vác đồ nặng, mồ hôi nhễ nhãi kia kìa”. Nghe cô này nói thế, mấy cô khác mới nhận ra bộ dạng đáng thương của anh. Chợt một cô lên tiếng: “Nhà trọ cô Dung hả? Sao nghe giống nhà trọ đối diện nhà mình vậy hơ!”. Cô khác vội đáp: “234/7 hả?... Đúng rồi chớ còn gì nữa…. Anh đi theo tụi em, cũng gần tới rồi”.

- Vậy thì may quá, cảm ơn các chị! - Anh mừng rỡ reo lên, xóc xóc lại hai túi đồ trên vai quên hết cả đau.

- Sao anh cứ gọi tụi này là chị hoài vậy! Tụi này mới sinh viên năm nhất thôi.

- Cũng chưa phải là sinh viên năm nhất đâu anh, tụi em chỉ mới vừa mới tới trường đóng học phí thôi.

Cũng từ ngày đó, anh quen Thy, chính Thy là người đã nhận ra anh đang vác nặng hôm đó. Anh với Thy học chung trường nên thường đi cùng tuyến xe buýt, cùng đi chung con đường, và cùng tham gia các chiến dịch mùa hè xanh. Thy có dáng người nhỏ nhắn với làn da trắng ngọc miền sông nước, và bờ mi dài cong cong ôm trọn đôi mắt ướt nổi bật trên gương mặt hiền. Nhưng anh yêu Thy không phải vì vẻ đẹp đằm thắm bên ngoài đó, mà chính là tâm hồn và tính cách của Thy. Chỉ có một điều khiến anh bận tâm là gia đình Thy là người ngoại giáo. Suốt 7 năm Đại học, dường như mỗi lần có dịp mẹ anh đều nhắc: “Có quen ai thì phải quen người Công giáo cho mẹ”. Có lẽ mẹ anh sợ anh cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát như vài người lấy vợ đạo theo trong xứ. Biết mẹ hay lo nên anh giữ kín chuyện anh quen Thy suốt những năm Đại học. Ngày nhận bằng tốt nghiệp là một ngày ngập tràn niềm vui khi hai gia đình gặp nhau tại trường và chấp nhận chuyện tình cảm của anh với Thy. Hôm đó, mẹ anh thỉnh thoảng lại giật giật tay anh xuýt xoa khen Thy hết lời, nào là dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép, gia đình thì tử tế. Anh nghe mẹ khen mà lòng sướng rơn, thầm cảm ơn Chúa đã cho anh gặp được Thy, và mẹ anh cũng yêu mến Thy.

***

Mặc dù Thy luôn đi lễ cùng anh, nhưng anh luôn cảm thấy ngại mỗi khi muốn đề cập với Thy việc theo đạo Công giáo. Anh muốn để Thy tự nguyện theo đạo khi Thy đã thực sự có niềm tin vào Chúa bởi anh biết đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Một lần sau thánh lễ, anh với Thy ra cầu nguyện trước đài Đức Mẹ, anh nhìn Thy rồi ngập ngừng hồi lâu: “Ờ, Thy nè, anh nói chuyện này, em đừng buồn mẹ anh nha?”.

- Anh cứ nói đi, chuyện gì mà anh cứ ấp úng hoài vậy?- Thy ngạc nhiên đáp.

- À, ngay từ hồi anh vừa vào Đại học, mẹ anh luôn dặn anh quen ai thì phải quen người Công giáo thôi. Nhưng người anh yêu không phải là người Công giáo. Anh chỉ muốn hỏi em….ờ..ờ”.

- Anh muốn em theo đạo phải không?

- Không phải, à…thì dĩ nhiên anh muốn, nhưng anh muốn hỏi ý kiến em vì anh nghĩ niềm tin thì không thể ép buộc được.

Nhìn nét mặt quan tâm của anh, Thy càng yêu anh nhiều hơn. Anh lúc nào cũng vậy, luôn nghĩ cho người khác. Ở bên anh, Thy luôn có cảm giác bình an, được yêu thương và ấm áp. Cô nắm lấy tay anh đưa lên má, mỉm cười: “Trước đây, ba má em cứ có ác cảm với đạo Công giáo vì nghe người ta nói theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên. Nhưng em thấy giáo lý bên đạo đâu có dạy vậy?”.

