Mẹ và ông thánh đa nghi - Phêrô Bùi Chí Vinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 714 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Mẹ đã cho không con hai bàn tay

Cám ơn Thượng Đế sinh ra mẹ

Mẹ cũng có hai bàn tay như thế

Bàn tay làm dấu thánh nhà thờ

Bàn tay xoa đầu lúc con tập làm thơ

Bàn tay tát nhẹ vào má con bên phải

Sao mẹ lại không tát luôn má trái

Cho con lớn khôn như cây cỏ trong rừng

Sao mẹ cứ muốn con là quả trứng trẻ con

Và mẹ cứ mãi là mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết?

 

Trên bàn tay mẹ tưởng rằng con đi hết

Mà vẫn không qua đường chỉ của cuộc đời

Những đường chỉ gầy như những nhánh sông trôi

Trên bàn tay mẹ, con lội hoài không đến

Mẹ đã hơn bảy mươi, hỡi bàn tay của biển

Biển bao dung tự tách để thành đường

Biển Đỏ của ông Môi-Sen, biển đỏ của văn chương

Biển của triệu bài thơ làm về mẹ

Trong mẹ có nhà thờ lại có thêm nhà trẻ

Vừa có Chúa thiêng liêng vừa có bố bình thường

Vừa có mười hai Thánh Tông Đồ vừa có sáu đứa con

Vừa có bầu trời lại có luôn mặt đất

Để con chạy nhảy suốt đời không sợ chật

 

Con đặt tay mẹ lên tay con

Mẹ không muốn con thành thằng bé tí hon

Bỏ vào rừng vì mẹ không nuôi nổi

Mẹ ơi, chuyện cổ tích thường xảy ra khi trời tối

Mẹ chớ lo âu kiếm một ngọn đèn cầy

Khi tay mẹ trong con, mẹ đã hóa ban ngày

Mẹ hóa mặt trời, mẹ là ánh sáng

Trong bóng tối, bàn tay con tìm bạn

Hỡi cô gái tôi yêu, bàn tay rất mịn màng

Cô có dám như tôi, xòe năm ngón tay ngoan

Đặt dưới tay mẹ trước khi mình đỏ mặt

Và hỡi Eva, người đàn bà thứ nhất

Bàn tay của người có khác mẹ và em?

 

Cho nên tôi tin, tôi tin, tôi tin

Như Chúa tin mẹ có cơn đau sinh đẻ

Như mẹ tin Chúa có cơn đau trần thế

Như con biết tin bàn tay mẹ thật thà

Có thể nào con tập giống thánh Tôma

Đặt năm ngón vào cạnh sườn của Chúa

Đặt giọt nước không đâu vào nơi sinh của lửa?

 

Lửa ở trên đầu chúng ta

Vì lưỡi lửa đã ở trên đầu thánh Tôma

Con có một thời làm ông Tôma tội nghiệp

Con hào hứng đặt tay vào giấy viết

Mà vẫn không hay lỗ hổng của cuộc đời

Đặt vào tay em chỉ thấy chuyện lứa đôi

Đặt vào tay bạn chỉ thấy tình bằng hữu

Đặt vào tay mẹ mới thấy mình tham dự

Mới hiểu mẹ Âu Cơ không khác mẹ Eva

Mới hiểu chết đi nghĩa là đang sống lại

Nghĩa là hoàn toàn như chuyện thánh Tôma.

 

 

Đức tin tôi được trui rèn như thế đấy!  
 

Tôi thuở nhỏ thuộc họ đạo Tân Định, sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể rất siêng năng dưới sự hướng dẫn của các ma-sơ và các huynh trưởng.

 

Bẵng đi hàng chục năm, tôi lớn lên trong một đất nước thời chiến và trở thành trai thời loạn, phải đấu tranh để tồn tại, phải cầm súng một cách miễn cưỡng bởi không còn con đường nào khác. Trải qua chặng thời gian bất hạnh như thế, tôi hầu như không còn tuổi trẻ, không có tương lai, chỗ dựa duy nhất là nhà thờ thì không có điều kiện để bước vào. Năm 1975 đất nước thống nhất, tôi chưa kịp dọn mình thống hối thì bị cuốn vào cơn biến động quá lớn của lịch sử. Tôi được mời cộng tác tại Thành Đoàn TP HCM, được mời vào Ban Biên Tập đầu tiên của tờ báo Tuổi Trẻ trong số ra mắt tháng   9-1975. Tôi làm việc ở đó đến năm 1978 thì một lần nữa lại phải lên đường cầm súng đánh giặc khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam nổ ra. Thú thật tôi hoàn toàn xa thánh đường, dù vẫn âm thầm đọc kinh cầu nguyện..

 

Cởi áo lính, tôi làm đủ mọi nghề để kiếm sống, kể cả nghề khó nhọc nhất là bốc xếp trên ghe ở bến cảng. Từ một kẻ xa Chúa có điều kiện, tôi trở thành một kẻ đến với Chúa thường xuyên hết sức tự nhiên, như cá cần nước, như cây cỏ cần khí trời. Tôi bắt đầu trở lại thời kỳ hồn nhiên thuở còn sinh hoạt trong Thiếu Nhi Thánh Thể.

 

Hơn 40 năm chểnh mảng việc đao, tôi bây giờ sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin bất kỳ thời điểm nào. Tôi từng làm dấu Thánh giá khi xuất hiện trên truyền hình, từng ca ngợi và tạ ơn Chúa khi hùng biện trước công chúng, từng truyền bá các dụ ngôn của Người đến với những người chưa tin mà không hề lo lắng, sợ hãi. Tại sao tôi có những thay đổi 180 độ đến thế ? Câu trả lời rất đơn giản: Chúa và Đức Mẹ luôn luôn có mặt trong mọi thành bại của tôi, từ thơ văn, tiểu thuyết, bộ truyên, các kịch bản phim, cho đến mọi công việc “vác thánh giá” để mưu sinh thoát hiểm. Tôi kể chuyện này có thể các bạn không tin, nhưng cứ mỗi lần bị đẩy đến đường cùng hoặc sắp “lên đoạn đầu đài”, tôi đọc kinh Lạy Cha (hoặc cầu xin Chúa và Đức Mẹ), là kể như mọi chuyện tai qua nạn khỏi.

 

Đức tin tôi được trui rèn như thế đấy!

 
   

 

Phêrô Bùi Chí Vinh

(Trích trong “Có một vườn thơ Đạo” tập 3, trang 447, 451-452)