Thơ người áo trắng (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2308 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đọc thơ người áo trắng


Anh bạn Huệ Khải (người chủ biên tập Thơ Người Áo Trắng này) ghé nhà chơi, trao cho bản thảo tuyển tập thơ mà anh cho biết đang chuẩn bị in trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, đề nghị tôi viết mấy lời giới thiệu. Chương trình này tôi đã từng biết đến từ lâu rồi, nhưng thật tình, khi nghe nói thế, cảm giác đầu tiên của tôi là bối rối, định tìm cách nói quanh để tránh né nhưng chưa kịp tìm ra câu diễn đạt sao cho vừa có tính thuyết phục cao, vừa không phụ lòng tin cậy của bạn.


Lý do, phần vì bận, nhưng phần khác quan trọng hơn, tôi thật sự lúng túng chưa biết sẽ viết cách nào, bởi tự biết bản thân không có sở trường về làm thơ cũng như thưởng thức, phân tích thơ. Phần khác nữa, khi nghe nói đến thơ của anh em đạo Cao Đài, khởi đầu tôi có ý hơi ngờ vực, vì đã quen theo lối nghĩ, thơ văn của các tín hữu Cao Đài thường chỉ là những câu chữ ghép lại cho có vần, vốn được coi như hình thức hay phương tiện để rao giảng đạo đức, truyền bá giáo lý, cốt sao cho các đồng đạo dễ thuộc dễ nhớ, chứ về mặt văn chương, nghệ thuật thì các tác giả ấy dường như cũng chưa quan tâm đến mấy.


Nghĩ vậy, nhưng một khi vì lý do tế nhị này khác không thể từ chối được thì phải nhận, và phải đọc!


Chỉ sau vài ngày, luồng suy nghĩ như trên của tôi đã có phần thay đổi, khi tự buộc mình phải tạm gác lại mọi định kiến để lật giở từng trang thơ thưởng thức. Đọc qua mới thấy, thơ của anh em đạo Cao Đài ngày nay đã có những nét thanh tân đặc biệt, khác hẳn với lối thơ ca giảng đạo như tôi đã biết. Ngẫm kỹ lại thì tình hình tốt đẹp này cũng có những lý do rất tự nhiên thôi, trước hết do bối cảnh thời đại bây giờ có khác. Với lại, một cách căn bản hơn, một người dù đi theo tín ngưỡng nào cũng đều tồn tại cùng lúc với nhiều nhân cách khác nhau, là tín đồ Cao Đài nhưng cũng là người cha, người mẹ, người bạn, người con; khi theo đuổi một nghề nghiệp nào đó thì họ còn là cô hay chú sinh viên, ông bác sĩ, thậm chí người hốt rác, anh bán vé số… với tâm tư tình cảm và sự rung động giống như hết thảy mọi người, vậy đâu có bất kỳ sự giới hạn nào để bảo họ không thể làm thơ hay được.


Nhưng làm thơ hay hoặc chưa hay là do ở tư tưởng, tình cảm, độ thấm sâu rung cảm trước những sự vật và tình huống cuộc sống, cộng với năng khiếu biểu đạt bằng những câu chữ được kết nối khéo léo rồi phát ra một cách tự nhiên với ý vị văn chương, nghệ thuật. Nếu thiếu tình cảm chân thật, bài thơ không thể truyền được sự xúc cảm sâu xa nơi lòng người khác. Tất nhiên vẫn không thể loại trừ vai trò của kiến thức, kinh nghiệm, ít nhất cũng một số kiến thức tối thiểu về cách gieo vần chẳng hạn, nhưng để làm thơ hay không thể chỉ thông qua sự truyền thụ kiến thức – kỹ năng như những môn học khác mà làm được, cho nên một ông tiến sĩ văn chương vẫn có thể làm thơ dở ẹc, không bằng một người bình dân ít học mà có năng khiếu, tư tưởng tình cảm dạt dào phong phú.

Nghĩ vậy rồi, tôi bắt đầu giở vô những trang đầu tiên, thấy bài Không Đề của Cát Tường:


Tôi là cây cỏ

Người là hướng dương

Ai đâu thấu tỏ

Cỏ cũng như người.


Bài thơ dường như có một chút gì gọi là “đạo vị”, đọc lên cảm thấy lâng lâng man mác, mà không cần nhắc tới những chữ như Đạo, Thượng Đế, Cao Đài… trong đó.