- Ủa, mà sao em biết giáo lý bên anh hay vậy?

Thấy anh chăm chú, Thy cười đáp: “À, nhà em cũng ở gần nhà thờ, nên hồi nhỏ em thường đến đó chơi với chúng bạn. Thỉnh thoảng rãnh rỗi, em cũng đi lễ chủ nhật, rồi còn lẻn vào học giáo lý cùng với tụi nó cho biết bên đạo dạy gì… Đạo của anh, có nhiều điều em không hiểu, định có dịp sẽ hỏi anh đó”.

Anh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, lòng mừng thầm: “Vậy em giải thích sao cho ba mẹ em hiểu bên đạo anh không bỏ ông bà tổ tiên hay vậy?”.

- Thì em nói con thấy nhà mình chỉ cúng ông bà ngày sóc, vọng, rằm, hoặc ngày kỵ, ngày giỗ, ngày tết. Còn bên Công giáo nhớ đến hằng ngày khi đọc kinh hay tham dự lễ, và mỗi lần ngày giỗ, ngày chạp vẫn xin lễ cầu cho người quá cố. Như vậy thì đâu có bỏ quên tổ tiên ông bà”. Nghe Thy nói mà anh thầm cảm phục và cũng cảm thấy thẹn hết sức vì nếu cho anh nói thì chưa chắc anh đã biết nói như Thy.

- Đúng rồi, nhiều người vẫn nghĩ theo đạo Công giáo là bỏ ông bà cha mẹ. Nhưng thật sự đâu phải vậy.

Thy ngồi tựa đầu vào vai anh, rồi tiếp: “Em thích nhất là lúc quỳ gối thinh lặng cầu nguyện á. Khi đó, em cảm thấy tâm hồn thật bình an, cảm giác đó lạ lắm anh. Ở đây, em đi lễ với anh riết, nên mỗi lần về nhà, em cũng đến nhà thờ để cầu nguyện với Chúa cho ba mẹ em, cho anh và cho em nữa”. Chợt Thy im lặng ngẫm nghĩ rồi hỏi: “Em thấy trên đời này phải có một Đấng quyền năng như Chúa của anh mới phải, đúng không anh?”. Nghe Thy nói mà anh như muốn hét lên sung sướng, anh không ngờ Chúa đã quan phòng cho người anh yêu được biết Chúa, và anh thấy hổ thẹn vì chưa lần nào anh thật sự tự đến nhà thờ để cầu nguyện như Thy. Chợt nét mặt anh chìm xuống bởi anh biết dù nói gì đi nữa thì Thy vẫn là người ngoại giáo và mẹ anh sẽ không chấp nhận Thy. Nhưng anh vẫn luôn cầu nguyện và hy vọng.

***

Anh thường nghe mẹ dặn thế, chứ anh đâu nghĩ mẹ anh lại cương quyết như vậy. Đó không phải lời khuyên suông cho có, nhưng với mẹ anh, đó như là điều kiện tiên quyết để người anh yêu có thể trở thành con dâu của mẹ. Anh chưa kịp giải thích thêm gì thì từ đầu dây bên kia, mẹ anh đã nổi giận, gằn giọng quát: “Mẹ nói con sao? Con không coi lời mẹ ra gì hay sao, hả? Biết bao người có đạo không quen mà đi quen người lương, hết con gái rồi hay sao? Con cứ nhìn mấy đứa lấy vợ lương coi…vui thì nó ở, không vui thì đòi li dị,… mà li dị thật. Mẹ không muốn con mẹ cũng như vậy, rồi còn cháu của mẹ nữa… Nghe mẹ, mẹ nói không được là không được”. Anh chưa kịp nói gì về Thy, thì ở đầu dây bên kia, mẹ anh đã dập máy chỉ còn lại tiếng “tít tít” liên hồi. Anh đứng đờ người ra, lòng rối bời.

***

- Con đừng nói nữa, ai chứ Thy thì không được, nhất định Thy không thể trở thành con dâu của cái nhà này được.- Mẹ anh cương quyết.

Anh nài nỉ: “Nhưng Thy khác mà mẹ, chẳng phải mẹ đã mến cô ấy ngay từ lần gặp mặt đầu tiên đó sao? Và mẹ cũng khen cô ấy hết lời nữa”.

Mẹ anh quay đi: “Khi đó mẹ tưởng nó là người Công giáo, mẹ tưởng con nghe lời mẹ quen người có đạo nên mẹ mới đồng ý”.

- Nhưng Thy mến đạo Công giáo. Cô ấy cũng muốn theo đạo mà mẹ. Tuy chưa theo đạo, nhưng Chúa nhật nào, Thy cũng đi lễ hết đó mẹ.- Anh cố thuyết phục, nhưng dường như không thể thay đổi được gì.

- Con thấy mấy đứa lấy chồng theo đạo coi? Lúc mới yêu nhau, đứa nào chẳng đi nhà thờ. Lấy nhau được hai ba năm mà cãi lộn thì đòi li dị. Con coi còn lễ lược gì nữa không? - Thấy anh im lặng lắng nghe, mẹ anh dịu giọng: “Không phải mẹ ghét bỏ gì con Thy hết, nhưng nó là người lương không cùng niềm tin với mình, mà đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng xuôi thuyền mát mái và thơ mộng như khi yêu nhau… Con phải nhớ là Công giáo mình chỉ được chọn, chứ không được đổi đâu con à”.

- Mẹ ơi, con biết điều đó, nhưng con hiểu Thy. Cô ấy không phải chỉ đi lễ khi quen con đâu. Nhưng đi lễ từ khi còn ở dưới quê cô ấy lận.- Anh cố nài nỉ, thuyết phục nhưng chưa kịp nói hết câu, mẹ anh hằn giọng ngắt ngang: “Thôi đủ rồi, mẹ nói không được là không được”.

Ba anh thấy vậy, bước đến kéo anh lại, vỗ nhẹ lên vai anh: “Thôi con, mẹ đang nóng. Cứ thư thư đã. Còn có ba đây mà, để ba lựa lời nói với mẹ”. _Anh ngước nhìn ba, gật gật đầu, bước ra hiên, rồi không hiểu sao anh đi thẳng lên nhà thờ. Tới nơi, anh chợt nhớ đến Thy và những lời Thy nói. Giữa trưa, nhà thờ vắng tanh và yên lặng đến lạ, không gian dường như chỉ dành riêng cho anh và Chúa. Anh quỳ gối, nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá và thì thầm cầu nguyện. Trời đã xế chiều, anh quỳ đó như quên thời gian. Anh không biết nước mắt đã chảy ra từ khi nào, nhưng anh đã khóc. Anh khóc với Chúa về những ưu phiền đang đè nén trong lòng anh. Nhưng bây giờ, nét mặt của anh đã tươi tỉnh hơn và lòng anh cảm thấy nhẹ nhỏm, bình an. Chợt có cánh tay nhẹ nhàng đặt lên vai anh: “Con coi có dịp nào đó, dẫn Thy về đây chơi cho biết nhà”. Anh vội quay lại thì bắt gặp ánh mắt trìu mến của mẹ với nụ cười trên môi mà anh vẫn thường thấy. Anh đứng phắt dậy, nắm lấy tay mẹ, rồi như anh không tin vào tai mình, anh lắp bắp, ú ớ: “Mẹ! thật hả mẹ. Ôi! Mẹ của con thật tuyệt vời. Con cảm ơn mẹ”.

- Mẹ chưa hoàn toàn đồng ý đâu, để coi con Thy có đảm đang không đã.- Mẹ anh vừa nói vừa lấy tay nhéo má anh một cái. Anh mừng rỡ “Dạ” một tiếng thật dài, thật lớn, rồi anh ngước lên nhà tạm: “Con cảm ơn Chúa, con tạ ơn Chúa”.

Rồi anh ôm chầm lấy mẹ, nước mắt hòa lẫn nụ cười sung sướng: “Con cảm ơn mẹ nhiều lắm, rồi mẹ cũng sẽ hiểu và yêu mến Thy cho mà xem. Không phải vì con của mẹ yêu Thy thôi đâu mà Chúa cũng yêu Thy nữa đó mẹ”.

Mã số: 16-132
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 12