Đến cuối tập, lại thấy xuất hiện một bài trùng tên Không Đề, nhưng của tác giả khác, Võ Văn Pho, với bốn câu thơ vần điệu hoàn chỉnh, lời lẽ bình dị nhưng ý tứ thanh thoát, mô tả được thái độ ung dung đạt quan của một người hiểu đạo trước hiện thực cuộc sống vốn dĩ đa tạp và đầy những tình huống gay go bất như ý:


Nổi chìm cũng thể cuộc chơi

Bấp bênh là những nẻo đời buồn vui

Díu dan mấy bận khóc cười

Ngẩng nhìn mây trắng bên trời lang thang.


Tên tập thơ đã cho thấy thành phần tác giả và khuynh hướng chung về tư tưởng của họ. Lẽ tất nhiên, với người có lý tưởng và tình cảm tôn giáo sâu đậm mà làm thơ, như nhiều tác giả trong tập thơ này, thì nội dung thơ có khác hơn so với người không tôn giáo gì cả. Trong thơ của họ nói chung ít khi thoát ly khỏi những yếu tố mang màu sắc tôn giáo, với bóng dáng của thánh thất, xóm đạo, hoạt động tu tập, thánh lễ, việc cầu kinh, hành thiền, mùi đạo, lòng từ bi vị tha, tình cảm đối với Thầy và đồng đạo, lẽ vô thường, lẽ sống theo quan điểm tôn giáo đã được tín ngưỡng… Nhưng trên hết là hoài bão thiết tha vươn tới bằng sự kiên trì tu tập được chỉ dẫn bởi các bậc tôn sư để vượt thoát những cái tầm thường trong cuộc đời nhằm vào lý tưởng hiện thực hóa một đời sống viên mãn thánh thiện cho bản thân mình và cho những người khác, trong một thế giới khoan dung, hòa bình, an lạc.


Bài Thơ Thiên Đạo Đại Thừa của Hàn Ngọc đã nói lên một cách khá rõ lý tưởng của người tu đạo Cao Đài:


Bài thơ thiên đạo đại thừa

Là thơ đã dứt nắng mưa trong lòng

Ý thơ vượt khỏi thời không

Tình thơ phá chấp giữ lòng như như

. . .

Nên thơ thiên đạo đại thừa

Là thơ thoát tục, là vừa tình thương.


Ước mơ về một thế giới đại đồng, vốn là lý tưởng của Đại Đạo, trong đó mọi người đều chung sống đoàn kết thương yêu nhau, đã được bày tỏ một cách thiết tha trong bài của Huyền Chơn:


Trong mơ ta thấy Thiên Đường

Dựng nơi lòng một phố buồn đài trang

Qua rồi cảnh ngộ hèn sang

Kẻ giàu người khó rộn ràng nhục vinh

Trời xanh, xanh sắc thanh bình

Anh em chỉ biết nhận nhìn nhau hơn.


Cùng một ý tưởng như vậy, nhưng được diễn tả một cách duyên dáng, dễ thương bằng thứ ngôn ngữ giàu âm thanh, nhiều chất thơ và hình tượng nghệ thuật hơn, mà người đọc, nhất là tín hữu trong Đạo, không thể không xao xuyến nhẹ nhàng theo từng câu thơ của Kim Anh trong bài Tâm Ca Áo Trắng:


Dịu dàng áo trắng chung chiêng

Em về thánh thất tịnh nhiên cõi lòng

Chắp tay nguyện giữa thinh không

Từ bi hoa nở kết vòng yêu thương.

Hẹn nhau chung một con đường

Đại đồng thế giới mười phương hòa bình

Thiết tha vun cội nhân sinh

Gieo trồng quả phúc hiện tình Chí Tôn.


Đọc hai câu Dịu dàng áo trắng chung chiêng / Em về thánh thất tịnh nhiên cõi lòng và mường tượng một cô gái có bóng dáng thon thả đi lễ thánh thất trong bộ áo dài trắng thướt tha, sẽ không ai dám chắc mình chẳng bị một phút chạnh lòng rung động nhưng với một tình cảm tôn giáo thuần nhiên cao khiết không vương mùi tục lụy…


Nỗi khắc khoải về vũ trụ nhân sinh, thân phận con người trong thế giới biến ảo vô thường, và từ đó cần khẳng định cho mình một sự lựa chọn dứt khoát theo hướng tu hành tìm phương giải thoát, dường như là một trong những nội dung quan trọng được nhiều tác giả lặp đi lặp lại ở rất nhiều bài thơ trong suốt toàn tập, như ở bài Hỏi của Nguyễn Quốc Huân:


Đợi rảnh rỗi ta lại về hỏi cỏ

Sắc thu vàng đầu ngõ đã ươm chưa

. . .

Chưa rảnh rỗi ta vẫn về tự hỏi

Ta là ai trong vạn kiếp phù sinh?

Đường thiên lý loanh quanh chùn chân bước

Phút tâm an ta chợt gặp chính mình…


Hoặc bài Từ Thuở Làm Người của Trần Dã Sơn:


Hỏi rằng sinh ở nơi đâu?

Thưa từ cơ ngẫu ban đầu mà ra

. . .

Hỏi rằng ta vẫn là ta?

Thưa lăn lóc lắm, phôi pha đã nhiều

. . .

Bây giờ gặp hội Thiên khai

Bây giờ nương bóng Cao Đài mà tu.


Tuy nhiên, không phải bài nào trong cả tập thơ cũng nói lên hoài bão, lý tưởng cao xa, hay luận bàn vũ trụ nhân sinh bí mật, trái lại vẫn có không ít bài thơ chỉ mô tả những việc đời thường trong cuộc sống hằng ngày, nhưng bài nào cũng thấm đẫm mùi đạo vị, giàu tình cảm, như khi Nam Hồ mô tả tiếng chuông chiều trong xóm đạo:


Vầng dương gác phía non ngàn

Hương trầm thơm dịu tỏa lan xóm nghèo

Lời kinh nhịp phách thân yêu

Hồn dâng theo tiếng chuông chiều Thiện Gia.


Rồi cũng chỉ những tiếng chuông, sân chùa, câu kinh… đó, nhưng đã được Võ Văn Pho nâng lên, thi vị hóa khéo đến tuyệt đỉnh, với một tâm thức đầy lãng mạn, trong bài Sáng Nay, đặt ở vị trí cuối tập:


 Lá sương đẫm tiếng chuông ngân

 Hàng cây thức giấc phân vân như là

 Sân chùa chẳng phải hôm qua

 Câu kinh cũng mới như vừa sáng nay

 Hướng lòng nguyện đón một ngày

 Nghiêng theo cánh gió đầy tay bụi hồng

 Tôi cầm tôi với mênh mông

 Đón bình minh gọi bềnh bồng ra đi…


Nội dung phong phú đa dạng nhưng chất lượng nghệ thuật không đều có lẽ là điều khó lòng tránh khỏi cho tập thơ này, bởi đây là một “hiệp tuyển” của nhiều tác giả ở những độ tuổi, thế hệ khác nhau, nhưng dường như đã có dấu hiệu xuất hiện một thứ lãng mạn Cao Đài Giáo bàng bạc trong tất cả những bài thơ được tuyển chọn, và điều đó cho phép chúng ta xác tín trong tương lai sẽ có một nền văn chương – văn hiến – văn hóa Cao Đài mang tính đặc thù của người Việt, hoàn toàn tương xứng với khả năng phát triển ngày càng sâu rộng của tôn giáo Cao Đài.


Về mặt hình thức, thơ trong tập Thơ Người Áo Trắng thuộc nhiều thể loại khác nhau với thủ pháp nghệ thuật biểu hiện đa dạng. Nhiều nhất có lẽ là thơ lục bát sở trường của người Việt, dễ phổ biến, rồi đến thất ngôn, bát ngôn, thơ tự do. Đây không phải chỗ để phân tích dài dòng về đặc điểm nghệ thuật của các bài thơ, mà muốn làm việc này tôi tự cảm thấy cũng không đủ khả năng chuyên môn. Chỉ xin nói lên rằng, nếu gọi thơ Cao Đài thì đây đúng là một tập thơ Cao Đài mang tính hiện đại với trình độ nghệ thuật tương đối cao, mang lại cho người đọc một sự cảm thông dễ chịu dù người đọc đó không phải là thành viên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.


Vì thế tôi đã hết do dự khi viết những dòng như trên, vừa để chìu theo được yêu cầu viết giới thiệu của ông bạn Huệ Khải, vừa thành thật bày tỏ mối thiện cảm của người ngoại đạo đối với một hiệp tuyển thơ có thể coi là đầu tiên của những nhà thơ là tín hữu đạo Cao Đài tại Việt Nam.

 16.7.2013

Trần Văn Chánh

Trích "Thơ người áo trắng", NXB Tôn Giáo 2013, tr. 10-16.


= = = = = = = = = =

* Tin bài liên quan:

 

Thơ người áo trắng - Giao cảm